Trao tự do cho người giữ cửa tự do

Khải Đơn (blog)

09.01.2015

Tối qua, tôi có 1 trò chuyện với bạn tôi, và dẫn đến ý: Tờ Charlie Hebdo lẽ ra không nên đăng các hình biếm họa đó làm gì. Chỉ là một hình vẽ vớ vẩn mà khiến chừng đó người chết.

clip_image001

Sẽ có người nói: “Tại sao một tờ báo lại xúc phạm niềm tin tôn giáo của người khác? Họ đáng phải chịu trừng phạt”. Nhưng niềm tin tôn giáo là gì, đó là ý tưởng của một người, khi họ dành sự tập trung, hành động, sự thờ phượng hướng tới một hình ảnh hoặc một nhà lãnh đạo tinh thần nào đó. Niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng, không bao hàm hành động hãm hại, giết người – ở hầu hết mọi tôn giáo. Kẻ “thay trời hành đạo” như giết người, cướp của, hãm hại… đều đã trở thành một đảng phái, và hình ảnh thờ phượng từ dạng thức tâm linh đã chuyển thành dạng thức vật chất. Sau đó ta có thể có băng cướp, đảng Phát Xít…

Những kẻ xách súng đi bắn người khác liệu có được coi là có “niềm tin tôn giáo” hay “tín ngưỡng” không? – Hành vi của chúng có tổ chức, súng có tiền mua ra, hành động lớp lang, bài bản… vậy thì đó chỉ đơn giản là hành vi của một nhóm coi tôn giáo là biểu thị, còn hành vi là đảng phái. Nếu một người Hồi Giáo bình thường đọc báo thấy giận quá, liệu có tìm ra chỗ bán súng đi mua về giết mấy ông viết báo không? – Người Hồi Giáo bình thường, đang phải mưu sinh cực khổ, liệu có biết và bỏ công sức truy ra hết chừng đó ông nhà báo, tổng biên tập, người vẽ biếm họa, để bắn cho chết hết không? – E rằng hành vi này chẳng có liên quan gì đến niềm tin tôn giáo cả, nó chỉ là hành động khủng bố – được biểu hiện dưới lớp vỏ của niềm tin – và đó cũng là “tiêu chí bán hàng” đắt giá để có thể đi tuyển mộ thêm fan hâm mộ đánh bom tự sát và làm sát thủ.

clip_image002

Người nào nói câu “ai bảo xúc phạm niềm tin tôn giáo của người khác” đã đánh tráo và nhập nhằng 2 thứ niềm tin – cuồng tín kiểu đảng phái. Nếu xem lại 1 loạt các tạp chí của tờ Charlie Hebdo sẽ thấy họ không nhằm tấn công niềm tin Hồi Giáo nào cả, họ biếm họa cả Chúa Jesus, biếm họa cả tổng thống, cả Martin Luther King, tất tần tật, đó là tất cả công việc của người làm báo biếm họa: là tiếng cười. Nếu nói rằng “xúc phạm niềm tin”, lẽ ra các tín đồ Thiên Chúa Giáo nên đánh bom luôn cái tòa soạn đó là vừa, hoặc các fan hâm mộ Martin Luther King có thể tới giết lui mấy ông vẽ tranh đó, hoặc ông tổng thống đóng cửa luôn tờ báo đó cho rồi. Niềm tin không liên quan gì tới việc giết người cả.

Năm thứ 3 đại học báo chí, có 1 thầy giáo đã giảng cho chúng tôi về việc phải suy nghĩ về hậu quả của bài báo mình viết ra. Ông dẫn chứng về chuyện viết 1 bài báo để nhân vật tự tử, báo đăng xong người mẹ không chịu nổi nhập viện, chụp ảnh quá cận tội phạm khiến người đó không làm lại được cuộc đời. Ông cũng nhắc tới: Chỉ 1 bức tranh biếm họa, có thể làm hàng loạt người bị chết. Đó là 12 bức họa của tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten – trong đó có 1 bức nhà tiên tri giấu quả bom trong cái khăn đóng của ổng. Vụ ở Đan Mạch xảy ra tháng 9/2005, kéo theo sự kiện hàng loạt đại sứ quán Đan Mạch và Châu Âu bị tấn công ở trung Đông. Sau đó thì báo Charlie Hebdo có thêm 1 series hình trong số báo “Muhammad overwhelmed by fundamentalists”, và khiến xung đột này âm ỉ đến giờ.

Người thầy dạy chúng tôi đã lấy các bức biếm họa đó để minh họa cho tình huống: 1 bài báo có thể hại người khác như thế nào và phải suy nghĩ trước khi đăng bài, và tòa soạn sẽ cân nhắc để gác những bài có nguy cơ “gây hại”. Hồi đó, tôi không tranh luận vì nghĩ thầy đã đúng.

clip_image003

Khi nào bài báo nên bị cắt? Và ai có quyền cắt? – Tôi từng xem một phim, trong đó chính phủ tự bày đặt ra các cuộc cướp, giết, khủng bố, xong tuyên bố trên TV: “Vì tình trạng an ninh của các bạn, từ ngày mai, cảnh sát sẽ có quyền khám nhà bất cứ giờ nào không cần trát của tòa án, để tìm ra kẻ khủng bố”. Dễ hiểu hơn, sau đó là hàng loạt bản tin: “ Vì an toàn của các bạn, chính phủ ban hành lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối” (nghĩa là từ giờ miễn ra ngoài sau 8 giờ tối). Sau đó: “Vì an toàn của các bạn, chúng tôi sẽ yêu cầu các thông tin tội ác trên báo chí phải thông qua ban kiểm tra trước khi lên bản tin hàng ngày” (Kiểm duyệt).

Khi bị nguy hiểm, nhân danh cái chết, nỗi sợ, những con người dù tỉnh táo và yêu tự do nhất, cũng sẽ sẵn sàng dâng tự do của mình lên cho kẻ nào hứa mang lại sự an toàn cho họ. Khi ấy, người mất tự do đã quên mất họ có gì, họ chỉ cần được đổi lại bằng sự an toàn. Kiểm duyệt cũng được, khám nhà cũng được, giới nghiêm cũng được, miễn sao xin hãy cho tôi được sống. Đó là cách thức hình thành sự trói buộc. Sự chịu đựng chuyên cần này đầu tiên được nhà cầm quyền tiến hành như một campaign quảng cáo, nhưng về sau, nó thành công là nhờ sự hợp tác của từng con người trong xã hội. Người ta mất tự do vì chính họ thích thế – không ai ép cả.

Việc ông thầy nhân danh sự “gây hại” để bảo rằng “không nên đăng” 1 bài báo cũng là một lý luận kiểu như vậy. Ông đã dùng trò ngụy biện (giữa việc bài báo làm nhân vật tự tử – với bức biếm họa gây phẫn nộ) để khiến cho đám sinh viên báo chí hồi đó 100% tin rằng việc đăng các bức biếm họa cần được kiểm duyệt. Tiền đề “các lãnh sự quán bị đánh bom” đã là viễn cảnh đủ sợ hãi và kinh hoàng để khiến bất cứ ai cũng rúm ró vào và nhận thấy việc đăng bài lung tung là không nên. Chúng tôi gật đầu đồng ý: nên kiểm duyệt.

Chúng ta đã sống trong niềm tin giống như vậy về kiểm duyệt. Chúng ta tin rằng khi cần an toàn thì nên kiểm duyệt, khi cần “thế lực thù địch” không biết ta có gì, thì bịt miệng người viết những điều rõ ràng. Thực ra bọn đi viết chưa bao giờ gặp “thế lực thù địch” nên cũng chưa biết nó có đẹp trai không. Mỗi khi cần cắt bài, xóa bài, kiểm duyệt, hệ thống luôn nói rằng bài viết đó “gây hại”, “ảnh hưởng tới an ninh xã hội” hay “khiến dân chúng hoang mang”. Và người dân cũng tạm hài lòng với sự an toàn tinh thần mà dịch vụ kiểm duyệt đem lại, nên họ trao tự do cho nó.

Người ta không hề biết rằng, sau “các thế lực thù địch”, “gây hại”, hay “ảnh hưởng tới an ninh xã hội”, có thể nạn nhân được rào đón sẵn là… chính họ. Ai sẽ đảm bảo rằng nếu cho cảnh sát quyền khám nhà không cần trát tòa, thì một ngày nào đó kẻ bị khám không phải là chính bạn? – Vậy lúc đó ai sẽ vì an toàn của bạn? Ai sẽ đảm bảo rằng giới nghiêm sẽ an toàn cho bạn – nếu 1 ngày nào đó bạn vô tình có việc phải ra ngoài sau 8 giờ tối? Ai sẽ đảm bảo bạn có tự do, nếu có 1 kẻ nhân danh người gác cổng tự do đang suy nghĩ xem có nên ban tự do cho bạn không?

clip_image004

Tờ báo Charlie Hebdo cũng vậy. Họ có thể đã “nhúng mũi” vào một bọn thanh niên cũng là khủng bố – và họ chết vì xung đột đó. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng cả nước Pháp và nền báo chí nên CÓ QUYỀN kiểm duyệt tất cả những gì biếm họa về Hồi Giáo hay người cực đoan. Ai biết được sau khi được trao quyền kiểm duyệt, những kẻ kiểm duyệt sẽ làm gì? – Một ngày nào đó, chúng sẽ trói tất cả bọn ngu đã dâng tự do lên cho chúng kiểm soát, nổi lửa thiêu hết cả lũ, thế là xong, tự do vẫn được đảm bảo.

Giống như thầy trong trường đã dạy chúng tôi, ông nhân danh cụm từ “gây hại” để giáo dục chúng tôi tin rằng thông tin nên được kiểm duyệt để ít gây hại hơn. Vậy ai sẽ là những người kiểm duyệt, những kẻ vô hại à? – Lúc xảy ra vụ công nhân tấn công nhà máy ở Bình Dương, tôi theo dõi Facebook và kinh ngạc khi thấy rất nhiều người cho rằng nên ép các tòa soạn báo không được đưa tin về vụ tấn công nữa, vì “đưa tin như vậy, công nhân nơi khác thấy lại làm theo, gây hại vô cùng”. Tín đồ của kiểm duyệt là vậy đấy, mà họ cứ đòi tự do, không biết để làm gì nữa.

Chưa biết ranh giới của “gây hại” hay “có lợi” ra sao, việc đầu tiên là hãy đặt tự do của bạn lên tay, và trao chúng cho kẻ khác giữ giùm, những kẻ cam kết bạn không “gây hại” được. Còn bọn chúng tôi, thừa sợ hãi và thiếu suy nghĩ, thì cũng không nên có tự do, vì chúng tôi đã dâng hết cho mấy thằng hù dọa rồi.

Vào lúc tự do tinh thần cũng cần người gác cổng, thì ai được ban phát tự do?

(Ảnh: Stephane Charbonnier (BTV của Charlie Hebd) và 1 số hình bìa của tạp chí này).

K.Đ

Nguồn: http://khaidon.com/2015/01/09/trao-tu-do-cho-nguoi-giu-cua-tu-do/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn