HỒ SƠ VẬN ĐỘNG CHO HƯỚNG TRANH ĐẤU BẦU CỬ THẬT - HIỀN TÀI THẬT

Nguyễn Văn Thạnh

1. Nhận diện một nguyên tắc chính của dân chủ

Khi bàn về vấn đề dân chủ, chúng ta, nhất là đông đảo người dân thường lạc lối vào những lý luận hàn lâm. Kết quả của các lý luận hàn lâm là làm cho người dân chán nản, mất phương hướng và không biết nên hành động như thế nào.

Trong mớ bòng bong lý luận đó, chúng ta chỉ cần xác quyết một điều giản dị, dễ hiểu như sau “dân chủ là chính quyền thuộc nhân dân”. Nhân dân ủy quyền cho chính trị gia thông qua bầu cử. Đây là nguyên tắc số một của nền dân chủ. Dân không bầu, không có quyền.

2. Bầu cử thật - hiền tài thật

Con người, với bản tính ích kỷ của mình, chỉ lo nghĩ đến những điều lợi ích thiết thực, gần gũi với mình. Tuy nhiên, khi chúng ta sống chung với nhau, có những lợi ích chung mà chúng ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Một trong những lợi ích chung đó là hiền tài lãnh đạo đất nước. Cách đây hơn 570 năm, cha ông chúng ta đã nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” (Thân Nhân Trung).

Những khốn khổ mà người dân Việt Nam hiện nay phải gánh chịu như: đói nghèo lạc hậu, ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại, tắt đường, tai nạn giao thông,… có nguyên nhân sâu xa không gì khác hơn là chúng ta thiếu hiền tài làm việc nước.

Ngày này, để có hiền tài, phải qua bầu cử thật. Chúng ta cần thuyết phục công chúng lợi ích này để họ góp công, góp sức tranh đấu cho một tương lai chung.

Có bầu cử thật thì chúng ta sẽ không còn cảnh chướng tai gai mắt như: cả họ làm quan, hay cảnh con ông cháu cha chễm chệ trên các ghế quyền lực đục khoét đất nước.

3. Lý lẽ cho những ngụy biện (nhằm giúp công chúng sáng tỏ trước những ngụy biện của thế lực nắm quyền)

3.1. Chính quyền nhân dân, đi đâu mà mất?

Hồi còn ngồi ghế nhà trường và ở giảng đường đại học, một lập luận tôi hay nghe đi nghe lại là thế lực thù địch đang ngày đêm âm mưu để lật đổ chế độ ta, chiếm đoạt chính quyền rồi nô dịch nhân dân ta.

Gần như các bài học lịch sử chủ yếu xoay quanh vấn đề này. Mỗi khi chính quyền bị thế lực bên ngoài chiếm giữ thì nhân dân lầm than, rồi anh hùng nằm gai nếm mật lãnh đạo nhân dân giành lại chính quyền. Có chính quyền nhân dân lại có cuộc sống ấm no.

Nghe riết tôi thành phản xạ vô điều kiện là tin vào luận điểm này. Thật là yên tâm khi chính quyền hiện nay nằm chặt trong tay đảng ta (đảng Cộng sản).

Năm 2011 chứng kiến cảnh người biểu tình phản đối Trung Quốc bị chính quyền đánh đập, đạp mặt, bắt nhốt,... tôi bắt đầu hoài nghi.

Tìm hiểu lại về vấn đề chính quyền, tôi thấy một điều thật dễ hiểu: thời dân chủ, chính quyền thuộc về dân; dân tạm thời ủy thác chính quyền cho một nhóm người thông qua bầu cử. Việc ủy thác này có thời hạn để dân bầu lại. Thời hạn có thể là 3, 4, 5, 6... năm, tùy nước. Thông thường là 4-5 năm.

Để bảo đảm việc ủy thác đúng thì việc bầu cử cần tự do, minh bạch, có sự cạnh tranh giữa các cá nhân, đảng phái,...

Với cách ủy thác này, chính quyền luôn ở trong tay dân, không mất đi đâu được. Vì sau mỗi nhiệm kỳ, dân có thể đá đít những nhóm cầm quyền làm việc lôi thôi, bê tha,... và giao quyền cho nhóm khác.

Rọi chiếu hiểu biết này, tôi thật sự giật mình. Hóa ra lâu nay, cái đảng này là một tổ chức trộm cắp quy mô lớn.

Ông tổng bí thư và hàng đống ông bà bí thư các cấp chẳng dân nào bầu vẫn nghiễm nhiên có quyền, nghiễm nhiên ngồi trên đầu dân.

Dưới mắt tôi, cái nhóm người này không khác gì một băng đảng trộm cắp, dối trá và bịp bợm.

Nhờ trộm cắp chính quyền mà họ "giàu rất nhanh, cỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa" (lời ông Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ).

Dưới góc nhìn này thì thế lực ngoại bang tiếm quyền (cướp đoạt quyền lực) hay thế lực nội bang trộm cắp chính quyền đều xấu xa, độc ác, tồi tệ như nhau.

Dân ta vì không hiểu nguồn gốc chính quyền, vì lo sợ bị mất chính quyền mà bị lừa dối để rồi chịu cảnh đói nghèo, tha hóa.

3.2. Chế độ đĩ miệng

Các cô gái mới lớn thường mộng mơ với bầu trời phía trước đầy thơ mộng trong tình yêu. Thời gian trôi đi, rất nhiều cô gái trong số đó ngậm quả đắng với cuộc đời dang dở.

Nguyên nhân không gì khác hơn là các cô gặp phải những chàng sở khanh.

Bằng những lời đường mật và ngon ngọt, các anh chàng này đưa các cô gái mới lớn đầy trong sáng vào cõi mộng ảo nhưng đau khổ thật.

Đó là chuyện nhân gian tình ái giữa nam và nữ mà ai cũng biết.

Nhiều người còn thốt lên, sở khanh cũng chỉ lừa được các cô nàng dễ dãi (ngụ ý đổ lỗi cho các cô hư hỏng).

Có thể là vậy, nhưng với một dân tộc thì sao?

Có chuyện một dân tộc dễ dãi, ngây thơ để bị lừa không?

Khi đi học tôi thường nghe các lời giảng "đảng ta là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nông, giai cấp cần lao", "đảng ta không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi dân tộc", "đảng ta ngày đêm chăm lo quyền lợi của nhân dân", để rồi "đảng ta là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước", rồi đảng ta không cần ai bầu vẫn cứ là đứng đầu nhân dân.

Rồi thực tế "thành viên bộ chính trị được cấp biệt thự", "cán bộ có bệnh viện riêng, có ban chăm sóc sức khỏe, có nghĩa trang riêng cho cả vợ và chồng"...

Trong bài viết trước, tôi có nói dưới mắt tôi, họ (đảng cộng sản) không khác gì một băng đảng trộm cắp qui mô lớn-trộm cắp chính quyền, còn lần này họ không khác gì những tên sở khanh đĩ miệng.

Một dân tộc bị một thế lực đĩ miệng lừa dối thì thật vừa bi thảm, vừa đáng thương.

4. Lý lẽ đúng

4.1. Tự do hôn nhân và tự do chính trị

Những người ủng hộ chế độ toàn trị hay bài bác tự do, gắn tự do với loạn lạc, với suy đồi. Mà loạn lạc thì ai cũng e ngại, cũng sợ.

Tôi thấy tiến trình đi lên văn minh của loài người mang lại hai loại tự do: tự do hôn nhân cho phụ nữ và tự do chính trị.

Tự do hôn nhân (cho phụ nữ) là quyền được chọn người yêu, người chồng theo ý mình và cả quyền ly hôn nếu cuộc sống không hạnh phúc.

Điều này, hiện nay đa số phụ nữ Việt Nam, nhất là ở thành thị có được. Có lẽ do nhiều người thấy điều này là hiển nhiên nên không thấy quí.

Lùi về quá khứ trăm năm trước, chúng ta thấy hôn nhân đối vơi chị em đầy bi kịch. Gần như chị em không có quyền gì trong việc này, thậm chí quyền ly hôn cũng không có. Chuyện phải sống cả đời với kẻ vũ phu là phổ biến.

Tự do hôn nhân mang lại chất lượng sống cho “nửa thế giới”, (thậm chỉ là “cả thế giới” vì đàn ông cũng có cuộc sống hạnh phúc khi có vợ hạnh phúc).

Tương tự như vậy, tự do chính trị đồng nghĩa với việc người dân có quyền lựa chọn người lãnh đạo cho mình; bao gồm cả quyền ly hôn-tức quyền chia tay người lãnh đạo tồi để chọn người lãnh đạo mới.

Dưới góc nhìn này, người dân VN hiện nay chưa có tự do chính trị.

Đây chính là nguyên nhân của nhiều khổ đau hiện nay dân tộc đang hứng chịu.

Hiện nay, ĐCS VN lấy lý do là có công "giải phóng" dân tộc khỏi ách ngoại xâm nên có quyền độc tôn lãnh đạo nhân dân.

Lý lẽ này thật sai trái.

Lục Vân Tiên có công cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi tay bọn cướp nhưng không có nghĩa có quyền chiếm đoạt nàng.

Cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp là việc làm chính nghĩa nhưng hủy diệt tự do hôn nhân - ép Kiều Nguyệt Nga lấy mình - là việc làm phi nghĩa.

Đạo làm người trong chuyện xưa của cụ đồ mù - Nguyễn Đình Chiểu - có làm cho tập thể BCT đảng cộng sản VN bối rối?

4.2. Trộm cắp quyền lực, trộm cắp tiền bạc, trộm cắp tương lai

Lã Bất Vi, một gian hùng thời chiến quốc của nước Tàu có nói đại ý "trồng lúa lãi 1, đi buôn lãi 10, còn buôn Vua thì không thể tính lãi".

Người Việt có câu "một người làm quan cả họ được nhờ".

Quyền lực xưa nay tạo ra nhiều lợi lộc nên luôn hấp dẫn con người. Ấy là quyền lực sai, quyền lực bị chiếm đoạt.

Dưới ánh sáng dân chủ, chúng ta biết rằng quyền lực phải thuộc về nhân dân, khi đó quyền lực phụng sự nhân dân. Quyền lực mang lại sự thịnh vượng cho dân tộc thay vì cho phe nhóm chiếm giữ nó.

Nguồn cơn gây nên cái nghèo khổ cho chúng ta hiện nay không gì khác hơn là quyền lực bị trộm cắp. Tổ chức trộm cắp không ai khác hơn là ĐCS VN.

Từ trộm cắp quyền lực, họ đã trộm cắp tiền bạc. Hãy xem quan chức chúng ta giàu có như thế nào, con cái họ học hành ở đâu thì biết mức độ và qui mô trộm cắp tiền bạc của họ.

Từ trộm cắp tiền bạc, họ đã trộm cắp tương lai của tất chúng ta.

Hiện nay mỗi người dân VN đã gánh một núi nợ trên đầu, sống trong một đất nước cạn kiệt tài nguyên, hạ tầng sập xệ, môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại. Không có tương lai khi sống trong một đất nước như vậy.

Xót xa cho ta, xót xa cho đồng bào ta.

5. Đạo làm người từ chuyện xưa

Tôi thấy đất nước trên đà tha hóa, suy vong. Loạn lạc trong xã hội, suy cho cùng là do con người sống trái đạo.

Hôm nay, tôi mượn chuyện xưa để chỉ ra đạo làm người. Kỳ vọng sẽ thuyết phục mọi người hơn.

Dân tộc ta có hành trình ngàn năm với đặc điểm nổi trội là đánh giặc giữ nước. Trong kho tàng truyện kể dân gian về chủ đề này, nổi trội nhất là truyện Thánh Gióng.

Hãy suy tư về truyện Gióng.

1. Thánh sinh ra trong bất thường: Thánh không phải con người sinh học mà là lòng yêu nước.

2. Thánh nuôi hoài không lớn: lòng yêu nước nó luôn tồn tại nhưng lặng lẽ khi xã hội bình yên. Trong xã hội bình yên ai cũng lo việc riêng tư của mình là điều hiển nhiên.

3. Thánh lớn vụt khi có loa gọi của triều đình: lòng yêu nước lớn mạnh nhanh chóng khi tổ quốc, dân tộc lâm nguy. Tất nhiên trước đó phải có truyền thông (loa gọi). Xin nói thêm bọn vô đạo trộm cắp quyền lực ra sức ngăn chặn truyền thông là vì chúng muốn ngăn cản sự lớn mạnh của lòng yêu nước.

4. Thánh ăn cơm nhà, ăn cơm làng, uống nước sông,... Đây chính là hình ảnh của đạo việc chung mà tôi nói trước đây. Mọi người, dù thời xa xưa còn nhiều mê muội đã biết mang cơm mình để Thánh ăn mà đánh giặc. Rất buồn là thời nay, nhiều người còn tăm tối, ích kỷ không nhận ra điều này.

5. Thánh đòi hỏi phải có ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt: đây là một đòi hỏi hợp lý. Lòng yêu nước cần có phương tiện mới làm được việc lớn. Đến Thánh cũng đòi hỏi điều kiện để làm việc huống gì phàm nhân.

Nhiều người không biết lẽ phải này nên ra sức phản đối khi một ai đó tranh đấu lên tiếng đòi hỏi. Với họ, cứ phải tranh đấu bằng cả tấm lòng mới đẹp. Họ cần đẹp, không cần hiệu quả.

6. Thánh quét giặc đến biên giới rồi về trời chứ không thừa thắng xông lên kiếm mớ đất giặc Ân. Đây là điều thú vị.

Thánh để lại một đạo lớn cho thiên hạ biết: bảo vệ của mình, không tham của người dù mình có sức mạnh thần thánh.

Tôn trọng quyền sở hữu-nói khác đi là không trộm cướp-là một đạo lớn của hòa bình.

ĐCS VN đang vi phạm đạo này. Họ đang dùng sức mạnh của 3 triệu đảng viên để chiếm đoạt quyền lực của nhân dân.

Gióng về trời, không chiếm quyền, không làm Vua sau khi lập công cũng là một thông điệp làm cho ĐCS VN bối rối xấu hổ nếu họ còn muốn làm người.

Để sống trong xã hội bình yên, không gì hơn là hiểu đạo, sống đúng theo đạo làm người.

6. Đạo làm người - tối kỵ trộm cắp

Con người hơn muôn thú vì biết đâu đúng đâu sai để hành xử tức biết đạo và sống theo đạo.

Các bậc hiền nhân, thánh nhân xưa nay khi giáo hóa con người đều có điều răn không trộm cướp. Từ Đức Phật, Đức Chúa, đến Đức Khổng Tử, Đức Mohammed đều răn điều này.

Trộm cướp chính là nguồn cơn của bất ổn xã hội. Làm người chân chính, ai cũng ghét thói này. Hãy xem người dân trút tức giận lên những kẻ trộm chó thì biết.

Trộm vật chất đã tồi tệ, trộm chính quyền còn tồi tệ gấp bội. Vấn đề là ít ai thấy điều này hoặc biết mà lờ đi vì nhiều lý do.

Hiện nay, để giữ được quyền lực, nhóm trộm cắp biết cách tạo ra một cơ chế ban thưởng cho những ai ủng hộ, bảo vệ, thậm chí là ca ngợi chúng. Nguy hiểm hơn, cơ chế này ràng buộc con người vào vòng lợi quyền của trộm cắp.

Tôi nghĩ đã đến lúc người VN, nhất là người Thủ đô phải có thái độ với vấn nạn này.

Trộm cắp và ủng hộ trộm cắp đều tồi tệ như nhau cả.

7. Sự lựa chọn của lịch sử và trách nhiệm của hậu thế

Quan điểm của nhiều người, ngày 2.9.2015, 70 năm trước, là một ngày hội của toàn dân.

Những người cộng sản đã đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân lúc đó là muốn thay đổi, muốn độc lập, muốn thoát khỏi tình thế đói nghèo, tuyệt vọng và họ (những người cộng sản) là những chiến sĩ trung kiên chiến đấu cho động cơ được thúc đẩy bởi lòng yêu nước, thương dân. Động cơ trong sáng này thật khó phủ nhận.

Cơ quan tuyên truyền của nhà cầm quyền luôn nói: lịch sử đã chọn đảng cộng sản, nhân dân đã tin cậy giao phó vận mệnh của mình cho đảng cộng sản.

Dưới góc nhìn biện chứng lịch sử, tôi thấy những quan điểm trên có lý lẽ của nó.

Vấn đề nằm ở chỗ: lịch sử không phải bao giờ cũng lựa chọn đúng và không cứ thế hệ đi trước chọn thì con cháu tuân theo và chấp nhận vô điều kiện.

Những người hậu thế chúng ta không thể chấp nhận một kiểu quyền lực mà dân không bầu. Nó vi phạm thô bạo nguyên tắc dân chủ. Nó không gì khác hơn là một kiểu trộm cắp.

Chúng ta tôn trọng tiền nhân, tôn trọng lịch sử nhưng phải kiên quyết tranh đấu cho điều đúng đắn, cho lẽ phải.

8. Bàn đạo làm Người với tổng bí thư

THƯ NGỎ

Hà Nội, ngày 3 tháng 9 năm 2015.

Kính gửi: ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Thưa ông, tôi là Nguyễn Văn Thạnh, một người dân của nước Việt Nam. Về mặt tuổi tác, tôi đáng hàng con cháu của ông. Về mặt vai vế trong xã hội, tôi chỉ là dân đen còn ông là người đứng đầu cả nước.

Nếu chiếu theo hệ giá trị cổ truyền phong kiến thì thật tôi không phải đối tượng được phép nói chuyện cùng ông.

Thật may mắn, chúng ta sống trong thời đại dân chủ. Thời đại bình đẳng, lấy giá trị và nhân phẩm của con người làm thước đo.

Chính vì điều này, hôm nay tôi viết thư này trao đổi với ông một việc: bàn đạo làm Người.

Thưa ông, triết gia cổ Hy Lạp Socrates có nói "không gì vui sướng bằng làm người". Tất nhiên ý ông nói đến con người đúng nghĩa chứ không phải con người hình thức bên ngoài.

Con người đúng nghĩa là con người hiểu đâu đúng, đâu sai để sống đúng phẩm giá làm người.

Chúng ta có thể gọi những điều đó là Đạo.

Như ông biết, khi người ta mắng nhau "đồ vô đạo" là lời mắng rất nặng nề.

Thưa ông, một trong những đạo làm người là tối kỵ trộm cướp. Là một người chức cao vọng trọng chắc ông biết điều này. Gần như các hiền nhân, thánh nhân xưa nay khi giáo hóa con người đều răn không được trộm cướp.

Trộm cướp có thể hiểu là chiếm giữ những thứ thuộc về người khác làm của mình. Chiếm giữ bất cứ thứ gì đều là trộm cướp chứ không riêng gì con gà, trái bí hay con chó,... đúng không ông?

Hẳn ông đồng ý về điều này.

Chắc ông cũng biết, nhân gian rất ghét trộm cướp vì chỉ có loại vô đạo mới làm việc đó. Trộm cướp gây bất ổn cho xã hội.

Thưa ông, là một giáo sư, tiến sĩ chắc ông biết điều này "quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân ủy quyền qua bầu cử, ấy là dân chủ". Điều này có nghĩa là muốn có quyền lực chính trị phải được dân bầu. Tính chính danh của bậc trị quốc, an dân nó ở chỗ này.

Đến đây, tôi xin hỏi ông, là một người đứng đầu đất nước hiện nay, ông có được người dân nào bầu không?

Ông lấy lý lẽ nào để nghiễm nhiên ngồi trên đầu nhân dân mà dân không được bầu?

Thưa ông, thật khó khăn để nói cho ông biết "dân không bầu mà có quyền là trộm cắp quyền lực của nhân dân".

Tôi biết nói ra điều này làm ông không vui nhưng tôi không thể nói khác hơn.

Phẩm giá con người nằm ở chỗ dám nói lời chân thật.

Thưa ông, càng có tuổi tác, càng ở ngôi cao càng phải giữ mình, càng phải tự giác sống đúng đạo làm người, đúng không ông?

Kính thư

Nguyễn Văn Thạnh

Kỹ sư-blogger.

ĐT: 0984.973.376

www.tasako.net

P.s: Dân chủ dựa trên một nguyên tắc căn bản là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Điều này đồng nghĩa: dân không bầu là không có quyền. Chúng ta hãy truyền thông điệp này đến với mọi người mà bạn gặp.

9. Phá vỡ tảng đá toàn trị trên lưng dân tộc

Ngày bé, tôi rất thích xem phim Tây du ký. Tôi nhớ nhất đoạn Tôn Ngộ Không bị Phật tổ đè dưới núi Ngũ Hành Sơn. Trông lúc đó Tôn Ngộ Không thật tội, phải xin bánh bao của đứa trẻ chăn trâu để ăn.

Thần thông như Tôn Ngộ Không khi bị đá đè cũng phế.

Lớn lên tôi trăn trở trước câu nói của ông Lý Quang Diệu "Nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là VN mới xứng đáng".

Ông đã chỉ ra: "sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì VN không thể xếp sau nước nào trong khu vực".

Đi tìm hiểu tôi thấy một sự thật "dân tộc ta bị một tảng đá đè trên lưng-tảng đá toàn trị".

Cũng như đá, sự toàn trị có độ kết dính rất cao, rất khó phá vỡ.

Các thợ đá biết một điều, nếu dùng tay đấm đá vào đá thì chỉ thiệt thân, nếu dùng búa đập vào đá vô tội vạ chỉ thiệt sức.

Thợ có kinh nghiệm sẽ dò tìm vân đá, rồi dùng nêm cho vào mạch vân, dùng búa nện liên tục thì đá sẽ vỡ ra dễ dàng.

Phá vỡ tảng đá toàn trị cũng có nguyên tắc như vậy. Chúng ta cần phải dò mạch để xác định điểm yếu của nó. Sau đó cứ nện liên tục vào đó thì việc lớn tất thành.

Tôi thấy ra điểm yếu của thể chế này - đó là sự không chính danh trong quyền lực. Nói rõ ra đây là thể chế trộm cắp quyền lực nhân dân.

Điều này thì rõ như ban ngày, không thể nào bác bỏ được.

Tôi thách đố cả hệ thống lý luận, tuyên giáo của chế độ ra tranh luận với tôi điều này.

Vấn đề còn lại là tổ chức việc nện vào điểm yếu này để phá vỡ tảng đá toàn trị mang phúc lành cho dân cho nước.

10. Nước Pháp thức tỉnh, nước Việt thức tỉnh

Nước Pháp trước cách mạng 1789 là một nước nghèo. Nhân dân cùng cực dưới sự áp bức của tầng lớp cai trị.

Lúc đó nước Pháp được cai trị theo chế độ phong kiến, đứng đầu là vua Louis XVI.

Hàng ngàn năm qua, dân Pháp vẫn tin, vua đứng đầu nhà nước, đất nước là của vua nên tuân phục.

Tình hình cứ thế cho đến khi triết gia nổi tiếng Jean Jacques Rousseau viết cuốn Khế ước xã hội.

Trong cuốn sách ông chỉ ra rõ ràng "mọi người sinh ra bình đẳng" và "quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, nhân dân ủy quyền qua bầu cử".

Lý lẽ của ông đã chinh phục lớp người có hiểu biết. Tuy nhiên lực lượng cách mạng lại nằm ở quần chúng nhân dân.

Làm sao dân nghèo, thợ thuyền hiểu điều này? Họ không có nhiều thời gian để đọc cũng như trình độ để hiểu.

Khẩu hiệu được đưa ra cho quần chúng "mỗi người một phiếu bầu, ấy là bình đẳng". Khái niệm về bình đẳng đến với người dân Pháp đơn giản, dễ hiểu như vậy.

Người dân Pháp thức tỉnh, họ tranh đấu để đòi điều trên.

Từ đây nước Pháp hùng cường, chiếu ánh sáng văn minh lên nhân loại.

Nước Việt hiện nay cũng giống như nước Pháp khi xưa.

Người Việt Nam nghiễm nhiên chấp nhận sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của đảng cộng sản. Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối. Đất nước tụt hậu, dân đói nghèo, lầm than.

Tôi trăn trở điều này và suy tư cho giải pháp.

Tôi đã tìm thấy. Tôi muốn xoáy sâu vào một điểm yếu chết người của chế độ: tính pháp lý của quyền lực.

Tôi tin với khẩu hiệu "không bầu không có quyền", "không bầu là trộm cắp", "trộm cắp quyền lực, trộm cắp tiền bạc, trộm cắp tương lai",... nếu nó được truyền đi xa, người VN sẽ thức tỉnh.

11. Đấu võ và đấu chính trị

Võ học là một tinh hoa của con người dùng để chiến đấu và chiến thắng kẻ đối kháng. Chúng ta có thể ứng dụng triết lý võ học vào chính trị.

Lý luận võ học có hai điểm chính.

(1) Tập trung đánh điểm yếu: ví dụ khi giao chiến, các đối thủ hay nhằm vào điểm yếu của đối phương để ra đòn như: mắt, yết hầu, chấn thủy, bộ hạ,… Trong chính trị cũng vậy, chúng ta cũng phải nhằm vào điểm yếu nhất của đối thủ để tấn công. Hiện nay ĐCS VN toàn trị cả nước, họ nắm hết các sức mạnh: chính trị, kinh tế, truyền thông, giáo dục… Họ rất mạnh. Tuy nhiên điểm yếu chết người của họ là tính pháp lý quyền lực của họ lại không có. Chúng ta tấn công điểm này là đúng bài võ chính trị.

(2) Lấy yếu địch mạnh (nhu chế cương): Trong tranh đấu, nếu bạn nhẹ cân, yếu sức hơn đối thủ thì làm sao? Cơ hội nào để bạn chiến thắng? Giải pháp là bạn phải dùng sức đối phương. Thí dụ khi đối phương ra đòn, bạn né được, bạn chụp tay đối phương kéo mạnh theo hướng đánh. Đối phương đánh càng mạnh thì lực phát ra càng mạnh. Khi đó cộng thêm lực bạn nữa đối phương sẽ mất thăng bằng. Lúc đó bạn dễ dàng ra đòn và hạ gục đối thủ.

Chúng ta có thể ứng dụng triết lý võ học trên trong tranh đấu chính trị.

Một chế độ bạo ngược khi chúng ra đòn cường quyền là lúc ta dễ đánh nhất. Hãy nắm chắc vị trí này mà khuyếch trương nó lên cho thiên hạ biết.

Khi chúng ta tấn công tính pháp lý quyền lực của ĐCS, chắc chúng chúng ta sẽ bị đàn áp, bị sách nhiễu, đánh đập, thậm chí là đi tù nhưng chúng ta quyết không sợ. Lẽ phải, chân lý đang thuộc về chúng ta. Họ càng tấn công bạo lực chúng ta thì chân lý càng sáng tỏ, nhân dân càng thấy đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa.

Ngày nay, dưới sức mạnh của internet, tiếng nói bênh vực chính nghĩa đã vượt biên giới quốc gia mà đi đến toàn cầu.

Hãy kiên trì cho một mục tiêu, một chính nghĩa, một chân lý, chúng ta sẽ thắng.

12. Loài người và tiến trình chinh phạt

Lịch sử lan tỏa, tiến lên văn minh của con người đi kèm với lịch sử chinh phạt.

Bắt đầu từ những cuộc chinh phạt trong nhóm, ở đó những con to khỏe sẽ chinh phục con yếu để giành quyền sinh tồn. Cuộc chinh phạt tự nhiên này bảo đảm những cá thể có ghen tốt, khỏe mạnh được tồn tại và truyền giống.

Tiếp theo là cuộc chinh phạt giữa các nhóm với nhau để hình thành thủ lĩnh bầy đàn lớn hơn gọi là thị lạc, bộ tộc. Cứ thế hình thành nên nhóm lớn nhất là nhà nước với thủ lĩnh là Vua.

Tiếp theo là sự chinh phạt giữa các quốc gia. Sau quốc gia là sự chinh phạt giữa các nền văn minh, văn hóa.

Theo tiến trình này, con người sẽ đi đến điểm thống nhất ở tầm nhân loại.

Bây giờ chúng ta xét về cách thức và vũ khí dùng để chinh phạt.

Về vũ khí con người đi từ sức mạnh cá nhân đến sức mạnh tổ chức đội ngũ đến sức ngựa đến vũ khí khoa học kỹ thuật (pháo binh, xe tăng, máy bay, tên lửa,...) và cuối cùng là vũ khí mạng.

Nhìn nét lớn, chúng ta thấy con người chinh phạt nhau từ bạo lực đến lý lẽ. Từ cơ bắp đến trí tuệ.

Hình thái chinh phạt cuối cùng của con người là dùng lý lẽ và chiến tranh thông tin.

Trong cuộc chiến này, bên nào có chính nghĩa, có thể giữ vững mạch thông tin, đi kèm với dân trí hiểu biết sẽ chiến thắng.

13. Trừ Bạo thời nay

Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi Viết "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo".

Trước việc làm bạo ngược của quân Minh, Lê Lợi cùng các mưu sĩ dấy binh khởi nghĩa. Đạo quân này sinh ra là để trừ bạo, mang lại cuộc sống bình yên cho dân. Chính vì thế nên dù sau này bắt nhiều hàng binh của nhà Minh, Lê Lợi chủ trương tha về, không lạm sát. Lê Lợi được đời sau ca ngợi là Bình Định Vương.

Chúng ta thấy, xưa các đạo quân chính nghĩa sinh ra là để đi trừ bạo, diệt ác. Đạo quân này thường phải đánh nhau với các đạo quân gian ác trong thời gian dài, tiêu diệt rất nhiều binh sĩ đối phương, làm đối phương suy yếu. Cuối cùng bắt đến tướng hoặc chiếu bí tướng thì việc nghĩa mới xong. Đây là một quá trình đẫm máu.

Ngày nay quá trình trừ bạo khác xưa nhiều. Chúng ta thấy, dù là một vị tướng đầy quyền uy, nắm trong tay nhiều quân đoàn với khí tài hùng mạnh nhưng nếu làm điều bạo ngược như hãm hiếp, giết người,... thì sẽ bị bắt nhanh chóng. Không cần phải đánh đấm tiêu diệt sinh lực binh sĩ của ông ta rồi mới bắt ông ta.

Vì sao có điều kỳ diệu này?

Vì con người đã đi vào kỷ nguyên nhân tính, đạo lý cao. Khi cả xã hội thừa nhận một đạo lý nào đó thì kẻ phản nghịch dù có mạnh đến mấy cũng sẽ bị tóm nhanh chóng dễ như bắt gà.

Thử xem ở các nước dân chủ, một kẻ nào đó, cứ cho là có súng đạn, băng đảng đông đảo hùng mạnh đến đâu, rồi tuyên bố làm Vua thử có được không? Hoàn toàn không.

Đây là điều hiển nhiên thời nay, nhưng suy nghĩ sẽ thấy kì diệu. Xưa, các kẻ như Đổng Trác, Tào Tào, Viên Thiệu,... cứ phây phây lên ngôi cao nếu có binh lực.

Suy ngẫm điều tôi vừa trình bày, các bạn sẽ rút ra một nguyên lý trừ bạo thời nay.

Đó là bạn chỉ việc lập ra một đạo lý rồi truyền bá nó cho rộng khắp trong thiên hạ. Nếu thiên hạ thừa nhận đạo lý bạn nêu ra thì sẽ có "đạo quân" xuất hiện để bảo vệ đạo lý đó. Khi đó việc trừ bạo tất thành.

Như vậy, thời nay có thể dùng một Đạo lý để bình thiên hạ thay vì dùng một Đạo quân. Nghe thật tuyệt đúng không? Và bạn sẽ hỏi làm thế nào? Mơ mộng chăng?

Chúng ta quay lại câu chuyện Hoàng đế cởi truồng. Bá quan văn võ ra sức tung hô bộ triều phục của Hoàng đế là đẹp vì họ sợ. Trong không khí sợ hãi, mọi người thừa nhận điều dối trá, tung hô điều dối trá. Vị Vua ở truồng có quyền lực vì điều này.

Một cậu bé con không biết sợ nên nói ra sự thật: Vua ở truồng. Nhanh như chớp, mọi người thừa nhận điều này vì nó là sự thật và Đức Vua tan mất quyền uy, trở thành người lố bịch.

Câu chuyện thật thú vị. Chứa đựng nhiều ý nghĩa triết học lớn lao: bạo ngược lớn mạnh vì đám đông chấp nhận dối trá; quyền lực tan biến trước sự thật (chân lý).

Một trong đạo lý làm người căn bản là "không tham của rơi". Tức đồ của ai thì tôn trọng người đó, không nên chiếm lấy dù có dư sức mạnh, chỉ nên tranh đấu giữ đồ của mình.

Tôi ngộ ra Đạo này khi viếng đền Gióng. Với sức mạnh thần thánh, ngài không thừa thắng xông lên chiếm đất của giặc Ân. Ngài chỉ bảo vệ đất mình và bay về trời.

Hãy xem những người cầm quyền ở VN, họ đang làm gì? Họ đang cầm nhầm đồ của nhân dân mà không chịu trả. Đây là nguồn cơn của mọi tai họa. Đích thị là một loại Bạo.

Bạo này rất đáng sợ. Làm sao bình được?

Hãy mang Đạo lý sau đi khắp nhân gian "KHÔNG BẦU-KHÔNG CÓ QUYỀN; XIN HIỂU CHO".

14. Tiếng gà đã gáy và bình minh đang lên

Nhìn lại lịch sử dân tộc, ta thấy nhiều triều đại mở đầu bằng những trang sử huy hoàng như nhà Lý, nhà Trần, nhà hậu Lê,... nhưng rồi cũng phải kết thúc khi nó không đáp ứng được nhu cầu phát triển của dân tộc.

Tất nhiên triều đại nào khi tồn tại cũng bắt bá quan văn võ cùng nhân dân phải hô vạn tuế, vạn vạn tuế nhưng đâu có được.

Triều đại chúng ta đang sống hiện nay đã kéo dài 70 năm. Tất nhiên rất khó để có ý kiến thống nhất về triều đại này. Nhất là lúc nó đang tồn tại, mang lại lợi quyền cho bao người.

Khen chê một triều đại là chuyện bình thường vì nó tùy thuộc góc nhìn, tùy thuộc quyền lợi nó mang lại cho đối tượng. Tỷ như người có quyền có lợi thì luôn miệng ngợi ca đây là thời đại rực rỡ, thời đại vẻ vang, muôn năm, muôn năm,... nhưng nhiều người khác lại không nghĩ thế.

Là một kỹ sư, tôi nhìn chế độ dưới tính "chân" - tức bản chất khoa học của nó. Dưới góc nhìn này thì chế độ này không có Chân: quyền lực mà nó có là một dạng trộm cắp.

Trộm cắp luôn cần đêm tối để đồng hành. Phải nói bao năm qua xứ này thật tăm tối.

Nhưng hôm nay đã khác. Tiếng gà đã gáy và bình minh đang lên.

Người dân đã lên tiếng, internet đã mang ánh sáng của sự thật, của chân lý rọi chiếu khắp nơi nơi.

Tôi tự hỏi làm sao họ có thể tiếp tục thực hiện hành vi trộm cắp được dưới ánh sáng của bình minh? Xưa nay, hào kiệt phải là người thức thời.

Hỡi những người đang cầm nắm quyền lực, các vị nên biết thời đại mình đã hết, hãy lo thu vén cho kịp lúc mặt trời lên.

Đừng cố giữ quyền lực trong u tối mà hại dân, hại nước và hại chính mình.

15. Lập đội truyền thông dân chủ

Muốn thúc đẩy dân chủ, người dân phải hiểu về dân chủ. Để người dân hiểu về dân chủ, cần truyền thông dân chủ. Để có thể thực hiện việc truyền thông dân chủ, chúng ta lập ra những đội truyền thông dân chủ.

Nhiệm vụ của những đội này là ra sức làm lan tỏa những lý lẽ trên, nhất là bức thư bàn đạo làm người với tổng bí thư đến càng nhiều người càng tốt.

Chúng ta cần ứng dụng các công nghệ internet, smartphone, photocopy,… vào việc phụng sự đất nước. Ngoài công nghệ chúng ta còn cần lòng nhiệt huyết và quả cảm. Tôi nghĩ không khó để chúng ta có thể làm lan tỏa những ý tưởng trên đến với nhiều người.

https://www.facebook.com/doitruyenthongdanchu

16. Thư gửi các bên

(1) Thư gửi người dân cả nước (Kêu gọi người dân cả nước ủng hộ phương án tranh đấu này vì nó tạo ra hiền tài thật lãnh đạo đất nước. Có hiền tài lãnh đạo đất nước thì ai cũng có lợi).

(2) Thư gửi lực lượng yêu nước (Kêu gọi những người có tinh thần yêu nước ủng hộ phương án đấu tranh này vì nó là con đường kiến tạo dân chủ làm cho đất nước phồn vinh-hùng cường).

(3) Thư gửi nhân sỹ, trí thức (Kêu gọi nhân sĩ trí thức, bằng nhận thức và lý luận, hãy lên tiếng những người tranh đấu dám đương đầu chất vấn tính pháp lý của những người cầm quyền hiện nay).

(4) Thư gửi lực lượng có tư tưởng thoát Trung (Chứng minh cho lực lượng này thấy, muốn thoát Trung không có con đường nào khác hơn là thoát tình trạng độc đảng cộng sản lãnh đạo. Kêu gọi những người có tư tưởng thoát Trung ủng hộ phương án phá vòng kiềm cô độc đảng này).

(5) Thư gửi lực lượng dân oan. (Chứng minh cho dân oan thấy, họ là nạn nhân của chế độ độc tài đảng trị với những chính sách kinh tế, sở hữu đất đai sai trái cùng với hành động bao che, bẻ cong công lý. Kêu gọi họ ủng hộ phương án phá thế lãnh đạo độc tôn của ĐCS VN để giải phóng được kiếp oan ức của họ cũng như đồng bào họ mắc phải).

17. Một sứ mệnh, một tầm nhìn

Nghiên cứu lịch sử tiến lên dân chủ ở các nước, chúng ta thấy rằng, cuộc tranh đấu để chính quyền thực sự thuộc về nhân dân là một cuộc chiến lâu dài và đầy cam go. Các thế lực chính trị luôn có xu hướng gian lận trong bầu cử, trong kiểm phiếu,… Nước Việt Nam chúng ta chắc chắn cũng không tránh khỏi những chiêu trò chính trị trên khi đất nước tiến lên dân chủ.

Trước mắt, như tôi tiên đoán, những người cộng sản họ cũng không dễ dàng từ bỏ quyền lực. Có thể hành động sắp tới của họ là gộp hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước lại làm một để qua mắt nhân dân, dư luận quốc tế trong chuyện bầu cử giả dối, tiếm quyền trong nghệ thuật đảng cử dân bầu.

Rồi khi có bầu cử tự do thì cũng chưa hẳn quyền lực được ủy quyền đúng bởi lẽ còn có nạn gian lận trong kiểm phiếu. Như Stalin đã nói “bầu là việc chúng ta, kiểm phiếu là việc chúng ta”.

Thật sự, con đường để có bầu cử đúng đắn, phản ánh đúng ý nguyện của nhân dân là rất gian nan.

Chính vì điều này, ngay từ bây giờ chúng ta cần một phong trào, một lực lượng dân sự độc lập đứng ra tranh đấu để làm sao không chỉ phá bỏ tình trạng độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản mà còn tranh đấu chống lại những gian dối trong các đợt bầu cử sau này.

Tranh đấu cho nguyên tắc bầu cử thật - hiền tài thật là một cuộc tranh đấu rất dài hơi.

Đây thật sự là một sự mệnh lớn trên con đường xây dựng nền dân chủ cho dân tộc.

N.V.T.

www.tasako.net

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn