Mỗi ngày một câu chuyện đau lòng và… rùng rợn

(Ý tưởng đặt tựa được lấy từ chuyên mục: “Mỗi ngày một câu chuyển bổ ích và lý thú” của đài VOV)

Minh Thọ

Ngày 2/8/2011:

Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, chiều ngày 2/8/2011, tại Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh nội địa kiêm Giám đốc Công an TP Hà Nội, đã trả lời báo chí về đoạn video clip trên mạng internet mà dư luận cho là một công an mặc thường phục đã liên tiếp đạp vào mặt một người dân đang bị 4 công an khác, mỗi người một chân, một tay khiêng lên xe buýt.

clip_image002

Hình: Error! Hyperlink reference not valid.

clip_image003

“Công an Nhân dân” Phạm Hải Minh (áo vàng) – kẻ đạp vào mặt, mồm người dân yêu nước

Sở dĩ cho đến hôm nay tôi mới lên tiếng về vụ việc này vì 2 lý do: Thứ nhất, tôi cố gắng dành thời gian để đi tìm kiếm những lý lẽ nhằm biện minh cho hành động dã man: thẳng chân đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức - một người Dân yêu nước - của người “Công an Nhân dân” kia. Thế nhưng tôi đã thất bại tuyệt đối trong cuộc tìm kiếm ấy, bởi dù chỉ là những lý lẽ ngụy biện tôi cũng không thể tìm được. Thứ hai, Công an TP Hà Nội kết luận: việc bốn cảnh sát khiêng anh Nguyễn Chí Đức lên xe buýt ngày 17-7 đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Hà Nội xác minh là có thật. Tuy nhiên, người đạp vào mặt Dân - Đại úy Phạm Hải Minh, Công an quận Hoàn Kiếm, người mặc thường phục, xuất hiện trong clip với hình ảnh đạp vào mặt người đang được khiêng lên xe - thì tường trình rằng: lúc đó đang giơ chân bước xuống chứ không phải là đạp vào mặt anh Đức.

Điều đặc biệt là Công an Hà Nội thông báo: trong bản tường trình với cơ quan điều tra, anh Đức nói chỉ bị xô đẩy, không bị đánh, không bị thương tích…

Trước hết, tôi muốn bàn về tường trình của viên “Công an Nhân dân”: “…lúc đó đang giơ chân bước xuống chứ không phải là đạp vào mặt anh Đức...”. Đây là sự giải thích coi thường dư luận, coi thường người dân. Vì sự giải thích này chỉ có thể dành cho đứa trẻ lên 3, theo kiểu giải thích cho qua chuyện để đứa trẻ đừng hỏi gì thêm nữa cho đỡ phải trả lời, mệt. Đây không phải là ảnh chụp (nếu là ảnh chụp có thể còn bán tín, bán nghi về sử dụng kỹ thuật photoshop để ghép hình), mà đây là đoạn video clip không rõ lắm nhưng cũng đủ để cho người xem nhận dạng một con người cụ thể nào đó (chính là Đại úy Minh). Tôi quan sát đoạn video clip thì thấy người mặc thường phục (sau này mới biết là một “Công an Nhân dân” tên Minh) đứng ở cửa xe buýt đạp liên tục vào mặt, vào mồm anh Đức thì sao lại có thể nói là “đang giơ chân bước xuống” được (?!). Anh Đức đã bị 4 “Công an Nhân dân” khác căng tay, căng chân khiêng đến cửa xe buýt rồi mà Đại úy Minh còn giơ chân bước xuống? Không lẽ viên “Công an Nhân dân” này bị khiếm thị?

Và “chiêu bài” thường dùng của “Công an Nhân dân”: “…trong bản tường trình với cơ quan điều tra, anh Đức nói chỉ bị xô đẩy, không bị đánh, không bị thương tích…” đã bị Nhân dân (anh Đức) lật tẩy. Trả lời báo chí nước ngoài, anh Đức hết sức bức xúc: “Tôi đã bị "khống chế như con lợn... Mấy đồng chí công an còn đạp tổng cộng 4 phát, trong đó có 2 phát được ăn "bánh giầy" vào mồm, 1 phát trượt qua cổ và 1 phát vào ngực…".

Vậy đâu là sự thật???

Ngày 3/8/2011:

TNO ngày 3/8/2011 cho biết, theo đơn tố cáo của anh Nguyễn Trường Vũ (29 tuổi, ở P. Lộc Thọ, TP Nha Trang): tối 26/7, anh Vũ và anh Trương Trí Bình (31 tuổi, cùng hành nghề xe ôm) đang đậu xe đón khách tại 66 Trần Phú, TP Nha Trang, thì bị cảnh sát hình sự Lang Thành Dũng đưa về trụ sở Công an TP Nha Trang. Tại đây, mỗi người ở một phòng riêng và bị còng tay. Sau đó, ông Dũng và một người tên Hiền thay nhau đánh đập, bắt anh Vũ khai nhận đã lấy tiền của một du khách. Anh Vũ nói không biết, thì họ tiếp tục đánh cho đến khi anh ngất. Đến gần 2 giờ sáng 27/7, một người tên Phương đến tháo còng tay và thả anh Vũ về. Sau đó, gia đình đưa Vũ vào bệnh viện. Anh Trương Trí Bình nói: “Họ tình nghi chúng tôi lấy tiền của một du khách, nên đã đánh đập, bắt phải khai nhận. Do tôi ốm yếu nên bị đánh ít hơn anh Vũ. Đến gần 2 giờ sáng, một cán bộ điều tra mở còng tay, cho tôi về nhà”…

clip_image004

Anh Vũ nhập viện. Ảnh: TNO

clip_image005

 

Mẹ Trung úy Dũng (phải) trong cuộc gặp xin lỗi mẹ nạn nhân Vũ. Ảnh: TNO

Được biết, lãnh đạo Công an TP Nha Trang đã yêu cầu Trung úy Dũng làm tường trình về vụ việc nêu trên. Viện KSND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có giấy mời anh Nguyễn Trường Vũ làm việc theo đơn tố cáo.

Cũng theo TNO, ngày 29/11/2010, bà Trần Thị Lan (41 tuổi) bị bắt khẩn cấp về hành vi trộm cắp tài sản. Đêm hôm sau, bà Lan được đưa từ nơi tạm giam vào bệnh viện cấp cứu, trên người có nhiều vết bầm tím. Theo kết quả điều tra, trong thời gian bà Lan bị tạm giam, hai điều tra viên Quyết và Tuấn đã dùng nhục hình đối với bà. Cục Điều tra - Viện KSND tối cao đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố tội “dùng nhục hình” đối với Nguyễn Đình Quyết và Trần Bá Tuấn - hai điều tra viên của Công an TP Nha Trang.

Ngày 4/8/2011:

clip_image006

Ông Cù Huy Hà Vũ (áo trắng) tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2/8. Ảnh:bbc.co.uk/Vietnamese

Tối ngày 4/8/2011 (cách một ngày sau phiên xử phúc thẩm vụ Cù Huy Hà Vũ), Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) đã dành khoảng 15 phút cho phóng sự có tên “Sự thật về hành vi vi phạm của Cù Huy Hà Vũ”.

Trong phóng sự của VTV1 có hai vị là công dân của phường Điện Biên, nơi ông Vũ cư ngụ, được mời phỏng vấn có khen phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ là“phiên tòa đã diễn ra rất công khai, dân chủ, bình đẳng và đúng người, đúng tội. CHHV đã đi ngược lại quyền lợi của Tổ quốc, Nhân dân mà bao nhiêu con người hy sinh xương máu mới có được…”. Điều đặc biệt làm tôi ngạc nhiên, những người được phỏng vấn lại đi bới móc đời tư của Cù Huy Hà Vũ, trong đó có ông Chủ tịch phường Điện Biên còn nhận xét cả việc Cù Huy Hà Vũ “quan hệ với họ hàng, gia tộc, nhất là quan hệ với anh em cũng không được tốt”.

Ô hay! Tại sao VTV1 và những nhân vật trong phóng sự lại không bàn về lý lẽ pháp lý của cơ quan tố tụng kết tội Cù Huy Hà Vũ một cách thuyết phục để người dân hiểu vụ việc một cách thấu đáo mà lại đi lôi đời tư của ông Vũ ra để làm nhục là sao? Đây là không phải cách làm của người chính trực, quân tử. Chỉ có một cách làm duy nhất để người dân tin ông Vũ có tội, đó là đưa ra lý lẽ thuyết phục trên cơ sở hiến pháp và pháp luật để chứng minh cơ quan tố tụng đã truy tố và xét xử Cù Huy Hà Vũ là đúng người, đúng tội. Không thể nói một cách chung chung: “dựa trên các chứng cứ cơ quan điều tra đã thu thập được, tòa tuyên Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù giam và 3 năm quản chế là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Nói như thế không ai tin cả.

Ngày 5/8/2011:

Ngày 5/8/2011, Pháp Luật TP HCM Online đưa tin: Trưởng công an thị trấn đánh, còng một học sinh là em Lê Thanh Phát (16 tuổi, học sinh lớp 10). Ông Lê Đa (thôn Đông Khương II, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam), cha đẻ của em Phát đang khiếu nại đến các cơ quan chức năng việc con trai ông bị Trung tá Lê Văn Bốn, Trưởng Công an thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn), còng tay, đánh đập.

Em Lê Thanh Phát kể lại: trưa 19/7, Phát cùng hai người bạn mang một lưỡi cưa đến cổng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu để “làm rõ sự hiểu lầm” với một học sinh khác. Đang đứng trước cổng trường thì Phát làm rơi lưỡi cưa, sau đó rủ nhau về. Đang trên đường về thì công an và dân phòng đuổi theo bắt, còng tay Phát. Sau khi còng tay, Trung tá Bốn nhặt lưỡi cưa vung lên dọa nạt, chém làm đứt gân tay rồi áp giải Phát và người bạn về trụ sở. Đến nơi, Trung tá Bốn dùng gậy cao su đánh vào người, đùi, chân… Sau đó, thấy vết thương ở tay em chảy nhiều máu, ông Bốn chở em đến BV Đa khoa khu vực Quảng Nam khâu.

clip_image008

Phát với vết thương trên tay, phần đùi bị đánh đập thâm tím bằng gậy cao su. Ảnh do gia đình cung cấp

Ông Đa cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, tại trụ sở Công an thị trấn Vĩnh Điện, Trung tá Bốn yêu cầu mẹ của Phát đặt cược 2 triệu đồng mới cho Phát về.

Trao đổi với PV, Trung tá Lê Văn Bốn nói: “Việc đứt gân bàn tay của Phát là do giằng co vây bắt, vô tình gây nên chứ không phải chém. Tôi cũng đã đến thăm hỏi và xin lỗi gia đình”. Theo ông, Phát sử dụng mã tấu (lưỡi cưa được mài dũa - PV) nên mới bị khống chế như trên. Ông cũng thừa nhận việc yêu cầu gia đình Phát đặt cược 2 triệu đồng để bảo lãnh là sai, ông đã trả lại tiền cho gia đình. “Sự việc xảy ra ngoài ý muốn, tôi đã cam đoan trả mọi chi phí nằm viện cho cháu” - ông nói.

Thượng tá Nguyễn Duy Hạnh, Trưởng Công an huyện Điện Bàn, cho biết: “Hồ sơ vụ việc đang được xác minh, thụ lý điều tra. Quan điểm của tôi là sai đến đâu xử đến đó”. Còn Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Điện thông tin: Đảng ủy thị trấn đã yêu cầu ông Bốn làm báo cáo. Khi có kết luận điều tra của công an, thị trấn sẽ xử lý.

Những phát biểu, lời hứa như trên của những người có trách nhiệm chắc hẳn đã quá quen thuộc với người dân, bởi lẽ nó đã trở thành những câu cửa miệng của họ rồi. còn kết quả ư? Hãy đợi đấy!

Giờ đây, mỗi khi nghe ai nhắc đến cụm từ: “Công an Nhân dân” thì lòng tôi lại quặn đau làm sao!

M.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn