Hậu giàn khoan và những việc phải làm của tổ quốc Việt Nam hôm nay

Luật gia Đức Thành

Kể từ sau khi Trung Quốc rút giàn khoan khổng lồ khỏi thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến nay, chưa thấy có bất cứ phân tích đánh giá nào về vai trò của đảng cộng sản VN với tư cách là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân Việt Nam có công trạng đến đâu trong vấn đề này.

Cứ theo cách hành xử của lãnh đạo đảng trong hơn hai tháng giàn khoan ấy cắm ở biển Đông của Việt Nam thì ĐCS VN hoàn toàn bất lực trước ông bạn vàng bốn tốt của đảng, nên ông bạn vàng đã ngang nhiên bất chấp công pháp quốc tế, bất chấp dư luận tiến bộ thế giới, bất chấp cả thói xu nịnh bợ đỡ của chính đảng anh em, cắm cho bằng được bộ mặt gian giảo, xảo quyệt nhất mọi thời đại là bành trướng bá quyền nước lớn lên tấm thân gầy dằng dặc đau thương của dân tộc Việt Nam. Và với cách hành xử như thế thì rõ ràng việc giàn khoan của TQ rút đi khỏi VN không có tý công trạng nào của đảng cả.

Hiện nay đảng đang dùng các nguồn từ ngân sách nhà nước, từ nguồn thuế của dân và từ tiền bán rẻ công thổ quốc gia cho những tập đoàn nước ngoài để xây dựng lộ trình cho một nhiệm kỳ đại hội mới của đảng.

Vấn đề là ở đại hội này, họ có quan tâm đến những lợi ích nguyện vọng chính đáng của dân tộc, mà đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết thảy mọi quyền lợi khác của họ hay không?

Đã từ rất nhiều nhiệm kỳ đại hội đảng, dân tộc ta dường như đã buông xuôi cho họ muốn làm gì thì làm, đã chấp nhận họ lãnh đạo một cách tuyệt đối dù biết rất rõ trong đảng của họ còn đầy rẫy suy thoái, biến chất. Thực tế họ đã là những con sâu dân, mọt nước, nên đất nước mới kiệt quệ về kinh tế, phân hóa về nội bộ, lòng dân bất an, thế lực nước ngoài nhòm ngó xâm lấn như hiện nay!

Để đất nước sớm có con đường phát triển, đoàn kết dân tộc cùng nhau một lòng xây dựng đất nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thì công việc trước tiên của tổ quốc cần là phải định vị lại vị trí vai trò của ĐCS VN trong tiền đồ dân tộc, để có cách nhìn nhận đúng đắn về đảng này, xem xét xem họ có còn phù hợp với lợi ích chính đáng của dân tộc VN nữa hay không.

Nếu họ không còn phù hợp nữa thì cần tạo đà để cho các lực tiến bộ khác phát triển cùng nhau gánh vác công việc của non sông đất nước. Ai, lực lượng nào phù hợp với lợi ích của dân tộc nhất người đó sẽ là lực lượng dẫn dắt dân tộc.

Cung cách đảng đang lựa chọn nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ tới là theo tiêu chí bó đũa chọn cột cờ, có nghĩa là đảng vẫn cam tâm chỉ chọn một nhúm người trong đảng, trong đó có cả một bộ phận thoái hóa biến chất đứng ra gánh vác công việc đất nước của một dân tộc có đến hơn 90 triệu dân. Với cách lựa chọn như thế thì làm sao cho dân tộc ta phát triển?

Thế nào là phù hợp với lợi ích của dân tộc?

Đương nhiên con đường phát triển của dân tộc là đường đi của một dân tộc phải đến được hùng cường giàu mạnh, ở đó không thể có điểm dừng để lực lượng dẫn dắt dân tộc tự mãn theo kiểu sau mỗi chặng đường do mình vẽ ra lại bắt dân tộc phải suy tôn mình, ghi nhận công lao của mình như đảng đang làm và mặc cả với dân tộc trong giai đoạn vừa qua và cho đến tận hôm nay.

Nguyện vọng chung nhất của bất cứ dân tộc nào trên thế giới là bình đẳng bình quyền cùng nhau quản lý lãnh đạo đất nước mình, phát huy cao độ mọi sức mạnh của toàn dân trong việc xây dựng đất nước và giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình, hòa đồng với thế giới văn minh tiến bộ.

Một nguyện vọng như thế mà đảng không dám nêu cao, không dám phát huy cổ súy cho nó hình thành thì đảng đó sẽ sớm trở thành tội đồ của dân tộc. Trước sau gì thì dân tộc ấy cũng nhận ra và sẽ có phán xét kịp thời về nó.

Vấn đề ở đây là: Với dân tộc, đã để cho ai thay mặt mình lãnh đạo gánh vác đất nước thì cũng cần phải tỉnh táo, cân nhắc giao cho lộ trình cần làm, đúc rút kinh nghiệm trong một hai nhiệm kỳ để mà chỉnh sửa, hoặc thay thế bằng lực lượng khác có uy tín hơn. Không thể nhắm mắt làm ngơ khi họ đã công khai những thối nát nhất, suy thoái nhất, mục nát nhất không có cách gì và lộ trình nào khắc phục để tài sản công sức của dân tộc sau bấy nhiêu năm có cơ hồ mất trắng bởi “nền hòa bình độc lập của Việt Nam đang bị đe dọa” - như phát biểu của chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Còn với với riêng đảng, cũng cần nhận thức trong đợt phân tích đánh giá của dân tộc đối với đảng mình thì cần phải nghiêm túc soi sét mình đã làm được gì cho dân tộc này, nguyên nhân nào đảng bị đánh giá lại, sách lược, chính cương, nghị quyết của mình có còn phù hợp với lợi ích của dân tộc mình hay không để mà điều chỉnh phù hợp đối với nguyện vọng của dân tộc này.

Sự soi xét này yêu cầu đảng phải làm hết sức nghiêm túc mới tìm ra được những cái lệch lạc, sai lầm. Thậm chí đảng sẽ nhận ra cả những đòi hỏi phi lý của mình trong điều 4 hiến pháp mà đảng mà đảng cố tình lái cho bằng được trong đợt xây dựng hiến pháp vừa qua.

Để có tiêu chí đánh giá chung nhất nhưng cũng rất khách quan công bằng khoa học cho một công cuộc đánh giá lại vai trò của đảng CS VN, cần nhận thức theo các hướng sau đây:

1. Đảng ra đời và dẫn dắt dân tộc trong lúc khủng hoảng xã hội Việt Nam sâu sắc nhất, khi nhà nước phong kiến thì ươn hèn, còn tư bản thì tận dụng tối đa cơ hội này khai thác bóc lột đến thậm tệ dân tộc Việt Nam. Thời kỳ này đảng đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, dân chủ bình quyền và chính sách hợp lòng dân là người cày có ruộng. Đây là một công lao cần ghi nhận.

2. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: Thời kỳ này do không vượt thoát bởi ý thức hệ phe phái giữa các nước lớn đại diện cho hai phe TBCN và XHCN, đảng đã nhắm mắt làm ngơ tiến hành một cuộc chiến tranh được gọi là giải phóng dân tộc nhằm vào chính đồng bào mình, mà hệ quả là đất nước bị dìm trong bể máu chiến tranh, suốt 30 năm huynh đệ tương tàn dẫn đến suy yếu thậm tệ khối đại đoàn kết của dân tộc, khiến kẻ thù của dân tộc hiện đang ngư ông đắc lợi trên biển Đông. Đây là điểm yếu hạn chế nhất của đảng trong giai đoạn này.

3. Cần nhận thức rõ, nhận thức lại rằng cuộc chiến tranh 30 năm 1945-1975 tại Việt Nam chính là cuộc chiến tranh phe phái TBCN và XHCN để Trung Quốc không còn cớ cậy công rằng đã giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng Pháp và Mỹ. Việt Nam trong cuộc chiến tranh này chỉ là nạn nhân, do đó bất luận trong trong hoàn cảnh nào không được nói thắng thua trong lòng một dân tộc. Làm được như thế tự nhiên chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc đã được giải quyết.

4. Phải làm cho dân hiểu rõ Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, Cải tạo công thương nghiệp tại miền Nam là sai lầm. Sai lầm do nôn nóng, chủ quan duy ý chí hoặc sức ép từ bên ngoài trong điều kiện hoàn cảnh bị nước ngoài lợi dụng chứ không phải ý chí cuối cùng tối thượng của đảng để được nhân dân thông cảm.

5. Về cuộc chiến tranh biên giới 1979: Đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, qua đó đòi lại những phần đất đã bị TQ lấy mất tại ải Nam Quan, Thác Bản Giốc… theo nguyên tắc của hiệp định Pháp - Thanh. Phần nào đã bị lấn chiếm mất bao nhiêu diện tích so với hiệp định Pháp - Thanh cần có bảng chỉ dẫn lập bia để hậu thế biết được.

Quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Đảng ngay tức khắc phải có mọi biện pháp đòi lại chủ quyền không thể tẩm ngẩm tầm ngầm mãi như thời gian vừa qua được nữa.

6. Trong bang giao đối ngoại dù với nước nào cần phải triệt để nguyên tắc có đi có lại, bình đẳng hữu nghị cùng có lợi. Tuyệt nhiên không được đem vận mệnh dân tộc làm vật tế thần mặc cả với những thế lực ngoại bang. Là người hiểu rõ dã tâm của Trung Quốc hơn bao giờ hết cần phải cho thế giới thấy hết dã tâm này của Trung Quốc. Qua đó họ sẽ có đối sách phù hợp với chính TQ và thông cảm giúp đỡ nhân dân Việt Nam hơn.

7. Với nhân dân trong nước cần mở rộng lộ trình dân chủ bình đẳng bình quyền đến mọi tầng lớp trong xã hội, khuyến khích những thành phần ưu tú tham gia quản lý, cùng gánh vác các công việc quốc gia đại sự.

8. Cần triệt để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong chương trình phát triển kinh tế biển, hợp tác phát triển lĩnh vực kinh tế biển. Mạnh dạn đầu tư tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại làm nơi tập trung thu mua khai thác cá của nhân dân, góp phần nâng cao giá trị phẩm chất và năng suất cá. Đầu tư cho lực lượng này đủ lớn để cung ứng hậu cần bằng máy bay cho ngư dân cũng như xuất thẳng sang những nước có tỷ giá cao.

9. Với xu thế bất lợi hiện nay trên biển Đông và biển Hoa Đông đã manh nha một hiệp ước phòng thủ, phòng vệ tập thể nhằm ngăn ngừa những kẻ cậy lớn cắn trộm. Việt Nam cần nghiên cứu kỹ loại hình hợp tác này trên nguyên tắc phòng ngừa xung đột xảy ra.

Vài tiêu chí viết vội trên đây chắc chắn sẽ còn rất nhiều thiếu sót, nhưng chỉ cần căn cứ những tiêu chí này sẽ đánh giá về đảng, cách nghĩ của đảng hiện nay một cách chính xác nhất. Các tiêu chí này đảng có thể tự nhìn nhận để đúc rút cho mình, hòng đáp ứng hơn đối với đòi hỏi của dân tộc, từ đó mà lấy lại lòng tin từ dân tộc mình. Còn với dân tộc Việt có tấm lòng vị tha bao dung sẵn sàng giao phó cho những chính đảng dám đáp ứng và phục vụ lợi ích tối đa của dân tộc.

Mong rằng qua bài viết này, toàn thể dân tộc, và mỗi con người Việt Nam chúng ta dù trong nước hay hải ngoại luôn nặng nòng với non sông đất nước đánh giá lại vị trí vai trò của đảng hiện nay có còn đủ uy tín lãnh đạo đất nước nữa hay không.

Đ.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn