Vì sao Trung Đông luôn ở trong tình trạng căng thẳng

Nguyễn Thái Nguyên

Tôi không phải là người chuyên nghiên cứu về Trung Đông, mà chỉ xuất phát từ việc nghiên cứu các triết lý của đạo Phật rồi so sánh với các tôn giáo khác như đạo Hồi, đạo Cơ đốc, đạo Do Thái ở mức độ có thể. Rồi như một gã lang thang phiêu bạt, cứ thế mà đọc, mà kiếm tìm khắp những thứ mình thấy cần, thấy thiếu, nên mới có được ít nhiều thông tin liên quan đến các nước Trung Đông và Bắc Phi. Nay thấy tình hình Syria đang đứng trước nguy cơ chuyển từ cuộc nội chiến thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn, tôi xin cung cấp một số thông tin để các bạn đọc tham khảo thêm.

Trung Đông là một vùng đất rất đặc biệt xét về cả khía cạnh địa chính trị cũng như “phong thủy”. Nó đặc biệt về những kỳ tích của những nền văn minh rất sớm, về vị trí địa lý, về những nguồn tài nguyên lớn ẩn giấu trong lòng đất và đặc biệt cả về những tư tưởng tôn giáo bắt nguồn từ đây. Cũng bởi những lẽ rất đặc biệt ấy mà ở đây thường xuyên xảy ra các va đập, các cuộc đụng độ bằng vũ lực phức tạp và liên miên, từ chủ quyền lãnh thổ, tư tưởng tôn giáo đến lợi ích kinh tế. Thậm chí việc tranh chấp nguồn nước cũng xảy ra chiến tranh mà theo tôi, tương lai xa hơn thì nước sẽ quan trọng hơn cả dầu mỏ ở vùng này.

Dẫu không bàn đến tư tưởng triết học gì ở đây cả, nhưng không thể không chú ý đến một số khía cạnh của hệ tư tưởng đặc thù liên quan trực tiếp đến tình trạng đại hỗn loạn của cả vùng Trung Đông từ thời thượng cổ cho đến ngày nay, chí ít là từ khi Đức chúa Jesus ra đời hơn 2000 năm trước chứ không chỉ từ khi đạo Hồi ra đời hoặc từ chủ nghĩa bành trướng Do Thái (Sionism).

1/ Một quá khứ rối bời

Nhiều thế kỷ trước Công nguyên (TCN), một vùng lãnh thổ rộng lớn thuộc Tây và Bắc Trung Đông ngày nay thuộc về đế quốc La Mã, một đế quốc hùng mạnh thời cổ đại. Sau đế chế La Mã suy tàn lại đến lượt cai trị của đế quốc Ba Tư (Iran). Đế chế Ba Tư đã biến hàng loạt các nước vùng này thành những “Tiểu vương” trực thuộc các Hoàng đế Ba Tư (có tên là các Khalif hay Shah). Sau đó đến lượt cai trị của đế chế A Rập trước sau thế kỷ XV. Rồi lại đến lượt đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ)... Không chỉ có thế, không ở đâu như vùng này, sự xung đột giữa các quốc gia dân tộc cũng như tôn giáo đã biến một số quốc gia dân tộc khác không phải“mất nước” theo nghĩa bị đô hộ, bị sáp nhập mà hoàn toàn theo nghĩa đen của từ này, mất luôn đất sinh sống, mất cả quê cha đất tổ, phải sống lang thang phiêu bạt nơi đất khách quê người như tình trạng gần 20 thế kỷ của người Do Thái (Israel, từ năm 73 Công nguyên cho đến 1948 mới được trở về phục quốc) hoặc cũng phải tính hàng vài ngàn năm của người Kurd.

Chỉ lấy người Kurd làm ví dụ. Rất khó có cơ sở nào để nói một cách chắc chắn về lịch sử của người Kurd với tư cách là một quốc gia dân tộc. Chỉ biết rằng tộc người này đã có ở vùng Trung Đông dưới thời Alexander Đại đế vào thế kỷ thứ IV TCN. Những nhà nghiên cứu Hồi giáo thì nói rằng có một Vương triều Kurd khá hưng thịnh sau khi đế chế Seleucid sụp đổ. Thuở ấy, khoảng 190 TCN cho đến 384 CN, vương triều Kurd trị vì cả một vùng phía Nam và Đông Nam Mesopotamia, hồ Wan (Thổ Nhĩ Kỳ), Bắc và Đông Nam Anatolia. Đến thế kỷ X, XI thì có nhiều “Tiểu vương” của người Kurd như Baban, Soran, Badinan, Garmiyan (Iraq ngày nay) hoặc Bakran, Bohtan, Badlis (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và còn có ở Iran, Syria với tổng diện tích bờ cõi trên dưới 390.000 km2, lớn nhất là ở TNK rồi đến Iran. Vậy mà hiện nay người Kurd không còn có chỗ nào gọi là “đất của người Kurd” cả. Thế giới và cả LHQ cũng không cần biết Kurd là ai! Tuy là thế, nhưng ít nhất vẫn còn khoảng 20 triệu người Kurd ở TNK, khoảng gần 10 triệu ở Iran và trên dưới 6 triệu ở Iraq và Syria thì không thể nói họ đã quên cố quốc của mình và không còn nuôi dưỡng mối thù phục quốc. Ngược lại, đó là những ngòi nổ tiềm năng xung quanh các thùng thuốc súng to đùng của vùng Trung Cận Đông. Chưa nói đến chiến tranh mà chỉ riêng “chuyện nội bộ” giữa người Thổ và người Kurd trong nhiều chục năm qua cũng đã làm cho khoảng 37.000 người Kurd thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải bỏ đi tỵ nạn lang thang ở các nước khác.

2/ Chủ nghĩa Đại bá truyền thống có ở tất cả các quốc gia chủ yếu trong vùng đã làm cho tất cả các nước bất kể lớn nhỏ đều luôn ở trong tình trạng bất an và sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp bất cứ lúc nào, giống như thời Xuân Thu-Chiến Quốc của nước Tàu xưa. Không kể các nền văn minh thời cổ và trung cổ, có thể kể đến các “anh hùng” cận đại như Ba Tư (Iran), Ottoman (TNK), Đại Syria, Đại Israel... không phải đã đi vào quá khứ mà đều còn nguyên vẹn các chủ thuyết bành trướng như cha ông họ ngày xưa.

Đế chế Ba Tư và Ottoman đã sụp đổ. Từ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) nhìn thấy lợi ích hấp dẫn trên nhiều mặt ở châu Âu hơn là châu Á, phương Tây cũng cần có thêm “những người bạn” như TNK ở Trung Cận Đông nên cả hai phía đều đã thay đổi chiến lược. Năm 1999, với sự giúp đỡ của cơ quan tình báo Israel, lãnh tụ đảng Công nhân người Kurd (PKK) Abdulah Ocalan đã bị bắt. Theo đó, với nhiều gợi ý của EU, nhà nước TNK lần đầu tiên đã áp dụng một hệ thống các chính sách mềm dẻo và khoan dung hơn đối với người Kurd cả ở TNK và ở Iraq. Ngày nay, TNK như một quân cờ quan trọng trong bàn cờ thế sự ở vùng Trung Á và Trung Cận Đông. TNK chưa có đủ tiềm lực kinh tế, quân sự cũng như bị những ràng buộc về văn hóa, tôn giáo nên không thể “lĩnh ấn tiên phong” như Israel, nhưng bản thân người Thổ cũng rất muốn nâng cao vị thế của mình cả ở phía Đông và phía Tây. Nhân lúc Iran, Iraq, Syria đang gặp nhiều khó khăn thì người Thổ cũng muốn vượt lên để trở thành một “đại bá kiểu mới”.

Một Đại bá khác là Syria mà một thời người ta gọi là “Đại Syria”. Trước Thế chiến thứ nhất, có giai đoạn Đại Syria đã bao trùm cả Libanon, Israel, phần lãnh thổ tị nạn của người Palestine ngày nay và một phần Jordan dưới tên gọi Bilad Ash Sham. Tham vọng Đại Syria càng cháy bỏng hơn bởi Antun Sa’adah (1904-1949), người sáng lập ra đảng Quốc xã Xã hội chủ nghĩa Syria (SSNP) vào năm 1932. (Xin chú ý cái tên đảng này, sẽ nói thêm ở mục đạo Hồi). Ông này vạch ra một biên giới mới của Syria trải rộng từ Iraq đến đảo Cyprus; từ Vịnh Ba Tư đến Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Vì Syria thời đó là thuộc địa của Pháp nên những tư tưởng của Antun như hiện thân của tinh thần quốc gia, rất được các phong trào trong nước ủng hộ. Cũng bởi thế mà mặc dù Antun bị người Pháp bắt và xử tử hình vào năm 1949, nhưng những tư tưởng của Antun vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Trong “tầm nhìn” của Đại Syria thì “Khối A rập” chỉ là một phần của nó. Đảng Quốc xã XHCN Syria chủ trương “trong khi đợi mở rộng bờ cõi đến Địa Trung Hải và Vịnh Ba Tư, trước mắt hãy làm nên chuyện ở Libanon”. Đảng quốc xã XHCN Syria đã tổ chức đảo chính lật đổ chính quyền Libanon năm 1961. Năm 1982, đảng này lại tiến hành cuộc ám sát Tổng thống Libanon Bachir Gemayel và tạo ra cuộc đối đầu căng thẳng với Libanon từ đó đến nay.

Cần chú ý rằng đảng PKK của Antun chỉ là đảng có thế lực thứ hai sau đảng Baath cầm quyền, bản thân đảng Baath cũng có cùng tư tưởng bành trướng như thế. Cho đến nay, “các nhà lãnh đạo Syria không bao giờ thừa nhận nền độc lập của Libanon đã đành, mà họ còn ấp ủ một tham vọng thống nhất toàn bộ thế giới A rập thành một nhà nước để đủ sức đối đầu với chủ nghĩa đế quốc phương tây”. Người hăng hái nhất trong vai trò này chính là nhà lãnh đạo Syria Hafez El Assad (1930-2000). Ông làm Bộ trưởng quốc phòng Syria từ những năm 60 rồi làm Tổng thống từ 1971 cho đến khi chết (29 năm). Ông luôn là người chủ trương để đạt mục tiêu Đại Syria, trước hết và quan trọng nhất là phải tiêu diệt Israel. Ngoài các cuộc chiến 1948-1949 và 1956 (chiến tranh Suez) thì năm 1967, lúc ông làm Bộ trưởng Quốc phòng đã tạo ra liên minh Syria, Aicập, Jordan để tiến hành “cuộc chiến 6 ngày” với Israel mà phần thua thiệt vẫn như hai lần trước. Năm 1973, lần thứ 4 lại có một cuộc chiến nữa với Israel và các nước A rập lại thua. Tất nhiên, các cuộc chiến tranh này đã gây tổn thất rất lớn về người và của cho cả hai phía, nhưng cứ mỗi lần gây chiến với Israel là một lần Israel chiếm thêm được một phần đất của ai đó như là “chiến lợi phẩm” mà các nước “chủ chiến” không thể đòi lại được. Chính các cuộc chiến này như một vòng xoáy, phần đất cũ chưa giải quyết đâu vào đâu thì lại thêm vùng đất mới bị mất. Việc này lại là một nguyên nhân làm nóng thêm lò lửa bạo lực trong vùng.

Đến thời đoạn này thì một vài nước A rập bắt đầu có cách nhìn thực tế hơn, chấp nhận “chung sống với Israel” mà người đi tiên phong là Ai cập. Tổng thống Ai cập Sadate và Thủ tướng Israel Begin đã cùng ký Hiệp định hòa bình ngày 26/3/1979 tại Trại David.

Đại Israel. Không phải ngẫu nhiên, một nhà báo người Áo gốc Do Thái đưa ra chủ thuyết “cứu nước”, kêu gọi tất cả những người Do Thái trên thế giới hãy cùng tập hợp nhau lại, hướng về đồi Sion, một biểu tượng của Israel cổ đại, để tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng lãnh thổ của tổ tiên người Do Thái. Nói đến chủ nghĩa bành trướng Do Thái (Sionism) như là một nguyên nhân chủ yếu là chưa thật thỏa đáng. Chủ nghĩa ấy, tư tưởng ấy đã có ngay trong Kinh thánh của đạo Do Thái. Sách Sáng thế viết rằng: “Chúa trời hiện ra với Tổ phụ Abraham và phán rằng ta ban cho con cháu ngươi vùng đất này, từ các sông ngòi của Ai cập đến sông Euphrate”. Chúa đã phán như thế thì đời đời các thế hệ người Israel chỉ làm theo ý Chúa mà thôi. Đại Israel có nguồn gốc như thế. Nếu theo lời phán này, lãnh thổ của Israel phải bao gồm cả Jordan, Libanon, một phần Sinai và Tây Syria cộng thêm vài vùng của Thổ Nhĩ Kỳ nữa! Còn theo giải thích công khai của ông Arafat ở Hội đồng Bảo an LHQ dựa vào bản đồ được khắc trên đồng xu 10 Agoa của Israel thì lãnh thổ Israel bao gồm “toàn bộ đất nước Palestine, nước Jordan, một nửa Syria, hai phần ba Iraq, một phần ba Saudi Arabia, một nửa Sinai” v.v.. Cần chú ý rằng vào đầu Thiên niên kỷ thứ nhất, sau khi bại trận và bị người La Mã đuổi khỏi vùng đất mà người Israel đã sinh sống thì chính Đế chế La Mã đã đổi tên vùng đất này gọi là Palestine. Bởi vậy, khi người Do Thái trở về vào năm 1948 thì mặc nhiên người Palestine trở thành kẻ lang thang trong các trại tị nạn cho đến ngày nay.

Tất nhiên thế giới ngày nay không ai sống một mình cả mà tùy thời, phía sau các “đại bá” này luôn luôn có những ai đó làm chỗ dựa, làm hậu thuẫn thậm chí thúc đẩy, làm cho tình hình vốn đã loạn càng thêm loạn mà chiến tranh và bạo lực là không tránh khỏi. Khi chiến tranh Iraq xẩy ra, một số bài viết trong và ngoài nước, nhất là từ TQ, nhấn mạnh đến “lợi ích dầu mỏ” của Mỹ là không chính xác. Thật ra, bất cứ cuộc chiến nào xảy ra ở vùng Vịnh thì Trung Quốc là nước lo ngại nhất, sau đó đến Nga. Còn Mỹ? Nguồn năng lượng từ dầu lửa của Mỹ chỉ chiếm trên dưới 23% tổng năng lượng chứ không quá cao. Mặt khác, mức nhập khẩu xăng dầu của Mỹ chỉ chiếm 50% lượng tiêu thụ trong nước, thấp hơn rất nhiều so với TQ, Nhật, Đức, Pháp, Italia, Hàn quốc, Singapore. Năm 2001, lượng dầu mỏ Mỹ nhập khẩu từ Iraq chỉ chiếm 8% trên tổng lượng nhập khẩu. Sau sự kiện 11/9 thì lượng nhập khẩu này chỉ còn 1%. Khối lượng này không có ý nghĩa gì đối với nước Mỹ bởi nó chỉ tương đương một phần ngàn trong tổng năng lượng tiêu thụ ở Mỹ mà thôi.

Sở dĩ tôi nói người lo sợ nhất là TQ, bởi vì lợi ích của TQ ở vùng này rất lớn. Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cùng với phong trào Đại nhảy vọt, TQ bắt đầu thăm dò để tìm nguồn dầu mỏ của chính mình. Họ tìm ra mỏ Đại Khánh. Lãnh đạo TQ lúc đó hô tướng lên: “Hãy tìm ra 10 Đại Khánh nữa!” nhưng rốt cuộc chẳng tìm thấy gì. Mãi đến nay cũng chỉ mới tìm được vài giếng dầu nhưng trữ lượng chỉ tính mấy chục vạn tấn mà thôi. Từ đó, TQ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới. Ngay thời điểm xẩy ra chiến tranh Iraq thì TQ đã nhập khẩu tới 70 triệu tấn dầu thô/năm, chiếm 40% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước, trong đó 65% là từ Trung Đông. Khối lượng dầu nhập khẩu này càng ngày càng lớn và nay là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, vượt cả Nhật Bản. Trung Quốc cũng là nước bán vũ khí thông thường và thiết bị quân sự rất lớn sang các nước Trung Đông. Còn Nga lo ngại không phải vì nhập khẩu dầu mỏ như TQ mà lợi ích của Nga ở đây thông qua “nghề” khai thác và chế biến dầu mỏ là rất lớn cùng với nghề “lái súng” rất phát đạt. Còn một lý do nữa “gắn bó” các nước Hồi giáo với Liên xô trước đây và nay là Nga như nói ở dưới đây.

3/ Quê hương bản quán của Hồi giáo

Mohammed (570-632) được gọi là “Nhà tiên tri” đã từng là nhà lập pháp, nhà chinh phục A rập, người sáng lập ra đạo Hồi và qua đó tập hợp người A rập thành một khối trong khuôn khổ một nhà nước Hồi giáo hùng mạnh. Đặc điểm nổi trội của Hồi giáo là không có khoảng cách nào giữa tôn giáo với chính trị và nhà nước mà nhập làm một. Những lời truyền giảng của ông được ghi chép thành Kinh Koran. Kinh này nói rằng chỉ có một đức Thượng đế duy nhất là Thánh Ahlah và Mohammed là sứ giả của Ahlah. Kinh Koran cũng khẳng định linh hồn là bất diệt, nhưng sau khi chết, linh hồn ấy được hưởng hạnh phúc hay bị đày đọa là tùy theo linh hồn ấy được nhận phần thưởng hay hình phạt do cách ăn ở lúc đang sống tốt hay xấu. Kinh cũng khẳng định các tín đồ đạo Hồi phải sống điều độ và vị tha, phải cầu nguyện, trai giới, giúp đỡ người nghèo và hành hương đến Mecca ít nhất một lần trong đời... Đại thể, về tu thân tích đức thì trên những nét chính, không khác bao nhiêu so với Thiên chúa giáo hay Phật giáo. Nhưng bản thân Mohammed là người như thế nào, có học hành, có thông thái hay không thì không ai biết cả. Trong Kinh Koran rồi sau đó là Luật Koran (Saria) và tư tưởng của nhiều hệ phái trong Hồi giáo cho thấy bản thân các giáo lý, các triết thuyết ấy chứa đầy mâu thuẫn và tham vọng trần thế. Trên thực tế thì cũng khó hình dung cho được cái mà “nhà tiên tri” gọi là “điều độ và vị tha” hay “cách ăn ở tốt hay xấu” là theo những chuẩn mực nào nữa!

Mohammed sinh tại Mecca vào khoảng năm 570, mồ côi mẹ từ nhỏ nên phải đi ở với ông chú chăn lạc đà, lớn lên ông theo các đội buôn đến Palestine, Syria buôn bán. Năm 25 tuổi ông kết hôn với một góa phụ giàu có, hơn ông tới 15 tuổi. Từ đó ông trở thành ông chủ của một cửa hàng lớn ở Mecca. Không ai biết vì lý do gì nhưng bỗng nhiên ông trở thành người nổi tiếng. Đến năm 40 tuổi, Mohammed được tiên tri qua “một thiên sứ do Thánh Ahlah phái xuống” nói rằng ông là sứ giả đặc biệt của Ahlah, được giao cho sứ mạng tiên tri và truyền giảng về một tôn giáo mới là Hồi giáo. Đến đây thì Mohammed dần trở thành thánh thần trong sự truyền tụng.

Cho đến năm 616, ông vẫn truyền giáo và thu nạp tín đồ một cách bí mật. Tầng lớp quý tộc ở Mecca lúc bấy giờ hết sức tức giận và tìm mọi cách đàn áp đạo Hồi. Mohammed và các tín đồ của mình đã phải trốn chạy khỏi Mecca tới thành phố Medina. Tại đây, một thời gian sau ông trở thành người nắm quyền tuyệt đối của thành phố. Sự kiện trốn chạy tập thể này, các kinh sách Hồi giáo gọi là Hegira diễn ra vào ngày 16/7/622 được coi là cột mốc năm thứ nhất của lịch Hồi giáo. Trong thời gian này, Mohammed tổ chức các tín đồ thành lực lượng quân đội và 8 năm sau, năm 630, đội quân này đánh chiếm Mecca rồi chinh phục gần hết bán đảo A rập. Ngày 7/6/632, Mohammed chết lúc 62 tuổi. Tuy Mohammed chết, nhưng đạo Hồi ngày càng phát triển nhờ dựa vào tư tưởng bành trướng Hồi giáo và vào lực lượng quân sự. Đến thế kỷ XV, đế quốc A rập Hồi giáo đã thống trị toàn bộ Bắc Phi, bán đảo A rập, Ba Tư và bán đảo Iberia (gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay). Thế giới đạo Hồi đã trải rộng trên một không gian rộng lớn dài 11.000 km từ Đông sang Tây và rộng 5.000 km từ Bắc xuống Nam (đến tận Java), cộng đồng Hồi giáo ước 1-1,2 tỷ người trong đó chỉ có 180 triệu người A rập.

+ Từ thế kỷ thứ VII đến thế Kỷ XI được coi là “thời kỳ huy hoàng đầu tiên” của đạo Hồi. Thủ lĩnh tối cao của đạo Hồi vừa là người lãnh đạo hệ tư tưởng, định ra các giáo lý, phép tắc, lễ nghi, các thể chế nghiêm ngặt theo “thần cảm” (tức là theo gợi ý của các thần thánh như họ tự nói ra). Đồng thời người ấy cũng là lãnh tụ chính trị, thống lĩnh các quyền lập pháp, hành pháp, ra các quyết định cả đối nội lẫn đối ngoại, cả chiến tranh và hòa bình... Sau khi “nhà tiên tri” chết thì mọi thứ này vẫn theo “nếp cũ” mà làm ở rất nhiều nước Hồi giáo chiếm đa số dân chúng.

+ Từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX là thời kỳ chia rẽ sâu sắc trong “thế giới Hồi giáo”. Trước hết là sự phân ly mạnh mẽ của hai giáo phái lớn: Siite và Sunni. Đây là hệ quả của sự ly khai giữa văn hóa A rập và văn hóa Ba Tư. (Siite được cho là phái bảo thủ, chính thống; còn Sunni thì gọi là phái cách tân, thế tục). Sự tan vỡ của khối A rập, của “thế giới đạo Hồi” (Mamlake) còn là hệ quả của sự bành trướng quá nhanh, quá rộng lớn của thế giới ấy sau thời trung cổ, đến tận phía Nam Xahara, tới Ấn độ và Indonesia, trên những nền văn hóa khác xa với văn hóa Trung Đông. Thêm vào quá trình này là sự can thiệp ngày càng lớn của các nền văn minh phương Tây được đặt trên cơ sở cuộc cách mạng công nghiệp từ cuối thế kỷ XVIII.

+ Từ giữa thế kỷ XX trở về sau thì tình hình không những không sáng sủa hơn mà ngược lại càng thêm phần phức tạp. Vào thời điểm sau chiến tranh thế giới II, các nước Hồi giáo vùng này không thỏa mãn với độc lập dân tộc mà muốn đi tìm kiếm cái gì to hơn ngoài quốc gia dân tộc mình, lại hình thành trở lại cái lý thuyết “Đại A rập” mà người chủ xướng lần này là Natxe (Ai Cập). Điều kỳ thú ở mấy ông thủ lĩnh của đạo Hồi là họ tìm thấy sự tương đồng giữa hệ tư tưởng Hồi giáo với chủ nghĩa độc tài phát xít và học thuyết chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Bởi thế mà trong “tầm nhìn Đại Syria”, ông Antun đã gọi đảng của ông là “Đảng Quốc xã XHCN”, rồi đến lượt ông Natxe cũng chủ trương “xây dựng một Đại quốc gia A rập thống nhất Xã hội chủ nghĩa” (Người ta gọi tắt là CNXH Natxe). Sự “gần gũi” của một số nước Hồi giáo trước đây với Liên xô là có cơ sở từ đây. Nhiều học thuyết của Hồi giáo là nhằm chống các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây chứ không chống các nước XHCN cũ. Các học giả Hồi giáo cũng chia “thế giới Hồi giáo” ra làm hai loại: Một loại gọi là Dar’im Ixlam. Khái niệm này dùng để chỉ “ngôi nhà Ixlam”, một quốc gia mà ở đó, tuyệt đại đa số cư dân theo đạo Hồi. Loại thứ hai là Dar’un Hap, dùng để chỉ những quốc gia mà ở đó cư dân theo đạo Hồi còn chiếm thiểu số hay không có đạo Hồi, với nghĩa đen của từ này là “thế giới chiến tranh”. Bấy nhiêu thôi thì cũng đủ biết tham vọng về “thế giới Hồi giáo” không chỉ giới hạn ở các nước A rập mà là toàn cầu. Việc nuôi dưỡng những tham vọng như thế ở các lãnh tụ Hồi giáo thì không có chiến tranh mới là lạ!

N.T.N.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn