Vài ý kiến về đề xuất thành lập một đảng chính trị mới cho Việt Nam

Lữ Phương

Việc thành lập một đảng chính trị mới đang nói tới ở đây là một đảng giả định, mang tên “Đảng Dân chủ Xã hội ” do Lê Hiếu Đằng đề xuất. Anh Đằng là một cán bộ đã 45 tuổi Đảng, hoạt động ở các đô thị miền Nam trong thời kỳ chiến tranh “chống Mỹ”, sau 1975 từng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh suốt một thời gian dài. Đề xuất của anh đã làm dấy lên trong dư luận trong và ngoài nước một không khí tranh cãi sôi nổi, hào hứng, quyết liệt ít thấy. Là chỗ quen biết anh Đằng, sau khi theo dõi những cuộc tranh luận nói trên, tôi xin được góp thêm với công luận mấy ý kiến sau đây:

*

1. Điều tôi có thể khẳng định đầu tiên là đề xuất ấy chỉ là ý kiến đột xuất của riêng Lê Hiếu Đằng khi anh đối mặt với căn bệnh ngặt nghèo mà mình vướng phải, từ đó nẩy ra ý định nhìn lại cả một đời hoạt động đã qua và đã bày tỏ những dằn vặt cá nhân của mình về những hoạt động đó trong bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh. Khi bài này xuất hiện trên một trang mạng, lập tức được anh Hồ Ngọc Nhuận – một nhà báo cũng là một nhân sĩ ngoài Đảng, thuộc “ lực lượng thứ ba ” đối lập với chính quyền Sài Gòn trước đây, sau 1975 đã cùng hoạt động với anh Đằng trong ban lãnh đạo Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh – lên tiếng tán thưởng bằng một bài viết hết sức nhiệt tình mang tên Phá Xiềng.

Sau bài viết đó của anh Nhuận, đây đó đã phát sinh dư luận cho rằng việc thành lập một đảng mới đối lập, đương đầu với Đảng Cộng sản đã là một thực tế đang được xúc tiến và xúc tiến bởi một nhóm người đang nuôi tham vọng nào đó về chính trị. Nhưng theo chỗ tôi biết thì trên thực tế chưa hề có một cá nhân nào hoặc một nhóm người nào đó thực sự có ý định kết tập nhau lại để bắt tay vào việc hình thành ra cái đảng chính trị này cả. Tất cả chỉ mới manh nha trong sự gợi ý từ bài viết của anh Đằng và riêng anh Đằng cũng cho biết, ngay cả khi có điều kiện để hiện thực hoá ý tưởng ấy thì trong tình trạng bệnh tật không biết đi đến đâu hiện nay, anh cũng không thể nào đứng ra đảm đương được. Anh Đằng không ngây thơ đến nỗi không hiểu tính chất đầy khó khăn và phức tạp của một dự án chính trị như vậy.

2. Qua việc tiếp xúc trực tiếp với anh và những văn bản mà anh đã công bố, tôi có thể khẳng định thêm rằng khi gợi ra vấn đề  “đa đảng” nói trên, anh Đằng không hề đề ra mục tiêu lật đổ hay thay thế Đảng cộng sản đang lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam. Động lực thực sự của anh là muốn đưa ra một giải pháp thiết thực, góp phần dân chủ hoá đời sống chính trị của đất nước, từ đó cùng góp sức với Đảng cộng sản, tìm kiếm những giải pháp phù hợp thực tế để mau chóng đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Suy nghĩ này của anh thật ra không có gì mới mẻ vì đã được nhiều nhân vật hoạt động và một số nhà nghiên cứu (kể cả những người trong Đảng) nói tới từ lâu, quan trọng nhất là chỉ ra được nguyên nhân mọi sai lầm lặp đi lặp lại của Đảng cộng sản cầm quyền: đó là việc Đảng đã coi cái ý thức hệ Mác-Lênin của riêng mình như chân lý duy nhất đúng, ép buộc toàn xã hội phải thừa nhận, căn cứ vào đó thiết lập quyền độc tôn lãnh đạo, không màng đến phản ứng của cuộc sống thực tiễn, nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Tất cả mọi sự phản biện dai dẳng đưa đến những đề xuất tìm kiếm một giải pháp điều chỉnh lại hướng đi cho đất nước cũng xuất phát từ đó: trong thời kỳ mới này, Việt Nam cần phải chuyển mình sang thể chế dân chủ để hình thành một tập hợp dân tộc đồng thuận, trong và ngoài nước, dựa trên đó cùng nhau tìm ra những giải pháp thoát khỏi được sự bế tắc bấy lâu nay. Trong ý hướng dân chủ hoá đời sống chính trị đó, vấn đề kiểm soát quyền lực – cụ thể là không để nhà nước dùng sự độc tôn quyền lực triệt tiêu sự sống độc lập của xã hội công dân, kết quả là biến sự độc tôn đó thành chỗ dựa cho các tập đoàn lợi ích cấu kết với nhau để thao túng nhà nước – đã được đặt ra ngày càng gay gắt, dưới nhiều hình thức, từ việc lên tiếng của những cá nhân đến những kiến nghị tập thể mở rộng cho nhiều người tham gia.

3. Vấn đề “đa đảng” mà Lê Hiếu Đằng nêu ra chỉ nhắc lại những suy nghĩ chung nẩy sinh từ quá trình thảo luận tìm kiếm con đường dân chủ hoá cho Việt Nam, diễn ra cả hơn hai thập kỷ đã qua. Và không phải chỉ như vậy vì có lúc các ý tưởng ấy đã thể hiện trong thực tế, cụ thể qua sự xuất hiện công khai một số đảng chính trị mà thách thức rất đáng chú ý là việc ông Hoàng Minh Chính một cựu đảng viên đứng ra “phục hồi” một đảng ra đời vào thời kỳ cách mạng 1945 mệnh danh là Đảng Dân Chủ. Gọi là “phục hồi” một đảng cũ (thực chất là do Đảng Cộng sản chủ động lập ra) nhưng trong khi đó ông Chính lại dời vị trí nội địa của nó ra hải ngoại để một số nhân vật bên ngoài chi phối, vì thế nỗ lực của ông đã không giữ được tính chính danh cần phải có để có thể hoạt động, nhất là không đủ thực lực để vượt qua được sự trấn áp của Đảng cộng sản.

Đảng chính trị mang tên “Dân chủ Xã hội” do Lê Hiếu Đằng đề xuất đã đi theo một hướng hoàn toàn khác: là kết quả của cuộc vận động trong nước nhưng không ra đời một cách tự phát từ cuộc sống xã hội mà lại bắt nguồn từ nội bộ Đảng cộng sản, cụ thể từ sáng kiến của những đảng viên bất đồng, xin ra khỏi Đảng với một số lượng tương đối nào đó để có thể khởi xướng và thành lập. Thực chất của cái thực thể chính trị được Lê Hiếu Đằng đề xuất đã bộc lộ rõ trong điều kiện giả định đó: Đảng Dân chủ Xã hội sẽ không thể nào trở thành hiện thực nếu chưa có đủ số đảng viên cộng sản ly khai cần thiết. Vì thế sẽ là tất nhiên khi thấy anh Đằng chưa nói gì đến cương lĩnh, tổ chức, điều lệ của đảng, và cũng là tất nhiên nữa khi chúng ta chưa thấy có dấu hiệu nào cho biết đã có một sự chuẩn bị tối thiểu để làm việc đó. Câu hỏi về sự chín muồi hay chưa của tình hình để sự đề xuất này có thể đi vào thực tế thiết tưởng cũng không có ý nghĩa bao nhiêu.

Vì thế, muốn nhìn ra cho rõ hình hài của cái thực thể chính trị mới này tôi thấy không dễ. Tuy vậy nếu cố gắng đi sâu vào những gì Lê Hiếu Đằng gợi ra qua các bài viết của anh, chúng ta vẫn có thể hình dung ra được đôi nét rất khái quát của nó. Khác hẳn về phương pháp hoạt động với Đảng cộng sản, đó là điều rõ ràng nhất: nếu một bên là chuyên chính, dựa vào đường lối từ bên trên để “cải tạo” bên dưới, buộc bên dưới phải vâng phục (cộng sản) thì một bên sẽ là dựa vào bên dưới – Lê Hiếu Đằng nói đến nhiều lần cái “xã hội dân sự ” đang lớn mạnh – để hoạt động, lấy nguyện vọng của bên dưới hình thành đường lối, căn cứ vào đó tạo ra áp lực tác động lên trên, buộc Đảng cộng sản phải tiến hành những cải cách căn bản và thiết thực (dân chủ xã hội).

Khác nhau về phương pháp hoạt động nhưng xét về mặt mục tiêu, hai thực thể chính trị ấy vẫn có thể gặp nhau trên những định hướng lý thuyết khả dĩ về một mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống: hạn chế sự bóc lột mù quáng và vô độ của chủ nghĩa tư bản, đề cao quyền sở hữu về sức lao động của những người công nhân, bảo vệ môi trường tự nhiên, lành mạnh hoá môi trường văn hoá xã hội… Với những tương đồng giả định đó, nếu ra đời được, Đảng Dân Chủ Xã hội sẽ đảm nhận một chức năng đặc biệt trong mô hình “lưỡng đảng” kiểu Việt Nam, ở đó Đảng cộng sản vẫn là chủ thể lãnh đạo còn Đảng Dân chủ Xã hội sẽ giữ vai trò của một lực lượng “đối trọng hợp pháp”, không hoàn toàn là một thứ đảng bù nhìn vuốt đuôi (như ở Trung Quốc) nhưng cũng không phải là một đảng chống đối nhằm “giải thể” Đảng cộng sản để thay thế như người ta có thể tưởng tượng ra.

4. Nhìn chung lại, tôi thấy đề xuất thành lập Đảng Dân chủ Xã hội của Lê Hiếu Đằng đã đặt nền trên mấy nhận định sau đây:

· Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản hiện nay đã tỏ ra hoàn toàn bất lực trong công cuộc phát triển lành mạnh của đất nước, vì vậy đang đưa dân tộc vào một cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng, có nguy cơ để mất chủ quyền vào thế lực bành trướng phương Bắc.

· Tình trạng đó được quy về phương thức lãnh đạo chuyên chính của Đảng cộng sản với một đường lối áp đặt, xa rời thực tế, mất lòng dân, cho nên biện pháp dân chủ hoá sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là điều kiện cấp bách để giải quyết cuộc khủng hoảng nói trên.

· Trong tình thế cực đoan như hiện nay, sự ra đời của một đảng mới gần gũi với Đảng cộng sản về mục tiêu nhưng khác về phương pháp là phương thức tốt nhất, để vừa dân chủ hoá thể chế chính trị ở Việt Nam, vừa tạo ra một môi trường cạnh tranh thúc đẩy Đảng cộng sản tự dân chủ hoá và canh tân.

Qua sự tìm hiểu như trên, giả sử như tiếp cận được gần đúng suy nghĩ của Lê Hiếu Đằng, nếu bỏ qua một số biểu đạt có tính chất cảm tính vì những bức xúc đặc biệt của anh, tôi cho rằng những suy nghĩ ấy cần được đón nhận một cách thiện chí vì bản thân cái phần cốt lõi trong bài viết của anh đã bắt nguồn từ một thiện chí không thể không ghi nhận. Những anh em quen biết anh Đằng lâu năm đều nhận thấy anh thuộc loại đảng viên ít chịu khoan nhượng trước những sai trái, cho nên hoạt động trong một môi trường phải tận mắt chứng kiến quá nhiều những điều đi ngược lại lý tưởng ban đầu của anh, nghiêm trọng, dai dẳng đến phi lý, anh không thể không tiếp nối những người đi trước (như tướng Trần Độ đã mất), lên tiếng phê phán những sai trái ấy với tinh thần trách nhiệm cao nhất của một đảng viên mà cũng là của một công dân. Gọi anh là kẻ “phản bội”, “chuyển hệ” hoặc theo đuôi các “thế lực thù địch”, xuyên tạc tư tưởng để bôi nhọ nhân thân của anh, v.v. là những quy kết đầy ác ý.

Còn về vấn đề “đa đảng” mà anh xới lên, như đã nói ở trên, thật sự đó vẫn chỉ là một đề xuất giả định, đúng hơn là một khuyến cáo có tính chất định hướng cho Đảng cộng sản – chứ không phải cho những thực thể chính trị khác – mà anh vẫn còn là một thành phần, mục đích không có gì khác hơn là thúc đẩy sự canh tân thể chế, vì lợi ích của dân tộc mà cũng là vì Đảng của anh. Vốn là một khuyến cáo công khai đề xuất trực tiếp, nếu không đồng ý với anh thì điều quan trọng nhất để những nhà lãnh đạo Đảng ứng phó là chỉ đạo những nhà lý luận của mình, dưới hình thức một cuộc đối thoại cũng công khai, minh bạch trả lời từng điểm một các vấn đề đã được nêu ra, nhân dịp này thành thật công bố đường lối giải quyết những khó khăn hiện nay của Đảng (nhất là với chủ nghĩa bành trướng phương Bắc), không phải chỉ với riêng anh mà với cả đông đảo những người thuộc nhiều thế hệ khác nhau, đã nghĩ như anh và tạo ra động lực để anh bộc lộ. Không làm như vậy mà lại né tránh các vấn đề đó, trong khi đó lại cho mở ra chiến dịch công kích anh hết sức thô bạo – cơ sở lập luận không dựa vào đâu ngoài những công thức tuyên truyền xa rời thực tế (như tính chất “ khoa học ” của chủ nghĩa Mác-Lênin, sự chọn lựa của Đảng và của nhân dân là một, cổ vũ đa đảng là làm rối loạn xã hội, v.v.), đương nhiên coi đó như những chân lý quyền uy, không cần thuyết phục – những nhà lý luận của Đảng đã không gặt hái được gì ngoài những chống trả quyết liệt của nhiều xu hướng phản biện khác nhau.

5. Để giữ tính chất nghiêm túc cho đề xuất của Lê Hiếu Đằng, thiết nghĩ chúng ta cần vượt lên cuộc tranh cãi ồn ào đang diễn ra để tìm hiểu thêm vấn đề này theo một viễn cảnh chuyển đổi xã hội rộng lớn hơn mà ở Việt Nam hiện nay đang đặt ra ngày càng rõ ràng, đặc biệt là những ý hướng canh tân mạnh mẽ xuất phát từ trong nội bộ Đảng cộng sản. Trong xu thế ấy, việc đề xuất công khai và trực tiếp của Lê Hiếu Đằng về vấn đề “đa đảng” là một đột biến quan trọng, có khả năng mở ra một hướng mới cho quá trình đấu tranh trong nội bộ Đảng về sự cần thiết phải có những chuyển hoá triệt để về lãnh đạo: cuộc đấu tranh dân chủ hoá đời sống chính trị của đất nước từ nay trở đi sẽ không chỉ giới hạn trong việc “phản biện” trên lời nói về những chính sách sai lầm của Đảng mà cần tranh đấu tạo ra một định chế phân tán quyền lực để ngăn chặn những sai lầm ấy một cách có hiệu lực. Việc kiểm soát quyền lực này không đụng chạm tới cương lĩnh của Đảng cộng sản (đó là chuyện nội bộ của những người cộng sản) mà chỉ đặt vấn đề thiết lập một định chế mới để buộc Đảng cộng sản phải tuân thủ những quy định dân chủ về “kiểm soát và cân bằng quyền lực” khi đem cương lĩnh của mình ra thực hiện.

Trước một xu thế như vậy, sự phản ứng ứng quyết liệt của một số cán bộ Đảng, quen bám víu (một cách lén lút) vào thứ lý luận giáo điều về “chuyên chính vô sản”, dứt khoát không chia quyền với bất cứ ai, là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng nhìn vào lịch sử của phong trào cộng sản thế giới, người ta nhận thấy quan niệm ấy không phải lúc nào cũng được áp dụng một cách tuyệt đối, máy móc, nhất là trong những tình thế khó khăn cần linh động nhân nhượng để đừng mất tất cả (“dĩ bất biến ứng vạn biến” như Hồ Chí Minh hay nói): việc Đảng cộng sản Đông Dương, cuối năm 1945 ra thông báo căn cứ vào “tình hình thế giới và hoàn cảnh trong nước” bấy giờ để tự giải tán là một thí dụ. Trong những tình hình như vậy, vấn đề “ đa đảng ” không còn là một khái niệm phải lẩn tránh mà là một công cụ trong đấu tranh, cần phải được sử dụng để bảo vệ mục đích theo đuổi của mình. Vấn đề thành công hay thất bại trong trong việc quyết định này hoàn toàn tuỳ thuộc vào bản lĩnh của những người có đảm lược sử dụng công cụ đó.

Ngay trong điều kiện đã giành thắng lợi rồi mà muốn bảo vệ quyền lực một cách lâu bền, công cụ đó vẫn không thể tiên quyết coi như một cấm kị. Thực tế cho chúng ta biết có khá nhiều hình thức “đa đảng” đã được những đảng cầm quyền sử dụng có lợi cho mình. Có thể cho phép một loạt đảng “hiệp thương” tồn tại để làm “kiểng” cho chế độ một đảng độc tài. Cũng có trường hợp các đảng gọi là “đối lập trung thành” được luật pháp cho hoạt động công khai nhưng trên thực tế đã bị đảng cầm quyền khống chế (một cách hợp pháp và cả bất hợp pháp) để duy trì quyền lãnh đạo thống trị của mình. Cũng có trường hợp công cụ đa đảng được dùng trong thể chế “đa nguyên đa đảng” ở đó các đảng đối lập, vì một lý do văn hoá, lịch sử nào đó, luôn chiếm vị trí thiểu số, nhưng cũng có những trường hợp được sử dụng trong thể chế “nhất nguyên đa đảng”, ở đó chỉ có hai đảng thay nhau cầm quyền bằng những phương pháp khác nhau nhưng có cùng mục đích bảo vệ những giá trị chung của một chế độ cả hai đều chia sẻ. Trước thực tế phức tạp của cuộc đấu tranh quyền lực, việc tuyệt đối hoá một quan niệm “độc đảng” có nội dung nào đó để duy trì sự độc tôn quyền lực cho Đảng của mình trong mọi trường hợp là một thái độ không thực tế. Nhất là lại thuần tuý bằng trấn áp và bạo lực thì không những không thực tế mà còn nguy hiểm: đảng chính trị đó chỉ tích tụ những toan tính bạo lực ngược chiều, trước sau gì cũng “ quỵ sụm ” hoặc bị đánh đổ bằng con đường bạo lực do mình tạo ra.

*

Sẽ là một thiếu sót nếu bài này chấm dứt mà không có vài lời sau đây xin thưa cùng những người quen hay không quen đã bày tỏ thái độ đồng tình, cổ vũ đề xuất của Lê Hiếu Đằng: a) Đề xuất của anh chỉ là một khuyến cáo với Đảng cộng sản. Tán thành nhưng xem đây chỉ như một sáng kiến “cải lương”, “thoả hiệp” hoặc “ảo tưởng” cũng không sao, nhưng đừng quên rằng đây là một hình thức tranh đấu mới nẩy sinh từ bên trong hàng ngũ những người cộng sản trước tình thế mới.

b) Thực chất của đề xuất đó là chuyển hoá thể chế chuyên chính sang dân chủ pháp quyền, ở đó hình thức đa đảng là một công cụ đấu tranh thực hiện bằng phương pháp nội tại của những người cộng sản bất đồng. Cần xuất hiện những suy nghĩ khác có nội dung phù hợp với những bước đi thích hợp hơn.

c) Công việc cực kỳ khó khăn, xin đừng quá bồng bột coi đề xuất này như một thứ phép màu mang đến khả năng chấm dứt ngay được di sản nặng nề của độc tài, chia rẽ, hận thù do quá khứ để lại. Cũng đừng quên trong chính trị, vấn đề “đa đảng” chỉ là một công cụ đấu tranh: viễn cảnh về một xã hội mà công cụ đó cần vượt qua và nhắm tới mới là mục tiêu quan trọng hơn.

2-9-2013

Lữ Phương

Nguồn: diendan.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn