Váslav Havel, kịch tác gia và tổng thống

E. L.

Phạm Nguyên Trường dịch từ economist.com

Bản dịch được thực hiện nhân giỗ bách nhật Vaslav Havel (5/10/1936-18/12/2011)

clip_image002

Lời Ban Biên tập trang mạng Russ.ru: Ngày 23 tháng 12 năm 2011, Praha tổ chức an táng Vaslav Havel, vị tổng thống đầu tiên của nước cộng hòa. Ông bị bệnh nặng và mất ngày 18 tháng 12, thọ 75 tuổi. Đây là một trong những bài báo hay nhất viết về nhà hoạt động xã hội và hoạt động nhà nước vừa từ trần. Bài được đăng trên tờ The Economist.

* * *

Đầu năm 1989, người viết những dòng này – vừa chân ướt chân ráo tới Tiệp Khắc – đi ngang qua một ngôi nhà hoang trong quận Podoli ở Praha. Bên trong cửa sổ mờ tối có hàng chữ “Svoboda Havlovi” Tự do cho Havel]. Đấy là thời khắc thú vị. Kịch tác gia bị bỏ tù (chúng tôi thường gọi ông như thế) đang nằm sau song sắt vì gây rối trật tự công cộng diễn ra sau cuộc biểu tình của phe đối lập. Chính quyền lúc đó còn có thể bỏ tù người dân. Nhưng họ đã không còn ý chí hay không còn khả năng giữ trật tự đằng sau cửa sổ nữa.

Khẩu hiệu này (một năm sau, tức là khi ông Havel đã trở thành tổng thống, nó vẫn còn nguyên ở đấy) đặc biệt ấn tượng vì cửa sổ cửa hàng là đề tài của một trong những tiểu luận nổi tiếng nhất của Václav Havel. Trong tiểu luận Sức mạnh của thảo dân, đưa ra lí giải về khẩu hiệu tuyên truyền sáo rỗng của cộng sản: Vô sản thế giới liên hiệp lại!, đặt bên trong cửa sổ một cửa hàng rau:

“Tại sao anh ta lại làm như thế? Anh ta định nói gì với thế giới? Có đúng là anh ta thực lòng hào hứng với ý tưởng đoàn kết giữa những người vô sản trên thế giới? Lòng nhiệt thành của anh ta lớn đến mức anh ta cảm thấy phải giới thiệu ngay với công chúng lý tưởng này? Liệu anh ta đã thực sự dành một giây phút nào để nghĩ về cách thức thực hiện sự đoàn kết ấy hay ý nghĩa của nó là gì hay không?

Tôi nghĩ, ta có thể yên tâm mà giả định rằng tuyệt đại bộ phận những người quản lí cửa hàng không bao giờ nghĩ về khẩu hiệu họ đặt trong cửa sổ, cũng như họ chẳng bao giờ dùng nó để thể hiện quan điểm thực sự của mình. Cái khẩu hiệu đó, cũng như hành và cà-rốt, đều được cấp từ trụ sở doanh nghiệp. Anh ta xếp tất cả lên cửa sổ vì đã làm như vậy trong nhiều năm, vì mọi người đều làm như thế, và vì đó là việc phải làm. Nếu từ chối, anh ta có thể gặp rắc rối. Anh ta có thể bị phê bình vì không có vật trang trí thích hợp trong cửa sổ, thậm chí có người còn tố cáo anh là không trung thành nữa. Anh ta làm vậy bởi vì cần phải làm thế, nếu muốn yên thân. Đó là một trong hàng ngàn tiểu tiết đảm bảo cho anh ta một cuộc sống tương đối yên ổn trong sự "hòa hợp với xã hội", như họ vẫn thường nói.”

Đấy là cách sống của phần đông người Czechs và Slovaks sau cuộc xâm lược của Liên Xô vào năm 1968. Nhiều người nước ngoài cảm thấy dường như đất nước đã bị tê liệt, như thể đã bị hoạn mất phần đức hạnh rồi vậy. Phản kháng là việc làm vô ích: thậm chí nếu bạn có thay đổi được hệ thống thì xe tăng Liên Xô cũng sẽ đập tan những gì bạn đã làm được. Chỉ còn một giải pháp, đấy là rút vào bên trong (đối với một số người thì giải pháp là lưu vong).

Sợ hãi và giả vờ là món hổ lốn cung cấp dưỡng chất cho chế độ toàn trị: anh hàng rau giả vờ trung thành vì sợ hậu quả. Havel viết tiếp như sau:

“Xin hãy để ý: nếu người bán rau được hướng dẫn bày khẩu hiệu: "Tôi sợ và vì thế tôi phục tùng vô điều kiện", anh ta sẽ phải để ý tới nội dung của nó, mặc dù tuyên bố ấy là đúng sự thật. Người bán rau sẽ cảm thấy bối rối và xấu hổ vì lời tuyên bố thẳng thừng về sự mất phẩm cách của anh ta trong cửa sổ cửa hàng, và cũng tự nhiên thôi, bởi anh là con người và vì thế mà có cảm nhận về phẩm giá của mình. Để vượt qua sự rắc rối này, lòng trung thành của anh phải được thể hiện dưới dạng một dấu hiệu - ít nhất là trên bề mặt từ ngữ - thể hiện một niềm tin bất vụ lợi. Nó phải cho phép người bán rau biện bạch: "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại thì có gì sai?" Vì thế mà dấu hiệu này giúp cho người bán rau che giấu cái nguyên nhân “hèn kém” của sự phục tùng của mình, và cùng lúc, che giấu nền tảng “hèn kém” của quyền lực.”

Nhưng những động cơ thấp kém đó rất dễ bị tổn thương trước những hành động bất tuân đơn lẻ. Havel kết thúc tiểu luận của mình bằng những từ ngữ sau đây:

“Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng một ngày kia, trong lòng anh hàng rau nọ bỗng xảy ra một chuyện gì đó và anh thôi không đặt khẩu hiệu lên cửa sổ nữa, dù chỉ để cho lòng mình thấy thanh thản mà thôi. Anh không tham gia bầu cử nữa vì biết rằng đấy là trò nhảm nhí. Trong những cuộc hội nghị chính trị, anh bắt đầu nói những điều mình thực sự nghĩ. Thậm chí anh còn tìm được sức mạnh nội tâm, đủ sức bày tỏ tình đoàn kết với những người mà lương tâm buộc anh phải ủng hộ. Trong cuộc nổi dậy này, anh hàng rau đã bước ra khỏi “sống trong dối trá”. Anh vất bỏ nghi thức và phá vỡ các luật chơi. Anh tìm lại được bản sắc và nhân phẩm đã bị áp chế của mình. Anh cho rằng tự do là điều có ý nghĩa thực sự. Cuộc nổi dậy của anh là nỗ lực để sống trong sự thật…”

Anh ta sẽ phải trả giá:

“Anh phải trả giá ngay lập tức. Anh ta không được làm quản lí nữa và bị chuyển đến nhà kho. Lương sẽ hạ. Hi vọng về một kì nghỉ ở Bulgaria sẽ không còn. Việc vào đại học của con cái bị đe dọa. Cấp trên sẽ quấy rầy và đồng nghiệp sẽ nghi ngờ anh. Nhưng phần lớn những người sử dụng những biện pháp trừng phạt đó không phải vì thâm tâm họ kết tội anh, mà vì sức ép của hoàn cảnh, cũng chính là hoàn cảnh đã từng buộc anh hàng rau phải trưng ra cái khẩu hiệu chính thức kia. Họ ngược đãi anh là vì những người khác nghĩ là họ phải làm thế, hoặc để chứng tỏ lòng trung thành của mình, hoặc chỉ đơn giản là một phần của khung cảnh chung, cùng với nó là nhận thức về cách xử lí những trường hợp như thế này, mà trên thực tế là cách mà người ta vẫn làm với những trường hợp như thế, đấy là nói nếu người đó không muốn trở thành kẻ bị nghi ngờ. Vì vậy mà những kẻ ngược đãi cũng hành xử như tất cả những người khác, dù mức độ nghiêm trọng khác có khác nhau: họ hành xử như một thành phần của hệ thống hậu toàn trị, như một tác nhân của cỗ máy tự động, như là một công cụ đáng thương của nó vậy, họ cũng ứng xử như mọi người khác, cao thấp tùy người: với tư cách là các thành tố của hệ thống hậu toàn trị, với tư cách là nhân viên của cỗ máy tự động, như là các công cụ đáng thương của hệ toàn trị-tự động của xã hội.”

Havel kết thúc tiểu luận của mình bằng lời kêu gọi nổi tiếng: sống trong sự thật là phủ nhận tính chính danh của chế độ cộng sản và cuối cùng là phủ nhận quyền lực của nó:

“Như vậy là, cơ cấu quyền lực - thông qua hành động của những người thi hành những biện pháp trừng phạt, thông qua những thành tố vô danh của hệ thống - sẽ đẩy anh bán rau ra khỏi miệng của nó. Hệ thống - thông qua những thành phần đã bị tha hóa trong dân chúng - sẽ trừng phạt anh vì anh dám nổi loạn. Nó phải làm thế vì logic của cỗ máy tự động và tự vệ buộc nó phải làm thế. Vì tính độc đáo của nó mà cuộc tấn công của anh hàng rau không phải là cuộc tấn công mang tính cá nhân, đơn lẻ và biệt lập, mà là cái gì đó nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bằng việc phá vỡ luật chơi, anh đã làm gián đoạn cuộc chơi. Anh đã chỉ ra rằng nó chỉ là một trò chơi. Anh ta đã đập tan thế giới của ảo tưởng, tức là đập tan cái cột cái của hệ thống. Anh đã lật đổ cơ cấu quyền lực bằng cách xé toạc những thứ đã giúp cố kết nó lại với nhau. Anh ta đã chứng minh rằng sống trong dối trá chính là sống dối trá. Anh ta đã phá vỡ cái mặt tiền được thần thánh hóa của hệ thống và vạch trần nền tảng thực sự của quyền lực. Anh đã nói rằng hoàng đế cởi truồng. Và bởi vì trên thực tế hoàng đế đang cởi truồng, cho nên đã xảy ra một chuyện cực kì nguy hiểm: bằng hành động của mình, anh hàng rau đã phát đi lời kêu tới toàn thế giới. Anh giúp mọi người nhìn vào hậu trường. Anh đã cho tất cả mọi người thấy rằng có thể sống trong sự thật. Sống trong dối trá chỉ có thể tạo thành hệ thống nếu mọi người đều làm như vậy. Nguyên tắc của nó phải bao trùm và ngấm vào tất cả. Không có gì có thể cho phép nó cùng tồn tại với sống trong sự thật, và vì vậy mà tất cả những người bước qua vạch đều phủ định nó về mặt nguyên tắc và đe dọa tính toàn vẹn của nó.”

Havel đã làm đúng như những gì ông rao giảng. Do xuất thân từ gia đình tư sản nổi tiếng, ông không được vào đại học. Những người khác có thể được ưu ái vì viết những vở kịch ca ngợi chế độ. Nhưng ông lại làm nhân viên sân khấu và nghiên cứu kịch nghệ trong lúc rỗi rãi. Trong những năm 1960, khi chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc tỏ ra bớt nghiêm khắc hơn trước, kịch của ông bắt đầu được dựng và được công chúng hoan nghênh. Đến năm 1968, ông đã là một kịch tác gia khá thành công và nổi tiếng.

Cuộc xâm lăng của Liên Xô đã đặt ra cho Vaslav Havel và toàn thể giới tinh hoa văn hóa của đất nước vấn đề cấp bách sau đây: di cư, cộng tác hay đối mặt với hậu quả. Các nhà triết học trở thành người đốt lò, còn nhà thơ thì đi quét rác. Havel vào làm trong nhà máy bia (công việc này được ông mô tả trong vở kịch “Audience”). Giữa những năm 1970 ông chuyển hẳn sang phe đối lập với chế độ và đứng lên bảo vệ nhóm nhạc rock có tên là “Những người bằng chất dẻo của vũ trụ”, năm 1977 ông kí tuyên bố Hiến chương 77.

Cuối những năm 1970 là giai đoạn khắc nghiệt đối với những nước bị bắt làm tù binh của đế chế Xô Viết. Havel bị bỏ tù từ năm 1979 đến năm 1984, đấy là giai đoạn hình thành những bức thư gửi cho bà Olga, vợ ông. Những bức thư này sau đó đã trở thành một phần cuốn sách nổi tiếng nhất của ông. Ông còn bị giam cầm và thẩm vấn nhiều ngày nữa. Tuy sau đó đã được thả, nhưng mỗi bước đi, mỗi người khách, mỗi bức thư và mỗi cuộc điện thoại, mỗi lời nói của ông đều bị cơ quan StB (Státní bezpečnost – cơ quan an ninh Tiệp Khắc) của các ông trùm cộng sản Tiệp Khắc theo dõi sát sao.

Lần đi tù cuối cùng của ông chấm dứt trong những hoàn cảnh hạnh phúc hơn. Trong tất cả các nước thuộc khối Warsaw, chế độ cộng sản lần lượt sụp đổ. Bạn bè và đồng minh của ông trong phong trào Đoàn kết ở Ba Lan sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với những kẻ từng ngược đãi mình. Trong lần nghị án để có thể tạm tha ông vào tháng tư, các nhà báo, các nhà ngoại giao và bạn bè ông (họ thường đóng hai, thậm chí ba vai cùng một lúc) trong phòng xử thấy các quan chức nhà tù long trọng chưng ra bằng chứng về tư cách tốt của tù nhân. Họ không nói đến chuyện phục hồi, nhưng ông đã không vi phạm bất cứ qui định nào của trại giam. Ông chỉ ngồi im, mỉm cười và nháy mắt. Buổi chiều hôm đó – trong căn hộ sang trọng sát bờ sông của ông – đã biến thành ngày lễ thực sự. Nhiều người có mặt hôm đó đã phải chịu đựng sự ngược đãi của chế độ trong suốt 20 năm qua: có người phải đi làm đầy tớ. Một số khác thì gia đình tan vỡ hay con cái bị mất tương lai (StB thường đe dọa tương lai con cái nhằm khuất phục những kẻ cứng đầu). Lòng dũng cảm và kháng cự, sự háo hức chờ đợi chiến thắng đang cận kề, hiện diện khắp nơi. Có thể chế độ không biết điều đó, nhưng nạn nhân của nó thì biết: thời của những lão già với những bộ mặt nhăn nhó đang được tính từng ngày.

Trên thực tế, Havel đã trở thành lãnh tụ của phong trào bất đồng ý kiến Tiệp Khắc, nhưng đấy không phải là vai trò làm ông thích thú. Ông không chịu được những cuộc điện thoại từ các tòa soạn báo và đài phát thanh và thường lui về nhà nghỉ của ông ở vùng quê cho yên tĩnh và thanh thản. Ông ghi danh sách những cuộc hẹn gặp vào một mảnh giấy nhỏ, đôi khi ông còn cử người bạn gần gũi nhất của mình là ông Zdeněk Urbánek, một người khéo léo và có vốn tiếng Anh đủ sức làm nản chí ngay cả những nhóm phóng viên truyền hình cao ngạo nhất (nhiều người tự tiện đến mà không hề báo trước, họ muốn phỏng vấn “lãnh tụ đối lập ngay tại trận” mà không thèm biết ông có đồng ý và có thấy thoải mái hay không). Havel thường nói rằng ông là nhà soạn kịch chứ không phải chính khách. Ước muốn duy nhất của ông là có một hệ thống chính trị, trong đó ông có thể làm công việc mà ông thích thú.

Nhưng những sự kiện sau đó đã buộc ông phải từ bỏ thái độ khiêm nhường đó. Sau khi cảnh sát đàn áp dã man cuộc biểu tình của sinh viên vào ngày 17 tháng 11 năm 1989, Havel và bạn bè ông thành lập Diễn đàn nhân dân – đây là tổ chức không có lãnh tụ và dứt khoát không ngả về đảng phái nào.

Nhưng số người biểu tình chiếm giữ quảng trường Wenceslas càng ngày càng gia tăng, họ lại đang cần lãnh tụ. Khi chế độ bắt đầu đàm phán với Diễn đàn công dân và khi một số người, cả trong đảng lẫn chính phủ, bắt đầu mất chức thì cũng là lúc khẩu hiệu “Havel na Hrad” (Đưa Havel vào Lâu đài) bắt đầu xuất hiện trên đường phố. Tháng 12 ông miễn cưỡng ứng cử tổng thống (với mục đích ngăn chặn những cố gắng đưa kiến trúc sư của Mùa xuân Praha, ông Alexander Dubček, ra ứng cử). Một số người Ba Lan còn định tham gia vào chiến dịch này với khẩu hiệu “Havel na Wawel”. Nếu dân Tiệp Khắc không muốn ông làm tổng thống thì họ sẽ phong ông làm vua của Ba Lan, tức là ông sẽ lên ngôi trong lâu đài Wawel ở Cracow.

Havel đã làm cho những người nghĩ rằng ông là dân nghiệp dư, không phù hợp với chức vụ tổng thống, phải bối rối. Ông bước nhanh qua hành lang Lâu đài Praha và dùng lòng nhân đạo và khả năng hài hước của mình để tống khứ bóng ma của những kẻ tiếm quyền cộng sản. Lời kêu gọi gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp năm mới 1989 và 1990 là những luận văn rất hay và cảm động. Trong những lời kêu gọi – sau này trở thành biểu tượng của cách tiếp cận chính trị của ông – Havel khẳng định rằng ông sẵn sàng giúp đỡ những người đồng chí hướng và đang chịu đau khổ ở nước ngoài. Khi nước Lithuania đang đấu tranh để biến tuyên ngôn độc lập khỏi sự chiếm đóng của Liên Xô thành sự thật, ông đã mời lãnh tụ nước này là ông Vytautas Landsbergis tới Praha. Ông đã vượt qua được thái độ bài Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã và chủ nghĩa thế tục của một số người Czechs – những người vẫn coi phong trào phản-Cải cách và đặc quyền của giới tăng lữ như thể chuyện vừa mới xảy ra hôm qua – và mời Giáo hoàng tới Praha. Ông là bạn thân của Dalai Lama – Dalai Lama gần như là người đầu tiên đến thăm sau khi Havel trở thành tổng thống và cũng là khách trong những ngày cuối đời của ông. Một số người từng khuyên ông tỏ tình hữu nghị với nước Trung Quốc đầy quyền lực, nhưng đối với Havel nguyên tắc là nguyên tắc. Từng là những người bị chiếm đóng, người Czechs không thể quên được hoàn cảnh khốn khổ của người Tây Tạng, người Uighurs, người Bạch Nga và người Cuba.

Những bóng ma khác của quá khứ cũng bị Havel tống khứ: ông thiết lập quan hệ ngoại giao nồng ấm với Israel và hợp tác toàn diện với chính phủ nước ngoài nhằm tìm ra những tên khủng bố Arab đã từng được huấn luyện ở Tiệp Khắc thời cộng sản. Ông khẳng định phải có quan hệ hữu hảo với Đức – lúc đó nhiều người Czechs và Slovaks còn coi Đức là hiểm họa và sợ rằng Đức vẫn chưa quên và không tha thứ cho sự kiện là sau năm 1945 Tiệp Khắc đã xua đuổi người của họ ra khỏi vùng Sudete và những nơi khác. Ông đã tiếp Richard von Weizsäcker (Tổng thống Đức từ năm 1984 đến năm 1994 – ND) tại lâu đài Praha. Họ đã kí một bản tuyên bố chung với những lời lẽ rất thận trọng (nhờ sự mềm dẻo của ngữ pháp Tiệp), nhằm làm giảm những mối bất hòa của người Đức và người Tiệp về nhiều vấn đề lịch sử.

Ông không thể giữ được Tiệp Khắc vì các chính trị gia đầy tham vọng ở Praha và Bratislava tin rằng họ có nhiều cơ hội thăng tiến khi quốc gia này bị phân chia thành những nước nhỏ bé hơn. Nhưng ông trở lại làm tổng thống Cộng hòa Tiệp trong cuộc bầu cử vào năm 1993 và năm 1998. Ông đã dẫn dắt đất nước vào Liên minh châu Âu và khối NATO. Ông thường nói rằng mục tiêu lớn nhất của ông là làm cho đồng bào mình có thể hưởng thụ cuộc sống không bị chính trị quấy rầy. Nhưng đấy chỉ là một trong những thành tựu của ông mà thôi. Ông còn là một kịch tác gia, một người viết tiểu luận và một triết gia nổi tiếng nữa, tiếng tăm của ông vượt ra ngoài biên giới của một “nước châu Âu nhỏ bé và chán ngắt”. Sự trở về với tự do của đất nước mình đã được ông dự báo từ trước bằng cả trái tim yêu thương của mình.

E. L.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn