Quốc hội không thể luật hóa những điều bất hợp lý

Thái Bình

Theo thông tin từ các báo lề phải, sáng 10/03/2015 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng 3 lần, từ mức 1.000đ/lít hiện nay lên 3.000đ/lít từ 01/05/2015. Tuy nhiên ngay ngày hôm sau theo thông báo của Bộ Công thương xăng dầu đã đồng loạt tăng vọt tới gần 2.000đ/lít tăng khoảng 10%, mặc dù giá xăng dầu thế giới vẫn rất thấp (dưới 50USD/thùng dầu thô theo kitco ngày 13/03/2015 giá dầu thô 46,67USD/thùng), nhưng nhà chức trách cho rằng giá thế giới tăng, đúng là “muốn nói gian làm quan mà nói”.

Ta hãy nghe họ giải trình. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày: “do Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình và giá xăng dầu thế giới giảm từ đầu năm đến nay đã khiến số thu cho ngân sách nhà nước giảm. Hơn nữa, giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia (khoảng 5.000-6.000 đồng), Trung Quốc, vì vậy xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. 
Để bù một phần giảm thu ngân sách, Chính phủ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường gấp ba lần hiện nay, với xăng là từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít. Và khi tăng thuế bảo vệ môi trường ở mức trên đây, thì thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% xuống còn 20%”.

“Theo tính toán tại tờ trình của Chính phủ, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến năm 2015 theo phương án điều chỉnh nêu trên là khoảng 35.579,8 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 23.719,8 tỷ đồng/năm”
”Chính phủ cũng khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước và doanh nghiệp, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm. Vì việc tăng thuế theo phương án nêu trên chỉ nhằm bù đắp một phần giảm thu ngân sách do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế MFN hiện hành bằng mức thuế ATIGA nhằm tránh mức thuế khác nhau đối với cùng một sản phẩm”.

Ta biết xăng dầu hiện nay đã gánh quá nhiều loại thuế và phí: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, quỹ bình ổn giá…Nhà chức trách đã xếp mặt hàng xăng dầu ngang hàng với rượu bia thuốc lá, vàng mã không khuyến khích sử dụng nên đánh thuế tiêu thu đặc biệt?
Như vậy ta thấy tăng thuế bảo vệ môi trường là để bù ngân sách thiếu hụt do cam kết quốc tế phải giảm thuế nhập khẩu chứ không phải bảo vệ môi trường.Trình bày của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính không thấy nội dung tăng thuế môi trường để bảo vệ môi trường, lẽ ra tăng thuế bảo vệ môi trường phải đầu tư cho bảo vệ môi trường như đầu tư cho nghiên cứu các loại động cơ tiên tiến ít thải độc hại hơn hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp thanh lý các loại động cơ cũ lạc hậu thải ra môi trường nhiều chất độc hại, hoặc đầu tư cho cư dân ở những thành phố có lượng khí ô nhiễm vượt mức tiêu chuẩn cụ thể trang bị khẩu trang đặc biệt chống độc hại cho người tham gia giao thông…Cơ quan lập pháp đã không minh bạch đã hợp thức hóa đề xuất bất hợp lý để tăng thu cho ngân sách, nên gọi chính xác của việc này là thuế bù đắp thiếu hụt ngân sách hoặc thuế móc túi dân.Một chính quyền minh bạch không thể lấy cái này bù cho cái kia một cách bất hợp pháp được.

Ngân sách nhà nước hiện nay chi tiêu kém hiệu quả, thất thoát lãng phí nhiều, bộ máy quản lý cồng kềnh hiệu suất làm việc kém. Năm qua nhiều báo nói năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore 15 lần thậm chí có báo còn nói thấp hơn đến 18 lần. Năng suất lao động của bộ máy quản lý nhà nước các cấp có thể còn thấp hơn. Ta chưa thể phấn đấu tăng năng suất bằng Singapore nhưng chỉ cần tăng năng suất gấp đôi hiện nay, điều này hoàn toàn có thể, vì theo đánh giá hiện có khoảng 30% công chức viên chức sáng khoác ô đi chiều khoác ô về chỉ cần giảm đối tượng này và số công chức còn lại phấn đấu thêm, thì ngân sách nhà nước chi thường xuyên giảm đi đáng kể, vì chi thường xuyên của ta hiện rất lớn chiếm khoảng 70% ngân sách. Nếu bộ máy giảm được 50% thì chi thường xuyên giảm tương ứng, thuế các loại có điều kiện giảm, gánh nặng thuế lên đầu dân giảm , có điều kiện tăng lương và tăng cho đầu tư phát triển tăng chi quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.

Khoảng 10 ngày qua người dân phải đón nhận hai tin không vui đó là tăng giá điện và tăng giá xăng dầu. Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng, tăng giá điện là đặc trưng của thể chế chưa đủ, mà mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay đều đặc trưng của thể chế.

Hà nội ngày 13 tháng 3 năm 2015

T.B.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn