“Công nghệ” sao chép

Đức Tuyên

TT - Điển hình là trường hợp lập bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Dự án thủy điện này nằm trong vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) - một khu vực thuộc loại cấm “đụng chạm”.

clip_image002

Loài chà vá chân đen được ghi nhận trong đợt khảo sát tại nơi dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 (ảnh chụp tháng 7-2011) - Ảnh: Đ.Tuyên

Sau khi bản ĐTM của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bị báo chí lật tẩy những “đường nét” sao chép, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai lại phải thuê một đơn vị khác lập bản ĐTM mới. Tuy nhiên, ngay cả bản ĐTM thứ hai cũng bộc lộ không ít điều rất đáng ngờ.

Lòi đuôi

Đơn vị đầu tiên lập ĐTM dự án thủy điện 6, 6A là Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam. Trong bản báo cáo này có đoạn khẳng định ảnh hưởng đến môi trường sinh thái dự án là “do việc chặt bỏ cây cối ven bờ kênh trong quá trình giải phóng mặt bằng xây dựng các hạng mục, đặc biệt là dừa nước hai bên bờ”. Nhưng thực tế là sông Đồng Nai chỉ có những thác ghềnh và dòng nước ào ào cuộn chảy, không hiền hòa như kênh rạch miền Tây. Đặc biệt khu vực này chẳng có một cây dừa nước nào.

Bản ĐTM này còn nêu: “Việc đào bới lòng hồ và kênh dẫn qua vùng đất chua, lầy úng đọng sinh phèn, nước mang chất phèn muối, axit, chất độc... lan truyền rộng”. Thế nhưng dọc sông Đồng Nai, cụ thể là vùng đất dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A là vùng đất rừng bazan, đồi núi nối tiếp nhau cùng những con suối với nước ngọt mát lịm, không hề có “chua, lầy úng đọng sinh phèn”.

Trong phần kết luận về các lợi ích của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam còn nâng cao hơn nữa “công nghệ” sao chép: “Các lợi ích kinh tế - xã hội do hai công trình thủy điện đem lại là thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực, đặc biệt là các huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Nam”.

Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A dự kiến được xây dựng trên sông Đồng Nai, nằm trên địa phận tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và một phần nhỏ tỉnh Bình Phước, chẳng hề dính dáng gì đến tỉnh “Quảng Nam”?

Theo ông Trần Ký - một thành viên tham gia soạn thảo bản ĐTM, đoàn khảo sát của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam chỉ đi thực tế khu vực vườn quốc gia Cát Tiên có bảy ngày, trong đó có ba ngày đi lạc. Cái giá mà chủ đầu tư phải trả cho bản ĐTM này là 420 triệu đồng. Đúng là làm giả mà ăn tiền thật.

Nói lấy được

Do xài “công nghệ” sao chép nên ĐTM của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam bị bỏ. Thay vào đó, Viện Môi trường và tài nguyên (ĐHQG TP.HCM) được chủ đầu tư thuê lập lại bản ĐTM lần hai cho hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Bản ĐTM mới này vẫn thực hiện theo mong muốn của chủ đầu tư, cho rằng khu vực xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A có hệ sinh thái rừng nghèo nàn, nên có thể triển khai dự án.

Tại bản ĐTM này người ta kết luận: “Hầu hết là rừng tái sinh, rừng tre, nứa, lồ ô, rừng sản xuất, ruộng lúa, rừng nguyên sinh hầu như không có...”. Kết luận trên giống y chang kết luận của các cán bộ thuộc Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương... sau khi đi khảo sát (cuối tháng 8-2012) khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Kết luận này còn khẳng định “không phát hiện dấu hiệu của các loài động vật quý hiếm...”.

Nhiều cán bộ vườn quốc gia Cát Tiên cùng đi với đoàn khảo sát của các bộ cho biết đoàn chỉ làm việc trong hai ngày 24 và 25-8. “Đáng lẽ phải xuống đến tận khu vực dự kiến xây dựng đập thủy điện, nhưng họ chỉ đi tới khu vườn điều, ruộng lúa của bà con dân tộc - nơi cách xa địa điểm xây dựng đập hàng cây số”, một cán bộ vườn quốc gia Cát Tiên cùng đi với đoàn khảo sát thuật lại.

Dù còn nhiều thiếu sót, cắt dán, làm ẩu... nhưng cũng có một điều đáng chú ý là trong bản ĐTM đầu tiên do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam lập có ghi nhận trong khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A còn hiện diện rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Trong khi đi khảo sát, đoàn cán bộ của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam ghi nhận có gặp rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và danh mục đỏ của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Trong lần tiến hành khảo sát độc lập (phóng viên Tuổi Trẻ có tham gia) hồi tháng 7-2011, TS Vũ Ngọc Long, Phó viện trưởng Viện Sinh thái học Việt Nam (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) và nhóm chuyên gia cũng ghi nhận tại khu vực dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có 98 loài chim, trong đó năm loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Riêng hệ thú có 14 loài và có những loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, đoàn của TS Long cũng phát hiện một loài thực vật mới - hoa trà Cát Lộc Camellia sp và mới đây loài này đã được công bố quốc tế về loài mới phát hiện và mang tên Camellia longgi.

Vậy là chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, những loài động, thực vật quý hiếm nêu trên bỗng nhiên biến khỏi bản ĐTM của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP.HCM) và cũng biến luôn khỏi kết luận của đoàn khảo sát của các bộ, ngành. Thật không thể hiểu nổi!

Đ.T.

“Lợi thì có lợi, hàm răng chẳng còn”

Theo số liệu thống kê, đến nay đã có không dưới 200 dự án thủy điện đã được xây dựng hoặc nằm trong quy hoạch ở miền Trung - Tây nguyên, trong đó Quảng Nam là nơi dẫn đầu về số lượng với 68 dự án nằm trải rộng trên tất cả các sông suối của địa phương này.

Lợi ích kinh tế tất nhiên là có và người hưởng thụ không ai khác chính là các nhà đầu tư. Nhưng hậu quả về môi trường phải trả giá do việc ngăn sông phá rừng để làm thủy điện thì địa phương phải “chịu trận”.

Còn nhớ đầu tháng 10-2010, cả huyện Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam bất ngờ chìm trong lũ dữ, nhiều gia đình bỏ hết của nả chạy lũ trối chết trong đêm... Khi bình tĩnh trở lại, người dân ven sông Thu Bồn mới nghiệm ra rằng chính thủy điện A Vương nằm ở đầu nguồn con nước là thủ phạm gây ra trận lũ bất thường và kinh hoàng ấy. Tưởng câu chuyện “xả lũ A Vương” đã được ngành điện rút kinh nghiệm, nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó người dân vùng hạ lưu của thủy điện An Khê Kanat ở Gia Lai đã phải kêu trời vì trâu chết, hoa màu trôi sạch chỉ trong một đêm.

Tiếp theo đó là TP Tuy Hòa (Phú Yên) cũng “trắng trời” vì nước lũ của thủy điện Sông Ba Hạ... Liên tiếp các bộ ngành kéo nhau vào miền Trung họp bàn để rồi một quy trình xả lũ liên hồ cuối cùng cũng đã được xây dựng, hình thành.

Sự hủy hoại về môi trường của thủy điện cũng thể hiện rất rõ. Vì lợi ích kinh tế, khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nhà đầu tư thủy điện Đak Mi 4 là Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN - IDICO (Bộ Xây dựng) quyết định chuyển toàn bộ nguồn nước từ sông Đak Mi cho đổ về sông Thu Bồn để phát điện. Với cách tính toán này, hơn 80km sông Đak Mi trở thành con sông chết và hậu quả cuối cùng là cả một vùng hạ lưu rộng lớn bao gồm cả Đà Nẵng và Hội An rơi vào cảnh khát nước trong mùa khô hạn.

“Cuộc chiến” đòi lại nước từng diễn ra giữa địa phương và chủ đầu tư, cuối cùng Chính phủ phải buộc IDICO hoàn trả một phần nước cho hạ lưu Đak Mi... Tương tự, sông Ba Hạ (Phú Yên) cũng bị chuyển mất nước, khiến cánh đồng Cam - vựa lúa chính của Phú Yên - nhiều năm rơi vào cảnh khô hạn chưa từng có.

Vì thủy điện mà hàng nghìn hecta rừng bị biến mất. Hình ảnh cả một dòng sông gỗ lậu nổi lên sau trận lũ kinh hoàng vào tháng 10-2010, hay những bè gỗ dài tít tắp nằm ở lòng hồ thủy điện A Vương tại Quảng Nam là minh chứng không thể chối cãi cho nạn phá rừng khi làm thủy điện.

ĐĂNG NAM

Đ.T.

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn