Lãnh đạo Minh Trị Duy Tân nói về ngoại giao - Vài suy nghĩ

Lê Văn Tâm, viết từ Nhật Bản

Họ đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết. Trong quá trình hình thành công cuộc đổi mới ấy, họ có nhiều ý kiến khác nhau và có thể nói là khác nhau rất lớn. Nhưng đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết, nên họ không cố chấp, tự đổi mới mình cho thích hợp với nhu cầu của thời cuộc. Saigo và Kido là hai trong Tam kiệt của Minh Trị Duy Tân đã có một thời bất đồng, hay hơn thế nữa. Nhưng vì một nước Nhật mới hùng mạnh, họ đã liên minh với nhau

Nhân đọc được cuốn sách ghi những lời nói của Saigo Takamori, thấy có một đoạn ngắn rất đáng tham khảo, muốn giới thiệu cùng bè bạn. Suy nghĩ miên man thì thấy cần phải ghi thêm hai tiếng nói của hai người nữa: Hồ Chí Minh và Phan Thanh Giản.

Ba tiếng nói

Trước hết, xin nêu lên những câu nói của ba người này, sau đó ghi một vài cảm nghĩ.

- Cách đây khoảng 150 năm, Saigo Takamori - một trong ba lãnh đạo kiệt xuất của Nhật Bản (người Nhật gọi là Tam kiệt) làm nên công cuộc Minh Trị Duy Tân, đã nói:

Nếu không mang tinh thần đường đường chính chính đi theo đường chính nghĩa, dù có bị ngã quị cùng với đất nước cũng không nao núng, thì không thể thực hiện tốt công tác ngoại giao với các nước được. Run sợ trước sự hùng mạnh của họ, hạ mình để chỉ lo cho êm thắm, tùng phục ý chí của họ thì chỉ mua lấy sự khinh rẻ của họ, quan hệ hữu nghị ngược lại sẽ bị đổ bể. Rốt cục bị họ thống trị [1].

- Năm 1946, Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

clip_image002

...

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất quyết không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

- Khoảng năm 1863, Phan Thanh Giản than thở:

Từ ngày đi sứ tới Tây kinh

Thấy việc châu Âu luống giựt mình

Nhắn nhủ đồng bang mau tỉnh dậy

Hết lời năn nỉ chẳng ai tin

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh được đọc trong thời điểm đất nước vừa mới được độc lập chưa đầy 16 tháng, sức lực quân dân còn rất yếu, tổ quốc như ở trạng thái ngàn cân treo sợi tóc. Nếu không phải Hồ Chí Minh, ai có thể cất tiếng nói dõng dạc, hào hùng như thế? Lực lượng quân sự và vật chất rất non yếu, nhưng sĩ khí và khí thế của nhân dân thì cao ngất trời. Sĩ khí và khí thế ấy thể hiện nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam là độc lập và tự do, nên nó là tiền đề cho thắng lợi vẻ vang về sau này.

Sĩ phu Việt Nam thời Phan Thanh Giản

clip_image004

Mộ Phan Thanh Giản ở huyện Ba Tri, Bến Tre

Tùy cách nhìn, có thể nói thế nước Việt Nam yếu kém ở thời điểm “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được phát đi có nguồn gốc từ thời của Phan Thanh Giản. Bài viết này chỉ đề cập đến Phan Thanh Giản ở góc độ là một trí thức, một trong những người có vị trí quan trọng trong chính quyền đương thời, được vua Tự Đức giao cho nhiệm vụ thương thuyết với Pháp về sự mất còn của 6 tỉnh Nam Kỳ. Việc không thành, ông tuyệt thực 17 ngày rồi uống thuốc độc tự tử. Ông được cho là người cương trực, hiếu nghĩa và liêm khiết. Những người cùng thời hoặc gần cùng thời với ông như Võ Duy Ninh, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… đều không giữ được thành, nói rộng hơn là không giữ được nước, và đều tự tử. Không biết cách yêu nước như vậy có hoàn toàn đúng chưa, nhưng họ là những người yêu nước, biết tủi hổ và đã tự xử khi nhiệm vụ không thành. Phan Thanh Giản và những người kể trên cũng trung với vua, không thấy họ bày tỏ điều oán hận hay phê phán vua Tự Đức hay các vua khác.

Còn vua thì sao? Vua Tự Đức được biết là một ông vua siêng năng, chăm lo việc nước, hiếu thảo với mẹ, yêu thơ văn (mặc dù không tránh khỏi một số khuyết điểm khác như vẫn đắm mình trong các hội thơ phú kiểu Trung Hoa, xa hoa trong việc xây lăng tẩm…).

Vậy thì sao không giữ được độc lập, không canh tân được đất nước?

Mỗi triều đại, chịu trách nhiệm với đất nước ngoài nhà vua ra còn phải kể các quần thần và sĩ phu phò tá. Ở giai đoạn của Phan Thanh Giản, có thể nói những trí thức đương thời quanh vua đã mê mải làm quan, lặn hụp trong quan trường, sống cuộc đời quan lại sung túc, bảo thủ hình thái cai trị theo đường mòn không hợp với thời đại. Không phải Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ hay Nguyễn Trường Tộ không thấy cái lớn mạnh của Tây Âu. Nhưng họ bị những người làm quan như vậy bao vây vua để làm vua lờ đi những điều trần, những lời kêu gọi cải cách.

Còn Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ thì chỉ biết điều trần, chỉ biết năn nỉ, chứ không phản đối hay phê phán triều đình. Có lẽ họ không hèn nhát, không sợ những gì xảy đến cho bản thân họ, bởi vì họ đã không sợ chết, họ đã biết tự xử. Họ mắc phải cái lỗi cốt lõi là trung với vua, mà không trung với nước với dân, và vẫn nặng tư tưởng làm quan, mắc lầy trong quan trường.

Sĩ phu Nhật Bản những năm trước Minh Trị Duy Tân

Trong khi ấy, thì thời của Saigo Takamori như thế nào?

Tin tức về cuộc chiến tranh nha phiến (1840) và những suy yếu, mất mát, thiệt thòi của nhà cầm quyền Trung Hoa (cắt Hồng Kông nhượng cho Anh, bồi thường chiến phí...) được đưa đến Nhật. Những người thức thời, yêu nước của Nhật đã cảm thấy đất nước họ đang đứng trước một nguy cơ lớn là có thể thành thuộc địa của Âu Mỹ. Rồi năm 1853, những tàu chiến màu đen của Mỹ xuất hiện ở Uraga, vịnh Tokyo, yêu cầu mở cửa thông thương, dân Nhật cảm thấy nguy cơ lớn ấy đang đến gần, cả nước Nhật sôi động, tranh cãi dữ dội về con đường cứu nước. Ta có thể tưởng tượng ra nước Nhật thời ấy: đó là một nước phong kiến với 262 lãnh địa có lãnh chúa riêng, hay 262 nước nhỏ có chúa riêng. Trùm lên trên có chính quyền Mạc Phủ ở Edo (Tokyo ngày nay) do dòng họ Tokugawa cai trị từ năm 1600. Trên nữa có triều đình của Thiên Hoàng hữu danh vô thực ở Kyoto. Người dân phải trung thành với lãnh chúa của mình, không được ra khỏi nước nhỏ của mình. Còn chính quyền Mạc Phủ thì theo chính sách đóng cửa, cấm giao thương với nước ngoài, dân không được đi nước ngoài. Họ chỉ cho thương buôn Hà Lan và Trung Hoa vào cảng Nagasaki ở phía Nam.

Nói vắn tắt thì con đường đi đến Minh Trị Duy Tân đã trải qua ba giai đoạn chông gai đan xen lẫn nhau:

- Giai đoạn đầu bị chi phối bởi tư tưởng phải diệt người nước ngoài, vì cho rằng căn nguyên của mọi nguy cơ là do người nước ngoài mang đến. Nhiều thanh niên bỏ lãnh địa của mình đến Tokyo hay Kyoto để hoạt động. Thiên Hoàng cũng chủ trương diệt người nước ngoài, trong khi chính quyền Mạc Phủ yếu hèn, bối rối ký các hiệp ước bất bình đẳng với nước ngoài.

- Giai đoạn hai là sự hợp tác giữa chính quyền Mạc Phủ ở Tokyo và triều đình Thiên Hoàng ở Kyoto.

- Giai đoạn thứ ba là hai lãnh địa, hai tiểu quốc mạnh là Satsuma (tỉnh Kagoshima ngày nay) và Choshu (tỉnh Yamaguchi ngày nay) liên minh đánh đổ chính quyền Mạc Phủ.

Trong ba giai đoạn ấy, nhiều nhóm người có suy nghĩ khác nhau, cũng có trường hợp nhóm này tìm cách loại nhóm kia, nhưng đều chung một mục đích là làm sao cho nước Nhật khỏi thành thuộc địa của nước ngoài và phải thành một nước hùng cường. Trong quá trình ấy, nhiều người đã hy sinh. Rất nhiều người ưu tú đã chết trẻ ở lứa tuổi hai mươi hay ba mươi do sự đàn áp của chính quyền Mạc Phủ hay những thế lực tay chân của nó. Người Nhật gọi những người đã hoạt động cho công cuộc Minh Trị Duy Tân là chí sĩ, dù người ấy đã chết trước hay sau năm 1868, không kể họ trẻ hay già.

Chính những chí sĩ ấy với lòng yêu nước sâu sắc đã nhận thức được nguy cơ của Tổ quốc, và đã dấy lên không khí làm cho đa phần xã hội Nhật quan tâm đến nguy cơ, không thể ngồi yên chờ mất nước.

Thuở ấy, họ không có một lãnh tụ anh minh, không có một đảng bách chiến bách thắng lãnh đạo họ. Xét về tài năng và đức độ, chưa chắc Thiên Hoàng Hiếu Minh của họ hơn vua Tự Đức của Việt Nam. Còn vua Minh Trị thì lên ngôi năm 1868 lúc mới 16 tuổi, các việc đều do những người trẻ còn sống sót trong quá trình hình thành công cuộc Duy Tân đảm nhiệm, trong đó có Tam kiệt là Saigo Takamori (năm ấy 40 tuổi), Okubo Toshimichi (38 tuổi) và Kido Takayoshi (35 tuổi) . Chính quyền Mạc Phủ ở Edo (Tokyo ngày nay) thì nhu nhược, hèn yếu, nhưng muốn giữ thế độc tôn của họ cho đến ngày cùng. Và thái độ này của họ đã làm thất bại con đường hợp tác giữa triều đình và chính quyền Mạc Phủ của giai đoạn thứ hai nói trên.

clip_image005

Tượng Saigo Takamori ở Ueno, Tokyo

Năm 1863, khi Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp thì Saigo được triệu hồi từ nơi bị đi đày là một đảo nhỏ ở xa về tiểu quốc Satsuma (tỉnh Kagoshima ngày nay).

Năm 1964, Saigo trở thành bộ mặt tiêu biểu của Satsuma ở kinh đô Kyoto. Năm ấy, khi tiểu quốc Choshu gây binh biến ở Cửa Cấm của cung đình Kyoto, Saigo đứng về phía chính quyền Mạc Phủ, đẩy lùi lực lượng của Choshu khỏi Kyoto khiến Choshu trở thành nghịch tặc của triều đình.

Và trong cuộc chinh phạt Choshu lần thứ nhất, Saigo cũng đứng về phía chính quyền Mạc Phủ.

Thời cuộc biến chuyển, tháng 2 năm 1866, qua sự trung gian và thuyết phục của Sakamoto Ryoma, Saigo Takamori cùng Okubo Toshimichi gặp Kido, bàn thảo và đi đến hiệp ước liên minh giữa Satsuma và Choshu. Nhiều sử gia coi Minh Trị Duy Tân đã bắt đầu ở thời điểm này. Tháng 1 năm 1868, trận đánh ở Toba và Fushimi (Kyoto) giữa quân liên minh Satsuma - Choshu và quân chính quyền Mạc Phủ cùng các tiểu quốc cùng phe mở đầu cuộc chiến tranh Mậu Thìn. Dù quân số kém xa đối phương, phe Satsuma - Choshu đã chiến thắng. Tiếp theo đó, Saigo được cử làm tư lệnh, cầm quân tiến về Edo cách Kyoto khoảng 500 km về phía đông bắc, và đã hạ thành này không qua giao tranh.

Saigo Takamori được nhân dân Nhật Bản coi là anh hùng vì có công lớn trong công cuộc hình thành Minh Trị Duy Tân. Saigo còn được coi là nhân vật được yêu mến nhất trong hai trăm năm qua, dù cuối đời Saigo có cái chết không trọn vẹn.

Nhìn quá trình đi đến Minh Trị Duy Tân, ta có thể thấy mấy điều sau:

1. Đây không phải là cuộc cách mạng từ dưới lên hay một cuộc cải cách từ trên xuống. Đây là cuộc đổi mới mạnh mẽ của những người trí thức, những người yêu nước thật lòng. Phần lớn họ là những sĩ phu thuộc giai tầng thấp trong xã hội, những sĩ phu có thực học. Trong quá khứ, khác với Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, ở Nhật không có khoa cử, không có tiến sĩ, nên cũng không có bia tiến sĩ. Nhưng thanh niên Nhật trong thời ấy tìm những thầy có tiếng tăm, những trường tư thục nổi tiếng để học. Họ học nho học, Hà Lan học, học y khoa, học tình hình thế giới, học làm và sử dụng súng đại bác... Nhiều người dấn thân trong cuộc đổi mới lớn lao (Minh Trị Duy Tân) đã gặp nhau và trở thành đồng chí hay hiểu nhau qua những năm tháng học ở các thầy hay các trường ấy.

2. Họ đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết. Trong quá trình hình thành công cuộc đổi mới ấy, họ có nhiều ý kiến khác nhau và có thể nói là khác nhau rất lớn. Nhưng đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết, nên họ không cố chấp, tự đổi mới mình cho thích hợp với nhu cầu của thời cuộc. Saigo và Kido là hai trong Tam kiệt của Minh Trị Duy Tân đã có một thời bất đồng, hay hơn thế nữa. Nhưng vì một nước Nhật mới hùng mạnh, họ đã liên minh với nhau dù không phải không bước qua những ngày sĩ diện, lừng khừng. Iwakura Tomomi, một triều thần của triều đình Thiên Hoàng ở Kyoto cũng là người có lần bị cho về vườn, song vì công cuộc đổi mới, đã tự đổi mới mình, làm cho tương quan lực lượng ở triều đình thay đổi. Và Iwakura cũng đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp duy tân.

3. Những người làm nên công cuộc Minh Trị Duy Tân rất can đảm. Như đã nói, ở Nhật thời ấy có khoảng 262 nước nhỏ, mỗi nước nhỏ có một chúa. Việc ra hay vào mỗi nước nhỏ đó đều phải xin phép. Cấm ra vào và phòng thủ nước nhỏ của mình đến mức phải dùng tiếng lóng để người nước khác không hiểu được người trong nước mình nói gì với nhau. Chính vì vậy mà ở một vài vùng của đảo Kyushu ngày nay, khi người dân dùng tiếng địa phương, người vùng khác của Nhật khó hiểu hết được. Bỏ nước nhỏ của mình ra đi là có tội, là mất hết quyền lợi. Nhưng nhiều thanh niên đã thoát ly, bỏ nước ra đi để tìm nơi học tập và kết bạn, kết nhóm hoạt động. Ở Kyoto, những năm tháng trước Duy Tân là những năm tháng bất ổn, vì đủ thành phần của các khuynh hướng đến hoạt động ở đó.

4. Họ đặt mục tiêu là phải xây dựng đất nước hùng mạnh ngang các nước tiên tiến của thế giới. Họ rất bất bình với chính quyền Mạc Phủ trong việc ký các hiệp ước bất lợi cho Nhật Bản. (Khi chính quyền Minh Trị ra đời, họ đã cử đoàn do Iwakura đi Âu Mỹ để đàm phán, giải quyết các điểm bất lợi ấy, tuy không dễ dàng). Dân số nước Nhật năm 1868 có khoảng 33 triệu, trong khi Trung Quốc có gần 400 triệu. Vậy mà chỉ sau 26 năm xây dựng, qua xung đột vấn đề Triều Tiên, họ đã đánh bại nhà Thanh. Và 36 năm sau, vào 1904, họ đã đánh bại hạm đội Nga hùng mạnh. Bài này chỉ nhắm vào những năm trước Minh Trị, khi sĩ phu Nhật đối phó với nguy cơ của đất nước như thế nào. Do đó, xin không bàn về những gì sau khi Minh Trị Duy Tân hình thành, kể cả sai lầm lớn của Nhật trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Có thể nói sự thịnh vượng của xã hội Nhật ngày nay đã được trả giá trong khoảng 15 năm trước Minh Trị nguyên niên, khi các tàu chiến của Mỹ xuất hiện mang đến sự bàng hoàng, sợ hãi. Sợ mất chủ quyền, sợ mất nước. Nỗi sợ ấy làm cho họ tranh cãi dữ dội, quên tư lợi để tìm con đường tốt nhất cho nước Nhật.

Nước Đại Việt đã từng có thời oanh liệt: thời nhà Trần

Đọc lịch sử thời Tự Đức trở về sau, chúng ta thấy thất vọng và hoang mang. Nhiều người than thở nước ta nhược tiểu. Dân số hiện nay lên gần 90 triệu, đứng thứ 13 trên thế giới, mà cứ than thở là nước nhỏ, quen cách cư xử cam phận mình.

Nhưng mở những trang sử thời Trần, có lẽ ai cũng phấn chấn, tự tin về khả năng của người Việt Nam.

Những điểm ưu tú của trí thức, của người yêu nước Nhật đều hội tụ đủ ở Việt Nam thời các vị vua đầu đời nhà Trần:

- Đặt Tổ quốc lên trên hết, nên mới có câu chuyện sau:
Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Đại Vương về Hải Dương và phán rằng "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân"?

Hưng Đạo Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng"!

- Đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết, nên Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải đã tự giải quyết mối thù nhà, đoàn kết nhau lo việc nước, không cần phải qua người trung gian như trường hợp của Saigo và Kido…

- Sĩ phu thời Trần rất can đảm nên đã dám chiến đấu trong một cuộc chiến không cân sức về quân số. Đại việt Sử ký toàn thư ghi: Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đu nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng. Tướng sĩ nhà Trần đánh dấu sự can đảm và tức giận của mình bằng cách xăm lên tay hai chữ “Sát Thát”.

- Xét về mặt tư tưởng, khi vua tôi nhà Trần dám đương đầu với nhà Nguyên, họ đã đặt mình ngang tầm thế giới. Họ đã dám đương đầu với một đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới.

- Sau thắng lợi, về tôn giáo, Trần Nhân Tông đã sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam. Về văn hóa, đất nước đã tạo ra được những nhà văn hóa, nhà trí thức đại tài như Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Trần Quốc Tuấn, Hàn Thuyên, Chu Văn An...

Đôi điều suy nghĩ về tình hình hiện nay

Dài dòng như trên cũng chỉ vì muốn xin nói lại vài điều mà các bậc thức giả đều đã rõ:

- Khi sĩ phu yếu đuối (chứ chưa đến nỗi yếu hèn) như thời Phan Thanh Giản, thì thế nước sẽ suy vong. Cho dù các sĩ phu thời ấy là người thanh liêm, trung thực, can đảm, dám tự xử khi để thành lọt vào tay giặc.

- Khi sĩ phu hừng hực khí thế lo cho vận nước như các chí sĩ trẻ tuổi của Nhật những năm trước Minh Trị Duy Tân thì có thể làm nên những thay đổi ghê gớm, biến đất nước thành một trong những cường quốc hàng đầu của thế giới cho dù nước nhỏ, dân không đông, sĩ phu không có bằng cấp nhưng có thực học.

- Khi sĩ phu đồng thuận, sợ nhục mất nước, vua tôi cùng một lòng như thời nhà Trần ở Việt Nam, thì dù nước nhỏ, quân số ít, vẫn có thể đánh bại những đại quân xâm lược mạnh nhất thế giới. Và sau đó, có thể xây dựng một đất nước mà văn hóa, đời sống nhân dân không kém gì nước lớn nhất của thế giới thời bấy giờ. Qua điều này, cũng muốn nói là bản thân người Việt Nam có thể làm nên đại sự trên trường quốc tế.

Khi đọc được bản Tuyên cáo về việc nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam của 90 nhà trí thức, nhân sĩ, lòng tôi cảm kích đến nỗi run người. Sĩ phu Việt Nam ngày nay đã động rồi!

Còn những lệ thuộc về văn hóa, về kinh tế vô cùng nguy hiểm, còn những tình trạng thanh niên ăn chơi, nhậu nhẹt, quên hay bỏ mặc việc nước, vô cảm trước những khổ đau của đồng bào mình, và còn nhiều tệ trạng nữa và chúng đều có liên quan đến vấn đề hệ trọng mà bản tuyên cáo nêu lên.

Trong 90 nhà trí thức, nhân sĩ ký tên, có những người trước đây khi tại chức là những người có chức quyền và vị thế quan trọng trong bộ máy nhà nước. Từ đó suy ra, chắc chắn có nhiều người có chức có quyền hiện nay cũng đồng cảm, hay cùng quan điểm, nhưng chưa hay chưa có thể nói ra.

Trong một gia đình, một thôn làng, một nước, khi gặp phải nguy cơ khốn khó, những thành viên trong gia đình ấy, thôn làng ấy, nước ấy sẽ gắn bó với nhau. Cận cảnh về thảm họa bị Trung Hoa thống trị chắc chắn sẽ gắn kết những người Việt Nam với nhau. Sao không biến nguy cơ này thành cơ hội hòa hợp, đoàn kết dân tộc?

Cho nên tôi xin mạo muội đề nghị các vị trí thức, nhân sĩ đã đưa ra bản Tuyên cáo lịch sử vài điều như sau:

- Xin dấy lên một không khí thảo luận, tranh cãi sôi nổi, sâu rộng về nguy cơ lệ thuộc phương Bắc, nguy cơ mất nước giữa những quan điểm khác nhau và phương cách giải quyết khác nhau. Người cho rằng không có nguy cơ, hay nguy cơ không đáng kể cũng nên phát biểu ý kiến của mình một cách bình đẳng. Phải tin rằng người Việt Nam yêu nước nồng nàn và sẽ có đủ khả năng thoát khỏi nguy cơ khi có đầy đủ thông tin, dữ liệu, qua thảo luận, tranh cãi. Qua thảo luận tranh cãi thẳng thắn và minh bạch, cái đúng sẽ hiện ra, những suy tư, tình cảm giống nhau sẽ đến gần nhau. Từng con người sẽ thay đổi, sẽ đổi mới, sẽ chảy theo dòng chảy của đất nước và dân tộc.

- Hồ Chí Minh đã rất đúng khi nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Bây giờ, nguy cơ lớn đã gần kề. Có người nói chúng ta không còn thời gian. Người thì than thở người Việt Nam thời nay quá thờ ơ với vận nước, các quán nhậu đầy người, và người ta sống vội vàng, chạy theo đồng tiền, vô cảm trước những khổ đau của đồng loại, sống thiếu văn hóa như không tôn trọng luật giao thông, không nhường bước cho người già, người tàn tật... Đọc lại Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, thì thấy rằng những hạng người ấy cũng tồn tại ở thời Trần Hưng Đạo, dù không biết tỉ lệ cao hay thấp.

Hịch ghi: Nay các ngươi: nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục không biết thẹn; làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm. Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát.

Nếu có giặc tràn sang thì: Cựa gà trống sao đâm thủng được áo giáp giặc, mẹo cờ bạc sao dùng làm mưu lược nhà binh. Dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, tấm thân quý nghìn vàng không chuộc; vả lại vợ bìu con díu, việc quân cơ trăm sự ích chi. Tiền của tuy nhiều khôn mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe khôn đuổi được quân thù. Chén rượu ngon không làm giặc say chết, tiếng hát hay không làm giặc điếc tai... [2].

Cho nên, nức lòng khi đọc bản Tuyên cáo của 90 nhà trí thức, nhân sĩ, chúng tôi xin đề đạt quí vị ấy hãy cho xã hội Việt Nam năm 2011 một bản hịch hiện đại hay lời kêu gọi chống nguy cơ lệ thuộc, nguy cơ mất nước ở thế kỷ 21:

- Biểu thị lòng yêu nước trong lòng mình, trên đường phố, trong gia đình, trong sở làm...
- Thanh niên, sinh viên cùng với việc biểu tình, hãy học tập nghiên cứu sao cho không thua kém người Trung Quốc.

- Kỹ sư, nhà giáo, nhà nghiên cứu miệt mài làm việc.
- Nhà kinh doanh, người lao động cùng lo cho cuộc sống và sự phát triển của các chương trình sản xuất.

- Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ làm văn thơ, làm nhạc, vẽ tranh giải thích nguy cơ của Việt Nam những năm tháng này của thế kỷ 21 với khí thế hừng hực của những năm tháng kháng chiến.

- Mọi người sống cuộc sống có văn hóa, biết nhường nhịn nhau, biết sắp hàng, biết tôn trọng luật lệ giao thông để chính người mình và thế giới nhìn vào, ai cũng thấy chúng ta văn minh hơn Trung Quốc.

Mong các vị trí thức, nhân sĩ làm sao cho mọi người Việt Nam thấy và tin được là có nhiều cái, chúng ta có thể làm giỏi hơn, tốt hơn Trung Quốc.

Phải biến nguy cơ lệ thuộc thành động lực thay đổi và phát triển đất nước để đương đầu với nó. Một nước có số dân gần 90 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, không phải là một nước nhỏ. Phải chăng nên thôi, không than thở Việt Nam là nhược tiểu, mà phải từng người, từng vị trí của mình quyết làm hết cách, hết sức để xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh, có một xã hội với hình thái, thể chế hiện đại, văn minh.

Văng vẳng đâu đây, như mới hôm nào, tiếng nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Phải xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Muốn có hạnh phúc cho nhân dân phải giàu mạnh và hùng cường. Đó là vì vị trí lịch sử và địa dư của Việt Nam. Không thể khác được. Vì chúng ta ở bên cạnh một nước mà lịch sử của nước đó chưa ra khỏi cuộc sống người ăn thịt người” [3].

Lịch sử rồi sẽ phán đoán những cái đúng, sai của Lê Duẩn, nhưng ai có thể nói câu nói này của cố Tổng Bí thư là sai?

Tokyo ngày 3/7/2011
L.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Tài liệu tham khảo:

(1) Higbrow Musashi, Saigo Takamori no oshie, 2008, trang 64.

(2) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, bản 2002, trang 144.

(3) Anhbasam 14/6/2011.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn