CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 18)

Victor Sebestyen

 Dịch giả:  Phan Trinh
CHƯƠNG 16
“CHO CHÚNG GHÉT” – RUMANI THỜI CEAUSESCU
CẢ NƯỚC DIỄN, MỘT NGƯỜI XEM – THẮT LƯNG, BUỘC BỤNG, TẮT ĐÈN – MẬT VỤ GIEO RẮC SỢ HÃI – LỪA CÔNG NHÂN, BÁN TÙ, LÀM HƯ GIÁO HỘI – CÔNG AN MÁY CHỮ – DỐI TRÁ, THEO DÕI, TRỪNG PHẠT – THÂN THẾ CEAUSESCU – TINH RANH, VĨ CUỒNG – CEAUSESCU: DÂN SỢ, NGUYÊN THỦ BỢ – ELENA HÁO DANH – CA TỤNG VÀ HỜN GIẬN – GIA ĐÌNH TRỊ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA – ĐEN ĐƯỜNG CON CÁI – “CÔNG AN KINH NGUYỆT” VÀ PHÁ THAI.
***

Bucharest. Chủ nhật, ngày 26 tháng 1, năm 1986
CẢ NƯỚC DIỄN, MỘT NGƯỜI XEM
1.
TRÊN ĐẤT NƯỚC RUMANI dưới thời Ceausescu, ngày 26/1 là ngày trọng đại nhất trong năm. Lễ Giáng sinh đương nhiên bị cấm. Ngày Giải phóng, đánh dấu kết thúc Thế chiến II, chỉ được ăn mừng chiếu lệ. Lễ Lao động 1/5 là lễ lớn, với những cuộc duyệt binh hoành tráng khắp các thành phố lớn, nhưng chính ngày sinh của nhà độc tài mới là ngày lễ được chế độ phù phép trở thành một cuộc liên hoan vĩ đại để đánh dấu cuộc đời và sự nghiệp của một con người.
Tuy nhiên, hầu hết người dân Rumani lại xem đó là ngày dở hơi nhất để ăn mừng – cũng dễ hiểu vì nhân vật tự xưng là “Lãnh tụ Anh minh và Vĩ đại” Ceausescu đã đưa cả nước vào vòng cùng quẫn. Nhưng, trong ngày ấy mà mang bộ mặt thiểu não thì sẽ bị xem như có “vấn đề” về chính trị, nên quần chúng phải chải chuốt và mang bộ mặt ra vẻ hớn hở.
Theo lời một đồng chí cũ có thời ở chung phòng giam với Ceausescu thì cuộc sống ở Rumani trong những năm cuối chế độ Ceausescu đã trở nên “một cuộc liên hoan bất tận, cả nước phải biểu diễn chỉ cho một khán giả ngồi xem”.[i]
2.
Vào ngày 26/1, người cũng được mệnh danh là “Đại Nhạc trưởng” Ceausescu bước vào tuổi 68, mặc dù trên hàng triệu tấm bích chương và hình ảnh trưng bày từ thành thị đến nông thôn khắp nước nhìn ông chỉ mới 42 tuổi, không già hơn dù một ngày.
Các thi sĩ cung đình đua nhau ca tụng ông trên trang nhất tất cả các tờ báo. Dumitru Brandescu viết: “Tôi thấy mình buộc phải tán tụng người và hôn lên vầng trán người”. Không chịu thua, Adian Paunescu, nhà thơ nô bộc được Ceausescu yêu thích nhất, còn vắt ra những câu mượt mà hơn:
“Khi chúng ta mô tả chân dung người, đó không phải là tâng bốc. Chúng ta yêu người vì cuộc đấu tranh của người, vì tính nhân văn của người. Chúng ta yêu người vì đất nước này tự do dưới ánh mặt trời. Tâm hồn chúng ta đang được thôi thúc phải tung lên như hoa ngàn lời tán tụng”.[ii]
Tờ Luceafarul gọi đây là “một ngày trọng đại trong lịch sử Rumani, ngày cả nước vinh danh người được chọn ưu tú của mình và qua đó vinh danh chính mình”. Còn tất cả các tờ khác đều ra những số đặc biệt ca ngợi và thánh hóa lãnh tụ, mô tả ông như là:
Người khổng lồ rặng núi Carpathians
Nguồn ánh sáng của chúng ta
Kho tàng thông thái và sức hút
Giờ hoàng đạo
Chuẩn mực cao vời của chúng ta
Kiến trúc sư vĩ đại
Ngọn lửa sống mãi
Ngôi Sao Mai mới
Hình hài thần thiêng
Mao Trạch Đông và Stalin có lẽ cũng phải chào thua trước những thổi phồng quá đáng kia. Nhưng Ceausescu và bà Elena vợ ông, người được ca tụng còn nhiều hơn chồng, lại không thấy đó là điều khôi hài hoặc lố bịch. Họ tin vào những lời nhả ngọc phun châu dành cho họ, và tụ tập quanh mình bọn quần thần chuyên vẫy đuôi nịnh hót.
*
THẮT LƯNG, BUỘC BỤNG, TẮT ĐÈN
Vài tuần trước sinh nhật, “Người kiến tạo thời đại mới vô tiền khoáng hậu” – danh hiệu mới của Ceausescu do báo Đảng Scinteia đặt – công bố đợt bán thức ăn theo khẩu phần mới.
Vì luôn quan tâm đến vòng eo, nên Ceausescu và Elena không háu ăn. Giữa thập niên 1970, ông mắc bệnh tiểu đường và phải chích insulin để hạn chế lượng đường trong máu. Nhưng hai ông bà cảnh cáo là dân Rumani quá mập, nên họ phải cho thành lập Ủy hội Dinh dưỡng hợp lý để đưa ra một chế độ ăn uống theo khẩu phần “khoa học”, tức là: Mỗi năm chỉ được ăn 114 quả trứng, 20 kí-lô “hoa quả và nho”, 54,88 kí-lô thịt, 14,8 kí-lô khoai tây, 115,5 kí-lô bột mì.
Trên lý thuyết, khẩu phần này không tệ, nhưng trên thực tế, nguồn cung lại quá thấp so với mục tiêu đề ra. Đến giữa thập niên 1980, chỉ một việc đơn giản là có đủ thức ăn đã trở thành một nỗ lực lớn của gần như mọi gia đình tại Rumani. Đến cuối năm 1985, khẩu phần bánh mì, sữa, trứng, thịt và rau củ càng trở nên teo tóp hơn và hàng người chờ mua thức ăn càng dài hơn.
Rumani là một trong những vùng có đất đai mầu mỡ nhất Châu Âu và đáng lẽ thức ăn phải được sản xuất ê hề. Thực ra có thừa thức ăn đấy, nhưng chính sách kinh tế quái gở của Ceausescu đã đẩy người dân vào cảnh bần cùng: Lãnh tụ kiên quyết không mắc nợ nước ngoài, vì ông cho rằng đó là cách để bảo đảm nền độc lập.
4.
Trong toàn cảnh nợ phương Tây của các nước Đông Âu, chủ trương cắt giảm nợ của Ceausescu cũng không quá tệ. Điều tệ hại đến độ thảm họa nằm ở cái cách nhà Lãnh tụ Vĩ đại đã làm để giảm nợ.
Năm 1982, ông công bố rằng đến năm 1990 ông sẽ trả hết toàn bộ nợ. Để đạt mục tiêu này, ông đã vắt kiệt dân Rumani. Hơn ba phần tư sản lượng thực phẩm sản xuất trong nước được dành để xuất khẩu. Điện cũng phải phân phối nhỏ giọt theo khẩu phần để dành bán cho Ý và Tây Đức. Dân Rumani chỉ được phép dùng một bóng điện tròn 40-watt cho mỗi phòng, nếu có điện. Sưởi nóng bằng điện chỉ được phép dùng hai giờ mỗi ngày, chẳng sưởi ấm được mấy nhà nhưng lại hâm nóng rôm rả câu hỏi cắc cớ này: “Ở xứ Rumani ta, cái gì lạnh hơn nước đá? Thưa… nước nóng!”
Vào những mùa đông quá lạnh, rất nhiều người già đã chết trong căn hộ lạnh lẽo của mình vì bị giảm thân nhiệt, triệu chứng mà người nghèo Tây Âu hoàn toàn không mắc phải. Một hiện tượng khác thường thấy ở Rumani là một số thanh niên bị phát hiện chết ngạt ngay trong phòng ngủ nhà mình. Họ không tự tử, họ chết vì vẫn để lửa bếp ga cháy cho ấm khi đi ngủ. Chẳng may ga cúp rồi sau đó lại có, khi họ đang ngủ.
5.
Chỉ lèo tèo vài con đường có đèn sáng ban đêm. Ngay cả những đại lộ hoành tráng ở thủ đô Bucharest – một thời được gọi là Paris vùng Balkan – về đêm cũng tối tăm và không một bóng người. Suất chiếu phim muộn nhất tại rạp diễn ra lúc 5 giờ chiều.
Bucharest trong quá khứ đã từng nổi tiếng nhờ “văn hóa” café và hoạt động vui chơi về đêm. Nhưng giờ đây không có quán rượu hoặc cà-phê nào trong thành phố, ngoại trừ một vài nhà hàng đếm trên đầu ngón tay, nơi lui tới của giới quan chức Đảng cùng gia đình, hoặc vài khách sạn nơi một ít khách nước ngoài được phép nhập cảnh Rumani trú ngụ.
Ceausescu có kế hoạch cắt giảm mức tiêu thụ xăng dầu. Một trong những điều ông đưa ra sau sinh nhật thứ 68, vào mùa xuân 1986, là phát động chương trình nuôi ngựa kéo xe thay cho những phương tiện vận chuyển dùng xăng dầu. Ở nông thôn, vào thập niên 1960 và 1970 nông dân dùng máy cày, nhưng đến thập niên 1980 thì họ phải gặt lúa bằng liềm hái cầm tay.
Quả là lãnh tụ đã đưa Rumani lội ngược về thế kỷ trước, hoặc thế kỷ trước nữa. Để tăng năng suất, chẳng hạn để tăng tối đa sản lượng từ thiên nhiên như khí đốt và dầu, Ceausescu đã cho áp dụng hệ thống phân công, buộc dân chúng đi làm ngày chủ nhật, gần như dạng lao động công ích corvée [làm không công, bắt buộc theo đợt, dành cho giai cấp thấp] ở Pháp trước cách mạng 1789.
*
MẬT VỤ GIEO RẮC SỢ HÃI
6.
Đất nước Rumani sống trong sợ hãi và chìm trong tin đồn trên quy mô chưa từng có ở bất cứ nơi nào phía sau Bức màn Sắt.
Ceausescu công khai ngưỡng mộ Stalin – khi Stalin chết, Ceausescu đích thân dự đám tang và người ta thấy ông khóc. Rumani là đất nước công an trị bạo ngược nhất Khối Đông Âu, và lại công an trị đậm chất Rumani.
Mật vụ Stasi ở Đông Đức tuy có dùng một số cách thức kinh hoàng để hủy diệt nạn nhân nhưng cũng chỉ được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự, còn nhiệm vụ của mật vụ Securitate ở Rumani lại là gieo rắc sợ hãi.
Liviu Turcu, một sĩ quan mật vụ cao cấp cho đến khi đào thoát vào thập niên 1980 và hiểu rõ cơ quan hoạt động ra sao từ bên trong, nói rằng: “Hãy tưởng tượng nó như một cỗ máy khổng lồ phát tán tin đồn, gieo rắc sợ hãi và kinh hoàng, một không khí trong đó người dân cảm thấy nếu họ cố làm điều gì, kể cả điều vụn vặt nhất, có tính chống đối Ceausescu, thì họ sẽ lập tức biến mất. Đó là thứ khủng bố tâm lý làm tê liệt toàn dân Rumani, và trong nỗ lực bóp méo thông tin thì tin đồn nổi bật nhất, được chính Securitate phát tán, là tin đồn cứ bốn người Rumani thì có một người là chỉ điểm của Securitate”.
Con số kia có thể gần đúng vì Securitate bám rễ rất sâu trong quần chúng và gieo rắc sợ hãi khiến không ai dám tin ai. Nhưng dù đúng hay không, dân chúng không ai muốn thử lửa xem bọn chỉ điểm đông thế nào.
Thực ra, số lượng gián điệp, hay chỉ điểm, của Securitate không là điều quan trọng. Điều quan trọng là khi Securitate dùng những câu chuyện bóng gió, những thông tin lừa bịp, và lừa bịp kép, để phán tán tin đồn rằng họ có tai mắt khắp nơi, không bỏ sót điều gì, thì dân chúng tin như thế và mặc nhiên chấp nhận như thế.
Thày giáo Alex Serba, dạy học tại một thị trấn nhỏ ngoại ô Bucharest những năm 1980, kể rằng: “Chúng nó, bọn quái quỷ ấy, không cần phải theo dõi dân chúng làm gì nếu mọi người đều ‘nghĩ’ rằng mình đang bị theo dõi. Đó là một trong những điều nham hiểm nhất”.[iii]
7.
Một người Rumani nói chuyện với người nước ngoài, về lý thuyết không trái pháp luật, nhưng nói gì thì phải kể lại cho công an nghe trong vòng 24 tiếng. Những cuộc thẩm vấn và quấy rầy, tất yếu sẽ đến sau khi nói chuyện với người nước ngoài, khiến hầu hết mọi người không dám gặp du khách nữa.
Không có Hiến chương 77, Công đoàn Đoàn kết, Ủy ban Bảo vệ Công nhân KOR, hoặc Vòng tròn Danube nào hó hé được ở Rumani. Có một vài người cầm bút bất đồng, nhưng gần như không có những nhóm đối lập.
Có một nhóm được thành lập vào giữa thập niên 1980, với tên gọi thẳng thừng là Diễn đàn Chống Toàn trị, nhưng chỉ quy tụ được ba gia đình. Thủ lĩnh nhóm, Viorel Hancu, giải thích: “Nếu thu nhận thêm người thì chúng tôi sẽ hớ hênh, mở đường cho Securitate xâm nhập”.[iv]
*
LỪA CÔNG NHÂN, BÁN TÙ, LÀM HƯ GIÁO HỘI
8.
Ceausescu đối phó với các cuộc bất ổn công nghiệp một cách thô bạo. Năm 1977, thợ mỏ tại thung lũng khai thác khoáng sản Jiu đình công để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Ban đầu Ceausescu tỏ ra mềm mỏng, thương lượng và đồng ý với những yêu sách của họ. Nhưng chỉ vài tuần sau khi thợ mỏ đã quay trở lại làm việc, ông đã cho vây bắt những người cầm đầu đình công, giết chết một số và bỏ tù số còn lại. Năm sau, tiền lương được tăng bị hủy bỏ. Một thập niên sau đó, công nhân nhà máy Sao Đỏ sản xuất máy kéo tại Brasov phía bắc Rumani đình công. Ceausescu lại dùng đúng biện pháp cũ để đối phó.
Ceausescu không phải là người hay đọc sách cổ kim đông tây, nhưng ông thích trích dẫn câu Hoàng đế Caligula nói với quần thần: “Thà bị sợ còn hơn được yêu”. Ngay với những nhân vật thân cận, ông cũng có thể gạt qua một bên trong chớp mắt.
Ion lliescu là một quan chức của Đảng Cộng sản sáng giá, nhanh chóng được cất nhắc lên những chức vụ cao nhất. Khi mới 30 tuổi, Iliescu trở thành Bộ trưởng Thanh niên, khi vừa trên 40 tuổi, ông trở thành người đúng đầu cơ quan tuyên truyền của Đảng. Iliescu thường xuyên ăn tối tại nhà Ceausescu và thường chơi cờ với lãnh tụ, dĩ nhiên, ông khôn khéo để lãnh tụ thắng cờ. Năm 1971, khi Ceausescu nghe rằng Iliescu được người khác nhắc tới như người sẽ kế vị mình, ông đã điều và đày Iliescu trẻ trung xuống các tỉnh lẻ cho giữ những chức nhỏ. Sau này Iliescu được phép trở về Bucharest, nhưng chỉ được giao phụ trách một nhà xuất bản sách kỹ thuật.
9.
Không ai biết có bao nhiêu tù chính trị tại Rumani. Thông tin về số tù nhân chính trị không bao giờ được thu thập, trong khi gần như mọi việc khác xảy ra trên đất nước đều được thu thập dữ liệu và kiểm tra. Cũng chẳng ai dám chắc điều gì sẽ bị xem là tội phạm chính trị, vì nó hoàn toàn dựa vào ngẫu hứng bất chợt của Nhạc trưởng Vĩ đại.
Năm 1982, chẳng vì lý do gì rõ ràng, ông bất chợt tiến hành chiến dịch chống luyện tập yoga. Một nữ sinh viên y khoa ở Bucharest một hôm đi từ phòng tập yoga về nhà thì bị Securitate đánh đập và được lệnh phải ngưng tập yoga. Cô phải vâng lời, sau khi thấy có bốn công an chìm tiếp tục theo dõi mình suốt 24 giờ mỗi ngày. Hiệu quả tức thì: Khi quần chúng biết rằng tập yoga sẽ bị xem như một hành vi chính trị thì nghệ thuật yoga biến mất khỏi Rumani.
10.
Người dân cũng không thể tìm nơi nương náu trong tôn giáo. Ceausescu đã làm hỏng các giáo hội, nhưng không chỉ mình ông có lỗi, vì ông có nhiều đồng minh nhiệt tình trong hàng ngũ giáo sĩ và thầy giảng. Các giám mục Chính Thống giáo và chức sắc lãnh đạo Tin Lành như Gyula Nagy và Laszlo Papp, thuộc sắc dân thiểu số Hungari ở Transvylvania, đã đồng lõa với chính quyền và quan hệ gần gũi với an ninh mật vụ.
Cũng như Đông Đức, nhà cầm quyền Rumani buôn tù chính trị như buôn hàng. Ceausescu không thể đòi giá cao như Erich Honecker, ông chỉ kiếm khoảng 10.000 đô-la Mỹ cho mỗi người tù Rumani gốc Đức “bán” được qua Tây Đức, hoặc Rumani gốc Do Thái bán qua Do Thái.
Ceausescu có lần giải thích cho Ion Pacepa – trùm phản gián Rumani, sau đào thoát qua Mỹ – rằng: “Dầu hỏa, bọn Do Thái và bọn Đức là những món hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ta”. Lãnh đạo các sắc dân thiểu số gốc Đức, gốc Hungary (người Szekler), và các thày giảng Moses Rosen –  đứng đầu giáo hội Do Thái Rumani – đều tiếp tay trong thương vụ này và trong những vụ dàn xếp khác với chính quyền.
*
CÔNG AN MÁY CHỮ
11.
Gần như không có tác phẩm văn chui nào được sao chép và truyền tay ở Rumani. Vì cả nước chỉ có một số ít máy photocopy, tập trung gần hết trong các văn phòng Đảng và nhà nước.
Theo một đạo luật ban hành tháng 3/1983, mọi máy đánh chữ đều phải được đăng ký với công an, và mẫu co chữ của từng máy đánh chữ ở Rumani phải được lưu lại trong hồ sơ, để có thể truy tìm khi cần.
Nội dung sắc lệnh ban hành đạo luật đăng ký máy chữ cho thấy một bức tranh thu gọn về đời sống tại Rumani thời Ceausescu:
“Việc thuê hoặc cho thuê máy đánh chữ là việc cấm. Người sở hữu máy đánh chữ phải có giấy phép do công an cấp, giấy phép chỉ được cấp sau khi có đơn đăng ký. Mọi cá nhân sở hữu máy đánh chữ, trong vài ngày, phải làm đơn để được cấp phép.
“Đơn đăng ký, viết trên giấy, phải được gửi đến văn phòng công an phường, hoặc thị trấn, địa phương, nơi người đứng đơn cư trú, và phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Họ và tên người đứng đơn; họ và tên cha mẹ; ngày và nơi sinh; địa chỉ; nghề nghiệp; nơi làm việc; loại và kiểu dáng máy đánh chữ; máy từ đâu có (mua, quà tặng, hay thừa hưởng); máy được dùng vào mục đích gì.
“Nếu đơn được chấp thuận, trong vòng 60 ngày, người đứng đơn sẽ nhận được giấy phép sở hữu máy đánh chữ. Vào ngày được quy định, người sở hữu máy đánh chữ phải đưa máy lên văn phòng công an để cung cấp mẫu chữ trên máy. Mẫu chữ tương tự cũng phải được cung cấp mỗi năm, nhất là vào hai tháng đầu năm, cũng như sau mỗi lần sửa chữa.
“Nếu đơn đăng ký bị từ chối, người đứng đơn có thể nộp đơn lên công an địa phương yêu cầu xét lại trong vòng 60 ngày. Nếu đơn xin xét lại bị từ chối, phải bán máy đánh chữ trong vòng 10 ngày (có biên nhận mua bán) hoặc tặng làm quà cho người có giấy phép dùng máy.
“Người muốn mua máy đánh chữ trước hết phải nộp đơn đăng ký. Người thừa hưởng hoặc được tặng máy đánh chữ phải lập tức đăng ký xin phép. Máy đánh chữ hư hỏng không thể sửa chữa được phải được gửi đến điểm thu hồi máy đánh chữ, nhưng chỉ sau khi phím chữ, số và ký hiệu đã được nạp cho công an.
“Nếu thay đổi địa chỉ, người sở hữu máy đánh chữ phải báo cho công an biết trong vòng năm ngày”.[v]
*
DỐI TRÁ, THEO DÕI, TRỪNG PHẠT
12.
Vài nhà văn đơn lẻ phê phán chế độ đôi khi đã dũng cảm lên tiếng. Doina Cornea, một chuyên gia về văn chương Pháp tại Đại học Cluj, tây bắc Rumani, bị giam lỏng tại gia suốt nhiều năm trời.
Bà cho rằng chế độ Ceausescu đã “đè bẹp căn tính sâu thẳm nhất của con người, chà đạp ước vọng và quyền hợp pháp của con người, hạ thấp lương tri con người và bắt buộc họ, dưới sức ép bạo lực, phải chấp nhận dối trá là đúng và xem điều đúng là dối trá”.
Và dối trá thì đủ loại lớn nhỏ, cả đến dự báo thời tiết cũng dối trá. Tại Rumani, nhiệt độ không bao giờ chính thức xuống dưới 10 độ C, dù đá và tuyết phủ trắng đất cũng thế, vì có luật quy định nếu nhiệt độ xuống dưới 10 độ C thì các dinh thự công phải bật lò sưởi.
13.
Trong tất cả mọi văn phòng làm việc với hơn vài trăm nhân viên, luôn có một người trung gian chính thức, toàn thời hay bán thời, để phối hợp hoạt động với mật vụ Securitate, và với những người chỉ điểm giấu mặt sẵn sàng theo dõi đồng nghiệp quanh mình.
Trong những ngành nghề nhạy cảm thì không chỉ một mà có nhiều nhân viên tình báo. Chẳng hạn, trong đài truyền hình nhà nước, Securitate có nguyên cả một “bộ phận nghi thức” có nhiệm vụ làm sao cho mỗi lần lên sóng, Nicolae Ceausescu đều xuất hiện đẹp đẽ, dưới ánh sáng tốt nhất có thể.
Các biên tập phim cũng bị công an chìm theo dõi cẩn thận. Một giám đốc điều hành cấp cao tại đài truyền hình sau này cho biết: “Mọi lúc ngập ngừng, mọi dấu hiệu phân vân, mọi lời nói vấp và mọi biểu hiện xấu xí trên mặt ngài Chủ tịch Ceausescu đều phải cắt bỏ, trước khi chương trình phát sóng. Việc này ngốn thêm rất nhiều thì giờ. Những thước phim bị cắt bỏ cũng được Securitate thu gom và tiêu hủy, sợ rơi vào tay kẻ xấu”.
Nhà sản xuất chương trình truyền hình Nick Melinescu một lần không tuân thủ đúng quy định đã phải trả giá đắt. Ông kể: “Lần nọ, có đoạn phim dư vài giây, và trong vài giây đó Ceausescu trông thật luộm thuộm, ông gãi đầu, nháy mắt, nói lắp, và những hình ảnh đó đã không được cắt bỏ. Thế là thảm họa ập xuống … Tôi bị khiển trách và hậu quả là tôi bị cấm làm việc … lương của tôi bị cắt mất ba tháng. Thật tệ hại, đó là một trong những điều xấu nhất có thể xảy ra với tôi”.
Vợ Ceausescu, bà Elena, thận trọng không kém chồng trong việc duy trì hình tượng “Quốc Mẫu” cho bản thân mình, Melinescu kể tiếp: “Có một danh sách dài dằng dặc những nhiều được làm và không được làm khi ghi hình bà. Điều tiên quyết và quan trọng nhất là chỉ được ghi hình trực diện khuôn mặt bà, không được ghi hình mặt nghiêng, lý do là mũi của bà to quá, và bà cũng chẳng đẹp đẽ gì”.
Cơ quan tuyên truyền của Đảng cũng đưa ra chỉ thị rằng các thước phim không được cho gây chú ý về chiều cao khiêm tốn (khoảng một mét sáu) của Ceausescu. Khi có vị quốc khách nào cao hơn đứng cạnh thì phải quay phim ghi hình sao cho giảm thiểu tối đa khoảng cách này. Tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing đứng cao vời vợi cạnh lãnh tụ Rumani thì những hình ảnh được phép trình chiếu không bao giờ cho thấy hai ông đứng cạnh nhau.
Mọi tờ báo đều phải có phó tổng biên tập đảm trách một việc có tính quyết định sinh tử: Kiểm tra và bảo đảm cái tên của Nicolae Ceausescu được viết chính xác, không có lỗi chính tả nào khi xuất hiện trên báo.[vi]
***
14.
THÂN THẾ CEAUSESCU
Nhà độc tài tương lai của Rumani sinh ra trong một làng nhỏ ở Scornicesti trong vùng Wallachia khi ấy bị Đức chiếm đóng, phía nam Rumani. Mẹ và cha ông, Alexandra và Nicolae Andruta, là những nông dân trung lưu. Gia đình đáng lẽ đã khấm khá hơn nếu người cha Nicolae không nát rượu đến độ làm hại cả vợ và bảy người con. Ba con trai ông đều được đặt tên là Nicolae, người ta kháo nhau rằng khi đến thị trấn gần nhất để đăng ký khai sinh, ông quá say nên chỉ nhớ được mỗi tên Nicolae để đặt cho con trai.
Kết quả học tập của Ceausescu thời trẻ kém cỏi, mặc dù các thày từ bậc tiểu học đã công nhận Ceausescu thông minh, tinh ranh, có tính bốc đồng khó kiểm soát.
Đường học vấn chính quy của Ceausescu kết thúc lúc 14 tuổi khi cậu về ở nhà của một trong các chị đã lập gia đình tại Bucharest. Cậu học nghề thợ giày và trở nên cực đoan, một phần vì chịu ảnh hưởng của người anh rể theo chủ nghĩa xã hội, một phần vì cách sống của những thành phần cánh tả hoạt động ngầm.
Theo nhận xét của một người đương thời thì “Cậu ta bị cuốn hút vào cuộc chơi bạo động chứ không bị lôi cuốn bởi ý thức hệ … nơi nào ở phố xá có đấm đá thanh toán là nơi đó cậu có mặt cậu”.
15.
Rumani trong những năm 1930 trượt dài từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác dưới triều đại tham nhũng và thối nát của Vua Carol II, người dính líu đến nhiều vụ bê bối tài chính và có đời sống tình ái như trong các vở tuồng rẻ tiền. Chuyện ông gian díu với góa phụ Magda Lupescu chiếm nhiều giấy mực trên các trang báo lá cải, không chỉ ở Rumani mà còn ở nhiều nước Châu Âu. Nhưng khuynh hướng thiên phát-xít của nhà vua mới là nguy cơ nghiêm trọng cho tương lai đất nước.
Dưới thời ông, lực lượng ‘Vệ binh Sắt’ khét tiếng ngày càng chi phối đời sống xã hội và cậu Ceausescu lúc đó đã trở thành một tay đấu sĩ chính trị, dám choảng bọn côn đồ cánh hữu ngay trên đường phố. Cậu bị bắt lần đầu năm 16 tuổi, năm 1933, và được thả ra bắt lại nhiều lần suốt 12 năm sau đó.
Thời đó Đảng Cộng sản bị cấm nhưng Ceausescu đã được các nhà trí thức mác-xít chung tù dạy dỗ. Cậu học được nhiều điều, và được chỉ bảo để chữa tật nói lắp – trong những năm sau này, mỗi khi hồi hộp, mệt mỏi hoặc căng thẳng, tật lắp bắp lại trở lại.
Khi làm đồ đệ của họ, Ceausescu đã tỏ ra là một tay sai vặt rất hiệu quả, từ việc kiếm thêm thức ăn đến tìm cách liên hệ với thế giới bên ngoài nhà tù.
16.
Ra tù năm 1938, trong một buổi họp của Đoàn Thanh niên Cộng sản, ông gặp và yêu ngay phút đầu tiên một người con gái tóc đen thu hút ông, cô được bạn bè gọi là ‘Pasarica’ (con chim nhỏ). Cô gái chính là Elena Petrescu, lớn hơn Ceausescu một tuổi và cũng xuất thân nông dân.
Là người nghiêm trang trong tình ái, Ceausescu từ đó về sau không bao giờ ngó nghiêng người đàn bà nào khác với ánh mắt tình tứ cho đến hết đời. Elena thì kinh nghiệm và tự tin trên tình trường hơn, trước khi họ cưới nhau cô đã có vài quan hệ tình ái. Ceausescu trở lại nhà tù trước khi hai người có thể tiến xa hơn, nhưng không lâu sau khi ra khỏi nhà tù khắc nghiệt Targu Jiu lúc chiến tranh kết thúc, họ gặp nhau trở lại và ít lâu sau thì cưới.
*
TINH RANH, VĨ CUỒNG
17.
Liên Xô dựng lên một chính phủ bù nhìn tại thuộc địa Rumani và Stalin đã đưa nhân vật lão luyện trong chính trị, đầy tính toán, lanh lợi và lạnh lùng Gheorghe Gheorghiu-Dej lên làm lãnh tụ chế độ cộng sản mới thành lập.
Ceausescu từng ở chung tù với Gheorghiu-Dej và ngưỡng mộ đầu óc cùng sự tàn nhẫn của ông. Gheorghiu-Dej thì dùng Ceausescu như kẻ “dàn xếp” mọi việc cho mình, và Ceausescu lúc này đã chứng tỏ một số kỹ năng chính trị và ngoại giao bẩm sinh, cũng như tài sử dụng đòn phép để bắt nạt người khác cho được việc mình.
Ceausescu được giao nhiệm vụ thành lập quân đội cộng sản và sau này thăng quan tiến chức trong hàng ngũ Đảng. Ông cũng thường thay mặt lãnh tụ làm những việc “bẩn”, chẳng hạn như tiến hành các cuộc thanh trừng nội bộ và săn lùng khủng bố người chống đối, rất đặc thù của chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô-viết.
Ceausescu luồn lách qua mê trận chính trị đầy bất trắc của Rumani với sự tinh ranh, khôn khéo, hơn hẳn những nhà trí thức tài giỏi hơn, mưu kế hơn, thâm thúy hơn chung quanh mình. Khi Gheorghiu-Dej chết – chết đau đớn vì ung thư năm 1965 – Ceausescu không phải là chọn lựa đương nhiên để kế vị. Trong khi các đối thủ cao tuổi hơn lập mưu tính kế  và hủy diệt nhau, thì ứng viên Ceausescu xuất hiện như một giải pháp hòa giải cho mọi bên.
18.
Ban đầu, Ceausescu có khuynh hướng khá cởi mở. Ông hủy bỏ một số ít khoản kiểm duyệt, phần nào khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, và hầu như mang đến một không khí mới trong vài năm đầu cầm quyền. Ông có vẻ là một lãnh tụ quốc gia hơn là một lãnh tụ cộng sản cứng rắn.
Nhưng ông đã thay đổi đột biến sau khi đi một chuyến dài qua thăm Bắc Hàn và Trung Quốc cuối năm 1971. Ông có ấn tượng sâu sắc với Kim Nhật Thành và Mao Trạch Đông, với cách cai trị mang nhiều tính cá nhân, với sự sùng bái cá nhân họ được hưởng, và với những cuộc tụ tập vĩ đại tại Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, khi hàng trăm ngàn người giương cao hình lãnh tụ và sùng kính họ như những vị thánh sống. Ông thấy mình cũng xứng đáng được sùng bái như vậy tại Bucharest, nơi ông tin rằng dân chúng yêu quý ông, nhưng họ cần bộc lộ nhiều hơn nữa.
Trở về nước, ông bắt đầu cứng rắn hơn và kiên quyết theo đuổi đường lối Stalin, không nhân nhượng. Ông xiết chặt tự do của sắc dân được xem là kẻ thù truyền kiếp của Rumani, tức sắc dân thiểu số gốc Hungary sinh sống tại Transylvania. Ông đưa ra luật lệ cấm họ dạy tiếng Hungary trong trường học và cấm các trung tâm văn hóa của họ hoạt động. Ông chi những khoản tiền khổng lồ cho lực lượng mật vụ Securitate. Ông lọc lựa rồi thủ tiêu hoặc bỏ tù các đối thủ. Ông biến Rumani trở thành nơi khốn khổ nhất, thiếu thốn nhất Đông Âu.[vii]
***
CEAUSESCU: DÂN SỢ, NGUYÊN THỦ BỢ
19.
Khi dân trong nước càng ngày càng sợ Ceausescu, thì ở ngoài nước, ông lại được tiếp đón nồng hậu. Mặc dù ông tàn bạo với người dân trong nước, ông lại là người cộng sản được phương Tây ưa chuộng. Lý do rất đơn giản. Ông lèo lái đất nước theo con đường độc lập với Liên Xô nhiều nhất có thể, và trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đó là điều quan trọng bậc nhất.
Người tiền nhiệm Gheorghiu-Dej cũng dùng chiêu bài quốc gia và thành công, ông đã thương lượng một thỏa thuận để Liên Xô rút quân khỏi lãnh thổ Rumani,  và tuy là thành viên của Khối Warsaw, thỉnh thoảng Rumani vẫn có tiếng nói của riêng mình.
Ceausescu cũng đi những bước tương tự. Ngay trước khi quân đội của Khối Warsaw xâm lăng Tiệp Khắc năm 1968, Ceausescu đã đến Praha để đề nghị được hỗ trợ cho Alexander Dubcek. Ông không cho quân đội Rumani dự phần vào cuộc xâm chiếm Tiệp Khắc của Liên Xô, và thường xuyên lên tiếng chống lại việc Liên Xô can thiệp vào nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa khác. Ông cũng muốn kinh tế Rumani ít bị lệ thuộc vào Liên Xô và có những động thái nhằm cải thiện quan hệ với phương Tây.
20.
Các nhà lãnh đạo thế giới tự do gần như xếp hàng để lấy lòng người lãnh tụ cộng sản dám thách thức Moscow.
Dĩ nhiên, họ không tưởng tượng mình có thể tách Rumani khỏi vòng tay Moscow, nhưng họ tin rằng nếu khích lệ để Ceausescu độc lập hơn nữa với Moscow thì họ sẽ làm khó Liên Xô đáng kể.
Vì vậy họ trao tặng Ceausescu huy chương và danh dự các loại, mời ông dự những buổi tiếp tân hậu hĩ dành cho quốc khách tại thủ đô các nước phương Tây.
Khi đến Paris, ông ở ngay Điện Elysee. Nhưng Tổng thống Pháp Giscard d’Estaing đã phải cảnh báo nước chủ nhà kế tiếp, sẽ đón Ceausescu tại London, về khuynh hướng ăn cắp vặt của phái đoàn Rumani, rằng họ thích lấy làm của riêng những thứ như bật lửa, gạt tàn thuốc, vật trang trí các kiểu, và đề nghị nếu người Anh muốn bảo tồn cái gì thì phải giấu chúng đi, hoặc bắt đinh vít xuống sàn cho chắc.
21.
Khi Ceausescu đến Anh, ở tại Cung điện Buckingham vào tháng 6/1978, Nữ hoàng Elizabeth II đã rất ngạc nhiên khi được báo là sáng sớm hôm đó, Chủ tịch Rumani và các trợ lý đã có một cuộc họp ngoài vườn vì họ cho rằng mọi phòng ngủ trong Cung điện đều bị nghe lén.
Trong buổi tiếp đón chính thức, nữ hoàng đã nói trong diễn văn rằng: “Chúng tôi ở Anh Quốc rất có ấn tượng với lập trường kiên định của ngài về … thế đứng độc lập. Chính vì vậy, Rumani có một vị trí riêng biệt và giữ một vai trò quan trọng trong chính trường thế giới. Tính cách của ngài, thưa ngài Chủ tịch, như một chính khách nổi tiếng thế giới, giàu kinh nghiệm và có tầm ảnh hưởng, đã được công nhận rộng rãi”.
Thử tướng Anh Margaret Thatcher cũng không kém nữ hoàng. Bà nói bà rất “ấn tượng với cá tính của Chủ tịch Ceausescu … và bà đã có một dấu ấn rất riêng về nhà lãnh đạo của … một đất nước sẵn sàng mở rộng quan hệ với các nước khác”.[viii] Ceausescu được trao tặng tước hiệu hiệp sĩ rất danh dự và một số huy chương khác.
***
ELENA HÁO DANH
22.
Bà Elena còn khát danh hiệu hơn cả chồng. Mặc dù chỉ học hành chắp vá – bị đuổi học khi 14 tuổi – và sau này lấy được chứng chỉ về hóa học, bà lại muốn mình được công nhận như một nhà khoa học đẳng cấp. Ceausescu đặt bà làm viện trưởng Viện ICEHCM, viện nghiên cứu hóa học uy tín nhất Rumani, mặc dù bà chưa đủ trình độ để làm một thực tập sinh ở viện, nói chi đến trình độ làm viện trưởng.
Trước chuyến đi của ông bà đến London, trợ lý của bà đã cho người đi thăm dò để xin cấp cho bà bằng danh dự FRS, tức danh dự cao nhất trong sinh hoạt khoa học nước Anh. Nhưng bà bị từ chối. Họ tiếp xúc xin Đại học Oxford và Cambridge cấp bằng danh dự cho bà nhưng hai đại học cũng không chấp thuận.
Cuối cùng bà nhận được danh hiệu thành viên Viện Hóa học Hoàng gia và một bằng danh dự của Đại học Bách khoa Trung tâm London.
Trong lễ trao bằng, Ngài Richard Norman [một chuyên gia về hóa học hữu cơ], Viện trưởng Viện Hóa học Hoàng gia, đã ca tụng đóng góp của bà “dành cho hóa học thử nghiệm đại phân tử, đặc biệt ở lĩnh vực tổng hợp có tính cố định chất lỏng izopen, trong quá trình ổn định cao su nhân tạo và trong việc tạo thành các đồng trùng hợp”. Mircea Corciovei, nhà hóa học đứng đầu Rumani, là người thực hiện hầu hết các nghiên cứu cho công trình này dưới tên bà, đã ngao ngán cho biết: “Họ căn dặn chúng tôi rằng: Sẽ không có công trình nghiên cứu nào được viết ra hoặc được công bố, cũng sẽ không có bài thuyết trình nào được đọc trong hội thảo, nếu cái tên Elena Ceausescu không xuất hiện trên trang đầu. Chúng tôi chẳng bao giờ thấy bà, hoặc nghe nói về bà, trong suốt quá trình nghiên cứu hoặc sau đó. Bà không hề công nhận sự tồn tại của chúng tôi. Chúng tôi viết ra các luận văn với chữ nghĩa bà dư biết mình còn không thể phiên âm được nữa, huống chi hiểu”.[ix]
23.
Ceausescu còn là đề tài của những bản tiểu sử đầy nịnh hót, không chỉ ở Rumani mà còn ở Tây Âu.
Một “tiểu thánh sử” về Ceausescu xuất bản tại Anh năm 1983 được mào đầu bằng một cuộc “phỏng vấn” thả ga ca tụng của giám đốc nhà xuất bản, Robert Maxwell, cựu nghị sĩ Quốc hội Anh và sau này bị thất sủng trong vai trò một ông trùm báo chí.
Trong bài phỏng vấn này, một trong những câu hỏi đầu tiên Maxwell đặt ra là: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài đã đảm nhiệm những vị trí cao nhất trong hệ thống nhà nước và sinh hoạt chính trị tại Rumani gần 20 năm qua, đó là một thành tựu cụ thể mà chúng tôi xin chân thành chúc mừng ngài. Vậy thì, theo ý kiến của ngài, điều gì đã làm ngài được dân chúng Rumani yêu quý như vậy?”[x]
*
CA TỤNG VÀ HỜN GIẬN
24.
Ở Mỹ cũng thế, ông cũng được dành cho nhiều danh dự và lời tán tụng tương tự. Tổng thống Gerard Ford nói: “Ảnh hưởng của Chủ tịch Ceausescu trong chính trị quốc tế … thì nổi bật”. Tổng thống Jimmy Carter khẳng định: “Uy tín của ông đã vượt ra khỏi biên giới Rumani và Châu Âu … Cả thế giới trân trọng ông và nhìn ông ngưỡng mộ”.
Ngay cả những ứng xử kỳ quặc của Ceausescu cũng không làm người Mỹ chột dạ nghĩ lại. Trong chuyến thăm Mỹ ba ngày năm 1979, ông đã đùng đùng bỏ ra ngoài khi đang dự một dạ tiệc được tổ chức để chiêu đãi ông tại New Orleans, chỉ vì ông thấy bị xúc phạm khi một hồng y ngồi chung bàn đọc kinh trước khi ăn.
Trong buổi chiều cuối chuyến đi ở Mỹ, ông có cuộc họp mặt với Thị trưởng New York, Edward Koch. Bên ngoài khách sạn Manhattan nơi phái đòan Ceausescu cư ngụ, diễn ra một cuộc biểu tình nhỏ của cộng đồng người Hungary lưu vong.
Quá nửa buổi họp, Thị trưởng Koch nói với Ceausescu rằng: “Thưa ông Chủ tịch, dưới kia, một số bạn tôi đang biểu tình chống ông, và họ nói với tôi rằng ông không cho người Hungary sống tại Transylvania quyền tự do tôn giáo và tự do văn hóa. Điều đó có đúng không?” Ceausescu lập tức nổi đóa. Ông quay qua nói với viên chức ngoại giao Mỹ tháp tùng ông, đòi hỏi: ”Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ nói gì về việc này? Tại sao nó dám nói với tôi như thế?”
Ceausescu được giải thích rằng cho dù chính quyền Liên bang theo đuổi chính sách nào đi nữa thì ông Thị trưởng New York vẫn được quyền có tiếng nói của mình. Vị Đại Nhạc trưởng Ceausescu càng điên tiết. Ông ra lệnh cho toàn bộ phái đoàn phải lập tức trở về Bucharest. Tuy vậy, kế hoạch về ngay gặp chút ít trục trặc, vì bà Elena lúc đó đang ở cửa hàng hiệu Cartier, nơi bà đang được tặng một tua mua sắm dành riêng. Bà yêu cầu ở lại thêm ba tiếng rưỡi nữa. Họ sửa cả lịch trình để ra vẻ về đến nhà theo đúng thời gian định trước.
Bốn năm sau, George Bush, lúc đó đang là Phó Tổng thống Mỹ, đến thăm Bucharest. Cuối cuộc trao đổi kéo dài vài giờ với Ceausescu, Bush đã tuyên bố rằng: “Ông ấy là một trong những người cộng sản tốt”.[xi]
***
GIA ĐÌNH TRỊ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
25.
Người Rumani, với tính khôi hài đen, gọi chế độ là “gia đình trị xã hội chủ nghĩa”. Ceausescu bổ nhiệm vào các vị trí chóp bu nhà nước và Đảng cầm quyền những anh chị em, cô cậu, cháu chắt và dâu rể nhà mình.
Ông anh ruột, Nicolae Andruta, là trung tướng đứng đầu Bộ Nội vụ và lực lượng an ninh. Một anh ruột khác, Ilie, là Phó Bộ trưởng Quốc phòng. Ilie cùng với một người ruột thịt khác nữa là Marian, điều hành một đường dây làm ăn tuyệt mật: Bán hỏa tiển và các hệ thống truyền tin điện tử, do Liên Xô chế tạo, cho Mỹ, đổi lại Mỹ sẽ cung cấp cho Rumani vũ khí phương Tây, và sau đó số vũ khí này được chuyển cho Liên Xô.
Một anh em ruột khác, Florea, chính là tai và mắt của lãnh tụ ở ngay tờ báo Đảng, nắm giữ vai trò biên tập cho tờ Scinteia. Người anh rể ưa thích của Ceausescu, Gheorghe Petrescu, là Phó Thủ tướng. Những người anh em rể khác, Verdet và Manea Manescu cũng giữ những vai trò chóp bu trong Đảng. Người cháu gái được yêu chuộng, Maria, được đặt làm người đứng đầu tổ chức Chữ Thập đỏ Rumani.
Nhưng người cố vấn thân cận nhất của Ceausescu chính là vợ ông, bà Elena, ngày càng được trao nhiều quyền lực. Vào đầu thập niên 1980, bà được giao điều hành việc nước trong khi Ceausescu đi công du nước ngoài.
Rumani chưa bao giờ là một nền độc tài biết chia sẻ quyền lực. Elena tuy là nhân vật số hai nhưng bà đã ngày càng trở nên khôn lanh hơn, tạo cho mình vẻ uy nghi hơn, và ông Ceausescu ngày càng lệ thuộc vào bà.
Bà thường nói trước nhiều người rằng: “Tôi là người duy nhất các vị có thể thực sự tin cậy”. Cũng có dấu hiệu cho thấy ông có thể rất sợ những cơn giận dữ của bà. Ion Ardeleanu, người viết sử Đảng và biết rõ cả hai ông bà, kể rằng: “Ông ấy sợ bà lắm. Tôi chắc chắn thế. Nếu ông trễ giờ cơm hoặc giờ họp với bà thì y như rằng, ông cứ nhìn vào đồng hồ, bắt đầu vã mồ hôi và nói lắp”.[xii]
*
ĐEN ĐƯỜNG CON CÁI
26.
Vợ chồng Ceausescu bất hạnh về đường con cái.
Người con cả, Valentin, được ông bà nhận làm con nuôi năm 1948 khi còn nhỏ. Từ khi vừa lớn Valentin đã tìm cách giữ một khoảng cách an toàn với bố mẹ nuôi. Sau này Valentin trở thành nhà vật lý khá nổi tiếng, có bằng cấp cao tại đại học Imperial College ở London.
Bố mẹ không chấp thuận cuộc hôn nhân của Valentin với Iordana Borila, một phần vì cô là người gốc Do Thái, nhưng tệ hơn nữa, cô là con gái ông Petre Boria, một trong những đối thủ của Ceausescu trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ Đảng thập niên 1960. Ông Petre Boria có một quá khứ hào hùng và lãng mạn khi chiến đấu trong Nội chiến Tây Ban Nha, vào lúc Ceausescu vẫn đang lây lất trong hàng loạt nhà tù.
Valentin và vợ sống trong một căn hộ hai phòng ngủ khiêm tốn, tại một nơi không lấy gì làm thời thượng ở Bucharest, như mọi người Rumani bình dân khác, và toàn bộ những đặc quyền dành cho của người thân cán bộ cấp cao đều bị rút lại. Valetin làm việc âm thầm tại Viện Vật lý.
Cuộc hôn nhân không kéo dài, tuy vậy, Valentin vẫn không được bố mẹ tha thứ. Valentin đứng ngoài chính trị, dù có lần ông nhận xét về đồng bào mình rằng “Quyền lực tuyệt đối làm con người hư hỏng tuyệt đối, nhưng khi cắn răng chịu đựng, con người cũng hư hỏng tương tự”.
27.
Con ruột của vợ chồng Ceausescu, Zoia, sinh năm 1950, cũng tìm cách phản kháng, và câu chuyện của cô còn buồn hơn chuyện ông anh. Cô là một nhà toán học giỏi, và trong thời gian học ở Đại học Bucharest, cô đã có dịp mở mắt thấy hoàn cảnh sống thực tế của đại đa số người dân Rumani. Ngày càng kinh hãi, năm 1974, cô tìm cách đào thoát khỏi Rumani chung với bạn trai. Nhưng tai mắt cùng cánh tay nối dài của mật vụ Securitate đã tóm được họ*. Sau này Zoia tiết lộ với bạn rằng cô đã bị bẫy.
Cơn giận dữ và đòn trả đũa của “Cặp Vợ Chồng Đệ nhất” trong vụ này phải nói là quái gở. Họ đổ lỗi cho Viện Toán học Bucharest, nơi Zoia theo học tiến sĩ. Vợ chồng Ceausescu cho rằng Viện đã tiêm nhiễm “tư tưởng phóng túng bô-hê-miên” vào đầu đứa con gái duy nhất của họ. Họ ra lệnh đóng cửa Viện Toán học, phân tán nhân sự của Viện đi khắp nơi. Và khác với thói quen tóm chặt, họ lại buông và cho phép một số người tài giỏi nhất Viện được rời khỏi Rumani. Toán học là một trong vài lĩnh vực đặc biệt mà người Rumani đang thực hiện những công trình cấp cao, nhưng tất cả những công trình này đều bị hủy bỏ khi hơn 100 nhà toán học hàng đầu Rumani rời đất nước đi định cư ở phương Tây.
Zoia miễn cưỡng trở về với gia đình, và thỉnh thoảng cố gắng nói chuyện với bố mẹ về những hàng người rồng rắn chờ mua thức ăn và sự cùng khổ của người dân trong nước, nhưng cô ngao ngán: “Họ chẳng thèm nghe tôi nói”. Zoia trở nên lạc lõng, xa lánh mọi người và bắt đầu nghiện rượu.
28.
Thái tử đỏ, kẻ dự tính sẽ lên ngôi thay cha, lúc đó là Nicu, con trai của vợ chồng Ceausescu, sinh năm 1951. Khác với các anh chị em khác, Nicu rất phóng túng và dường như chẳng quan tâm đến gì nhiều ngoài việc tận hưởng những đặc quyền sinh ra đã có.
Nicu ăn chơi phóng đãng, ngay từ trẻ đã điếm đàng khắp nơi ở thủ đô Bucharest và các thủ đô nước ngoài, thích lái xe tốc độ nhanh, và cũng như chị gái Zoia, Nicu nghiện rượu nặng. Nhưng Nicu lại là con cưng và được vợ chồng Ceausescu tận tình chăm sóc.
Khi lớn tuổi, tính phóng đãng giảm bớt nhưng Nicu vẫn rượu chè liên tục, một tật xấu cuối cùng làm ông mất mạng. Nicu được giao các trách nhiệm chính trị và được điều hành cả một tỉnh ở miền bắc Rumani. Nicu được bố mẹ cưng chiều và được chuẩn bị để sau này ngồi ghế tối cao trong vương triều cộng sản, ít nhất đó là điều vợ chồng Ceausescu mong muốn.[xiii]**
***
“CÔNG AN KINH NGUYỆT” VÀ PHÁ THAI
29.
Phụ nữ là những người khốn khổ nhất tại Cộng hòa Nhân dân Rumani.
Năm 1986, nhân dịp sinh nhật, Ceausescu đã ban hành luật mới cấm phụ nữ dưới 45 tuổi phá thai. Trong 20 năm trước đó, luật chỉ áp dụng cho mọi phụ nữ dưới 40 tuổi, nhưng lãnh tụ nghĩ luật cũ không hiệu quả nên ra luật mới khắt khe hơn.
Vợ chồng Ceausescu mơ ước tăng dân số Rumani từ 23 triệu dân lên 30 triệu dân. Ông phát động chiến dịch từ năm 1966 bằng chỉ thị rằng việc mang thai được xem là quốc sách.
Đến giữa thập niên 1980, Ceausescu nói: “Bào thai là tài sản của toàn xã hội. Bất cứ ai tránh có con đều là kẻ đào ngũ, là bất tuân luật lệ về tính liên tục quốc gia”.
Rumani là nước duy nhất trong toàn khối xã hội chủ nghĩa có luật cấm phá thai, trong khi ở toàn cõi Đông Âu, phá thai được xem như biện pháp chính để hạn chế sinh sản. Ở Rumani, các biện pháp ngừa thai bị cấm, nhà trường không có môn giáo dục giới tính, và tuổi tối thiểu để các em gái kết hôn được hạ xuống thành tuổi 15.
30.
Thoạt đầu, số sinh tăng vọt, nhưng chỉ sau ba năm, sinh xuất bắt đầu giảm mạnh và Ceausescu bèn dùng đến những hình thức ép buộc man rợ. Cứ mỗi một đến ba tháng, phụ nữ bị buộc phải đi khám thai một lần. Họ được công an vũ trang – người dân gọi là “công an kinh nguyệt” – gom lại ngay nơi làm việc và đưa đến trạm xá.
Tại trạm xá, trước mặt một công an Securitate, các chị em được khám xem có dấu hiệu mang thai không, hoặc có dấu hiệu vừa nạo phá thai không.
Một phụ nữ không sinh đẻ vào thời điểm phù hợp có thể sẽ được mời lên công an thẩm vấn. Phụ nữ sảy thai bị nghi oan là phá thai trái phép. Các bác sĩ trong những địa phương có số sinh giảm bị trừng phạt, và điều này khiến họ phải đưa ra những con số giả. Geta Stanescu, một bác sĩ ở Bucharest, cho biết: “Nếu có một trẻ chết trong quận của chúng tôi, chúng tôi sẽ mất từ 10 đến 25% lương, dù đó không phải là lỗi của chúng tôi”.***
31.
Hậu quả khó tránh là phá thai được tiến hành lén lút. Số người chết vì phá thai cao hơn bất cứ nơi nào tại Châu Âu. Các vụ phá thai chui được tiến hành trong những điều kiện hết sức tồi tệ. Bệnh viện Thành phố Bucharest phải giải quyết khoảng 3.000 vụ phá thai không thành mỗi năm, trong số có 200 phụ nữ cần đại phẫu thuật. Nhiều phụ nữ sợ quá không dám đến bệnh viện. Hơn 1.000 phụ nữ ở Bucharest chết mỗi năm vì những vụ phá thai cẩu thả.
Mỗi vụ phá thai lén lút tốn khoảng từ hai đến bốn tháng lương trung bình. Khi trục trặc, nhiều chị không tìm thầy chạy thuốc đúng lúc chỉ vì sợ hãi. Bác sĩ Alexander Anca làm việc tại Bệnh viện Thành phố Bucharest nói: “Các chị quá sợ đến bệnh viện, nên khi chúng tôi gặp thì đã quá muộn. Thường các chị chết ở nhà”.
Khi tình hình ngày càng tồi tệ vào thập niên 1980, và đất nước càng lúc càng thiếu thốn, số trẻ sơ sinh chết tăng vọt, lên đến 25 bé trong mỗi 1.000 bé ra đời, cao gấp ba lần mức trung bình ở Châu Âu.
Bi thảm không kém là sự gia tăng số trại mồ côi do nhà nước quản lý. Giữa thập niên 1980 có đến 100.000 trẻ mồ côi bị bỏ rơi vì gia đình không muốn giữ hoặc không đủ sức nuôi nấng.
Người Rumani, trong chỗ riêng tư với người tin cậy thường kháo nhau rằng Bucharest là “Paranopolis” (thủ đô điên loạn). Tuy nhiên, càng đói bao nhiêu, càng lạnh cóng bao nhiêu vào mùa đông, người dân Rumani lại càng phải ca tụng lớn tiếng bấy nhiêu để hoan hô chính kẻ đã đày đọa mình.[xiv]

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[i] Pavel Campeanu, “The revolt of the Romanians”, đăng trên New York Review of Books, ngày 1/2/1990
[ii] Báo Jurnalul National, Bucharest, 22/1/1991
[iii] Nhân vật trò chuyện với tác giả, Bucharest, tháng 10/2007
[iv] Như trích trong Gale Stokes, The Walls Came Tumbling Down (Oxford University Press USA, 1993), tr. 198
[v] Như trích trong John Sweeney, The Life and Evil Times of Nicolae Ceausescu (Hutchinson, London, 1991), tr. 132-4
[vi] John Simpson, The Darkness Crumbles (Hutchinson, London, 1992)
[vii] Thông tin về Nicolae và Elena Ceausescu, xem Pavel Campeanu, như trên; Vladimir Tismaneanu, Stalinism for All Seasons: A Political History of Romanian Communism (University of Califronia Press, 2003); Ion Pacepa, Red Horizon: The True Story of Nicolae Ceausescu’s Crimes; Edward Behr, Kiss the Hand You Cannot Bite (Hamish Hamilton, London, 1991); và Daniel Cheroot, Modern Tyrants (Princeton University Press, 1996)
[viii] Mark Almond, The Rise and Fall of Nicolae and Elena Ceausescu (Chapmans, London, 1992), tr. 148-53
[ix] Như trên
[x] Nicolae Ceausescu, Ceausescu: Builder of Modern Romania and International Statesman (Pergamon Press, Oxford, 1983), lời nói đầu
[xi] Như trích trong Edward Behr, Kiss the Hand You Cannot Bite (Hamish Hamilton, London, 1991), tr. 136
[xii]Như trên, tr. 148
* Nhà Ceausescu giám sát chặt chẽ và can thiệp vào các mối quan hệ của con cái. Trong một thời gian ngắn vào năm thập niên 1970, Zoia hẹn hò với Petre Roman, con trai của một quan chức cộng sản hàng đầu, một học giả có sức thu hút và quan hệ rộng rãi, sau Cách mạng 1989 trở thành Thủ tướng hậu cộng sản đầu tiên của Rumani. Vợ chồng Ceausescu không chấp nhận mối quan hệ này, nhất là bà Elena. Bà gọi cho bố Petre đòi phải chấm dứt quan hệ của đôi trẻ, bà nói rằng “trong nhà có một đứa Do Thái là đủ lắm rồi”, ý nhắc tới con dâu bà cũng là người gốc Do Thái. Thế là bà và Walter gửi Petre đi nước ngoài du học và cuộc tình nhạt dần. Bà Elena cũng can thiệp vào chuyện tình ái của con trai Nicu, dàn xếp cho con tiến tới với một cô gái vừa lòng bà, cô Poliana Cristecu. Nhưng cưới vợ là điều cuối cùng cậu trai phóng đãng nhà Ceausescu muốn làm. Lễ cưới được Thị trưởng Bucharest cử hành, có gia đình và một số lãnh đạo Đảng tham dự. Ngay sau khi cặp vợ chồng ký giấy hôn thú, Nicu quay qua nói với vợ mới cưới: “Rồi! Giờ cô về ở với mẹ tôi … ngủ với bà ấy, vì bà ấy chọn cô!”
** Zoia Ceausescu bị tù tám tháng sau Cách mạng 1989, và sau khi ra tù không kiếm được việc làm. Nhà bà bị tịch thu và bà sống những năm cuối đời ở nhờ nhà người bạn. Zoia chết vì ung thư phổi năm 2006. Nicu bị tù hai năm rưỡi sau Cách mạng 1989. Thỉnh thoảng Nicu được trích dẫn trên báo chí Rumani biện minh cho hành vi của cha mẹ, trước khi chết vào năm 1996 vì xơ gan. Valentin vẫn còn sống vào thời điểm cuốn sách này được viết [2009]. Ông thường phê bình cha mẹ mình sau Cách mạng, ông cũng ở tù chín tháng trước khi mọi cáo buộc về ông bị hủy bỏ. Sau đó, Valentin vướng vào một cuộc kiện tụng trước pháp luật với chính quyền Rumani hậu cộng sản. Trong vụ này, Valentin cho rằng chính quyền đã tịch thu tài sản thuộc sở hữu chính đáng của gia đình Ceausescu, bất kể gia đình đã làm gì khi còn nắm quyền. Valentin thua kiện.
*** Phụ nữ có năm hoặc sáu con được thưởng huy chương Thiên chức làm Mẹ; có bảy đến chín con được nhận Huân chương Người Mẹ Vinh quang; có từ 10 con trở lên được tặng danh hiệu Người Mẹ Anh hùng. Ngược lại, phụ nữ nào không sinh con cho tổ quốc sẽ bị phạt tiền rất nặng. Các cặp vợ chồng trên tuổi 25 không con cái bị đánh thuế cao hơn bình thường.
[xiii] Thông tin về các con Ceausescu, xem Campeanu, “The Revolf of the Romanians” như trên
[xiv] Gail Kligman, The Politics of Duplicity: Controlling Reproduction in Ceausescu’s Romania (University of California Press, 1998)
Dịch giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn