Chế độ dân chủ

Phan Thành Đạt

Chế độ dân chủ là thể chế chính trị rất tồi, nhưng dẫu sao đó là thể chế ít khuyết điểm hơn cả.

Winston Churchill

clip_image002

Chế độ chính trị là một tổng hợp các yếu tố như hệ tư tưởng, các tổ chức hành chính và xã hội cấu thành nên Nhà nước. Chế độ chính trị biểu hiện bằng tính hợp pháp, cơ cấu của các cơ quan hành chính, đặc điểm các đảng phái chính trị. Có nhiều kiểu chế độ chính trị cùng tồn tại hiện nay như chế độ độc tài, chế độ dân chủ, hay chế độ hỗn hợp. Hệ thống chính trị ở mỗi nước đều có các đặc điểm khác nhau, tuy nhiên thông qua các đặc điểm đó, chúng ta có thể xếp chế độ chính trị của mỗi nước là dân chủ hay độc tài. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh (1947-1991), các nhà quan sát so sánh hai hình thái chính trị đối lập nhau: Chế độ dân chủ phương Tây và chế độ độc tài ở các nước xã hội chủ nghĩa. Chế độ dân chủ được xây dựng trên nguyên tắc bẩu cử tự do, tôn trọng tam quyền phân lập, các đảng phái chính trị được quyền cạnh tranh bằng cách cử đại diện ra tranh cử. Chế độ độc tài dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, một đảng duy nhất có quyền lãnh đạo, các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận ít khi được tôn trọng.

Chế độ dân chủ là thể chế của phương Tây, nhưng hiện nay, mô hình chính trị này đã được nhiều nước trên thế giới tiếp thu. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Nam Phi đã có nhiều thành tựu về kinh tế xã hội nhờ áp dụng thành công chế độ chịnh trị dân chủ phương Tây. Các nước thuộc thế giới thứ ba cũng có nhiều nỗ lực nhằm thiết lập thể chế dân chủ, tuy nhiên, họ gặp rất nhiều trở ngại do chiến tranh, xung đột tôn giáo khiến tình trạng kinh tế yếu kém. Tất cả những yếu tố này làm chậm lại tiến trình dân chủ hóa ở các nước này.

Dân chủ chỉ có thể có được nhờ có sự kiên trì của nhà lãnh đạo và sự đóng góp của nhân dân. Xây dựng nền dân chủ là một quá trình lâu dài, thậm chí kéo dài hàng thế kỷ. Nền dân chủ trở thành hiện thực khi xã hội phát triển ở mức cao, đời sống người dân được cải thiện. Dân chủ gắn liền với đô thị hóa và công nghiệp hóa. Tuy vậy, mỗi quốc gia có thể xây dựng nền dân chủ nhanh hơn nhờ có sự giúp đỡ về kinh tế, chính trị của một nước dân chủ khác, ví dụ như Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở thành những nền dân chủ tiêu biểu ở Châu Á nhờ có sự trợ giúp của Mỹ. Các nước này trở thành đồng minh chiến lược của Mỹ tại Châu Á.

So với chế độ độc tài hay chế độ độc đoán, chế độ dân chủ đem lại nhiều lợi ích cũng như cơ hội cho con người, giúp con người phát huy năng lực của mình vì chế độ dân chủ bảo đảm một xã hội tự do và tôn trọng nguyên tắc bình đẳng cũng như biết đề cao các quyền sáng tạo, do đó, con người có nhiều cơ hội để khẳng định tài năng hơn. Những nguyên tắc cơ bản và cần thiết nhất để duy trì và phát huy dân chủ ở các chế độ chính trị phương Tây luôn được Nhà nước bảo đảm. Công dân có vị trí và vai trò quan trọng trong Nhà nước dân chủ, thượng tôn pháp luật vì công dân có quyền tham gia vào đời sống chính trị trong chế độ dân chủ. Các nguyên tắc quan trọng về chính trị, xã hội của Nhà nước dân chủ được quy định (I), các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận (II).

I. Đảm bảo những nguyên tắc về chính trị và xã hội trong thể chế dân chủ

Hiến pháp của các nước Châu Âu và Mỹ đều ghi nhận những nguyên tắc quan trọng nhất nhằm đảm bảo nền dân chủ. Trong trường hợp Hiến pháp chỉ nêu những nguyên tắc trên một cách khái quát, Tòa án Hiến pháp sẽ xác định cụ thể, khi đọc Luật cơ bản của phương Tây, chúng ta sẽ nhận thấy trong số nhiều điều kiện cần thiết của thể chế dân chủ: Các chính đảng được phép hoạt động tự do, phe đối lập được tôn trọng (A) và các tổ chức dân sự được phép thành lập, đại diện cho các tầng lớp đa dạng trong xã hội (B).

A. Tôn trọng tính đa dạng về chính trị

Chế độ độc tài ngăn cản sự có mặt của các đảng phái chính trị, ngăn cấm việc hình thành các tổ chức chính trị đối lập và phủ nhận nguyên tắc tam quyền phân lập. Thay vào đó là một chính đảng duy nhất đại diện cho quần chúng được phép nắm quyền để điều hành đất nước. Nguyên tắc “tập trung dân chủ” và thống nhất giữa ba cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp sẽ tạo điều kiện cho một nhóm thiểu số lãnh đạo đất nước. Trong chế độ dân chủ, những nguyên tắc tổ chức cơ bản lại phản ánh ngược lại các điều kiện trên. Các đảng phái chính trị đại diện cho các nhóm người khác nhau trong xã hội, được tự do hoạt động với mục đích đòi hỏi các lợi ích chính đáng cho các thành viên và thực hiện mong muốn của họ. Chỉ có ở chế độ dân chủ, đối lập chính trị mới được công nhận chính thức. Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng một đảng lãnh đạo luôn gắn với chế độ độc tài và đa đảng là một trong những điều kiện cần cho dân chủ nhưng chưa phải là tất cả. Giả thuyết cho rằng một đảng lãnh đạo sẽ được chấp nhận và sẽ có dân chủ, nhưng đảng đó phải thực sự trong sạch vững mạnh. Điều này không có tính thuyết phục vì không có đối lập về chính trị, sẽ không uốn nắn được đảng cầm quyền. Đối lập chính trị sẽ luôn dồn ép đảng cầm quyền vào tình huống mất quyền, thông qua phê bình chính trị. Để duy trì quyền lực, đảng cầm quyền buộc phải cố gắng bằng các chính sách khôn khéo, đem lại lợi ích cho người dân, nhằm chiếm được nhiều phiếu nhất trong các lần bầu cử tiếp theo. Đối lập chính trị thực chất nhằm sửa chữa những khuyết điểm cho đảng cầm quyền vì nhiều khi các thành viên đảng này không dễ phát hiện ra, hoặc không dễ phản bác ý kiến của các lãnh đạo quan trọng trong nội bộ của đảng. Đối lập chính trị cũng góp phần cân bằng quyền lực và giảm bớt lạm quyền. Khi quan sát sinh hoạt chính trị ở Pháp, Anh, Mỹ... chúng ta đều nhận thấy vai trò không thể thiếu được của phe đối lập trong đời sống chính trị.

Cơ chế hai đảng ở các nước dân chủ tạo nên môi trường chính trị và xã hội ổn định hơn so với cơ chế chính trị có quá nhiều đảng phái liên minh. Cơ chế lưỡng đảng thường gặp ở các nền dân chủ “đến độ chín muồi”. Cơ chế lưỡng đảng hoạt động rất hợp lí và tạo ra môi trường dân chủ thực sự. Nói lưỡng đảng là bàn về các đảng quan trọng nhất trong đời sống chính trị, chứ thực ra vẫn có thể có các đảng nhỏ hoạt động, nhưng các đảng này có rất ít cử tri lựa chọn và không có cơ hội cầm quyền. Ví dụ về cơ chế hai đảng như ở Anh với Đảng Bảo thủ và Công đảng hay Mỹ với Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Hai đảng lớn thay nhau cầm quyền tại Pháp là Đảng Xã hội và Đảng UMP (Liên minh đa số ủng hộ tổng thống) (tuy nhiên do khủng hoảng kinh tế và bất đồng với một số chính sách xã hội của Nhà nước, Đảng Mặt trận dân tộc thuộc phe cực hữu đang dần lớn mạnh).

Đảng Bảo thủ và Công đảng ở Anh hoạt động theo cơ chế như sau: Nếu một đảng thắng trong cuộc bầu cử lập pháp, đảng này chiếm đa số ghế tại Hạ viện (la Chambre des représentants), thủ lĩnh đảng thắng cử sẽ được chọn làm Thủ tướng, đảng có vị trí thứ hai sẽ trở thành phe đối lập tại Nghị viện, lãnh đạo phe đối lập có quyền tham gia vào các sinh hoạt chính trị, được hỏi ý kiến về nhiều chính sách quan trọng. Thủ lĩnh đảng đối lập sẽ trở thành Thủ tướng nếu đảng của mình thắng cử trong kỳ bầu cử lập pháp tiếp theo. Như vậy chức danh người đứng đầu phe đối lập chính là cơ hội tập dượt để đảm nhiệm vai trò Thủ tướng. Điều này cũng diễn ra tương tự ở Pháp, với hai đảng lớn là đảng xã hội và UMP thay nhau nắm quyền và thay nhau giữ vai trò đối lập ở Thượng viện và Quốc hội. Dân chủ không chỉ được đảm bảo bằng nguyên tắc đa dạng về chính trị mà còn được củng cố nhờ các tổ chức dân sự.

B. Hoạt động của các tổ chức dân sự được đề cao

Dân chủ đảm bảo tính đa dạng trong các hoạt động xã hội. Các nguyên tắc bình đẳng, các quyền dân sự như tự do hội họp và lập hội được Hiến pháp công nhận. Ví dụ điều 8 và điều 9 Luật cơ bản của Đức, điều 21 và điều 22 Hiến pháp Tây Ban Nha bảo vệ quyền hội họp và lập hội, đồng thời tuyên bố các quyền này mang tính căn bản và là biểu hiện của tự do công cộng. Việc công dân tham gia vào các tổ chức dân sự, các tổ chức công đoàn gắn liền với việc thực thi các quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Các tổ chức dân sự là nền tảng của một xã hội tự do. Alexis de Tocqueville trong tác phẩm Bàn về nền dân chủ ở Mỹ (De la démocratie en Amérique), xuất bản tại Paris năm 1834, đã quan sát các cơ sở hành chính công cộng ở Mỹ, như nhà tù, tòa án... Ông cũng đánh giá về tính đa dạng của các tổ chức dân sự tại Mỹ. Ông đưa ra kết luận những yếu tố này sẽ tạo đà cho nước Mỹ trở thành một nền dân chủ tiêu biểu.

Platon và Aristote luôn tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của chế độ dân chủ. Hai ông cho rằng chế độ dân chủ gắn với chính quyền của đa số, đặc biệt là nhóm người nghèo, điều này sẽ gây ra lộn xộn và dẫn đến bế tắc. Montesquieu không dùng khái niệm chế độ dân chủ mà dùng từ chính quyền đại diện. Nền dân chủ chính thức được chấp nhận và coi là mô hình chính trị lí tưởng nhờ các nhà tư tưởng như Benjamin Constant, Abraham Lincoln và Tocqueville.

Robert Dahl miêu tả chế độ dân chủ bằng cách sử dụng danh từ “Polyarchie” có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ. Thuật ngữ này khái quát tính đa dạng của xã hội dân sự thông qua các tổ chức xã hội đại diện cho các giai tầng. Robert Dahl cho rằng dân chủ được biểu hiện bằng sức ép của tất cả các tổ chức xã hội đối với chính quyền, các xung đột về lợi ích được giải quyết thông qua thỏa hiệp.

Các tổ chức dân sự bảo vệ quyền lợi cho các nhóm người khác nhau, gây sức ép đối với giới lãnh đạo về các chính sách kinh tế xã hội. Một quốc gia càng hiện đại, văn minh, các tổ chức dân sự càng trở nên phong phú và góp phần đảm bảo các giá trị dân chủ đạt được. Chế độ chính trị ở Mỹ và Châu Âu phản ánh rất rõ xã hội dân sự phát triển ở mức độ cao. Xã hội dân sự đa dạng tạo điều kiện cho việc hình thành các chính đảng. Khi một tổ chức dân sự giới thiệu các ứng cử viên ra tranh cử, tổ chức này trở thành một chính đảng, có quy chế và chương trình hoạt động, đồng thời phải tôn trọng các quy định về luật pháp trong việc tổ chức; nếu các điều kiện không hội đủ, sẽ không được phép hoạt động. Ở các chế độ toàn trị, xã hội dân sự bị kiểm soát và buộc phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt. Các tổ chức dân sự cho dù có tồn tại, nhưng nguyên tắc độc lập sẽ không có, và thuộc sự quản lí của đảng cầm quyền. Ví dụ các tổ chức đoàn thanh niên, hội nhà báo, đoàn luật sư ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây.

Các quyền cơ bản của công dân như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp và biểu tình được đảm bảo và phát huy tốt hơn nhờ có các tổ chức dân sự. Các bất đồng sẽ được giải quyết bằng thương lượng trong hòa bình và hữu nghị giữa các đại diện của các nhóm dân sự và nhà cầm quyền, nhằm tránh được các xung đột và bất ổn chính trị. Dân chủ gắn với Nhà nước pháp quyền, vì bảo vệ các quyền chính trị và xã hội quan trọng của công dân trở thành điều kiện không thể tách rời với chế độ dân chủ tiến bộ.

II. Bảo vệ các quyền chính trị và xã hội của công dân trong chế độ dân chủ

Bảo vệ các quyền chính trị và xã hội của công dân thông qua cơ chế bầu cử tự do ở cấp trung ương và địa phương (A). Các quyền cơ bản này đều được các công ước quốc tế công nhận (B), nếu Nhà nước vi phạm các quyền chính trị và xã hội, có nghĩa là mục tiêu xây dựng nền dân chủ bị chính Nhà nước vi phạm và đó không phải là Nhà nước pháp quyền đích thực.

A. Bảo đảm cơ chế bầu cử tự do

Abraham Lincoln nhận xét: “Dân chủ là xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Câu nói nổi tiếng này đã trở thành nguyên tắc căn bản của các nước mong muốn thiết lập một thể chế dân chủ hiện thực. Các nhà lãnh đạo hiểu rằng quyền lực chỉ hợp pháp khi bắt nguồn từ nhân dân, như ý nghĩa gốc của từ dân chủ “démos”. Tuy nhiên mỗi nước tiến hành xây dựng dân chủ theo cách khác nhau, do đó có khái niệm dân chủ đích thực và dân chủ hình thức để phân biết chế độ chính trị của các nước. Dân chủ đích thực thể hiện qua bầu cử cạnh tranh và dân chủ hình thức thể hiện qua bầu cử tự do nhưng không có cạnh tranh giữa các chính đảng.

Bầu cử tự do và minh bạch với sự tham gia của các tổ chức chính trị khác nhau trong khuôn khổ tôn trọng các quy định của Hiến pháp trở thành một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo các quyền về chính trị của công dân. Các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội tại Mỹ và Châu Âu thông qua hình thức bỏ phiếu trực tiếp, có cơ chế kiểm soát để đảm bảo tính minh bạch và công bằng đã phản ánh đúng cơ chế bầu cử tự do.

Các chính đảng giới thiệu ứng cử viên và chương trình hành động của họ nhằm tranh thủ sự ủng hộ cao nhất của các cử tri, các đảng buộc phải lựa chọn các ứng cử viên ưu tú nhất và chương trình hành động của họ phải thu hút được sự chú ý của người dân. Cạnh tranh chính trị công khai là yếu tố quan trọng và cần thiết ở mỗi xã hội văn minh vì điều này sẽ tránh được những xung đột tiềm ẩn do bất đồng về quan điểm và lợi ích. Bầu cử tự do và minh bạch với sự chứng kiến của các cơ quan báo chí và các giám sát viên được cử ra sẽ tránh được gian lận. Điều này càng củng cố lòng tin của cử tri đối với nhà cầm quyền.

Tòa án Hiến pháp ở một số nước như Pháp và các nước Châu Phi... có thêm vai trò công bố kết quả bầu cử, thừa nhận kết quả hợp pháp hay không hợp pháp của các cuộc bầu cử. Quan tòa hiến pháp cũng có thẩm quyền ngăn cấm các chính đảng có được phép hoạt động hay không nếu động cơ chính trị không trong sáng. Ví dụ Tòa án hiến pháp Đức, dựa theo điều 21, Luật cơ bản Đức, đã ngăn cấm các đảng có tư tưởng cực hữu hay đảng có tư tưởng kiểu Đức Quốc Xã hoạt động (các phán quyết của Tòa án hiến pháp Đức vào các năm 1952 và 1992). Điều 4, Hiến pháp Pháp năm 1958 cũng quy định các đảng phải và các tổ chức xã hội được tự do hoạt động, nhưng phải tôn trọng chủ quyền quốc gia và các giá trị dân chủ. Các nguyên tắc hoạt động của các đảng và các tổ chức xã hội phải tuân theo luật định.

Các quyền chính trị và dân sự của công dân được tôn trọng và được giới hạn bằng luật pháp của mỗi nước để vừa đảm bảo vai trò tích cực của công dân trong đời sống văn hóa chính trị nhưng cũng duy trì được ổn định chính trị, điều này không hề đơn giản. Ngoài ra các quyền cơ bản khác của công dân như quyền được sống, quyền được tôn trọng về danh dự và nhân phẩm, quyền được chăm sóc khi đau ốm... cũng phải được Nhà nước tôn trọng.

B. Bảo vệ các quyền cơ bản khác của công dân

Các bản Hiến pháp dân chủ đều nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền công dân. Luật cơ bản Đức dành 20 điều (từ điều 1 đến điều 20) để khẳng định các quyền công dân không thể phủ nhận được. Điều 79 quy định cấm không được sửa đổi những quyền này. Hiến pháp của các nước Đông Âu được viết lại, sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, dành hẳn 1/3 nội dung để bàn về quyền con người. Các quyền cơ bản được các bản Hiến pháp tiến bộ ghi nhận và bảo vệ bao gồm quyền được sống (điều này rất quan trọng vì nếu không có quyền được sống sẽ không có các quyền khác), ngoài ra các quyền bảo vệ danh dự và nhân phẩm, quyền tự do tín ngưỡng, tụ do đi lại, quyền được học hành... đều được các chế độ dân chủ cố gắng thực thi. Tuy nhiên các quyền lợi của công dân luôn đi kèm với nghĩa vụ.

Các công ước quốc tế về quyền con người như bản Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948, Hiến chương về quyền con người của Hội đồng Châu Âu năm 1950, Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990... là các văn bản mẫu mực về quyền con người, đã được các nước dân chủ và các nước đang xây dựng nền dân chủ ký kết.

Các quyền kinh tế và xã hội tạo điều kiện cho công dân được hưởng các phúc lợi xã hội như chăm sóc y tế, trợ cấp về giáo dục, trợ cấp cho các gia đình nghèo... Công dân cũng có nhiều cơ hội được tiếp cận với giáo dục đào tạo và các điều kiện lao động tốt hơn ở các xã hội dân chủ. Các quyền này khó được thực hiện ở các nước dân chủ mới vì điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất còn yếu, tuy nhiên nhà lãnh đạo vẫn có thể thực hiện được ở mức độ tối thiểu.

Các công dân thuộc các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu và Hội đồng Châu Âu có quyền kiện nước mình trước Tòa án về quyền con người có trụ sở tại Strasbourg (Pháp), một khi các quyền cơ bản của họ bị vi phạm và tất cả các cấp tòa án trong nước từ chối đơn kiện.

Dân chủ còn gắn liền với một nền tư pháp độc lập, nguyên tắc tam quyền phân lập phải luôn được coi trọng đi kèm với nỗ lực của nhà lãnh đạo trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Ngoài ra ở các nước có các cộng đồng người khác nhau cùng chung sống, ngôn ngữ, văn hóa của các dân tộc thiểu số cần được Nhà nước đặc biệt chú ý bảo vệ. Các dân tộc thiểu số cần được hưởng ưu tiên hơn trong các chính sách giáo dục y tế, họ phải có các đại diện trong bộ máy chính trị để bảo đảm quyền lợi. Một số nước đã áp dụng phương pháp “phân biệt tích cực”. Phương pháp này đã được người Mỹ tiến hành đối với cộng đồng người da đen từ những năm 60 trong lĩnh vực giáo dục, ví dụ các trường đại học cần tiếp nhận một tỷ lệ quy định về số lượng sinh viên da đen, nhằm giúp cộng đồng này có nhiều cơ hội thành công và giảm bớt khoảng cách với các cộng đồng khác.

Kết luận

Chế độ dân chủ không phải là mô hình xã hội hoàn hảo, nó không giải quyết được các bất công trong xã hội, nó cũng không rút ngắn được khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Nhưng con người vẫn chưa xây dựng được mô hình xã hội nào tốt hơn. Những khuyết điểm của thể chế chính trị này vẫn chưa khắc phục được. Có người mỉa mai: “Dân chủ là một nửa số lượng của những kẻ điên cộng thêm một đứa nữa”. Tuy nhiên nền dân chủ phương Tây đã trở thành di sản quý giá của Châu Âu và Mỹ và mô hình này đang được nhân rộng ra khắp các châu lục. Thiết lập một xã hội dân chủ là mơ ước của các dân tộc và xu hướng này không thể đảo ngược được.

P. T. Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn