NỖI BỨC XÚC CỦA MỘT NGHỆ SĨ TÂM HUYẾT VỚI THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Nguyễn Đông Phong

Văn Thơ là một họa sĩ có tài. Ông đã có nhiều tranh sơn mài khổ lớn được chọn treo ở Phòng họp Bộ Chính trị, Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, ở Thành ủy, UBND TP Hà Nội và ở Văn phòng nhiều bộ, ngành… Ông luôn luôn tìm tòi, sáng tạo. Tranh của ông được giới sưu tầm trong và ngoài nước săn tìm ở các gallery hoặc tìm đến tận nhà riêng họa sĩ để được thưởng ngoạn hoặc sở hữu những bức tranh ưa thích.

Dường như ở con người nghệ sĩ Văn Thơ luôn luôn thường trực một nguồn xung lực tư duy mạnh mẽ, táo bạo, đột phá; một sức tưởng tượng bay bổng vượt khỏi những khuôn mẫu có sẵn. Chẳng vậy mà, do sự mách bảo của thẳm sâu tâm lý sáng tạo ( hay trực giác tâm linh ), ông đã tạm gác cây cọ và giá vẽ, dành nhiều năm nghiên cứu về các lĩnh vực thủy lợi, khí tượng thủy văn, địa mạo địa chất, xây dựng, kiến trúc, giao thông (bộ và thủy)… ; gặp gỡ các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia thuộc các chuyên ngành trên để học hỏi. Ông cũng dành nhiều thời gian đi thực địa quan sát, đo đạc, tiếp xúc tìm hiểu cuộc sống của các cư dân ven hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống đoạn chảy qua Hà Nội…

Kết quả là ông đã xây dựng và trình lên các cấp lãnh đạo Hà Nội và trung ương hai dự án đồ sộ về Hà Nội. Đó là:

- Dự án “Thành phố sông Hồng” (được Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy chứng nhận bản quyền tháng 11/2005).

- Dự án “Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội” (được cấp giấy chứng nhận bản quyền tháng 5/2006).

clip_image002

clip_image004

Trong thời gian này, các chuyên gia Hàn Quốc cũng đưa ra một dự án thành phố sông Hồng và trưng bày tại nhà triển lãm thông tin Tràng Tiền (Hà Nội). Thật bất ngờ, nhiều nhà khoa học, nhiều tờ báo đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng là dự án của Hàn Quốc đã copy dự án của ông Văn Thơ. Một số cuộc họp và hội thảo đã được tổ chức để giải quyết vụ việc tranh chấp. Sau đó, các chuyên gia Hàn Quốc đã bỏ dự án này và đưa ra dự án khác và được trưng bày tại nhà thi đấu Quần Ngựa (Hà Nội) một năm trời.

Năm 2009, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hai cuộc họp vào các ngày 10/7/2009 và 8/10/2009 để đánh giá, phản biện về hai phương án của Hàn Quốc và của họa sĩ Văn Thơ. Tất cả các nhà khoa học tham dự hội thảo đều bác phương án của Hàn Quốc và đánh giá cao dự án của ông Văn Thơ.

Tháng 11/2009 thường trực Hội đồng Chính phủ đã tổ chức xét duyệt phương án của Hàn Quốc. Trên các phương tiện thông tin đã đưa ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội thảo là: “Phương án Hàn Quốc không trị thủy được sông Hồng” nên không dùng được.

Điều rất kỳ lạ là sau đó tất cả đều rơi vào im lặng!?

Gần đây, một buổi phát tin vào tháng giêng năm 2015, Đài Truyền hình Hà Nội đưa tin ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong cuộc họp các cán bộ đầu ngành đã thông báo việc nghiên cứu và xây dựng đường từ cầu Nhật Tân về trung tâm Ba Đình và mở rộng đường từ cầu Long Biên (dốc Bác Cổ) đến cầu Vĩnh Tuy. Người ta lại thấy có sự trùng lặp về ý tưởng giữa dự án của Hà Nội và dự án của ông Văn Thơ (dù chỉ là một hai phân khúc)!? Báo Bảo vệ pháp luật (cơ quan ngôn luận của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) đã đăng 3 số liên tiếp vào các ngày 17, 20, 27 tháng 3 năm 2015 vạch trần sự khuất tất không bình thường này. Được biết sau đó chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gạt bỏ phương án này của Hà Nội ngay sau khi nghe lãnh đạo Hà Nội tường trình (1).

Tại sao hai dự án đồ sộ của một nghệ sĩ đầy tâm huyết với Hà Nội bị bỏ quên và rồi lại bị copy ý tưởng? Mà không phải chỉ một lần? Thật khó hiểu? Nỗi bức xúc của người nghệ sĩ tài ba, đau đáu một niềm yêu tha thiết, dữ dội đối với Hà Nội đã bị dồn nén bấy lâu…

Cuối cùng, nghệ sĩ chỉ còn biết tự nhủ lòng mình tìm đến một chiếc phao bằng cách gửi thư cho các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam với sự khắc khoải đợi chờ và hy vọng…

Dưới đây là nguyên văn hai bức thư đó, bức thứ nhất được gửi ngày 7 tháng 12 năm 2013; bức thứ hai được gửi ngày 27 tháng 2 năm 2015:

1-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*************

Hà Nội, ngày 7 tháng 12 năm 2013

Kính gửi: Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị BCH TW Đảng Cộng sản VN

1. Đ/c Nguyễn Phú Trọng - Tổng BT BCH TW Đảng CSVN

2. Đ/c Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN VN

3. Đ/c Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước CHXHCN VN

4. Đ/c Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN VN

5. Đ/c Tô Huy Rứa - Trưởng BTC TW Đảng CSVN

6. Đ/c Lê Hồng Anh - Thường trực Ban Bí thư TW Đảng CSVN

7. Đ/c Ngô Văn Dụ - Trưởng Ban Kiểm tra TW Đảng CSVN

8. Đ/c Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh

9. Đ/c Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy TP Hà Nội

10. Đ/c Đinh Thế Huynh - Trưởng Ban Tuyên giáo TW Đảng CSVN

11. Đ/c Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN VN

12. Đ/c Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch QH nước CHXHCN VN

13. Đ/c Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng CP nước CHXHCN VN

14. Đ/c Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an nước CHXHCN VN

15. Đ/c Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng BQP nước CHXHCN VN

16. Đ/c Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Tên tôi là Vũ Văn Thơ - Bút danh là Văn Thơ, 75 tuổi.

Hộ khẩu thường trú tại: Số 12, ngõ 67 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP Hà Nội.

Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Là họa sĩ - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tôi xin trình bày với các đồng chí một việc như sau:

Năm 2005 tôi có trình lên UBND TP Hà Nội dự án: “Thành phố sông Hồng” và dự án: “Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống, đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội”.

Ngay ngày hôm đó đồng chí Đỗ Hoàng Ân - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã xin đến nhà gặp tôi và đồng chí đã đánh giá rất cao dự án của tôi. Đồng thời giới thiệu tôi gửi dự án đến một số cơ quan, trong đó có Viện Khoa học Thủy lợi để xin ý kiến. Ngày 30/6/2005 Viện Khoa học Thủy lợi đã có công văn số 880/CV-VKHTL gửi cho tôi trong đó có câu: “Viện Khoa học Thủy lợi rất đồng tình với ý tưởng của tác giả Văn Thơ”, sau đó tôi đã hoàn thiện 2 dự án này và được Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa Thông tin cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả tháng 11/2005 cho dự án: “Thành phố sông Hồng” và tháng 5/2006 cho dự án: “Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống, đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội”. Cũng thời gian này, tháng 5/2006 đồng chí Đỗ Hoàng Ân và ông Lee Myung Park, Thị trưởng Seoul (sau đó ông này là Tổng thống của Hàn Quốc) ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch cải tạo và phát triển 2 bên bờ sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Tôi xin gửi đến các đồng chí bản tin trên mạng đã đưa tin ngay lúc đó. Trong đó có nói: “Dự án xuất phát từ ý tưởng của họa sĩ Văn Thơ đã được đăng ký và chứng nhận bản quyền tác giả”.

Sau đó tôi đã nhận được 2 lần điện thoại do ông Quốc Văn, lúc đó là Giám đốc Ban Quản lý dự án này thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nói với tôi là: Hàn Quốc sẽ đến gặp bác để bàn bạc.

Sau đó mấy tháng không thấy gì, đồng thời lại thấy phía Hàn Quốc trưng bày dự án thành phố sông Hồng của họ tại nhà triển lãm thông tin Tràng Tiền. Thật bất ngờ là nhiều nhà khoa học và nhiều báo chí đều đến xem và đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng là dự án đó đã copy dự án của tôi.

Một số cuộc hội thảo và họp để giải quyết vấn đề này. Cục Bản quyền tác giả đến dự đã kết luận là có việc Hàn Quốc đạo dự án của tôi và đề nghị tôi đưa ra pháp luật. Tôi cũng đã làm việc với một số Công ty luật nước ngoài. Ngay sau đó Hàn Quốc đã rút lui và bỏ phương án giống của tôi. Sau đó một thời gian Hàn Quốc đã đưa ra một phương án mới khác làm theo sông Hàn và đã trưng bày tại nhà thi đấu Quần Ngựa một năm trời. Nhiều ý kiến phản bác của giới khoa học là dự án này không có cơ sở khoa học vì sông Hồng dữ dội chứ không như sông Hàn…

Sau đó năm 2009 Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam đã tổ chức 2 cuộc hội thảo vào ngày 10/9/2009 và ngày 8/10/2009. Tất cả các nhà khoa học đều phản bác phương án của Hàn Quốc và đánh giá cao dự án của tôi. Tôi xin gửi đến các đồng chí bản sao “Báo cáo chuyên đề đánh giá các ý kiến của các nhà khoa học và lãnh đạo các cấp về dự án”, bản báo cáo này đã được gửi đến một số đồng chí lãnh đạo và một số cơ quan của Nhà nước. Ngay sau đó tháng 11/2009 thường trực Chính phủ đã tổ chức duyệt phương án của Hàn Quốc. Trên các phương tiện thông tin đã đưa tin ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội thảo là: “Phương án Hàn Quốc không trị thủy được sông Hồng” nên không dùng được.

Sau khi tổ chức duyệt Dự án đó 2 ngày thì có cô Bảo Nga - Phóng viên của báo Hà Nội mới đến gặp tôi phỏng vấn để viết bài cho số Tết kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tôi có thắc mắc với cô Bảo Nga là: “Tôi được biết trong một hội nghị giao ban của Tuyên giáo TP Hà Nội trước các nhà báo có phổ biến là báo chí Hà Nội không được đưa gì về ông Văn Thơ”. Cô Bảo Nga có nói là bây giờ đã thay đổi rồi chú ạ, không dùng được phương án của Hàn Quốc mà chuyển sang dùng phương án của chú. Đây là lệnh ở trên giao cho Tổng Biên tập Báo của cháu phải viết bài về chú để đăng vào báo số Tết này. Tôi xin gửi đến các đồng chí bài báo đó, trong đó có câu: “Mới đây nhất tại cuộc hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức đề án đã nhận được hàng loạt ý kiến ủng hộ từ phía các nhà chuyên môn”.

Ngày 28/2/2011 UBND TP Hà Nội ra quyết định số 959/QĐ-UBND: “Về việc phê duyệt chi tiết chỉ giới thoát lũ trên tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống”. Tôi xin gửi đến các đồng chí quyết định đó. Trong đó nếu các đồng chí so sánh giữa hành lang thoát lũ này với 2 đại lộ bên sông Hồng và sông Đuống của tôi thì hầu như trùng lắp, có thay đổi vài chỗ cốt để không trùng lặp tuyệt đối.

Tiếp đó trên báo An ninh Thủ đô ngày 29/10/2012 có đăng bài: “Lập quy hoạch đô thị sông Hồng”, tôi cũng xin gửi tới các đồng chí bài báo đó. Nội dung dự án này chắc cũng thấy trùng với nội dung dự án của tôi.

Gần đây nhất Hội đồng nhân dân TP Hà Nội có đưa tin: Chiều 3/12/2013 HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết: “Quy hoạch đê điều trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tôi xin gửi đến các đồng chí bài báo: “Hàng vạn hộ dân ngoài đê sẽ được xây nhà” đăng trên báo Tiền phong số ra ngày 4/12/2013. Trong đó có câu: “Đã nghiên cứu rất kỹ dự án của Hàn Quốc”… và sẽ triển khai ngay. Tôi được biết nó sẽ lại giống dự án của tôi theo những nguồn tin mà tôi nghe được. Song nội dung bài báo này nói rất loanh quanh với mục đích gì đây? Coi chừng bài báo này sẽ gây một vụ sốt đất ngoài bãi sông Hồng.

Tôi không hề thấy nói ai, cơ quan nào thiết kế dự án này. Một dự án lớn như vậy không có tác giả cũng không triển lãm cho nhân dân được biết là vì sao. Luật về bản quyền và sở hữu trí tuệ đã có rồi. Trước đây Hà Nội đã dung túng cho phương án Hàn Quốc copy phương án của tôi, đã mất bao nhiêu thời gian và tiền của đầu tư gây lãng phí.

Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí xem xét và chỉ đạo làm rõ vấn đề này. Đây là một dự án lớn của Thủ đô và cả nước, tôi cũng mong các đồng chí cho thư ký đọc trên mạng mục “Họa sĩ Văn Thơ” để rõ thêm sự việc này.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Người viết đơn

Vũ Văn Thơ

2-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*************

Hà Nội, ngày 27 tháng 2 năm 2015

Kính gửi: Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị BCH TW Đảng Cộng sản VN

1. Đ/c Nguyễn Phú Trọng - Tổng BT BCH TW Đảng CSVN

2. Đ/c Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN VN

3. Đ/c Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước CHXHCN VN

4. Đ/c Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN VN

5. Đ/c Tô Huy Rứa - Trưởng BTC TW Đảng CSVN

6. Đ/c Lê Hồng Anh - Thường trực Ban Bí thư TW Đảng CSVN

7. Đ/c Ngô Văn Dụ - Trưởng Ban Kiểm tra TW Đảng CSVN

8. Đ/c Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh

9. Đ/c Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy TP Hà Nội

10. Đ/c Đinh Thế Huynh - Trưởng Ban Tuyên giáo TW Đảng CSVN

11. Đ/c Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN VN

12. Đ/c Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch QH nước CHXHCN VN

13. Đ/c Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng CP nước CHXHCN VN

14. Đ/c Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an nước CHXHCN VN

15. Đ/c Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng BQP nước CHXHCN VN

16. Đ/c Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Tên tôi là Vũ Văn Thơ - Bút danh là Văn Thơ, 77 tuổi.

Hộ khẩu thường trú tại: Số 12, ngõ 67 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP Hà Nội.

Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Là họa sĩ - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tôi xin trình bày tiếp với các đồng chí một việc như sau:

Ngày 7/12/2013, tôi đã có đơn gửi đến các đồng chí trình bày sự việc chính quyền Hà Nội đã cố tình lén lút đạo dự án của tôi. Tôi được biết việc làm khuất tất đó đã bị dừng lại. Bản thân tôi chưa nhận được một hồi âm nào từ phía các đồng chí. Ngoại trừ trường hợp đồng chí Trần Đại Quang gửi lại tôi tập hồ sơ đó với lý do là không phải trách nhiệm của đồng chí đó.

Ngày 27/1/2015 vừa qua trên Đài Truyền hình Hà Nội có sự xuất hiện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói về việc nghiên cứu xây dựng đường từ cầu Nhật Tân về trung tâm Ba Đình và mở rộng đường từ cầu Long Biên (dốc Bác Cổ) đến cầu Vĩnh Tuy. Tiếp đó số báo Hà Nội Mới 16505 thứ tư ngày 28/1/2015 đã đăng lại nội dung đó. Tôi xin gửi đến các đồng chí bản photo bài báo đó.

Tôi xin nói rõ ý tưởng chủ đạo của tôi trong dự án: “Điều chỉnh dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội” là bỏ toàn bộ đê cũ và hình thành đê mới (kè kiêm đại lộ) trên phạm vi 40km trên sông Hồng và 25km trên sông Đuống. Dự án này lần trước tôi đã gửi đến các đồng chí. Từ trước tới nay có tới hơn hai chục án về chủ đề này, trong đó có nhiều dự án của nước ngoài nhưng không hề có dự án nào có giải pháp táo bạo như dự án của tôi trừ trường hợp dự án của Hàn Quốc là đạo dự án của tôi mà thôi.

Trong nội dung bài báo đó là làm Đại lộ nằm phía ngoài bãi sông của khu vực này. Đây là ý tưởng trùng lặp với ý tưởng của tôi - nói cách khác đây cũng là dự án đạo dự án của tôi dù là một phần.

Thưa các đồng chí! Từ khi tôi đưa ra dự án này đến nay đã hơn chục năm. Tôi không hiểu chính quyền Hà Nội đã lờ đi không một lần hồi âm trước mọi đề nghị của tôi mà luôn tìm cách để đạo dự án của tôi, hết tạo điều kiện cho Hàn Quốc copy rồi chính Hà Nội dùng mọi cách bỉ ổi để copy. Một chính quyền của Thủ đô lại dám công khai làm mọi cách để đạt mục đích hèn mọn thế sao? Đã kéo dài hơn chục năm rồi kể từ khi tôi đưa ra dự án, hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống nhân dân xây dựng bao nhiêu nhà cửa, chùa chiền nếu phải giải tỏa theo dự án sẽ lãng phí biết bao nhiêu tiền của của nhân dân và Nhà nước?

Hà Nội đã thực hiện một phần ý đồ đạo dự án của tôi như đã kè một nửa phía Bắc bãi đất nằm dưới gầm cầu Nhật Tân theo đúng sơ đồ bờ kè tôi đã vẽ trong dự án của mình. Đã kè một phần Đền Ghềnh và chùa Bồ Đề. Cầu Đông Trù thiết kế theo kiểu mái vòm cũng giống như ý tưởng trong bản thiết kế của tôi đã gửi các đồng chí.

Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị năm 2000 đều đã nói rõ nhiệm vụ chỉnh trị sông Hồng và quy hoạch khai thác hai bên sông Hồng.

Song Hà Nội cớ sao mà lại thực hiện các Nghị quyết đó một cách vô trách nhiệm như vậy, coi thường cả pháp luật, trong đó có luật sở hữu trí tuệ… Với mục đích gì đây? Tôi không thể hiểu nổi.

Cũng trong thời gian qua tôi đã nghiên cứu và đưa ra: “Phương án thiết kế trị hạn sông Hồng”, bổ sung cho phương án thành phố sông Hồng trước đó cho được hoàn chỉnh. Lần này tôi xin gửi đến các đồng chí phương án đó. Phương án này đã được trình bày trong cuộc hội thảo do Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Hội Tưới tiêu đồng tổ chức năm 2010 tại khách sạn Tây Hồ.

Một lần nữa tôi tha thiết đề nghị các đồng chí xem xét chỉ đạo làm rõ việc làm khuất tất của chính quyền Hà Nội. Tôi cũng đề nghị Nhà nước sớm phê duyệt dự án để đưa vào triển khai vì đến nay đã quá muộn.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Người viết đơn

Vũ Văn Thơ

(1) Bạn đọc có thể vào trang web “ Họa sĩ Văn Thơ “ tìm hiểu để rõ hơn lai lịch vấn đề được đề cập.

N.Đ.P

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn