Nói lại cho rõ với những người bạn

André Menras, Hồ Cương Quyết

Nguyễn Ngọc Giao dịch

Sau khi bài “Một người «cực đoan» phục thiện xin đặt một số câu hỏi” của tôi được công bố trên Boxitvn và nhiều mạng khác, tôi được biết rằng một số độc giả coi đó là gián tiếp trả lời bài phỏng vấn ông Lê Vĩnh Trương trên báo Pháp Luật TPHCM (phapluattp.vn).

Hoàn toàn không phải như vậy. Tất nhiên tôi bị sốc khi hai chữ «cực đoan» trong đầu đề bài báo được dùng để nói tới những công dân Việt Nam hiền lành chỉ muốn cưỡng lại tính chất cực đoan ngày càng mạnh bạo trong sự gây hấn của Trung Quốc. Nhưng tôi muốn, nhân dịp này, nói rõ là tôi rất coi trọng công việc mà ông Lê Vĩnh Trương và các bạn của ông đã và đang tiếp tục làm trong Quỹ Nghiên cứu Biển Đông. Đó là một công việc khó khăn và đáng quý. Tôi không hề có ý tranh luận với họ về những khác biệt trong cách đánh giá một thực tại phức tạp vì tôi biết rằng, với cung cách và phương tiện của mình, họ phục vụ cho chính nghĩa Việt Nam.

Việc Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông đã tặng giải cho hai bài viết của tôi – toàn bộ số tiền thưởng đã được dùng để giúp đỡ gia đình những ngư dân bị hải thuyền Trung Quốc tấn công – cho thấy rõ chúng tôi – các bạn QNCBD và tôi – đều cùng chia sẻ những giá trị chính yếu.

Một trong những giá trị đó là dân chủ, theo tôi đó là động lực của cuộc đấu tranh vì tiến bộ. Dân chủ trong lời nói, và nhất là trong hành động. Giữa chúng ta với nhau có khác biệt về đánh giá, về mẫn cảm, thử hỏi có gì bình thường hơn? Điều không bình thường là không nói ra, hay bóp nghẹn nó trong một sự im lặng thiếu lành mạnh. Làm như vậy, hóa ra chúng ta hành xử như những kẻ đang tấn công chúng ta và chúng ta đang chống lại. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng trong sự đoàn kết đấu tranh, chúng ta học dân chủ bằng cách tôn trọng sự khác biệt, và chính sự khác biệt này làm tăng sức mạnh cho chúng ta, làm chúng ta «giàu» hơn.

Nhân đây, tôi cũng xin đặt một câu hỏi: hiện nay ở Việt Nam, báo chí bị kiểm soát triệt để, ban biên tập các báo đài chính thức chịu sức ép nặng nề, thử hỏi một người thực sự yêu nước hay/và một nhà khoa học chân chính, có thể nào phát biểu đầy đủ suy nghĩ của mình về Trung Quốc hay về bất cứ vấn đề nào mà chính quyền cho là «nhạy cảm» hay không ? Một tờ báo chính thức có thể đăng một bài như vậy mà không nhận được, trong vòng một giờ đồng hồ, một cú điện thoại soi mói hay một cuộc thăm viếng của những «người gác cổng tư tưởng»?

Nếu được như thế thì báo chí sẽ bán chạy hơn nhiều, và mạng lưới internet sẽ ít hẳn người truy cập. Đằng này, nếu ý kiến không đúng lập trường của Đảng mà chọn báo chí chính thức để phát biểu thẳng thắn về một đề tài «nhạy cảm», thì lập tức bị kiểm duyệt, «biên tập», bóp méo. Đường lối kiểu Trung Quốc mà Đảng đã chọn như vậy tất nhiên đi ngược lại với lối suy nghĩ và hành động «cực đoan» của chúng tôi: nó cấm đoán mọi sự phản biện của công dân. Đó là một đường lối khô cứng và tuyệt sản.

A.M.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn