Không lãnh đạo

Nguyễn Thanh Tiến

Về những cuộc cách mạng ở Châu Phi

Nếu như thế kỷ 20 là thế kỷ của các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, là thế kỷ của các vị lãnh đạo "vĩ đại" đã đứng lên tập hợp quần chúng, chỉ huy người dân tham gia giải phóng dân tộc, chấm dứt sự đô hộ của các nước đế quốc trên toàn cầu. Thì thế kỷ 21, khi vừa hết được thập kỷ đầu tiên, đã cho thấy nó lại là một thế kỷ của  những cuộc cách mạng. Nhưng khác với tất cả các cuộc cách mạng trước, lần đầu tiên trong lịch sử, con người chứng kiến những cuộc cách mạng mà không có sự tổ chức, lãnh đạo của bất kỳ một đảng phái, hay cá nhân nào, thay vào đó là vai trò của Internet, của các mạng xã hội như Facebook, Tweeter hay Youtube... (mà gọi chung là "thông tin mạng").

Với ai đó đã quá quen thuộc với những cuộc cách mạng phải được chuẩn bị chu đáo (tới hàng chục năm), phải xây dựng lực lượng và phải làm công tác tuyên truyền cho người dân... chắc hẳn sẽ không nhìn nhận những gì vừa xảy ra ở Châu Phi là cách mạng, bởi tính chất gần như là "tự phát" của nó. Bắt đầu từ chuyện chàng sinh viên Mohamed Bouazizi bị cảnh sát Tunisia cướp đi sạp bán trái cây kiếm sống, rồi sau đó chàng trai này tự thiêu để phản đối. Những hình ảnh đó được truyền đi trên Youtube đã khiến một vài người biểu tình phản đối chính quyền, tiếp đó là biểu tình lan rộng ra toàn quốc, dẫn đến chính quyền bị lật đổ. Khi chính quyền Tunisia đã bị lật đổ thì nó lan rộng sang Ai Cập và nhiều nước ở Châu Phi khác... Dường như mọi thứ đều "tự phát" và "vô tổ chức". Thế nên tại Tunisia, Ai Cập, sau khi đã lật đổ thành công các chính phủ độc tài, nhân dân lại phải loay hoay đi tìm người đứng đầu đất nước. Đây là một điều rất "lạ", bởi từ trước tới nay sau mỗi cuộc cách mạng thành công thì người lãnh đạo cách mạng thường nhanh chóng đứng lên nắm chính quyền.

Vậy bằng cách nào mà chỉ một vài hình ảnh được truyền đi trên Internet mà đã mang lại "hậu quả" nặng nề đến như vậy? Tại sao nhân dân các nước Châu Phi lại đồng loạt đứng lên lật đổ chính quyền? Và vai trò của Internet trong những cuộc cách mạng trên như thế nào?  Để trả lời câu hỏi này, theo tôi, ta phải nhắc đến những nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thứ nhất: thông tin mạng đã mang lại quyền tự do ngôn luận nhiều hơn cho người dân. Bởi khác với các hình thức truyền thông  trước đây như báo chí, truyền thanh, truyền hình... nơi mà chỉ một nhóm đối tượng được sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền mới được phép đưa đăng tin. Thì thông tin mạng cho phép tất cả mọi người đều được đăng thông tin mà không phải xin phép của ai, không cần phải có thẻ nhà báo, cũng không cần các thiết bị phát thanh, phát hình đắt tiền phức tạp, mọi người dân đều có thể đưa thông tin lên mạng dưới dạng website, blog, forum, hay các mạng xã hội. Do vậy cùng sự phổ biến của Internet, sự nở rộ của các dịch vụ mạng như web cá nhân, blog và mạng xã hội... thì người cũng được tiếp cận thông tin và thể hiện quan điểm của mình một cách tự do hơn.

Nguyên nhân thứ hai: mặc dù bất kỳ ai có thể đưa bất cứ cái gì lên mạng, và nó hoàn toàn không bị kiểm soát trước khi đưa lên, nhưng không có nghĩa là thông tin mạng không đáng tin cậy. Ví dụ như trên Facebook, nếu anh đăng một bài viết, nó sẽ được đọc bởi các "friends" của anh và nếu bài viết không thú vị nó sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng. Nhưng nếu đấy là một bài viết hay, người đọc xong sẽ "share" bài viết của anh, để những người khác cùng đọc, rồi những khác này thấy hay lại tiếp tục "share" cho người khác nữa... Hoặc nếu chẳng may anh viết sai gì đấy, người đọc cũng nhanh chóng "comments" giúp anh nhận ra cái sai của mình. Có thể nói với phương pháp truyền tin theo kiểu "lan truyền", thông tin mạng đã khiến người dùng phải cùng một lúc đóng nhiều vai trò, vừa là tác giả, vừa là độc giả, cũng đồng thời là một nhà phê bình, một người biên tập. Thế nên sẽ không quá khi nói rằng thông tin mạng có độ tin cậy cao hơn thông tin chính thống, bởi khi một thông tin đã lan truyền phổ biến trên mạng thì về cơ bản nó đã được "xác minh"," kiểm duyệt" bởi rất nhiều người.

Chính vì mọi người tham gia vào thông tin mạng đều là độc giả kiêm nhà biên tập, dẫn đến không thể tồn tại một ông "tổng biên tập" nào có thể đứng ra kiểm soát, "định hướng"  thông tin được. Mà thay vào đó, thông tin sẽ được "định hướng" theo quy luật của tự nhiên, đó là hướng tới sự thật (chân lý). Đối với những chính quyền như Tunisia, Ai Cập, Libi (trước khi bị lật đổ) thì thông tin mạng có tác dụng như những "thế lực thù địch" ngày ngày phơi bày bản chất độc tài, tham nhũng họ. Hình ảnh các vị lãnh tụ như Ben Ali, Mubarak, Gradafi ngày càng kém "vĩ đại" (theo cách mà thông tin chính thống của họ vẫn tuyên truyền), thay vào đó là hình ảnh những ông "vua" với tài khoản có được từ tham nhũng lên tới hàng chục tỷ đô. Người dân thay vì thấy mình được "tự do, hạnh phúc" thì ngày càng ý thức được những gông cùm vô hình đang đè lên người họ. Vì thế, tại đây, một ngày nào đó người dân đứng lên lật đổ chính quyền thì đó là một điều hoàn toàn dễ hiểu.

Nguyên nhân thứ ba: nhờ có thông tin mạng con người có thể kết nối với nhau dễ dàng hơn. Chính vì thế mà trong thời đại thông tin, không cần phải có một tổ chức nào đứng ra "tập hợp lực lượng", những người "đồng chí" vẫn có thể dễ dàng tìm đến với nhau, không cần ai lãnh đạo, họ cũng có thể cùng bàn bạc, cùng quyết định và cùng hành động. Trường hợp cách mạng ở Châu Phi chính là một ví dụ như thế, khi hình ảnh chàng sinh viên Mohamed tự thiêu được phát đi trên Youtube, đã làm nhiều người thể hiện sự bức xúc của họ, sự thể hiện này nhanh chóng được sự hưởng ứng của những người cùng quan điểm, rồi sau đó họ cùng làm nên các cuộc biểu tình, cuộc biểu tình này bản thân nó lại là một sự "tuyên truyền" đến tất cả các tầng lớp trong xã hội buộc những người còn phải tự lựa chọn con đường của mình. Và lựa chọn của người dân các nước Châu Phi đã cho thấy, họ đã "giác ngộ" từ lâu, thế nên không cần ai "chỉ đạo", phần lớn họ đều chọn lựa con đường tiến bộ hơn, đó là con đường cách mạng, lật đổ chế độ độc tài.

Như vậy, thực chất những gì xảy ra ở Châu Phi, mặc dù không có người lãnh đạo nhưng nó hoàn toàn không phải là những cuộc bạo loạn tự phát, mà đó là các cuộc cách mạng dân chủ, đó hệ quả tất yếu của một quá trình lâu dài người dân tích lũy nhận thức về bản chất của chế độ mà mình đang sống.  Đồng thời cuộc cách mạng Châu Phi cũng là hồi chuông cảnh báo về những cuộc cách mạng giành tự do dân chủ sẽ diễn ra trên phạm vi toàn thế giới trong thế kỷ 21.

Tại sao việc ngăn chặn cách mạng dân chủ của các chế đđộc tài đều thất bại?

Trước hết phải khẳng định sự sụp đổ của các chính quyền độc tài là không thể tránh khỏi trong thế kỷ 21 này. Bởi sức mạnh của Internet đã len lỏi vào từng ngõ ngách trên trái đất (trừ tại Triều Tiên, nhưng nước này chắc chắn sẽ không còn khi chính quyền độc tài Trung Quốc bị thay thế), do vậy cuộc cách mạng dân chủ sẽ xảy ra ở các nước độc tài là không thể ngăn chặn.

Đã quá muộn với những nước độc tài để có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của Internet lên quá trình nhận thức của người dân, bởi giờ đây Internet đã là một phần không thể thiếu trong hoạt động hàng ngày của con người.

Mọi hành động nhằm ngăn cản quyền tự do thông tin (như đặt proxy, chặn Facebook, sử dụng hacker...) không hề có tác dụng, mà ngược lại chỉ làm người dân nhanh chóng hơn nhận ra bản chất phi nghĩa của chính quyền.

Việc đe dọa, trấn áp những người dám lên tiếng với mục đích bịt miệng, gây sợ hãi, thì chỉ khiến người dân ngày càng đoàn kết với nhau hơn, mà càng đoàn kết họ càng bớt sợ, thành ra ngày càng nhiều người dám lên tiếng.

Việc quy kết, bắt giữ một vài cá nhân, tổ chức được coi là "thế lực thù địch" hoàn toàn vô tác dụng bởi cuộc cách mạng này không cần có người lãnh đạo, mà nó được xuất phát từ hoạt động bình thường nhất của mỗi người dân đó là "nói thật".

Việc  kiểm soát báo chí, bưng bít thông tin chỉ khiến người dân thêm tò mò, tìm đến với các trang thông tin tự do, không bị kiểm soát.

Rồi cả việc sử dụng chính phương pháp lan truyền của thông tin mạng tung tin, định hướng người dân cũng ngày càng vô dụng, bởi người dân ngày càng biết cách đọc và chọn lọc thông tin.

Thế nên có thể nói các chính quyền độc tài đã hoàn toàn thất bại, tất cả các biện pháp nhằn ngăn chặn cuộc cách mạng của họ chỉ có tác dụng thúc đẩy cuộc cách mạng diễn ra nhanh hơn.

Kết luận

Như vậy có thể khẳng định, dưới sức mạnh của thông tin mạng, thế kỷ 21 sẽ diễn ra làn sóng dân chủ trên phạm vi toàn thế giới, dần xóa bỏ tất cả các nhà nước độc tài, mang lại tự do thực sự cho người dân. Phong trào cách mạng này có thể được coi như sự tiếp nối của phong trào cách mạng dân tộc của thế kỷ 20 và là sự kết thúc thắng lợi của 2 thế kỷ liên tiếp con người đấu tranh giành quyền được sống độc lập, tự do, hạnh phúc (đấu tranh dành độc lập cho dân tộc ở thế kỷ 20, và đấu tranh dành tự do cho con người ở thế kỷ 21).

N.T.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn