ĐỪNG QUÁ KỲ VỌNG VÀO CÂY MẮC CA

Tô Văn Trường

Nếu quả bóng bất động sản vỏ hơi dày, căng lên rồi lâu lâu mới xẹp, thì quả bóng mắc-ca chỗ dày, chỗ mỏng, những chỗ yếu nhất không chờ thổi thêm đã xì ra đây đó mà sự kiện ông Trần Vinh được mệnh danh là “vua mắc ca” của tỉnh Lâm Đồng có gần 200 ha đang đứng trước nguy cơ phá sản vì cạn kiệt nguồn vốn đầu tư vào cây mới mẻ này và một số người dân ở Đắk Lắk đã bắt đầu chặt bỏ mắc ca là những tín hiệu rõ ràng.

Sự thổi phồng ồn ào mấy tháng qua, sự a dua trong phong trảo “cây tỷ đô” sớm muộn cũng phải trả giá, cho dù chẳng ai mong muốn, vì nếu đổ bể một phần nhỏ mấy thì cay đắng cũng nằm trong phần “hưởng lợi” của nông dân, liệu mấy ai đem tiền ra chia sẻ, chung chi thất bại với họ? Những tiếng nói chân thành nhất lại là những nhân vật không hề muốn điều này xảy ra, chứ không phải thích “chọc gậy” cái bánh xe mắc-ca đang hồi phi mã.

Lấp ló sau vụ này đã thấy rõ hình bóng của các nhóm khác nhau, ấy là: (i) Những người có nguồn giống, bán giống (thực hay dỏm); (ii) Những người muốn kiếm đất (ít nhất 50 ha trở lên, chưa nói cả nghìn ha từ qui hoạch địa phương) rồi sau có nuôi “nữ hoàng” hay không là chuyện… tính sau; (iii) Những người đang muốn thoái vốn, trút vốn muốn được ưu đãi; (iv) Những người ăn theo được trả công quảng bá, nếu thua thiệt họ chẳng mất gì; (v) Những người muốn ghi điểm để củng cố vị thế của mình vv…

Có một nhóm đứng riêng, ấy là “phản biện xã hội”. Họ là các lão nông đích thực, các chuyên gia biết bản chất sự việc, họ chẳng có lợi ích nào khác là cùng chia sẻ kinh nghiệm với số đông nông dân ít vốn, kém thế. Tôi vẫn còn nhớ trong bài “Cây mắc ca – Huyền thoại hay ngộ nhận” Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tử Siêm đã phân tích rất chí lý “sự phát triển thành công mắc-ca quyết định ở tính bền vững của nó trong hệ thống cây trồng và tính cạnh tranh của nông sản này trên thị trường. Do vậy, đánh giá đúng tiềm năng cũng như lường hết sự rủi ro chính là đóng góp tốt nhất cho chủ trương này”.

Phản bác lại những cổ súy một chiều, ông cũng điềm tĩnh mà rằng “Mới có được quả thô trong tay chưa thể nói là yên tâm” và rằng “luôn phải nhớ các công ty đa quốc gia nắm “đằng chuôi” là giống, công nghệ chế biến và chi phối sản phẩm cuối cùng. Vì thế, cần phải chuẩn bị tốt hơn để chúng ta làm chủ cả chuỗi giá trị trước khi triển khai đại trà. Bởi điều này liên quan đến sinh kế của hàng triệu người, không thể đem ra làm phép thử”.

Theo khảo sát của phóng viên Cao Nguyên (báo Người lao động) mới đây nhiều vườn mắc ca của người dân ở Đắk Lắk và Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên thực tế cho thấy, các vườn cây mắc ca cho rất ít trái, rụng nhiều và không thể cho trung bình hàng chục kg/cây như trên một số thông tin đã đồn thổi.

Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết: Nhìn chung khí hậu ở Đắk Lắk không phù hợp với cây mắc ca. Nhiệt độ thích hợp cho cây mắc ca sinh trưởng, phát triển là từ 18-24 độ nhưng ở Đắk Lắk nhiệt độ rất cao, chênh lệch giữa ngày và đêm khá lớn. Bên cạnh đó, mùa ra hoa của cây mắc ca thường trúng vào mùa gió, ảnh hưởng đến quá trình đậu trái v.v…

Từ phong trào ồ ạt trông cây mắc ca lại nhớ bài học khi có chủ trương đưa cây cao su lên Tây Bắc nhiều chuyên gia đã cảnh báo sẽ phải trả giá về giống, khí hậu và địa hình vùng cao hơn 500 m không thích hợp với cây cao su. Hậu quả gần đây 70 ha ở huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La trồng đã được 6 đến 7 tuổi chuẩn bị thu hoạch đã bất ngờ bị đốn hạ vì sản lượng mủ kém vv...

Để phát triển sản xuất nông nghiệp không bị động và không đẩy người nông dân vào tình trạng “đánh bạc” với trời, trước hết Bộ Nông nghiệp & PTNT cần phải xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, vai trò của doanh nghiệp đầu vào và đầu ra sản phẩm, kết hợp chặt chẽ với nông dân. Phải loại bỏ tư duy cơ cấu kinh tế tỉnh, huyện, xã mà chỉ có cơ cấu kinh tế quốc gia và cơ cấu kinh tế vùng bởi vì theo nguyên lý không thể lấy đơn vị hành chính làm đơn vị kinh tế.

Các ý kiến phản biện của chuyên gia về cây mắc ca ít ra cũng đã kịp thời rà phanh cho cơn sốt dịu xuống cho sự phát triển hài hòa và bền vững. Trường hợp này cũng không khác các phản biện xã hội khác đối với các dự án thủy điện, bauxite, sân bay, cảng biển, lấn sông Đồng Nai hay nói rộng ra các chính sách liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội khác, ở đó phải có tiếng nói công luận. Càng dân chủ, càng thu nhận được ý kiến khác biệt, thậm chí trái chiều, sự phát triển càng vững chắc, chỉ có lợi cho dân, cho nước.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn