Hoàn cảnhThu Tứ

Nam Dao

Anh Huệ Chi thân,

Mấy hôm nay tôi có mấy việc bận dồn dập, nên chưa trả lời anh về việc thừa kế gia tài văn chương của Võ Phiến. Việc này đã được chị Võ Phiến giải quyết cách đây một tuần, là đến văn phòng luật sư yêu cầu hủy hồ sơ trao quyền quản lý văn sản của anh Võ Phiến cho Thu Tứ đã làm trước đây. Người con lớn của anh chị Võ Phiến (một bác sĩ tại Mỹ) được trao vai trò này, thay Thu Tứ.

Như vậy từ nay Thu Tứ không còn quyền hành gì về tác phẩm của Võ Phiến nữa.

Tôi nghĩ bây giờ không cần đăng những bài bình luận về bài của Thu Tứ nữa (làm thế chỉ tổ tuyên truyền cho luận điệu Thu Tứ thôi), mà cần phổ biến càng nhiều càng tốt các tác phẩm của Võ Phiến, bản gốc, không bị thêm bớt sửa chữa.

Trích thư của Phạm Phú Minh

Cho đến hôm qua, tôi vẫn chưa dám tin Thu Tứ đã hạ bút viết “Trường hợp Võ Phiến”. Đọc và cảm tưởng văn bản này có vẻ như của đám đánh hôi tên “biệt kích văn hoá” thời “hồ hởi” chống Mỹ cứu nước, tôi điện thoại hỏi một người bạn văn có giao tình với gia đình Võ Phiến. Anh bảo, bài đó nằm trong http://gocnhin.net, số 295 của chính Thu Tứ, không phải là Tuyên huấn Tuyên giáo gì, dẫu đăng trên tờ Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh. Tôi lặng người, và hiểu những nhà văn hải ngoại đã dùng những chữ như vô luân, nghịch tử, đấu tố cha… để đánh giá con người và hành động của Thu Tứ. Bạn tôi thở dài: “Bà Võ Phiến chỉ khóc, thật tội nghiệp!”

clip_image001

Có dịp đâu 7, 8 năm trước đi thăm anh với Nguyễn Mộng Giác, tôi giữ hình ảnh một Võ Phiến trung thực, chừng mực, xuề xòa, và rất tinh nhạy trong những cảm nhận văn học. Khi đó, tôi kể được Thu Tứ gửi tặng hai tập sách (nay tôi quên tên), Võ Phiến bảo: “Chắc nó muốn làm quen đó!” và hỏi tôi nghĩ sao về văn Thu Tứ. Dĩ nhiên, tôi im lặng rồi lảng chuyện. Anh tiếp: “Có dịp thì giúp nó!”. Tôi lại im lặng. Văn là của Trời cho, mấy ai giúp được ai! Nhưng hôm nay, nhớ giao tình với Võ Phiến, tôi cố gắng tìm cách hiểu hoàn cảnh Thu Tứ, dẫu chẳng mấy dễ dàng.

Đầu tiên, tôi vào truy lùng những vụ án “giết cha” trong văn học. Trong loại thảm kịch Hy Lạp, có cuốn sách khá nổi tiếng về 12 vụ án loại này. Vụ khá tiếng tăm là vụ Brutus đâm chết Caesar trong Nghị Viện Hy Lạp. Năm 44 trước Công Nguyên, cùng những kẻ đồng loã ở Ides des Mars, Brutus giơ dao thì Caesar ngoảnh lại, la lên “κα σύ, τέκνον”, nghĩa là “Cả mi à, con ta!”. Câu hỏi tức thì, Thu Tứ có phải là Brutus không? Triết gia Plutarque bàn về động cơ của Brutus, kẻ muốn bảo vệ nền Cộng Hoà (Hy Lạp) chống lại sự độc trị của Caesar, cho rằng Brutus là kẻ có lý tưởng, vì nghĩa chung mà hy sinh quyền lợi tư riêng. Thế thì Thu Tứ chắc hẳn khác xa Brutus. Bài viết của anh hà hơi cho một chế độ toàn trị chết dở. Chế độ này thành công chỉ ở điểm làm lùi dân trí, khiến xã hội ngày một vong bản, con người hóa ra vô cảm, kinh tế tụt hậu và lệ thuộc nhưa chưa từng có, biển mất đất mất vào tay ngoại xâm, dân chủ - công bằng - văn minh chỉ là những khẩu hiệu hàng giả sau đến gần 40 năm Giải Phóng và Thống Nhất đất nước… Nếu Thu Tứ có được chút nào thì là cái tên Brutus, người Hy ngày xưa ám chỉ sự ngu muội. Nhưng Thu Tứ - Brutus không chỉ ngu muội. Anh còn vô văn hoá: chính anh thú nhận đã kiểm duyệt và biên tập để gột phần “chống Cộng” khi in hai tác phẩm của Võ Phiến trong nước dưới cái tên Tràng Thiên. Ai viết văn cũng hiểu cái nỗi đau thấy chữ nghĩa mình bị đục đẽo. Trước khi giết, Thu Tứ đã tra tấn và bạo hành chữ nghĩa của kẻ sinh thành ra anh! Và thế là không, trăm lần không, vì như vậy Thu Tứ làm sao cao bằng mắt cá chân Brutus.

Vụ thứ nhì tôi lọc lựa để hiểu hoàn cảnh Thu Tứ là Oedipia. Chàng này thể hiện lời sấm truyền của Sphinx (nửa đàn bà nửa sư tử), phải giết cha và ân ái với mẹ. Sphinx là một con thú trong huyền thoại. Dĩ nhiên Oedipia của huyền thoại không là Thu Tứ, người thế kỷ 21, từng tốt nghiệp CalTech năm 86 và không hành nghề kỹ sư từ 1991 vì không thích mà chuyển qua văn chương bắt chước viết văn như thân sinh mình. Nhưng điều Sigmund Freud gọi là “mặc cảm Oedipia” thì, tôi e, có phần nào giải thích được hoàn cảnh Thu Tứ. Mặc cảm này thể hiện một quá trình dục tính (libidinal) có nhiều giai đoạn, từ khi sinh ra đến lúc thành niên, nảy sinh từ khuynh hướng của giới tính nam (nữ) là chiếm hữu người mẹ (cha); và để đạt được chỉ có phương thức quyết liệt là giết cha (mẹ). Giai đoạn cường điệu nhất là khoảng 3-7 tuổi, nhưng sau đó, quá trình từ từ đảo ngược bởi lẽ con người từng bước được “xã hội hóa”, tìm ra người yêu khác phái thay đấng sinh thành, và tiến tới trạng thái ổn định khi thành niên. Không phải là bác sĩ phân tâm, tôi không dám chẩn bệnh, nhưng qua câu chuyện giết (chữ nghĩa) cha trong bài viết “Trường hợp Võ Phiến”, tôi ngờ ngợ Thu Tứ đang còn ở một giai đoạn từ 3-7 tuổi, tức là trước khi ổn định được quá trình dục tính của mình. Có phải vì Thu Tứ không tìm được người yêu, sống cô đơn, ít giao du, nghề nghiệp đem bỏ để theo nghiệp văn như anh viết tiểu sử của mình, và tuy không nói nhưng cái bóng cha anh đè nặng trĩu trên cái nghiệp anh chọn lựa? Tôi không biết, nhưng nếu liều lĩnh một lời khuyên, tôi khuyên Thu Tứ nên đi tham cứu một nhà phân tâm. Có bệnh thì phải chữa, tất nhiên. Nếu không muộn, xin thêm: viết văn là một nghiệp dĩ, tôi ít thấy một nhà văn đích thực nào mà hạnh phúc!

Gần đây thôi, ở Hà Nội, chính quyền triển lãm những thành quả của cuộc Cải Cách Ruộng Đất long trời lở đất nửa thế kỷ trước. Khi người dân Dương Nội đang mất đất đến xem thì vì “mất điện”, người ta đóng cửa triển lãm. Trong blog Pro&Contra, nhà văn Phạm Thị Hoài mang ra “trưng” Ghi của Trần Dần về Cải Cách Ruộng Đất, và chỉ ở riêng vùng Bái Bắc thuộc tỉnh Bắc Ninh đã từng có 26 vụ con đấu tố giết cha mẹ. Đọc, tôi ngậm ngùi, không thể không liên tưởng đến bài “Trường hợp Võ Phiến”. Cuộc đấu tố sau đây là một hư cấu:

Người cha quì, vẫn cười, cái cười khoan hòa đến độ có chút ngu ngơ. Người con kề vai anh Đội, nhìn đám người xung quanh. Đội đập khẽ vào vai, người con xông ra quát:

- Này, có nhìn ra ai đây không?

- Dạ... Có, con là con ta mà!

- Không cha con chi ráo trọi... Mang máu mủ hòng lung lạc giai cấp hử? Mi biết mi tội gì với nhân dân không?

- ...

- Mi không nhìn ra đại cuộc Giải Phóng và Thống Nhất đất nước. Mi phao là đâu có cần đổi bằng máu hàng mấy triệu người, nhận đi...

- Tui quên hết rồi! – Người cha thì thào.

- Cho là mi cũng yêu nước, nhưng lại mi yêu một cách tự ti!

- Tui hổng hiểu nổi yêu nước tự ti là chi...

Người con tay đưa lên trời, hà miệng hét:

- Đấy, bọn phản động nó ngoan cố vậy đó, nó chối thì nói hổng hiểu!

Đội nhìn quanh, ra dấu phóng tay phát động quần chúng. Tức thì quần chúng đồng thanh hô: Đả đảo phản động! Cách mạng muôn năm...

Người con tiếp tục xỉa xói:

- Mi chống Cộng cực đoan, mà còn cực đoan hơn cà những người cực đoan Cộng sản! Mi có nhận thế không?

- Tui quên hết rồi! Người cha lắc đầu.

- Văn chương chống Cộng của mi là phi dân tộc! Phải trốc cái gốc ung thối đó đi... Nghe chưa!

Đội lại ra dấu. Quần chúng đồng thanh: Phải rồi, đào tận gốc trốc tận rễ...

Người cha ngập ngừng:

- Tui quên hết rồi...

Anh Đội nhìn người con, ra lệnh:

- Đồng chí lôi “quả thực” ra!

Người con khệ nệ ôm một chồng sách ném toạch xuống đất.

- Hành hình, anh Đội phất tay.

Người con rút dao kéo, thẳng tay cắt vụn những trang sách cho sạch banh những đoạn chống Cộng, vung ném lên trời xanh. Quần chúng la, quả thực, quả thực... rồi nhảy lên vồ những con bướm trắng có vết mực in bay tung tưởi trên không. Cánh bướm bỗng tướm máu, mùi tanh tanh đâu đây thoang thoảng.

Người con khuỳnh tay, nói lớn:

- Mi nhận tội chưa? Còn điều gì để nói không?

Người cha im lặng một lát, giọng khẽ khàng:

- Tui quên hết rồi, chẳng còn gì đáng nhớ!

Năm 2010, tôi ghé thăm thì Võ Phiến đã bắt đầu quên. Người anh còn khoẻ, nhưng đầu chớm chút lẫn lộn. Cầm trên tay cuốn sách mới in tựa là “Cuối cùng”, anh nhìn tôi: “Nam Dao hay Nam Giao?”. Chỉ mới hai phút sau, anh cầm bút đề tặng tôi, anh lại hỏi chị, Dao D trên hay D dưới?

Lần cuối qua Cali cách đây hai năm, tôi điện thoại xin đến thăm anh chị. Chị bảo, thôi, anh lẫn lắm rồi, không nhớ gì đâu. Vì có lẽ chẳng có gì đáng nhớ chăng? Nhất là nay với cái “quả” ngàn cân mang tựa “Trường hợp Võ Phiến” thì quên là một ân huệ.

Nhưng thôi, Thu Tứ “hoàn cảnh” lắm.

Tội nghiệp!

Và cuối cùng thì cái gì của Caesar, trả lại cho Caesar, cái gì thuộc văn học, sẽ cũng rồi trả lại cho văn học.

N. D.

30-09-14

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn