Tuổi Trẻ… già và thất học?

Hiệu Minh

clip_image001

Quay lưng với đồng loại.

Thấy nhiều bác trong blog cũng cao tuổi, HM Blog xin chép mấy  lời khuyên nhằm giữ gìn sức khỏe như sau:

Không nên tập luyện vào lúc sáng sớm, đang ngủ không nên trở dậy vội vàng, không nên ngoái đầu một cách đột ngột , không nên đứng co một chân để mặc quần, không nên quá ngửa cổ về phía sau, không nên thắt dây lưng quá chặt, khi đi đại tiện không nên rặn quá mức, không nên xúc động.

Đặc biệt, không nên nói nhanh, nói nhiều. Một số nhà khoa học Mỹ phát hiện khi nói chuyện bình thường, dù chỉ là chuyện vui nhẹ nhàng, các tế bào trong cơ thể vẫn chịu tác động và ảnh hưởng tới huyết áp.

Thử nghiệm khoa học với 100 người mỗi người đọc to 2 trang tài liệu với tốc độ nhanh chậm khác nhau. Kết quả cho thấy người đọc tốc độ vừa phải thì huyết áp, nhịp tim bình thường.

Người đọc nhanh quá, đọc liến thoắng thì lập tức huyết áp tăng, nhịp tim tăng nhưng khi đọc thong thả trở lại, huyết áp, nhịp tim lại giảm xuống.

Qua đó ta thấy người già nên nói ít, nói chậm thì có lợi cho sức khỏe. Những cụ nào bị bệnh tim mạch, bị huyết áp càng phải nói chậm, nói ít.

Chuyện sứ giả “thất học” đời Tống

Lang thang trên mạng thấy có câu chuyện hay hay về ngoại giao đời Bắc Tống (960-1279) của xứ Tầu. Đây là thời hoàng kim, nhà Tống đã thống nhất Trung Quốc trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc (5 dynasties and 10 countries), quốc gia đầu tiên phát hành tiền giấy, dùng thuốc súng cũng như la bàn, có hải quân hùng mạnh.

clip_image002

Bắc Tống năm 1111. Ảnh: Wiki.

Vua Tống muốn thống nhất Trung Quốc đang bị chia năm xẻ bẩy nên tìm kế chinh phục các nước nhỏ, hoặc tấn công tiêu diệt, hoặc hòa hoãn và tìm cách lật đổ.

Một lần nước Nam Tống gửi sứ giả đến triều cống Bắc Tống. Nghe nói vị sứ giả này ăn nói rất giỏi, tinh thông kinh sử và khó ai bì kịp.

Theo phép bang giao lúc đó thì Bắc Tống phải cử một người cũng giỏi tương tự để đi cùng đi với vị sứ giả kia. Đã nghe tên của người này, nhiều quan trong triều không muốn nhận việc khó khăn đó.

Tin này đến tai vua Tống. Ông nói “Hãy để trẫm dàn xếp”. Nói rồi vua ra lệnh tìm cho 10 lính mù chữ và ông chọn ngẫu nhiên một  người.

Vua phán “từ nay ngươi làm sứ giả cho Bắc Tống và đi cùng với sứ Nam Tống thăm thú đất nước”.

Quan trong triều rất lạ, tại sao để một người một chữ bẻ đôi không biết đi với sứ giả văn hay chữ tốt xứ Nam Tống. Vốn sợ vua nên không ai dám hỏi hay bình luận gì.

Khi vị sứ giả xứ Nam Tống nhìn thấy “sứ giả” của Bắc Tống liền thao thao bất tuyệt, trên trời dưới biển, khoe khoang hiểu biết về thơ văn. Rồi ông ta lên án nhà Tống đem quân do thám, phá hoại láng giềng. Sứ giả còn khoe những vũ khí tối tân để đe nẹt xứ Bắc Tống, đừng có dã tâm xâm chiếm.

Thấy “sứ giả lính” kia không nói gì, vị khách chắc mẩm là đã làm nhục được chủ nhà vì kiến thức sâu rộng của mình. Nhưng sau vài ngày thì ông ta hiểu đang nói với cái bức vách vì tay lính kia có biết gì mà nói, y không gật mà cũng chẳng lắc. Khi hiểu ra sự thực, sứ giả Nam Tống tịt ngòi nổ.

Thật ra, xứ Bắc Tống thời đó thiếu gì người tài, có thể đối đáp với sứ giả Nam Tống. Nhưng nhà vua đã đưa một kế đơn giản, dùng kẻ mù chữ “nói chuyện” với người uyên thâm. Tri thức bằng trời cũng phải chịu thua.

Tuổi Trẻ…già và thất học?

Gần đây nghe chuyện phóng viên Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ bị bắt vì những phóng sự về tiêu cực trong cảnh sát giao thông. Anh rơi vào bẫy đưa hối lộ do chính anh cài.

Đã bắt rồi thì đúng sai để tòa xử. Xử sai thì mang tiếng là tòa Kangaroo, án lệ hay còn gọi phiên toà bỏ túi. Xử đúng thì dân tin Đảng, tin Nhà nước, tin lãnh đạo. Trong thời hội nhập, mọi hành xử của quốc gia đều được quốc tế ghi sổ. Kẻ đốt đền Erostrad đã nói, mất lòng tin là mất hết.

clip_image003

Hoàng Khương bị bắt. Ảnh: internet

Điều muốn nói ở đây chính là trách nhiệm của tờ báo Tuổi Trẻ đối với nhân viên của mình. Một phóng viên có 50 bài chống tiêu cực trong cảnh sát giao thông, tòa soạn kiếm bao nhiêu tiền vì bán báo và quảng cáo.

Ít nhất lãnh đạo Tuổi Trẻ phải họp báo chính thức công bố ý kiến của tòa soạn về vụ Hoàng Khương. Chính kiến của người cầm bút trước công luận, nhất là vị Tổng Biên tập là vô cùng quan trọng.

Thế mà khi Hoàng Khương rơi vào vòng lao lý thì Tuổi Trẻ im lặng.

Hẳn nhiều người còn nhớ vụ PMU18, mấy nhà báo bị bắt. Tuổi Trẻ, Thanh Niên đã mạnh mẽ bảo vệ cán bộ của mình “Quá sức ngỡ ngàng và phẫn nộ”; “Sao lại giết “Lục Vân Tiên”?; “Đừng để lòng tin bị sói mòn”; “Công lý bị nhạo báng”.

Tờ Thanh Niên chạy một tít lớn kín trang  đầu “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”.

Khi đó, những nhà báo ngồi trước vành móng ngựa đó vẫn còn tin vào đồng nghiệp thân yêu, hàng trăm ngàn bạn đọc trung thành đứng phía sau.

Nhưng lần này đã khác. Báo Tuổi Trẻ im lặng. 700 tờ báo còn lại cũng im lặng. Chỉ có bạn đọc, giới bloggers là ngỡ ngàng.

Tòa soạn không thể không nhớ bài học của Bùi Thanh, vì những năm tháng ấy mà hôm nay Tuổi Trẻ trở thành…già nua và chậm chạp.

Ra đời năm 1975, hơn 30 tuổi đang xoan, chưa đến mức Tuổi Trẻ phải thuộc lòng những lời khuyên cho các cụ, ít nói vì sợ áp huyết cao và bệnh tim mạch có thể gây đột tử.

Cũng không ai so sánh báo Tuổi Trẻ với “người lính mù chữ – sứ giả” của Bắc Tống thời xưa.

Vì chả lẽ trong thế kỷ 21 này, phần thắng lại thuộc về kẻ thất học như cách đây hàng ngàn năm.

HM. 3-1-2012

Nguồn: hieuminh.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn