Nói thật cho nhau nghe! (kỳ 5)

Anh Huyền & Sắc Ly

9- Câu chuyện thứ 9: Một thời vang bóng của cái khẩu hiệu "Đảng viên đi trước, làng nước bước theo"!

Một anh bạn mới nghỉ hưu đã có ý định gia nhập làng báo. Anh ấy tập sự viết dăm ba bài phóng sự và hồi ký về tình hình nông thôn, về các tệ nạn xã hội, rồi đưa cho chúng tôi, nhờ thẩm định hộ "tay nghề". Anh ta bảo nếu các bác thấy được thì em yên tâm gửi cho một số tờ báo viết và báo mạng, trước hết là báo địa phương, sau này nếu khá lên chút nữa thì em xin được tham gia "Chuyện thường ngày" cùng với các bác. Chúng tôi chưa trả lời ngay, nhưng cũng thấy vui vì được bạn đọc tín nhiệm và chắc sẽ có thêm cộng tác viên mới. Bẵng đi vài ba tháng, hôm nay anh bạn đó chuyển cho chúng tôi một bài viết dưới cái tiêu đề gần giống như đã nêu lại ở trên, với ý định là chính thức xin dự tuyển làm cộng tác viên "Chuyện thường ngày". Sau khi đọc vài lần, hình như thấy đạt yêu cầu, nhóm trưởng phân công cho tôi đọc và biên tập lại để thành câu chuyện thứ 9 này đây. Sau đây là bài viết "dự thi" của anh bạn đó, mà hầu như tôi rất ít phải chỉnh sửa so với bản gốc. (Xin phép tạm dùng từ khẩu hiệu, vì chưa tìm được từ khác, thích hợp).

Tôi nhớ vào khoảng các năm 60 của thế kỷ trước, lúc phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc đang lên mạnh, và cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở cả hai miền ngày càng ác liệt, thì xuất hiện rất nhiều khẩu hiệu tuyên truyền cho hai nhiệm vụ chiến lược của cả nước. Phải công nhận là có nhiều khẩu hiệu hay: khá kêu về mặt chữ nghĩa và cũng khá gọn và rõ về mặt nội dung. Những khẩu hiệu ở thời đó (và hình như cả trước đó, trong thời chống Pháp nữa) đã lôi cuốn được sự chú ý của đông đảo người dân, đã khích lệ được khí thế lao động và chiến đấu của cộng đồng. Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ được những khẩu hiệu (viết hoặc nói) có vần và có "hồn", mang đậm sắc thái Việt dân dã. Đại loại như là "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người!", rồi "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt!", rồi "Dễ một lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong!",... Đặc biệt là câu "Đảng viên đi trước, làng nước bước theo!" thì có lẽ tôi không thể quên, vì lúc đó tôi đang được sinh hoạt "nhóm đối tượng" của chi bộ Đảng. Tôi đã được giác ngộ nhiều lần về vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên, về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân,... và mỗi lần được nghe như vậy tôi đều nhớ nhất cái câu khẩu hiệu đó đã luôn được chốt lại sau cùng.

Quả thật là, trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, khi Đảng còn mang tên là Đảng Lao động Việt Nam, khi toàn Đảng và toàn Dân đều đang chung sức chung lòng cho mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, khi Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích máu thịt và thiêng liêng đó của dân tộc, khi người đảng viên luôn đồng cam cộng khổ với Dân,... thì cái khẩu hiệu ấy đã phát huy được tác dụng rất tốt. Người dân tin ở đảng nên cũng tin đảng viên, nghe theo đảng viên, làm theo đảng viên để thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu. Cái khẩu hiệu ấy đã thực sự tạo nên một hình ảnh đẹp, một mô hình đẹp về mối quan hệ giữa Đảng với Dân (tuy vẫn như mặc định một sự hạn chế là tính bị động, đi sau của người dân, mà thực tế thì không phải lúc nào cũng thế). Nếu liên hệ đến những thời khắc lịch sử đặc biệt trong hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của đất Việt thì chúng ta đều thấy có nét tương đồng. Trước những công việc trọng đại của đất nước, nhất là tình huống "sơn hà nguy biến", cả nước đều luôn thể hiện một sự cố kết cộng đồng rất thống nhất, rất bền chặt, tạo nên một sức mạnh tổng hợp vô địch để hoàn thành sự nghiệp chung, kể cả việc chiến thắng kẻ thù hung bạo. Trong những tình huống đó, người dân thường nhìn vào thái độ của tầng lớp tinh hoa trong cộng đồng để nghe theo họ và làm theo họ, tức là ủng hộ hoặc quay lưng lại chủ trương của giới cầm quyền. Tầng lớp tinh hoa đó của dân tộc, từ cổ chí kim, bao giờ cũng là các bậc trí giả, trí thức. Nhân dân đã tìm thấy ở họ những phẩm chất rất đáng quý để tin cậy, đó là Nhân, Trí, Dũng,... mà các đối tượng khác không thể có. Giới cầm quyền nào mà sáng suốt, trong sạch và khôn ngoan cũng đều luôn biết dựa vào lực lượng này, còn nếu u mê mà làm ngược lại thì chỉ nhận được kết cục thất bại. Bài học xưa và bài học thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã để lại cho thời kỳ đổi mới một kinh nghiệm hay, có thể tham khảo. Và có lẽ vì vậy mà trong gần 30 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang thử tiếp tục vận dụng cái khẩu hiệu đáng nhớ một thời đó. Việc thử nghiệm này đã có mang lại một số kết quả nhất định, trong một số hoạt động cụ thể ở một vài lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhưng xem ra thì hình như hiệu quả thu được không nhiều lắm và chưa thực sự bền vững, chưa có nhiều cấp thực sự vào cuộc, chưa tạo ra được sự hứng khởi và tự giác của người dân, chưa tạo ra được những mô hình thích hợp trong từng lĩnh vực cho mối quan hệ máu thịt Đảng - Dân đó.

Vấn đề đặt ra hiện nay, về cả mặt lý luận và thực tiễn, là trong bối cảnh mới và với thực trạng hiện tình đất nước như mọi người đã thấy, thì khẩu hiệu ấy có còn đúng nữa không? Liệu có thể vận dụng thành công khẩu hiệu nói trên hay không? Và cái gì đang là trở ngại khó khắc phục, thậm chí là bất khả kháng?... Cứ trăn trở với dòng suy tư này, tôi đã đi tìm những người bạn đồng niên và vong niên cũng đang có cùng những nỗi niềm với thế sự, dù đã quen hay mới biết nhau, để trao đổi và tâm sự. Rất may là tôi đã được gặp những con người mà tôi cần, đa số đã nghỉ hưu, và số đông đều là đảng viên cao tuổi Đảng. Đó là những con người sống và nghĩ rất tâm huyết và trung thực, có chính kiến rất riêng và rõ ràng, không phải loại người cơ hội, "ăn theo, nói leo", và họ đều là dân có chữ nghĩa. Họ đã vui vẻ trao đổi thẳng thắn với tôi xung quanh vấn đề tôi đặt ra. Sau đây là những ý kiến của các cụ mà tôi đã nhớ và ghi lại một cách tóm lược.

- Dù thời nào thì tầng lớp tinh hoa của dân tộc bao giờ cũng là trí thức. Đó là những người có nhân cách (theo cách hiểu của Hồ Chí Minh là bao gồm cả tài và đức) cao hơn hẳn mặt bằng nhân cách của cộng đồng, nổi lên là các phẩm chất Nhân, Trí, Dũng. Và thời nào thì hiền tài của đất nước, nguyên khí của quốc gia cũng xuất hiện từ tầng lớp trí thức, và cũng là bộ phận tinh hoa nhất trong đó.

- Nhưng không phải cứ ai có chữ nghĩa nhiều đều là trí thức, và không phải trí thức nào cũng xứng đáng là bộ phận tinh hoa của đất nước. Thực tế đã có nhiều người vốn là trí thức, nhưng đã bị biến chất và trở thành những phần tử cơ hội có hạng, thậm chí thành những tên mafia có học thức, đối lập với nhân dân. Trong đó có một số lượng đáng kể là những trí thức được làm quan, do thiếu bản lĩnh nên đã nhanh chóng hư hỏng, không còn lý tưởng cao đẹp, không còn giữ được các phẩm chất Nhân, Trí, Dũng,... vốn có nữa. Tất cả các loại người đang mang danh trí thức ấy, đương nhiên không còn là thành viên của bộ phận tinh hoa nữa, mà ngược lại họ đang là đối tượng cần đấu tranh cải tạo hoặc gạt bỏ của cộng đồng.

- Ở Việt Nam, từ sau 1975, nhất là khi bước vào thời kỳ đổi mới, thì bộ phận tinh hoa của đất nước đã bất ngờ được mặc định là các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính trong các tuyên ngôn của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự khẳng định Đảng là trí tuệ, là đạo đức, là văn minh,... Đảng là con nòi của dân tộc,... Từ sự khẳng định đó thì đương nhiên mọi người phải hiểu: đã là đảng viên thì phải tốt, phải giỏi giang, phải đạo đức,... nhất trong xã hội. Và lô gích tất yếu là chỉ có đảng viên mới làm được lãnh đạo, mới làm được chỉ huy để dẫn dắt nhân dân trong mọi công việc chung của cộng đồng. Phải coi điều đó là hiển nhiên, là chân lý của cuộc sống ở Việt Nam, không phải bàn cãi, và không được bàn cãi!

- Có lẽ xuất phát từ cái nhận thức cực đoan, phi biện chứng, áp đặt một chiều đó, mà người ta đã coi cái khẩu hiệu nói trên là muôn năm đúng. Người ta bảo nó đã đúng và thành công trong quá khứ thì nó phải được tiếp tục áp dụng cho hiện tại và tương lai, bất cứ trong điều kiện nào!

- Đó là một sự mặc định phản khoa học, thậm chí là phản động, vì nó trái với quy luật phát triển của xã hội, nó phủ định các tiêu chí nghiêm ngặt của tinh hoa đất nước, nó phủ nhận sự biến đổi không ngừng của thực tiễn, nó chống lại ý nguyện của nhân dân muốn có người dẫn dắt xứng tầm,... để dân luôn được sống trong niềm tin và đất nước được phát triển bền vững. Sự mặc định đó về bản chất là một sự cưỡng bức tinh thần từ phía Đảng cầm quyền đối với dân chúng, chứ không phải bắt nguồn từ sự tôn vinh thật lòng của nhân dân. Chắc chắn nhân dân sẽ phủ định nó!

- Sự mặc định ấy ở thời điểm trước đây – thời Đảng của cụ Hồ – thì có thể coi là đúng, còn bây giờ thì sai, hoàn toàn sai. Lý do rất rõ ràng là Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ khác hẳn Đảng Lao động Việt Nam trước đây, khác về chất. Mọi người thử nhìn lại xem Đảng bây giờ gồm những ai, họ đại diện cho tầng lớp nào trong xã hội Việt Nam này, họ đang phấn đấu cho mục tiêu gì của đất nước này? Và phải nhìn vào bộ phận nắm quyền lực, nói đến Đảng chính là nói đến bộ phận này, như cách hiểu dân dã mà sâu xa của mọi người dân Việt. Người dân ai cũng biết bây giờ Đảng Cộng sản Việt Nam có lợi ích riêng rất khác với lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc, khác đến mức Đảng có thể bỏ lợi ích dân tộc để chỉ giữ lấy lợi ích riêng của mình! Lợi ích riêng đó, mà họ cho là tối thượng, chính là sự độc quyền cai trị đất nước, thống trị nhân dân (mà họ luôn coi đó là điều kiện tiên quyết để giữ vững chế độ, đảm bảo tự do, hạnh phúc cho nhân dân). Những câu chuyện về bán đất đai biên giới, ven biển, Tây Nguyên, biển đảo,... về sửa đổi Hiến pháp, về hội nghị Thành Đô và sự nhẫn nhục chịu lệ thuộc toàn diện vào kẻ thù truyền kiếp,... sẽ còn lưu mãi trong lịch sử dân tộc, chính là minh chứng không thể chối cãi của cái tâm địa đen bẩn đó, của sự tha hóa tồi tệ đó của Đảng.

- Chúng ta thử nhìn lại xem nhân cách của đảng viên bây giờ đang ở "tầm cao" nào mà Đảng vẫn cứ dám tự nhận họ là tinh hoa của dân tộc. Cứ nhìn từ cấp cao nhất (Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương) rồi xuống đến cấp tỉnh và cấp huyện, và rộng ra là bộ phận đảng viên có chức quyền. Cả về mặt trí tuệ và mặt đạo đức, hầu hết bọn họ đều không đủ tầm là "người cầm cờ", càng không thể là những tấm gương để dân soi chung, để lớp trẻ ngưỡng vọng và phấn đấu. Về thực chất thì đa phần những con người trong bộ phận nòng cốt này đều đã và đang tha hóa nặng nề và toàn diện, từ lý tưởng cho đến đạo đức và lối sống. Người dân thì nói nôm na là họ đều ngu dốt và hư hỏng! Chính Đảng đã công khai tự nhận sự yếu kém này trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhưng chỉ nói nhẹ nhàng là sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đương nhiên là không thể "vơ đũa cả nắm" mà bỏ qua những người tốt trong Đảng, bỏ qua bộ phận đông đảo là các đảng viên thường, bởi giữa hai bộ phận vừa nêu khác nhau lắm.

- Như vậy, nói một cách khái quát thì lực lượng tinh hoa của dân tộc không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, không thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, kể cả bộ phận chóp bu. Tuy nhiên trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay còn có người tốt, họ có thể xứng tầm là tinh hoa của đất nước, nhưng họ sẽ không mang tư cách là đảng viên, không phải do công lao đào tạo của Đảng, và hơn nữa họ chỉ là số ít, chưa có cơ hội bộc lộ chính kiến và đang phải ở thế ẩn mình, đơn độc.

- Bây giờ chúng ta cứ thử vận dụng cái khẩu hiệu ngày xưa ấy vào bối cảnh mới của đất nước xem tính khả thi của nó đến đâu nhé!

- Nhưng trước hết, chúng ta nên tìm hiểu lại xem khi đưa ra khẩu hiệu này thì tác giả kỳ vọng gì ở nó? Tức là yêu cầu gì ở đảng viên, và đòi hỏi gì ở người dân để có thể tạo thành một sự cộng hưởng hiệu quả cho công việc chung? Ngay từ hồi ấy và cho đến bây giờ, thì ai cũng hiểu được nôm na là: Đảng viên thì luôn phải tiên phong, gương mẫu, phải là tấm gương cho Dân theo, và Dân thì phải luôn tin ở đảng viên, nghe theo và làm theo đảng viên. Lý do để phải có sự thông hiểu này là đảng viên thì luôn tốt, luôn đạo đức, luôn vì dân vì nước,... Và nên chi, cũng ngay từ hồi ấy, có nhà báo đã nói một cách hình tượng là: người đảng viên phải luôn cao hơn người dân thường "một cái đầu"!

- Đúng là đẹp quá, lý tưởng quá, vì đó chính là hạnh phúc của đất nước, là mong ước của người dân! Nhưng thực tiễn hiện nay thì như thế nào? Hỏi rằng đảng viên đã đi trước được việc gì, và liệu có thể đi trước được việc gì nữa để dân có thể bước theo?

- Trước hết, lại cũng phải nhìn từ bộ phận đảng viên có chức quyền, kể từ các ông bà chóp bu. Điều đã được khẳng định công khai mà ai cũng biết: tuyệt đại bộ phận số này không phải là Dân nữa rồi, họ mang lẽ sống khác và có quyền lợi hoàn toàn khác, so với tâm nguyện và lợi quyền của người Dân. Nên chi những việc họ đi trước chỉ nhằm bảo vệ cho hai thứ sở hữu nói trên của họ, Dân làm sao mà bước theo cho được, và thực tế Dân cũng không có điều kiện để bước theo, không có bụng dạ để bước theo! Bởi đó là những việc làm phi pháp và phi đạo lý, chống lại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Chẳng hạn: Dân làm sao có thể tham nhũng tài sản của quốc gia và tài sản của người khác để trở thành các đại gia, các tỷ phú? Dân làm sao có thể đua chen làm giàu "chính đáng" như các đảng viên có của chìm của nổi từ lâu và có thế lực bảo lãnh, bảo kê, nhờ vào thủ đoạn mờ ám, phi nhân như bóc lột, gian lận, lừa đảo,... để trở thành các doanh nhân "thành đạt"? Dân làm sao có thể đàn áp được người dân khác để duy trì lợi ích của mình? Dân làm sao có thể lọt được vào các cơ quan quyền lực để làm các chức sắc lãnh đạo, quản lý các cấp, rồi để cai trị lại đồng bào của mình? Dân làm sao dám hống hách, cửa quyền, sách nhiễu với đồng bào của mình? Dân làm sao dám "nói một đàng, làm một nẻo" để dối lừa đồng bào mình? Dân làm sao có thể tiêu dùng xả láng, thừa mứa, có thể cho con cháu du học thoải mái, đi nước ngoài như đi chợ? Dân làm sao dám coi thường pháp luật, có thể "tuýt còi" cho công an, chối biến tội của mình hoặc ngụy tạo tội cho người khác, rồi dám "dắt mũi" cả quan tòa? Dân làm sao dám bán đất đai và biển đảo của cha ông để lại cho kẻ thù truyền kiếp?... Dân làm sao có thể làm đất nước kiệt quệ về kinh tế, suy thoái về chính trị, văn hóa, xã hội,...?.... Và Dân cũng không bao giờ chịu bước theo cái thái độ nhẫn nhục cúi đầu trước kẻ thù để mong có được một thứ hữu nghị viển vông, một thứ hợp tác lừa bịp?...

- Đó là những việc ở tầm "trị quốc" thì rõ ràng là do Dân không có vị thế cầm quyền nên không thể bước theo được. Còn những việc chỉ ở phạm vi "tề gia" thì dứt khoát Dân không thể bước theo các đảng viên đó, bởi số rất đông trong họ đều không phải là những tấm gương tốt, mẫu mực thấm nhuần được văn hóa gia đình Việt. Trong gia đình của họ luôn đầy rẫy các biểu hiện của sự tha hóa văn hóa gia đình, luôn tồn tại các tệ nạn của khủng hoảng gia đình nhưng đang được che giấu.

- Đối với bộ phận đông đảo còn lại của hơn ba triệu đảng viên thì liệu khẩu hiệu ấy có đắc dụng được không? Đây là những đảng viên thường, không chức sắc, không có đặc quyền đặc lợi thì trong thực tế họ cũng như dân thường thôi, số phận và quyền lợi của họ, về cơ bản cũng giống như người dân thường. Họ cũng đang bị áp bức, bóc lột, bị tước đoạt một phần các quyền cơ bản của công dân, bị coi thường và còn bị lợi dụng cái danh hiệu đảng viên mà họ còn mang,... Do vậy mà họ không thể có điều kiện để thể hiện bản lĩnh của mình, để có thể đi trước một số việc cho dân bước theo.

- Không hẳn là như vậy đâu! Do được sống gần dân và có quyền lợi gắn bó với quyền lợi của dân, nên đảng viên thường cũng đang cùng tham gia các hoạt động ở cơ sở. Với điều kiện đó, họ có thể đi trước một số việc để dân bước theo. Đó là hai loại việc sau: phát triển cộng đồng (như chương trình xây dựng nông thôn mới, hoạt động khuyến học, hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,...), và chống tiêu cực. Đối với loại việc thứ nhất thì họ sẽ tham gia tốt, sẽ được cả Đảng và Dân đều hoan nghênh và ủng hộ. Nhưng với loại việc thứ hai (chống tiêu cực) thì tuy Dân ra sức cộng tác, và tuy họ rất có khả năng để làm tốt, nhưng chắc rằng Đảng không cho phép họ làm, vì như vậy chẳng khác gì "vạch áo cho người xem lưng", tức là nói xấu Đảng, chống lại Đảng! (thể hiện trong Quy định về 19 điều cấm đảng viên làm).

- Rất khó để phân biệt hai loại việc trên, vì chính ngay trong loại việc thứ nhất vẫn có loại việc thứ hai, vẫn phải làm cả loại việc thứ hai kia mà. Và như vậy thì chắc là đảng viên thường cũng rất khó mà đi trước bất cứ loại việc gì ở cơ sở!

- Và hóa ra là, ngày nay không có bộ phận đảng viên nào có điều kiện và có ý chí để đi trước cho Làng nước bước theo, như khẩu hiệu ngày xưa đã từng nêu. Nói khác đi là ngày nay, khẩu hiệu đó đã trở thành bất khả thi!

- Vậy là cái khẩu hiệu đã vang bóng một thời đó đã hết thời, và chính Đảng chứ không ai khác đã khai tử nó! Chúng ta đành phải đau buồn vĩnh biệt nó, mà vẫn mãi nhớ về nó. Nhưng vì điều 4 của Hiến pháp vẫn đang tồn tại trên "giấy trắng mực đen", nên chúng ta vẫn có quyền mơ ước "Bao giờ lại đến ngày xưa?" để cái khẩu hiệu ấy lại được phục sinh, chứ không phải chỉ còn như một kỷ niệm!

- Mơ ước ấy đáng yêu quá, lãng mạn quá đi chứ, nhưng nó chỉ trở thành hiện thực khi Đảng phục hồi được mối quan hệ máu thịt Đảng - Dân, đúng như lý thuyết của Đảng đã nêu.Và hiện thực đó chỉ đến với mọi người dân Việt, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự tự lột xác, tự đổi mới!

Tháng 7 năm 2014

A H & S L

Các tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn