Nỗi hổ thẹn của báo chí nhà nước

Phạm Chí Dũng

Hôn mê

Gần hết trong hơn 700 tờ báo nhà nước ở Việt Nam vẫn như đang hôn mê trong nỗi hổ thẹn từ tiềm thức đến vô thức, trong bối cảnh chưa bao giờ xã hội lại cần đến tiếng nói phản biện của báo chí như hiện tình.

Với gần hết đội ngũ tổng biên tập và cả phó tổng biên tập đã được “cơ bản tái cơ cấu”, không có mấy phóng viên nhiệt thành nào lèn được bài viết phản ánh thực tồn xã hội ngổn ngang lên mặt báo.

Cách đây không lâu, báo Thanh Niên suýt bị khởi tố vì mạo phạm Ngân hàng nhà nước qua bài “Rửa vàng”. Còn trước đó, việc bắt và xử tù phóng viên Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ đã gần như đặt dấu chấm hết cho lớp nhà báo muốn phanh phui câu chuyện “núp lùm” của cánh cảnh sát giao thông.

Hơn một năm đã trôi qua kể từ quý 2 năm 2012 – được xem là cơn thủy triều thình lình của báo chí chính thống với hơn 2.000 bài viết khắc họa về chân dung “Người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn, một phần rất lớn các tờ báo nhà nước lại trở về thế nằm cam chịu dưới vô số “chỉ đạo định hướng” của Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Những định hướng của các cơ quan tuyên giáo và quản lý báo chí lại ngày càng bốc đồng tính xu thời cùng với thời vận quốc gia lâm nguy trong cơn hoạn nạn về tham nhũng, nhóm lợi ích, suy thoái kinh tế, sa sút đạo đức, tệ nạn xã hội…

Bất chấp một số bài viết lên án sự vô cảm của đồng loại, báo chí vẫn hiển hiện như một mặt trận vô cảm không thua sút. Những nội dung phổ biến mà độc giả trong nước được thưởng ngoạn trên báo chí chính thống vẫn rất thường là các tin tức giật gân, câu khách, hay nói như dân gian là logic “cướp giết hiếp”… hẳn có mấy tờ báo còn đủ tự trọng để đánh động dư luận về những chuyện bất công xã hội vốn đang đầy rẫy ở xứ sở được Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan tự tin “dân chủ gấp vạn lần tư sản”.

Đã từ hai năm qua, Vietnamnet – một trong những tờ báo điện tử có uy tín và thu hút được lượng truy cập lớn nhất Việt Nam – đã gần như đánh mất bản sắc phản biện của mình. Người ta không còn nhận ra sắc diện cống hiến trên mục Tuần Việt Nam và ở cả những chuyên mục xã hội, kinh tế của tờ báo này. Sau khi báo điện tử Tầm Nhìn bị đóng cửa vào tháng 7/2012, loại bài như “Mùa xuân Myanmar” trên Vietnamnet đã khiến những tác giả của nó không chốn dung thân.

Tương tự, những tờ báo đã từng tỏa hơi ấm nhân bản đồng loại trong vụ Tiên Lãng vào đầu năm 2012 như Giáo Dục Việt Nam, Dân Việt, Người Lao Động, Pháp Luật TP.HCM, Sài Gòn Tiếp Thị… cũng như lắng tiếng trong một tâm trạng mỏng manh chân đứng.

Quá nhiều chuyện cần được nói và cần phải tiết lộ, nhưng lại quá ít can đảm để thoát khỏi vòng kim cô. Những bài báo hiếm hoi về thực trạng quá sức bất công trong thu hồi đất đai ở một số địa phương thi thoảng mới được phản ánh trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, cùng vài ba tờ khác với hàm lượng khiêm tốn hơn nhiều. Song qua cái số hiếm hoi ấy, độc giả vẫn chưa thể nhận ra một sự thật chính đáng nhất: nguồn cơn gây ra bất công và thái độ thích đáng đối với trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo cùng các cơ quan điều hành quản lý liên quan.

“Đừng nấp trong gấu áo của nhân dân”

Suốt nhiều năm qua, không một quan chức cao cấp nào từng công khai vi hành ở các chợ búa và các vùng sâu, vùng xa, nơi những đứa trẻ phải bắt chuột thay cơm và ở những nơi mà sức chịu đựng của người dân đang tiệm cận giới hạn cuối cùng của sự kiệt lực.

Thế nhưng, trước tất cả những cảnh trạng ngang ngược chưa từng thấy của các nhóm lợi ích độc quyền, giới công luận ở Việt Nam vẫn chỉ dám hô hấp một cách hổn hển. Khi thời gian giữa năm 2013 buộc phải chứng nhận ba cú tăng giá xăng dầu và một lần phóng giá điện lực làm náo loạn xã hội, đa phần các bài báo vẫn chỉ chạm khẽ vào hiện trạng giá cả tăng làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và lạm phát. Họa hoằn mới có một tờ báo phỏng vấn những chuyên gia độc lập như Ngô Trí Long, Nguyễn Minh Phong để hé ra đôi chút tính phản biện đối với chính sách tăng giá vô tội vạ. Nhưng những bài báo đó lại quá ít ỏi so với phong trào phản biện chống tăng giá điện và xăng dầu trên báo chí lề phải vào cuối năm 2011, và càng không thể so sánh với gánh ì của trên 17.000 người viết báo có thẻ ở Việt Nam.

Thật hiếm hoi, một tờ báo nhỏ như Văn Hóa Nghệ An vào tháng 8/2013 đã khơi dậy tinh thần phản kháng còn sót lại trong tâm khảm những người viết báo đối với nhóm lợi ích: “Nếu cần gì hãy cứ nói thẳng với Nhân Dân. Nhân Dân chưa bao giờ tiếc một cái gì, kể cả mạng sống vì Đất nước. Hãy minh bạch đối diện với Nhân Dân, đừng nấp trong gấu áo của Nhân Dân để phục kích, làm hại Nhân Dân”.

Cũng còn những cuộc “phục kích” khác… Những năm qua, nghe nói còn có cả những chỉ thị của Ban tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông đối với báo chí về một “vùng cấm” nào đó trong việc đưa tin viết bài về chuyện độc quyền tăng giá, cả về chuyện “tránh để các thế lực thù địch lợi dụng”.

Một nhà báo giấu tên còn cho biết những hành xử ẩn lộ trong mấy năm gần đây của các cơ quan quản lý báo chí đã khiến cho giới phóng viên sinh ra không ít nghi vấn về một mối quan hệ “đi đêm” nào đó giữa các nhóm lợi ích và các cơ quan chỉ đạo báo chí – như hiện tượng đã từng bị dư luận dị nghị không ít lần trong quá khứ. Nhiều người cũng còn nhớ việc một nhà báo đã tố cáo một quan chức tuyên giáo nhận “lại quả” lên đến vài chục ngàn USD xảy ra những năm về trước…

Tiền bạc có thể tạo ra truyền thông nhưng cũng dễ làm cho báo chí phải ngậm miệng. Chưa bao giờ tính nghi ngờ của giới phóng viên lại cao độ như vào lúc này, khi họ liên tục nhận được các chỉ thị bất bình thường từ hệ thống tuyên giáo liên quan đến những “vùng kín” đắt đỏ.

“Định hướng”, “nhắc nhở”, “phê bình”, “kiểm điểm”, “kỷ luật”, “phạt hành chính”… có lẽ mới là ngôn luận chính thống của một nền báo chí được xem là chính thống. Hàng tuần và hàng tháng, cơ quan tuyên giáo và quản lý truyền thông ở cấp trung ương và ít nhất hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM vẫn miệt mài vận động với não trạng lê mòn không đổi khác.

Không có lấy một lối thoát khả dĩ cho báo chí trong việc lên tiếng đánh thức lương tâm và chế ngự tính vô cảm tràn lan trong xã hội. Những phóng viên có nghề và có tâm huyết dần dần bỏ viết, rời khỏi báo, trong khi những nhà báo trẻ kế cận lại chưa thể kế thừa kinh nghiệm và phong cách của lớp đi trước. Còn lại, đại đa số hàng ngũ tổng biên tập mới chính là một dấu ấn đặc trưng cho “nhà báo quan chức” hoặc “trí thức cận thần” khép miệng trùm mền.

Cơ hội và “dũng khí”

Không hoặc chưa thể vượt qua nỗi sợ hãi đang chế ngự chính mình, phần lớn nhà báo quốc doanh đang để vuột khỏi tay họ điều được gọi là lương tâm nghề nghiệp.

Báo chí nhà nước cũng đang dần mất đi cơ hội ngang bằng phải lứa, ít nhất trên phương diện tin tức, so với giới truyền thông xã hội.

Vài cuộc hội thảo, tọa đàm gần đây đã gián tiếp xác nhận trong số hơn 30 triệu người dùng Internet ở Việt Nam, lượng người truy cập vào truyền thông xã hội đã tăng vọt theo cấp số nhân, chuyên chú vào nhiều sự kiện thời sự mà báo chí “lề phải” đã không tự nguyện dấn thân.

Dù vẫn bị những báo cáo nội bộ nào đấy đánh giá là “phản động”, không ít trang mạng xã hội như Basam, Bauxite Vietnam, Quechoa, Chuacuuthe… đang có xu hướng chuyên nghiệp hóa báo chí, với đội ngũ cộng tác viên được tăng trưởng về số lượng và nâng tầm về nghiệp vụ. Nhưng điều rõ ràng nhất có lẽ là các trang này đã không ít lần dám công khai những chủ đề và vấn đề chính trị – xã hội mà giới báo chí nhà nước hầu như không dám đụng đến. Có lẽ, đó cũng là một đặc tính riêng cần khắc họa khi bàn về cái được gọi là “dũng khí báo chí”. Điều đáng tiếc không kém cho giới báo chí quốc doanh là họ đã không nắm bắt được cơ hội ngay cả khi có dịp may. Bởi từ đầu năm 2013, những điều kiện về đối ngoại chính trị và phản ứng lẫn phản kháng đối nội đã tỏ ra khởi sắc hơn hẳn bối cảnh năm ngoái, đặc biệt là tiếng nói phản biện của giới nhân sĩ, trí thức độc lập ngày càng mạnh mẽ.

Chưa bao giờ truyền thông xã hội lại quyết đoán như hiện nay.

Tuy thế, nghe nói tại nhiều tòa soạn báo quốc doanh vẫn luôn tồn đọng một danh sách những tác giả bị cấm cản. Bài viết của những trí thức từng có tên tuổi trên truyền thông quốc tế như Tương Lai ở Sài Gòn hay Nguyễn Quang A ở Hà Nội lại luôn là “đối tượng” bị ngăn chặn như vậy.

Dù phía trước là cơ hội đang mở ra cho báo chí nhà nước, cơ hội về thông tin và quan trọng hơn là cơ may để bình luận về các sự kiện thời sự, đặc biệt là mối quan hệ Việt - Mỹ đang bớt lạnh giá, nhưng điều rõ ràng là hiện chỉ có quá ít cây bút bình luận mang tính khách quan và độc lập, nếu không tính tới đội ngũ “ngoại giao đoàn” ở các báo đảng quen thuộc như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân.

Cũng chưa cần xét đến nội trị, mối quan hệ đối ngoại giữa nhà nước Việt Nam với Hoa Kỳ và Cộng đồng châu Âu sẽ có thể không được mặn mà theo đúng nghĩa của nó, một khi chính giới quốc tế vẫn chán nản về chuyện giới truyền thông nhà nước Việt Nam còn lâu mới đủ dũng khí để phản biện những vấn đề bất công và bất bình đẳng gay gắt của xã hội, cũng như vẫn chưa “hòa hợp” với giới nhân sĩ trí thức trung lập ôn hòa.

Một nhà báo ở Sài Gòn cảm thán: “Việt Nam đang ‘tự do báo chí’ theo kiểu cách không giống ai. Một nền báo chí chỉ đạo tập trung hóa như vậy mà đòi thâm nhập vào cả Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sao?”.

P. C. D.

Nguồn: voatiengviet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn