Các đại học Mỹ đang đối diện tình trạng nan giải của các Viện Khổng Tử

Các đại học Mỹ phải đánh giá thế nào về các Viện Khổng Tử nằm trên khuôn viên của mình?

Robert Farley, The Diplomat 3/10/2014

Trần Ngọc Cư dịch

clip_image001

Viện Khổng Tử có tiềm năng đặt ra một nan đề cho nhiều đại học Mỹ. Vì tài trợ của các bang ngày càng suy giảm, nhiều cơ sở giáo dục đã chụp lấy hậu thuẫn từ bên ngoài vào để duy trì các sinh hoạt song hành với chương trình học [co-curricular], và (trong một số trường hợp) cả chương trình chính qui [core curriculum]. Sự hỗ trợ của các Viện Khổng Tử đã trở nên cần thiết trong việc giúp nhiều đại học, lớn cũng như nhỏ, duy trì các chương trình vững mạnh tại một trong những nước quan trọng nhất thế giới. Các Viện Khổng Tử này đã ảnh hưởng lên nhiều khía cạnh sinh hoạt trong khu đại học, từ sinh viên đến ban điều hành và ban giảng huấn trong các chương trình đa diện của chúng.

Tại Đại học Kentucky (nhiệm sở của tôi), Viện Khổng Tử làm đúng chức năng mà nó phải làm. Viện này tạo điều kiện để sinh viên và giáo sư thăm viếng Trung Quốc, giúp cải thiện việc triển khai chương trình ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trên khuôn viên đại học, tổ chức đều đặn các sinh hoạt song song với chương trình học (như gần đây Viện Khổng Tử đã tổ chức một lễ hội gọi là “Năm Trung Quốc” [Year of China] trên khu đại học, và nói chung đóng vai trò của một trung tâm phối hợp cho việc nghiên cứu Trung Quốc trên toàn bang Kentucky. Theo quan điểm của ban giáo sư và nhân viên quản trị, không có gì sai quấy với những sinh hoạt này; Viện Khổng Tử đã mang lại tiền bạc, chuyên môn, và lợi ích.

Chương trình do bản thân tôi điều hành, mang tên Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế, không phải là một ngoại lệ trong lãnh vực này. Qua nhiều năm, chúng tôi đã gửi một số thành viên trong ban giảng huấn sang Trung Quốc để nghiên cứu và diễn thuyết, mặc dù nỗ lực này không luôn luôn nằm dưới sự bảo trợ của Viện Khổng Tử. Chúng tôi cũng đã tiếp nhận một số đáng kể các sinh viên ưu tú từ Trung Quốc, và chúng tôi đã có cơ hội tham gia nhiều loại hình sinh họat khác nhau mà Viện Khổng Tử đã tổ chức trên khuôn viên Đại học Kentucky.

Tuy nhiên, tại một trường đào tạo nhiều sinh viên sau này làm việc cho chính phủ (một số có thể vào ngành tình báo), chúng tôi không thể không biết đến vấn đề xung đột lợi ích [conflict of interest]. Chúng tôi không cần phải giả vờ tin tưởng rằng Viện Khổng Tử không phải là một cánh tay (một trong nhiều cánh tay) của nhà nước độc tài Trung Quốc với quyết tâm phóng chiếu một ảnh đặc biệt về hiện tại và tương lai của Trung Quốc. Mặc dù sinh viên của chúng tôi (và toàn thể dân số sinh viên đông đảo hơn) biết rõ đường lối tuyên truyền của Trung Quốc hơn cả chúng tôi kỳ vọng ở họ, nhưng vấn đề hiển nhiên vẫn là, khi ban giảng huấn và ban quản trị nhà trường hợp tác với Viện Khổng Tử, chúng tôi có liên can trách nhiệm trong dự án này, bằng những cung cách nhặt nhỏ cũng như nghiêm trọng.

Trong thâm tâm, tôi không hề nghi ngờ rằng đại đa số sinh viên Đại học Kentucky đang hưởng lợi ích từ các chương trình của Trung tâm Khổng Tử. Trung tâm này đã mời đến đây những học giả ưu tú, làm cho việc giảng dạy [ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc] dễ dàng hơn, và tạo điều kiện cho sinh viên Mỹ (thậm chí cả những sinh viên tại các bang có dân số người Hoa tương đối ít) tiếp xúc dễ dàng với một trong những nền văn minh xưa nhất, quan trọng nhất trên trái đất.

Do đó, dù có rủi ro theo đuổi một con đường trung đạo mềm yếu, chúng tôi thuộc giới nghiên cứu tại các đại học có thể nhìn nhận rằng các Viện Khổng Tử tiêu biểu cho một hành vi hào phóng (không hẳn vô tư và vô vị lợi) từ phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và chúng tôi cố gắng hết sức mình để lợi dụng sự hào phóng đó cả trong lãnh vực nghiên cứu lẫn vì lợi ích của sinh viên chúng tôi. Dẫu sao, Mỹ không có chiến tranh với Trung Quốc; Mỹ duy trì các quan hệ ngoại giao đúng đắn với Bắc Kinh và các doanh nghiệp Mỹ vẫn tiến hành thương mại với Trung Quốc trên một qui mô rộng lớn. Trong khi đó, dù không quá lo là mình đang bước theo “nhịp điệu của chủ nghĩa độc tài toàn trị,” chúng ta cần phải nhớ rằng các Viện Khổng Tử tiêu biểu cho một tầm nhìn (thiên vị) về quá khứ, hiện tại, và tương lai của Trung Quốc. Viện Khổng Tử không phải là một trung tâm nghiên cứu vô tư và vô vị lợi (mặc dù ít có cơ sở nào là vô tư và vô vị lợi), và chúng ta không thể kỳ vọng ở các trung tâm này một thái độ nghiên cứu vô tư đối với các thách thức chính trị nghiêm trọng đang ảnh hưởng mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay.

R. F.

Dịch giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn