Nghĩ về cái chết của ông Gadhafi

Phạm Hy Sơn

image Một người có tài, nhiều tham vọng, cai trị đất nước Lybia 42 năm, quyền lực nằm trong tay thân thuộc và 7 người con trai, tài sản hàng chục và có thể cả hàng trăm tỷ.

Quyền hành như thế, giàu có như thế sao lại rơi vào tình trạng phải bôn tẩu, bị truy kích, bị bắn trọng thương, bị bắt và bị giết chết ít phút sau đó vào sáng 20 tháng 10 năm 2011?

Như tất cả những nhà độc tài khác ở châu Phi, châu Á, ông Gadhafi cai trị đất nước ông bằng thủ đoạn và sự tàn ác. Thủ đoạn để dối gạt người dân và khi không dối gạt được nữa thì đàn áp, bắt bớ, bắn giết dã man. Sau khi lật đổ vua Idris (1969 ) ông thiết lập chế độ dân chủ với chủ thuyết “Jamahiriya” tức “Nhà nước của nhân dân” được long trọng ghi vào “Sách Xanh”, tức “Tuyển tập giáo huấn” được đúc thành tượng, bắt toàn dân học tập như sách thánh, một loại Mao Tuyển bên Tàu. Tiền bạc thu được từ dầu lửa ông trợ cấp y tế, giáo dục, giao thông, nhà ở… cho dân chúng giống hệt những nước theo xã hội chủ nghĩa của khối cộng sản Liên Xô thời đó. Để lấy lòng người dân đa số theo đạo Hồi, ông cho áp dụng những tín điều ghi trong kinh Coran: cấm cờ bạc, rượu chè, cấm phim ảnh, cấm báo chí, sách vở không “lành mạnh” và nhân đó kiểm soát gắt gao báo chí, sách vở chống đối chính quyền, đồng thời ông củng cố quyền hành cá nhân và phe nhóm, bắt bớ, giết chóc những người chống đối trong nước, ám sát những người Lybia đối lập sống lưu vong ở nước ngoài.

Người ta ước tính trong 42 năm ông cầm quyền, số người chống đối chế độ Gadhafi bị giết khoảng 20 ngàn. Năm 2011, khi dân chúng bắt đầu biểu tình chống đối có khoảng 52 ngàn người ở trong nhà tù, phần lớn là tù chính trị. Tính ra tỷ lệ độ 100 người thì có 1 người đi tù. Cuộc tàn sát khủng khiếp nhất xảy ra năm 1996 tại nhà tù Abu Salim giết hơn 1.000 tù nhân và đây là một cái nhân ác nghiệt ông gây ra và phải trả giá rất đắt 15 năm sau.

Thân thiện với khối Liên Xô để có hậu thuẫn chống lại Mỹ và các nước phương Tây. Ông tổ chức những cuộc khủng bố giết người dân vô tội. Năm 1988, tháng 12 ông cho gài bom làm máy bay Mỹ nổ rớt ở Lockerbie thuộc Ái Nhĩ Lan giết chết 270 hành khách. Ngoài ra, ông bỏ ngỏ biên giới để người Phi Châu có con đường thông qua Lybia tràn vào Ý và Âu châu làm những nước này phải điều đình và nộp nhiều trăm triệu dollars mỗi năm ông mới đóng bớt cửa biên giới để giảm di dân. Tuy nhiên ông cũng biết mềm mỏng khi bị máy bay Mỹ oanh tạc Tripoli làm ông suýt chết. Nhất là khi khối Liên Xô tan rã, khi Mỹ đem quân đánh Irak năm 2002 ông ra tuyên bố đứng về phía Tây phương chống khủng bố.

Làm hòa với kẻ thù cũ bên ngoài để giữ vững chế độ nhưng đối với dân chúng trong nước, bàn tay khắc nghiệt của ông càng ngày càng thắt chặt và tàn bạo. Quyền hành tập trung vào gia đình ông: em rể là Abdullah al-Sanussi nắm ngành mật vụ; con trai là Saif al-Islam, người được coi như kế vị ông, làm Tư lệnh Lữ đoàn bảo vệ Khamis; Mutassim (con trai) làm cố vấn an-ninh… mặc tình tung hoành, thu vét và phung phí của cải, bắt bớ, tàn sát dân chúng.

Nhưng nhìn chung, cái được của ông là mở rộng giáo dục, tỷ lệ người biết chữ ở Lybia cao nhất trong vùng bắc Phi, tới 88% biết đọc biết viết, mở rộng giao thông và phát triển đô thị nên dân chúng tập trung về thành phố làm giảm đi đầu óc bộ lạc và tiến gần đến tinh thần quốc gia. Dầu hỏa được thu hồi về cho Lybia, không bị ngoại quốc thao túng như dưới thời quân chủ Idris.

Tuy thế, cái công không chuộc được cái tội vì cái tội quá lớn. Với dân số 6 triệu, diện tích 1 triệu 770 ngàn cây số vuông, lợi tức đầu người trung bình 12.020 đô la/năm, trong đó có hơn 5.000 đô la thu được từ dầu lửa, ông phân phối cho người dân qua nhà ở, bệnh viện, thuốc men, xe cộ đi lại miễn phí… song các nhà thầu xây cất, các cơ sở phụ trách giao thông, các nhà nhập cảng thuốc men, thực phẩm… lại là những đầu nậu chân tay hoặc người trong gia đình ông. Vì vậy, dù lợi tức bình quân 1 người là 1.000 đô la/tháng (gấp mấy lần Việt Nam và Trung Hoa), nhưng 1/3 dân số Lybia sống trong cảnh nghèo đói, hơn 30% dân số thất nghiệp trong khi tài sản của ông, theo tờ Daily Telegraph, riêng ở Anh đã có 32 tỷ đô la và 1 tòa nhà trị giá 15 triệu đô la, ở Áo có 1,2 tỷ euro; con trai ông có trương mục ở Áo 2 triệu đô la. Người ta phỏng đoán tài sản của gia đình ông trên khắp thế giới có thể lên tới 168 tỷ đô la hay hơn thế nữa. Lương chính thức của ông mỗi năm bao nhiêu mà tài sản của ông nhiều đến thế? Còn tài sản của tay chân, họ hàng bà con ông nữa tổng cộng là bao nhiêu trăm tỷ, ngàn tỷ?

Chính sự lạm dụng quyền hành, tàn bạo, lũng đoạn kinh tế và bòn vét tài nguyên quốc gia của gia đình ông và phe cánh làm cho người dân kiệt quệ, nghèo đói, bất mãn.

Việc bắt Luật sư Fathi Terbil trong Hội Gia đình Hồi giáo Phi Châu đại diện cho hơn 1.000 gia đình có người thân bị giết ở nhà tù Abu Salim năm 1996 là mồi lửa châm ngòi cho cuộc cách mạng Lybia kết thúc cuộc đời ông. Hơn 2.000 người xuống đường biểu tình phản đối ở Benghazi tối 15-2-2011. Cảnh sát dùng hơi ngạt, giáo mác và vòi rồng trấn áp làm nhiều người bị thương.

Ly nước đã đầy tràn, dân chúng không còn sợ đàn áp. Ngày 17-2-2011 những cuộc biểu tình cho “Ngày thịnh nộ” lan rộng tại nhiều thành phố, chính quyền đàn áp làm 6 người chết, 5 thanh niên bị đem ra hành quyết vì tội “phản quốc”. Dân chúng càng căm tức, liên tục nổi lên khắp nơi, nhất là ở vùng quê vì bị nghèo đói. Chỉ tính ở Benghazi cho đến ngày 18-2 chỉ sau một ngày, đã có 85 người chết. Chủ nhật 20-2, khi đám tang những người biểu tình bị giết đi ngang qua khu vực an ninh đã bị quân lính dúng súng máy, súng cối và hỏa tiễn tấn công làm thêm 45 người chết và 900 người bị thương. Dân chúng Benghazi liền nổi lên cướp chính quyền, dân quân địa phương nổi loạn theo dân chúng, chỉ còn các doanh trại quân đội và cảnh sát là thuộc chính phủ. Các thành phố ở phía Đông như al-Bayd, Demal, Misrata cũng nổi dậy chống Gadhafi. Hôm sau, 21-2 cuộc cách mạng tiến đến thủ đô Tripoli, Sảnh đường Nhân dân bị đốt cháy, Đài truyền hình và phát thanh bị đập phá. Ngày 25-2, sau khi cầu nguyện xong trong nhà thờ, dân chúng Tripoli tỏa ra biểu tình đã bị chính quyền Gadhafi ra lệnh tấn công bằng hỏa lực mạnh giết chết cả ngàn người.

Với hành động tàn bạo này, số phận của ông đã được định đoạt: Hơn 30 tướng lãnh, sĩ quan cao cấp rời khỏi chế độ và đứng về phía dân chúng, quân đội rã hàng ngũ theo cách mạng. Bảy Lữ đoàn bảo vệ ông ở Tripoli chỉ còn 6. Đại sứ Lybia tại Ấn Độ, Liên đoàn Ả Rập từ chức, nhà ngoại giao sứ quán Lybia tại Bắc Kinh, Hussein Sadig al-Mousrat, kêu gọi đồng nghiệp đồng loạt từ chức. Đại sứ Lybia tại Liên Hiệp Quốc tố cáo chính quyền trong nước, Hội đồng Bảo an soạn thảo nghị quyết trừng phạt, 15 chiến hạm của Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ý, Hà Lan, Anh, Pháp trực chỉ tiến vào bờ biển Lybia…

Cuộc nội chiến bùng nổ với sự yểm trợ của NATO cho quân cách mạng kết thúc ngày 20-10-2011 và cũng là ngày kết thúc chế độ độc tài gia đình trị của ông, kết thúc cuộc đời ông sau 42 năm làm mưa làm gió thống trị đất nước Lybia.

Đáng tiếc cho ông, vì quen đầu óc thống trị, đàn áp và lòng tham lam cực độ đã làm ông mất sáng suốt trước sức mạnh của dân chúng khi đã phẫn uất đến cùng cực.

Cuộc “Cách mạng Hoa Lài” hay “Mùa xuân Ả Rập” khởi sự ở Tunusia ngày 4-1-2011. Tổng thống Ben Ali (trị vì 24 năm) ra lệnh đàn áp dã man nhưng không làm dân chúng sờn lòng đã bỏ trốn sang Ả Rập Saudi ngày 14-1-2011. Tổng thống Mubarak của Ai Cập cũng phải từ chức trước sự phẫn nộ của dân chúng ngày 11-2-2011. Tiểu vương Bahrain, Quốc vương Jordani, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore và ngay cả những kẻ độc tài khét tiếng như Tướng Than Shwe, cầm đầu tập đoàn quân phiệt của Miến Điện… cũng vội vã rời khỏi chính quyền hay sửa đổi trước sự đòi hỏi của dân chúng.

Riêng Lybia vì sự tham quyền cố vị của ông Gadhafi đã phải trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài 8 tháng với bao nhiêu tàn phá và chết chóc cho dân chúng cũng như cái chết bi thảm của ông và các con ông.

*

* *

Đức khoan dung của Thượng Đế bao la như lòng biển cả, vốn dung nạp tất cả thứ tốt cũng như những thứ xấu trên trần gian trôi giạt về. Nguyện cầu linh hồn ông được tha thứ và ngàn thu an nghỉ vì dù sao cái chết đột ngột, đáng thương của ông cũng là cái gương rất lớn cho những chế độ, những kẻ độc tài còn sót lại ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ để may ra họ biết sớm sửa đổi, trả lại chủ quyền chính đáng cho người dân nhằm tránh những cảnh chết chóc, tang thương không cần thiết và không thể nào tránh được.

P.H.S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn