AI ĐÃ SAI? NGƯỜI DÂN KHIẾU KIỆN, CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG HAY THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG?

image

(Đây là một câu hỏi mà chín năm nay Ông Nguyễn Tấn Dũng và các Bộ, ngành chưa có lời giải đáp cho người dân khiếu kiện. Mong quý vị Luật sư, Luật gia, quý vị cao minh, trí thức, những vị đang làm việc trong các Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, của MTTQVN, những vị cán bộ đã làm việc trong các bộ phận kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những người đã góp phần soạn thảo ra Luật đất đai như Giáo sư Đặng Hùng Võ… cho biết ý kiến. Nếu các cấp chính quyền đã làm đúng luật, thì chúng tôi thôi không khiếu kiện nữa. Nhưng ngược lại, nếu họ sai, vì họ cố tình dẫm bừa lên những quy định pháp luật đã được quy định rõ ràng, nhằm mục đích vụ lợi và bất kể sự thiệt hại của nhân dân thì người dân không thể nào chấp nhận được)

 Tháng 8/2003, UBND tỉnh Bình Dương công bố ra cho dân biết quy hoạch Khu liên hợp công nghiệp – Dịch vụ và đô thị Bình Dương, rộng 4.197hecta. Theo Quyết định số 873/QĐ-TTg ngày 01/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương đến năm 2010 thì không có quy hoạch Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và đô thị Bình Dương. Chỉ tiêu đất sử dụng để xây dựng Khu liên hợp mới được bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) của tỉnh Bình Dương theo Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 28/11/2007 của Chính phủ.

Đề án đầu tư và phát triển Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và Đô thị Bình Dương được Chính phủ chấp thuận về chủ trương tại văn bản số 295/CP-CN ngày 19/3/2003; và được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt tại quyết định số 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005; cả hai văn bản này đều do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành quyết định số 522/QĐ-BXD ngày 27/3/2006 về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và Đô thị Bình Dương.

Nhưng trên thực tế, ngay từ ngày 10/9/2002 UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định số 5185/QĐ-CT thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa bồi thường phục vụ xây dựng Khu liên hợp; Ngày 23/6/2003 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định số 164/2003/QĐ-UB quy định chủ trương bồi thường đất và tài sản trên đất công trình Khu liên hợp. Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, chỉ cần căn cứ vào quyết định 164/UBND, tỉnh đã bắt đầu triển khai công tác đền bù, giải tỏa từ cuối năm 2003. Từ ngày 20/10/2004 đến ngày 05/5/2005 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các quyết định thu hồi toàn bộ 4.197hecta đất để xây dựng Khu liên hợp. Và đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005 thì việc giải tỏa, bồi thường đã thực hiện được 85% diện tích quy hoạch. Việc giao đất, cho thuê đất đối với các nhà đầu tư khu công nghiệp cũng đã được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý về mặt chủ trương thông qua việc phê duyệt vào các hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” ký kết giữa Ban quản lý (BQL) Khu liên hợp và các nhà đầu tư vào năm 2004; trong đó có nhiều diện tích đất chưa làm thủ tục thu hồi và bồi thường cho người dân đang có quyền sử dụng đất hợp pháp. Nhà đầu tư đã ngang nhiên thi công trên đất mà người dân còn đang cầm sổ đỏ trong tay và chưa được bồi thường đồng nào.

Như vậy, rõ ràng là UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các quyết định và tổ chức thực hiện việc bồi thường, thu hồi đất hoàn toàn trái với các quy định pháp luật. Vì đã :

- Ban hành Quyết định số 164/2003/QĐ-UB ngày 23/6/2003 quy định chủ trương bồi thường đất và tài sản trên đất công trình Khu liên hợp trong khi chưa ban hành các quyết định thu hồi đất và chưa thành lập Hội đồng bồi thường là trái với điều 34 của Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

- Ban hành các quyết định thu hồi đất trong khi đề án tổng thể khu liên hợp chưa được Chính phủ phê duyệt và chưa có quy hoạch sử dụng đất là trái với quy định tại khoản 1 điều 39 của Luật đất đai năm 2003:

“Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”.

- Căn cứ vào Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 và căn cứ vào Luật đất đai 2003 để thu hồi đất, nhưng lại tổ chức bồi thường theo Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và Luật đất đai 1993. Như vậy là UBND tỉnh Bình Dương đã làm trái với điều 42 của Luật đất đai 2003 và trái với điều 2 của Quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể đầu tư và phát triển Khu liên hợp công nghiệp – Dịch vụ và Đô thị Bình Dương”.

- Giao đất cho nhà đầu tư trong khi chưa làm xong các thủ tục thu hồi, bồi thường đất cho dân là hoàn toàn trái pháp luật hiện hành.

Thế nhưng, trong tất cả các văn bản giải quyết trả lời cho chúng tôi, UBND tỉnh Bình Dương đều khẳng định là họ đã ban hành các quyết định thu hồi, bồi thường và cưỡng chế lấy đất của chúng tôi là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật bởi vì đề án Khu liên hợp đã được Thủ tướng phê duyệt chấpthuận và cho phép triển khai thực hiện bằng Công văn số 295/CP-CN ngày 19/3/2003.

Theo chúng tôi hiểu, Công văn số 295/CP-CN của Chính phủ chỉ là văn bản chấp thuận về chủ trương để UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục xây dựng đề án khả thi trình Chính phủ phê duyệt. Chưa có quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, chưa có đề án được phê duyệt mà Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất là trái pháp luật. Không phải UBND tỉnh, mà Phó Chủ tịch, ký thay Chủ tịch để quyết định thu hồi đất là sai thẩm quyền; đất nông nghiệp dân đang có quyền sử dụng mà thu hồi cùng một lúc hơn 4.000 hecta để chuyển sang mục đích khác thì không đúng luật và cũng không phải thẩm quyền của Chủ tịch tỉnh. Có lẽ ngoài UBND tỉnh Bình Dương, không ai có thể nói công văn này là văn bản xét duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm cơ sở pháp lý cho UBND tỉnh Bình Dương thu hồi đất làm khu liên hợp, như quy định tại điều 39 của Luật đất đai.

Còn nếu coi Công văn số 295/CP-CN của Chính phủ là cơ sở pháp lý để Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi 4.197 hecta đất làm Khu liên hợp trước khi có quy hoạch sử dụng đất và tỉnh đã làm đúng vì Chính phủ đã cho phép, thì Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có làm sai pháp luật khi ký văn bản này hay không? Căn cứ vào đâu mà Thủ tướng cho phép tỉnh thu hồi đất trong khi chưa có quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt? Đây có phải là một trong 3.000 văn bản được Thủ tướng Chính phủ ký sai mà Giáo sư Đặng Hùng Võ đã nói tới khi đối thoại với nông dân Văn Giang? Và phải chăng vì cái sai bắt đầu từ Thủ tướng Chính phủ, nên suốt 9 năm qua, bao nhiêu cơ quan chức năng và báo đài đều phải lờ đi, không dám lên tiếng hoặc xem xét trả lời cho người khiếu kiện? Còn gởi đơn yêu cầu Thủ tướng xem xét, kết luận và xử lý việc làm sai trái của tỉnh Bình Dương, thì cũng chỉ nhận được sự im lặng?

18-11-2012

Nông dân Bình Dương.

Văn bản 295/CP-CN vỏn vẹn có mấy hàng chữ như thế này mà UBND tỉnh Bình Dương nói là cơ sở pháp lý để họ thu hồi trên 4.000 hecta đất nhân dân đang sử dụng, đưa vào làm khu liên hợp trong khi chưa hề có quy hoạch sử dụng đất được duyệt! Còn Thủ tướng và các Bộ, ngành thì suốt từ năm 2003 đến nay, cứ im lặng, không cho biết tỉnh nói như vậy là đúng hay sai!

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn