CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 22)

Victor Sebestyen

 Dịch giả:  Phan Trinh
CHƯƠNG 20
BỘ TỨ ĐỘC TÀI ĐÔNG ÂU: HONECKER, ZHIVKOV, HUSAK, CEAUSESCU 
CHIM QUEN LỒNG – BAN ĐẦU AN TÂM – GÁNH NẶNG CHỤC TỈ – THƯỢNG ĐỈNH NÁO LOẠN – KHINH ĐÔNG, THÍCH TÂY – HỌC THUYẾT SINATRA: ĐƯỜNG AI NẤY ĐI
***
Moscow. Tháng 6, năm 1987
CHIM QUEN LỒNG

1.
Các nhà độc tài Đông Âu phải mất nhiều thời gian mới hiểu được rằng mình phải tự lo chứ không thể tiếp tục dựa vào Liên Xô. Cả khi được nói huỵch toẹt là Liên Xô sẽ không bảo vệ Chủ nghĩa cộng sản và đế quốc Xô Viết theo cách thông thường với xe tăng và quân đội nữa, họ vẫn cứ không tin đó là thật.
Những lãnh tụ như Honecker [Đông Đức], Zhivkov [Bulgaria], Husak [Tiệp Khắc] đã quen nhận lệnh từ Moscow và quen vâng lời. Riêng Ceausescu [Rumani] tuy có đầu óc độc lập hơn nhưng lại bị trói chặt trong cái bẫy ý thức hệ giáo điều từ thập niên 1950. Họ có chút tự chủ nhưng là tự chủ trong giới hạn.
Nhìn chung, nước chư hầu nào lớn hơn sẽ được tự quản nhiều hơn. Đó là xu hướng ngày càng rõ, nhưng rút cuộc tất cả các lãnh tụ Đông Âu đều chấp nhận vị trí thuộc địa, và không muốn làm phật lòng các lãnh tụ Kremlin đã phong vương cho mình.
Họ luôn hiểu rõ họ hoàn toàn không có chính danh ở quê hương, tất cả đều được đưa lên nắm quyền nhờ sức mạnh của Liên Xô, bất chấp ý nguyện của người dân trong nước, và họ chỉ có thể tiếp tục nắm quyền với sự hậu thuẫn của Liên Xô. Nói cách khác, họ cai trị nước mình dưới bàn tay giật dây của Kremlin.
2.
Nhưng đến lúc này, Moscow đã khác. Khi Mikhail Gorbachev lên nắm quyền và yêu cầu các lãnh tụ chư hầu “chịu trách nhiệm nhiều hơn” trong việc trị quốc, họ không tin ông nói thật. Họ cho đó là những tuyên bố hình thức, vì bất cứ tân lãnh tụ nào cũng nói thế cho ra vẻ tôn trọng độc lập chư hầu. Mấy chục năm qua, các lãnh tụ Liên Xô đều nói tương tự, nhưng không lâu sau, lệnh từ trên lại ban xuống và Liên Xô lại thọc tay can thiệp vào mọi chuyện lớn nhỏ hàng ngày.
Giờ đây, lệnh từ Liên Xô đã giảm đến tối thiểu và toàn bộ guồng máy vận hành đế quốc bắt đầu đổ vỡ. Các cố vấn Liên Xô, kẻ nắm giữ quyền lực và ảnh hưởng khổng lồ trong mọi cơ quan chính quyền và tổ chức Đảng khắp nơi từ Berlin đến Sofia, nay được lệnh đứng qua một bên. Các cố vấn giờ chỉ dám lên tiếng đại loại rằng: “Vâng, thưa các đồng chí … các đồng chí có thể làm những gì mình cho là tốt nhất”. Thay đổi này làm Bộ tứ Đông Âu xanh mặt vì phải bước chân vào vùng đất lạ, chưa từng trải qua bao giờ.
*
BAN ĐẦU AN TÂM
3.
Khi mới lên nắm quyền, Gorbachev có ít kinh nghiệm về Đông Âu. Khi còn đứng đầu ngành nông nghiệp Liên Xô, ông từng đi công tác ngắn ngày đến các nước chư hầu nhưng chưa bao giờ nghĩ kỹ về quan hệ giữa Liên Xô và các thuộc địa Đông Âu.
Một trong những bạn thân nhất của ông từ thời học Đại học Moscow là Zdenek Mlynar, được mệnh danh là “người cộng sản cải cách” tại Tiệp Khắc và là một lãnh tụ Mùa Xuân Praha, bị thanh trừng sau khi Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc năm 1968 và phải sống lưu vong tại Vienna. Nhiều năm sau này, Gorbachev nhìn lại và nhận định: “sai lầm nghiêm trọng nhất Liên Xô đã phạm là can thiệp như đã làm vào Tiệp Khắc năm 1968, chống lại những cải cách dân chủ tại Praha … Nếu các nước này lúc đó đều tiến hành cải cách thì có lẽ kết quả đã khác”. Nhưng không có chứng cớ nào cho thấy ông có suy nghĩ tương tự lúc đang cầm quyền. Dĩ nhiên, ông không thể thốt ra những điều “phạm thánh” như vậy với nội bộ Đảng khi bản thân ông đang leo cột mỡ để lên đến vị trí quyền lực cao nhất.
Khi lên nắm quyền, ông cho rằng các thuộc địa của Liên Xô đều ổn định. Ba Lan tuy có truyền thống khó trị, nhưng tướng Jaruzelski có vẻ như đã áp đặt được trật tự và ổn định tại đây. Rumani đi con đường riêng, nhưng cơ bản là trung thành. “Còn những nơi khác”, theo lời Andrei Grachev, trợ lý của Gorbachev, “sự im ắng cho thấy ít nhất trong tương lai gần, sẽ không xảy ra điều gì bất ngờ. Sau khi nhận được cam kết trung thành từ các lãnh tụ chư hầu, Gorbachev không băn khoăn gì nữa về Đông Âu”.[i]
*
GÁNH NẶNG HÀNG CHỤC TỈ
4.
Khoảng một năm rưỡi sau, ông xét lại tình hình với cái nhìn mới mẻ và chịu ảnh hưởng lớn của Shevardnadze và Yakovlev, những người xác tín rằng Liên Xô phải nới lỏng kiểm soát hơn nữa với vùng “ngoại biên đế quốc” này.
Gorbachev lúc đó tin rằng các nước chư hầu là gánh nặng mà Liên Xô không còn đủ sức gánh vác. Vẫn theo lời trợ lý Grachev: “Để mua chuộc lòng trung thành và sự lệ thuộc chính trị đáng tin cậy – cùng sự bảo đảm sẽ có ổn định nội bộ tối thiểu – Liên Xô đã phải bao cấp mức sống ở Đông Âu với chi phí lớn hơn nhiều chi phí bao cấp cho đời sống nhân dân Liên Xô”. Và chi phí này ngày càng cao.
Cứ mỗi lần có biến động chính trị tại các nước chư hầu là sau đó Liên Xô phải rót thêm tiền để ổn định tình hình. Gorbachev được thông báo rằng mỗi năm Liên Xô phải chi khoảng 10 tỉ đô-la Mỹ để bảo lãnh nợ nần, giúp “giữ ổn định” tại Đông Âu. Một số nhà tư vấn kinh tế còn cho ông biết những khoản bao cấp tài chính khác khiến nền kinh tế Liên Xô mất thêm 30 tỉ đô-la Mỹ nữa. Gorbachev sốc nặng khi được báo các con số vừa kể và quyết rằng từ nay về sau, các “nước xã hội chủ nghĩa anh em” phải tự trả tiền cho việc nước mình.
Vào tháng 11/1986, ông cho gọi lãnh tụ các nước chư hầu về Moscow họp hội nghị thượng đỉnh, một cuộc họp thượng đỉnh làm náo loạn cả thế giới Xã hội chủ nghĩa.[ii]
*
THƯỢNG ĐỈNH NÁO LOẠN
5.
Tại hội nghị, Gorbachev công bố một cuộc cách mạng trong luật chơi đã tồn tại từ thời Stalin, giữa các nước thuộc địa với Moscow. Theo kiểu cũ, nguyên liệu thô được Liên Xô đưa vào các nước chư hầu để đổi lấy hàng tiêu dùng do các nước này sản xuất. Còn bây giờ, Gorbachev tuyên bố: “giao dịch phải được xây dựng trên nền tảng đôi bên cùng có lợi và phù hợp với các điều kiện thị trường thực sự”.
Điều ông muốn nói là các nước chư hầu phải trả tiền cho nguyên liệu nhập từ Liên Xô với giá thị trường thế giới, và Liên Xô được quyền chọn mua hoặc không mua các sản phẩm kém chất lượng sản xuất tại Poznan [Ba Lan], Leipzig [Đông Đức] hoặc Bratislava [Tiệp Khắc]. Ông cũng khẳng định thật rõ rằng Liên Xô sẽ không thể tiếp tục bảo lãnh những món nợ vay từ ngân hàng phương Tây mà các nước Đông Âu đã chất chồng trong nhiều năm qua.
Không phải mọi lãnh tụ có mặt trong hội nghị đều hiểu hết những hệ quả khủng khiếp của đường lối mới này. Có thể nói, chỉ trong một đêm, Liên Xô đã thay đổi toàn bộ Đế quốc Xã hội chủ nghĩa, hay đã “giết nó chết”, như lời một quan chức Đông Âu có mặt trong phiên họp nhận định.
Một quan chức khác được nghe tuyên bố vừa kể của Gorbachev nhận xét: “Đó chẳng khác gì một cuộc triệt thoái quân đội Liên Xô khỏi Đông Âu về mặt kinh tế”.[iii]
6.
Hậu quả của đường lối mới dần lộ rõ khiến các lãnh tụ chậm hiểu cũng kinh hãi. Từ nay, họ sẽ không thể tiếp tục được hưởng một đời sống dễ chịu, được Moscow bảo lãnh các khoản nợ, được nhập dầu và khí đốt giá rẻ từ Liên Xô.
Cùng lúc, Gorbachev giảng cho họ một bài dài về những thay đổi ông đang tiến hành tại Liên Xô, về perestroika và glasnost. Bộ Tứ Đông Âu càng nghe càng bất an. Gorbachev tưởng tượng rằng điều ông làm sẽ kích thích để một loạt những nhà cải cách bắt chước ông sẽ xuất hiện tại các nước chư hầu. Ông hy vọng sẽ thấy nhiều những “Gorbachev nhỏ” tại Đông Âu, tất cả đều theo đuổi những cải cách theo kiểu của ông, vì thành phần ưu tú tại đây đã quá quen rập khuôn Liên Xô. Gorbachev nói: “Sức ỳ của chủ nghĩa gia trưởng từ lâu đã hiện diện khắp nơi. Tại các nước Xã hội chủ nghĩa … truyền thống lệ thuộc và vâng lời lãnh đạo, luôn muốn nhất trí với “anh cả” Liên Xô về hầu như mọi việc vì sợ Kremlin nổi giận … đã ăn rễ rất sâu”.
Trên tất cả, Gorbachev thật lòng tin rằng nếu được chọn lựa, nhân dân trong khối thịnh vượng chung Xã hội chủ nghĩa sẽ chọn tiếp tục ở lại với thể chế quen thuộc và ở trong quỹ đạo Liên Xô. Nhưng, đó chỉ là giả định ngây ngô của một người vẫn còn rất kiên định với niềm tin của mình, đến nỗi quên mất là Chủ nghĩa cộng sản đã được áp đặt lên các nước chư hầu bởi các vị tiền nhiệm, bằng lưỡi lê và họng súng. Gorbachev không nghĩ ông sẽ phải hứng chịu những rủi ro lớn lao khi cho nới lỏng bàn tay xiết chặt của Liên Xô.[iv]
*
KHINH ĐÔNG, THÍCH TÂY
7.
Theo nhận định của Valeri Musatov, một nhân vật nhiều quyền lực, phó ban quốc tế Đảng Cộng sản Liên Xô, Gorbachev “khinh bỉ” hầu hết các lãnh tụ Đông Âu, ngoại trừ Jaruzelski [Ba Lan] là người ông thích và Kadar [Hungary] là người ông tôn trọng.
Gorbachev từng miệt thị kẻ khúm núm Zhivkov và cho rằng Honecker và Husak đều là những kẻ rất đáng chán. Ông thường nói riêng với người thân tín rằng: “Họ là những tay phản động còn sót lại, lưu cữu từ thời Brezhnev”. Sau này thận trọng hơn một chút, ông nói rằng: “Tuy chưa hẳn là lão suy, nhưng sự mệt mỏi của các lãnh tụ … tuổi 70 và đã ngồi trên ngai được 20, 30 năm thì quả là rõ ràng”.
Gorbachev đặc biệt ghê tởm Ceausescu, người ông gọi là “fuhrer của Rumani” [fuhrer: quốc trưởng, thường dùng chỉ Hitler]. Gorbachev nói: “Ai cũng thấy Ceausescu có ảo giác về sự vĩ đại của mình … còn Rumani thì hoàn toàn bị cuốn vào cơn cuồng vọng quyền lực của lãnh tụ, và càng ngày càng giống một con ngựa bị một kỵ sĩ man rợ vừa quất vừa cỡi. Trong đời mình, tôi từng gặp nhiều người tham vọng … cũng khó tưởng tượng một chính khách lớn nào đó mà lại không có phần tự cao tự đại, nhưng về khoản này thì Ceausescu thuộc hẳn một đẳng cấp khác, không giống ai”.[v]
8.
Gorbachev không thích đi thăm thú nơi nào trong khối Xã hội chủ nghĩa, và một số trợ lý cho biết việc sắp xếp chuyến đi của ông là việc phức tạp vì Gorbachev cứ bàn đi tính lại xem ông nên và không nên gặp ai.
Khi đến Đông Âu, ông tỏ ra chừng mực, nhưng luôn muốn quần chúng biết ông đang khuyến khích lãnh tụ của họ mạnh dạn cải cách. Tuy nhiên, ông tùy cơ ứng biến, vì không phải lúc nào ông cũng cho người khác biết rõ ý nghĩ của mình.
Chẳng hạn khi đến Tiệp Khắc vào tháng 4/1987, ông thận trọng tránh nói rằng cuộc xâm lăng của Liên Xô vào Tiệp Khắc năm 1968 là sai lầm. Điều này làm thất vọng giới bất đồng chế độ. Tuy nhiên, khi phái đoàn của ông rời Praha, người phát ngôn của ông được một nhà báo phương Tây hỏi: “Theo Gorbachev, sự khác biệt giữa những cải cách của Alexander Dubcek trong Mùa xuân Praha với những cải cách perestroika và glasnost hiện tại ở Liên Xô nằm ở đâu?”. Câu trả lời là “19 năm”. Câu trả lời này là sự khích lệ cực kỳ lớn cho giới đối kháng và cũng là một cú đánh vỗ mặt chế độ cầm quyền tại Tiệp Khắc.
*
HỌC THUYẾT SINATRA: ĐƯỜNG AI NẤY ĐI
9.
Gorbachev thích đến thăm các thủ đô đẹp đẽ và quyến rũ của phương Tây hơn, nơi ông nhanh chóng trở thành một siêu sao chính trị. Nơi nào cũng vậy, ông luôn được đón chào vui vẻ và nồng nhiệt bởi một đám đông khổng lồ, ai nấy náo nức muốn tận mắt thấy bóng dáng một lãnh tụ Liên Xô nhưng có thể mỉm cười, nói mà không cần cầm giấy viết sẵn, và nhìn rõ ràng là ra dáng một con người.
Thực ra cũng có lý do để ông hướng sự chú ý về phía phương Tây. Ông cần làm cho tình hình thế giới giảm bớt căng thẳng để có thể cắt giảm chi phí quân sự và có thể giải quyết các vấn đề cấp bách trong nước.
Nhưng nhiều người làm việc gần gũi với ông đồng ý rằng thành công cá nhân đáng nể của ông ở nước ngoài, thường được gọi là “Gorbymania” (Cơn sốt Gorbachev), kéo dài trong năm đầu tiên ông cầm quyền, cũng đã khiến ông tự mãn. Chưa từng có lãnh tụ Liên Xô nào gây ấn tượng hoặc ứng xử được như thế, trông ông chẳng khác nào một chính trị gia phương Tây.
Báo chí và truyền hình ở Mỹ và Châu Âu đối xử với ông như với một ngôi sao đình đám. Họ tường thuật mỗi lần ông xuất hiện, phong cách của ông, điệu bộ cử chỉ của ông, ngoài  việc tường thuật về các bài diễn thuyết của ông – vốn lâu bất thường và lan man nhiều chuyện.
Trong một thời gian, báo chí phương Tây gần như say mê bà Raisa, vợ Gorbachev. Các nhà báo viết bất tận về cách ăn mặc của bà, về cách trang điểm của bà, tóc tai của bà. Bà yêu thích những lúc trở thành tâm điểm sự chú ý.
Ông yêu thích những lúc gặp gỡ các lãnh tụ thế giới, các đại sứ nước ngoài và nhà báo phương Tây, trong khi lại chán đến ngao ngán việc gặp các lãnh tụ Đảng đến từ Khối Warsaw hay Berlin. Ông chăm chút xây dựng hình ảnh của mình và biết cách vận dụng truyền thông phương Tây.
Ông có lúc dài dòng lắm lời nhưng rất biết giá trị của việc nói ra những câu chữ cô đọng khó quên. Ông, đúng ra ông và Gennadi Gerasimov – người phát ngôn chính kiêm nhà tư vấn về quan hệ công chúng cho Gorbachev, tướng cao, tóc đen, dễ gần và lanh lợi, cựu Đại sứ Liên Xô tại Bồ Đào Nha – đã ghim được một câu đúc kết chính sách đối ngoại của Gorbachev đối với các nước chư hầu Liên Xô. Ông nói: Học thuyết Brezhnev đã chết. Giờ đây Liên Xô tiến hành Học thuyết Sinatra, “Bạn biết bài hát ‘My Way’ chứ? Đúng vậy … các nước này, họ đều có thể đi theo đường lối của họ.” [“My Way” (đường tôi đi): bài hát nổi tiếng được danh ca Frank Sinatra thể hiện.]
(Hết)
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô Viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[i] Andrei Grachev, Gorbachev’s Gamble (Polity Press, Cambridge, 2008), tr. 168
[ii] Như trên
[iii] Theo Chernyaev [cố vấn đối ngoại của Gorbachev], nhận định này là của Gerhard Schurer, Trưởng Ban Kế hoạch Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức, đưa ra ngay sau phiên họp
[iv] Mikhail Gorbachev, Memoirs (Doubleday, New York, 1996), tr. 348
[v] Musatov, như trích trong Andrei Grachev, sđd, tr. 89, và trong Mikhail Gorbachev, sđd, tr. 352
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn