Đi tìm con người Hoàng Trung Thông

Nguyễn Huệ Chi

Nhân 20 năm ngày mất nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925 - 1993), ngày 22 tháng Tư năm 2013, Viện Văn học phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Văn học đã tổ chức một cuộc tọa đàm về con người và sự nghiệp của nhà thơ. Đông đảo nhà khoa học, nhà thơ nhà văn và đại biểu các cơ quan văn hóa, truyền thông trung ương cũng như địa phương đã đến dự. Cuộc tọa đàm sau đấy được đưa tin sôi nổi trên nhiều tờ báo hàng ngày. BVN xin đăng lại dưới đây bản tham luận của GS Nguyễn Huệ Chi, một trong những người có điều kiện gần gũi Hoàng Trung Thông trong gần suốt thời gian mười năm ông được giao chức vụ Viện trưởng Viện Văn học kể từ 1975 cho đến lúc nghỉ hưu. Bài viết này đã được đăng trọn vẹn trên tạp chí Văn hóa Nghệ An số tháng 5 – 2013.

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Hoàng Trung Thông qua ống kính Nguyễn Đình Toán

Cho đến giờ tôi vẫn không nắm bắt được con người thật của Hoàng Trung Thông mặc dù chính tôi đã từng chạm vào con người ấy. Trong một Hoàng Trung Thông có đến mấy con người, điều ấy thì chắc không khó để chúng ta nhất trí. Trước hết là con người chức vụ, kể từ khi là Tỉnh ủy viên Nghệ An cho đến tận khi đảm đương Vụ trưởng Vụ Văn nghệ sau hòa bình lập lại. Nhưng tôi dám quyết, con người chức vụ không phải là con người thật của ông, hay đúng hơn, lúc đầu nó là con người thật, rồi sau mười mấy năm từng trải, kinh qua những cuộc đấu đá trong các phong trào từ ngoài xã hội vào đến văn chương, hình như có cái gì đấy không hợp với tạng của mình, Hoàng Trung Thông đã xa lìa dần con người chức vụ một cách không tự giác. Cho đến khi về Viện Văn học thì tôi nghĩ, chức Viện trưởng với ông chỉ còn là chức phận, một nhiệm vụ do trên giao không thể không làm. Chẳng thế mà, với bản lĩnh, học vấn, và cách giải quyết mọi việc bằng phong thái từ tốn và đức vị tha hiếm có, ông có thể đã đóng góp cho Viện được rất nhiều vào thời điểm này. Chính ông đã hóa giải những mâu thuẫn rắc rối giữa ba ông Viện phó một cách nhẹ nhàng mà đến GS Đặng Thai Mai cũng không thể hóa giải nổi, làm cho Viện đang rất căng trở nên yên ổn. Ông lại có tấm lòng liên tài nên biết cách khuyến khích khéo léo những người thực sự có năng lực trong Viện, và có thể nói, sau khi ông về Viện được 3 năm, uy tín của Viện trưởng trong toàn Viện là một uy tín gần như tuyệt hảo, chinh phục người khác cả bằng lý và cả bằng tình. Đến mức trong lần bầu Giáo sư năm 1980, cả Viện đều bỏ phiếu chức danh Giáo sư cho ông, trong khi một số người tai mắt ở Viện khá nhiều năm chỉ bầu được Phó giáo sư mà thôi.

clip_image003

Tọa đàm nhân 20 năm ngày mất nhà thơ Hoàng Trung Thông 22-4-2013. Ảnh: Mi Ly

Thời kỳ ấy người ta kỳ vọng ở Hoàng Trung Thông rất nhiều và sự tín nhiệm đối với ông không chỉ bó hẹp trong Viện mà rộng ra ngoài xã hội. Giữa lúc các Viện trong Ủy ban Khoa học Xã hội không Viện nào có xe riêng, ông làm một bài thơ gửi lên ông Tố Hữu, thế là lập tức Viện Văn có xe Lada mới coóng, oai hơn bất kỳ một Viện nào.

Thế nhưng cũng thật lạ, Hoàng Trung Thông đã không dựa vào yếu tố “nhân hòa” nói trên mà tiến hành tổ chức lại Viện, chủ động tạo cho Viện một bước đột phá như nhiều người hết lòng chờ đợi. Chủ yếu, ông nắm lấy vai trò Tổng biên tập tờ tạp chí để sao cho không có bài nào “sinh sự”, còn thì cứ nhẩn nha như không. Ông khước từ chức vị Giáo sư ngay sau khi được cả Viện tín nhiệm, vì theo ông, làm một nhà thơ cũng đã là đủ lắm. Và hàng ngày ông hầu như không để nhiều thì giờ tính toán các mảng hoạt động khác nhau của Viện sao cho cân đối, thúc đẩy khâu này khâu nọ, mà mặc cho cỗ máy của Viện cứ thế vận hành theo đà vốn có từ xưa. Sự rời rạc loạc choạc vì thế dần dần nảy sinh. Ông chỉ quan tâm đến một vài bộ phận chuyên môn mà mình thích thú, đặc biệt là văn học cổ cận đại, và một phần nào văn học hiện đại, nên kết thân không giấu giếm với Ban văn học Cổ cận đại, kể cả việc chăm chút, góp ý cho các công trình của Ban này. Có vẻ như trong môi trường mà sự suy tưởng được đẩy lùi rất xa về quá khứ, những đàm đạo văn chương của ông trở nên thoải mái hơn, không còn bị vướng víu gò gẫm, cảm hứng cứ thế tự nó tuôn chảy. Vì thế, nhiều hôm đến Viện, ông chỉ ghé vào bàn làm việc một tí rồi đi thẳng xuống nhà tôi ở phía sau, gặp chuyện gì nói chuyện ấy đến hết buổi, nhưng tuyệt không đề cập đến chính trị cũng như nhân sự của Viện, không hé lộ thái độ riêng của mình về cách nhìn cách nghĩ đối với một người cụ thể nào. Thậm chí có hôm để mua vui cho con gái tôi mới chừng 8, 9 tuổi, ông đã dùng tay trồng cây chuối và đi một vòng bằng hai tay, chân chổng ngược lên trời, giữa cái nền nhà chỉ được chừng 12 mét vuông, làm con tôi cười như nắc nẻ.

clip_image005

Nguyễn Huệ Chi (trái) và Lại Nguyên Ân. Ảnh: Mi Ly

Tôi đoán chắc ông có điều gì đó giấu kín trong lòng không thể cởi ra với người khác, nên chỉ lấy chơi đùa, và luận bàn văn chương cổ điển làm thú khuây giải. Có lần chị Băng Thanh nói với tôi ông có đọc cho chị ấy nghe hai câu thơ chữ Hán, đại khái: “Thủy thiển hồ hàn ngư bất đa - Điếu ông tranh tụ nại như hà?” (Hồ lạnh nước nông cá chẳng nhiều – Ông câu chen chúc khổ bao nhiêu). Tâm sự ấy cho thấy, việc ông càng về sau càng không làm tròn phận sự của một Viện trưởng không phải là một sự lười nhác mà có nguyên nhân sâu xa của nó, được kết đọng qua một chuỗi dài nhiều năm dấn thân và chứng kiến nhân tình thế thái, tuy sự nghiệp vẫn hanh thông nhưng trong trái tim trung thực của một nghệ sĩ đã phải mang những vết khía không sao chịu nổi. Vì thế, đánh giá hành vi của ông vào những năm cuối thời kỳ ở Viện theo một chiều hướng nào tôi nghĩ đều là không đơn giản:

Tôi muốn uống rượu trong

Lại phải uống rượu đục

Chao! Sông cũng như người

Có khúc và có lúc.

(Tứ tuyệt II)

Ta nhìn mặt trời,

Tưởng là mặt trăng.

Mặt trời chói lọi,

Sao mây mờ giăng?

Và ta tự hỏi

Làm được gì chăng?

(Ngày)

Việc nghiện rượu của ông xét cho cùng hẳn cũng là một cách tìm quên. Ông trở nên thoải mái trong sự lơ mơ của người say và biết là rượu tàn phá cơ thể đấy nhưng vẫn chấp nhận như một sự tự hủy hoại chính mình. Đến nỗi có hôm dựa vào mối thân tình, tôi đã gắt với ông ở ngay tại nhà ông, thì con trai ông là Vĩ ghé tai nói nhỏ với tôi: “Chú ơi, để cho bố cháu say như thế cũng là một chút hạnh phúc của bố cháu”.

Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, thì chính sự lãnh đạm với chức vị cũng chứng tỏ con người Hoàng Trung Thông không kham nổi lợi lộc và quyền hành. Về phương diện này, ông là một tấm gương thuộc loại trong sáng nhất trong hàng ngũ quan chức làng văn tính đến nay. Chỉ riêng chuyện chiếc xe Lada, đó là do ông xin được, nhưng ông đã hưởng thụ nó rất ít, và không hề ý thức về cái quyền mình được hưởng thụ. Mỗi ngày ông đi từ 70 Ngô quyền đến 20 Lý Thái tổ rồi lại từ 20 Lý Thái Tổ trở lại 70 Ngô Quyền, thế là xong. Có nhiều hôm ông không đi xe mà còn tự cuốc bộ. Chiếc xe từ đó trở thành phương tiện chung cho cả Viện, cả cho Công đoàn Viện tìm đường giao thiệp với các địa phương để cải thiện sinh hoạt cho anh chị em, trong điều kiện cả nước ăn bo bo và mỳ luộc trường kỳ. Hồi ấy tôi là Thư ký công đoàn nên không thể nào quên những lần cử người này người khác mượn xe Lada để bôn ba khắp nơi cầu may vào các dịp tết nhất. Mỗi lần kiếm được một món thực phẩm nào như gạo thịt là cả Viện tụ họp chia phần y hệt một ngày hội lớn. Còn nhớ cái Tết năm 1984, bạn Nguyễn Hữu Sơn (mới về viện được một năm) được cử về Hà Nam Ninh tìm một con lợn với giá phải chăng do một hợp tác xã nhượng lại. Lợn được bỏ lên xe Lada chở về trong sự hân hoan chờ đón của mọi người. Khi xe chở lợn về đến nơi, anh em mở cửa ra, có vài người nói to lên: “Kính chào thủ trưởng lợn. Xin mời thủ trưởng xuống để chúng em còn đi đón thủ trưởng Thông”. Thử nghĩ, với một Viện trưởng khác, hoặc những người có tiêu chuẩn xe con vào thời bấy giờ, có người nào có cách hành xử bình dân vô vụ lợi như thế? Cho nên, không phải là quá đáng nếu nói chính Hoàng Trung Thông đã tạo nên ở Viện Văn học một không khí thật sự bình đẳng và dân chủ.

Về mặt quan niệm tư tưởng, tôi cũng mang máng cảm nhận ra ở Hoàng Trung Thông thuở bấy giờ có một cái gì thỉnh thoảng lại lấp lóe lên như là sự phản tỉnh, nhưng đây là một phản tỉnh âm thầm nên không dễ thấy. Không thể phủ nhận ông là người rất tin ở các chính sách của Đảng. Khi chủ trương chọn cấp huyện làm đơn vị chiến lược về kinh tế để tạo sức bật cho nông thôn nhằm nhân rộng những cánh đồng 5 tấn do ông Lê Duẩn đưa ra được thực thi trên toàn quốc, ông lập tức về Nghệ Tĩnh xem xét tình hình. Chuyến ấy có tôi, Phong Lê, Lê Ngọc Châu cùng đi với ông. Ông đã về Quỳnh Lưu làng quê nơi mình sinh ra, nơi có ông Bí thư Nguyễn Hữu Đợi với lời tuyên bố nổi tiếng “Một mo cơm một quả cà một tấm lòng cộng sản cùng nhau xếp đặt lại giang sơn”. Ông cũng đã cùng chúng tôi đi thăm hồ Kẻ Gỗ để tìm hiểu cái hồ nhân tạo này tưới tắm cho các cánh đồng ở Cẩm Xuyên xanh tốt lên như thế nào. Cũng chính vì việc vào hồ Kẻ Gỗ khí hậu quá oi bức, do hai bên đều là núi, mà sau khi trở ra đến thị xã Hà Tĩnh thì Hoàng Trung Thông bỗng lên một cơn áp huyết đột ngột đến ngất xỉu. Bệnh viện Hà Tĩnh không có thuốc đặc hiệu nên Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh phải cho xe vào gấp đưa ông đi suốt đêm ra Vinh vào Bệnh viện Ba Lan nằm điều trị, khiến chúng tôi lo lắng chờ đợi ở Vinh đến mấy ngày.

Đối với tôi, chuyến đi ấy không có một thu hoạch nào đáng kể trong nhận thức, rằng nông thôn quả thực đã lên hương nhờ việc “hợp tỉnh” (hợp nhất các tỉnh nhỏ thành một tỉnh to) và nhờ dùng cấp huyện làm đòn bẩy cho sản xuất. Hoàng Trung Thông hình như cũng vậy. Số phận nông dân luôn làm ông đau đáu, mong họ đổi đời thực sự (Trong dịp thăm Cộng hòa dân chủ Đức, ông đã dành phần lớn thời gian để thăm thú các vùng nông thôn nước Đức, nhằm tìm hiểu lý do tạo nên sự cách biệt giữa mức sống của nông dân nước mình so với nông dân nước họ). Nhưng với việc cực đoan phá vườn tược làng quê, đưa dân lên núi lập làng mới như ông Đợi làm thì ông chỉ... lắc đầu. Mấy hôm sau ông đưa đến cho tôi xem bài thơ Về làng trong dạng bản thảo, Bài thơ mang giọng tâm tình, kể lại với vợ hình ảnh trẻ đẹp của những cô gái chăn tằm dệt lụa ở quê hương mà ông vừa gặp lại. Bài thơ như muốn ngầm nói rằng làng quê đang đẹp lên là điều ai cũng ao ước và đang đẹp lên thật. Song chính những truyền thống lâu đời của làng được nâng niu gìn giữ mới làm cho làng ngày một đẹp. Sau này tôi cứ ngẫm nghĩ, không biết ông có mượn bài thơ để nhắn nhủ ông Nguyễn Hữu Đợi một lời khuyên răn nào đó hay không.

Cũng một lần khác tôi được tháp tùng ông, là lần ông đi dự hội thảo khoa học và thăm Cộng hòa dân chủ Đức trong một tháng vào mùa đông năm 1980. Chuyến đi này có nhiều kỷ niệm đặc biệt với ông mà tôi sẽ phải viết trong một dịp nào đấy. Nhưng ở đây đang nói đến vấn đề tư tưởng, tôi chỉ lẩy ra một chuyện để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúng tôi đến Đức, gặp hai người bạn chủ chốt ở Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Đức là Viện sĩ Nauman và Giáo sư Kortum đều là những người có quan hệ thân tình từ trước, riêng Giáo sư Kortum đã sang thăm Viện Văn học đúng vào dịp được chứng kiến sự kiện thống nhất đất nước nên ấn tượng đối với Việt Nam khá sâu đậm. Một hôm vợ chồng Giáo sư Kortum làm tiệc thết chúng tôi, có Viện sĩ Nauman đến dự. Chỉ có 5 người trong bữa tiệc chứ không có phiên dịch vì cả hai bên đều dùng tiếng Pháp, trong đó, tôi là người kém nhất nhưng cũng nghe tạm được vì người Đức nói tiếng Pháp hơi chậm, đủ để nghe, chứ không nhanh và nuốt lời như người Pháp. Theo lệnh Viện trưởng, tôi đã thủ sẵn hai chai “Lúa mới” để làm quà song vẫn cất trong túi chứ chưa mang ra. Đến giữa chừng bữa tiệc, ngẫu nhiên bà vợ Giáo sư Kortum lên tiếng khen rằng ở Việt Nam có thứ rượu rất, rất tuyệt (Au Việt Nam il y a un alcool très, très bon). Ông Thông liền đưa mắt cho tôi, tôi bèn bước lại nơi để túi lôi hai chai “Lúa mới” ra đưa vào bàn tiệc góp phần. Mọi người ồ lên một lượt tỏ ý vui mừng và mở luôn nút để cùng thưởng thức. Vốn là người sính rượu, ông Thông uống rất hào hứng, uống nhiều hơn cả chủ nhân bữa tiệc, vừa uống vừa bàn luận say sưa về văn học, và say lúc nào không biết. Đột nhiên trong một cơn hứng khởi bột phát, ông đưa mắt nhìn khắp mọi người một cách khác thường rồi bỗng cất tiếng hỏi: “Permettez-moi de poser une question directe: y a-t-il ce qui s’appelle le réalisme socialiste en réalité?” (Cho phép tôi hỏi thẳng: trong thực tế có cái gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa hay không?). Cả hai vợ chồng vị Giáo sư và ông Viện sĩ người Đức ngơ ngác, dồn mắt nhìn vào Hoàng Trung Thông. Nhưng khi họ chưa kịp nói câu gì thì ông đã tự trả lời, giọng kéo dài của người say, cũng có một vẻ tự tin khác lạ: “Non, jamais. Il n’y a rien de si difficile à avaler” (Không, Chưa hề có. Không có một cái gì “khó nhá” đến như vậy cả). Cả hai người đàn ông reo lên, hưởng ứng lập tức: Ah! C’est juste! Avis bien judicieux! (Ô! Đúng! Ý kiến quá đúng!). Còn bà vợ ông Kortum thì không nói câu gì nhưng đôi mắt bỗng tươi tỉnh hẳn lên. Tuy nhiên, cũng chỉ đến đấy. Kể cả ông Thông nữa, ai nấy đều kịp thời dừng lại rồi chuyển sang những chủ đề khác, như chê trách việc Trung Quốc bất ngờ đánh thọc vào biên giới Việt Nam, coi là chuyện vô sỉ... Không một ai nhắc lại điều vừa bất chợt nói với nhau thêm một lời nào.

clip_image007

Trăng biết đâu lòng ta lệ đầmMời trăng. Ảnh: HT

Cho đến tận khi rời nước Đức, ông Thông cũng không bao giờ nói tiếp với tôi vấn đề này. Tất nhiên, tôi biết đấy là điều ông buột ra trong một lúc say, dẫu sao hẳn cũng phải ủ kín đã từ lâu lắm, Kể từ đó, tôi mới ngày càng để ý tìm hiểu những uẩn khúc bên trong con người Hoàng Trung Thông – người Viện trưởng ân tình mà tôi bao giờ cũng quý trọng. Thú thực đến nay, như đã nói ở phần mở đầu, tôi vẫn chưa tìm ra con người thật của ông, mặc dù đã có đôi phen được chạm đến nó. Đúng như một câu thơ ông chợt hé lộ mình trong một vài năm trước khi mất: Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm – Mời trăng”. Có phải ông muốn nhắc nhở chúng ta, lũ người phàm tục, đừng có như mặt trăng kia, chỉ biết sáng nhờ nhờ và vô tri vô giác khi xem xét lòng người hay không?

21-4-2013

N.H.C.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn