Cuộc họp về Biển Đông của các nước ASEAN có thực sự đạt kết quả?

RFA

INDONESIA-ASEAN-ARF-DIPLOMACY  

Ông Phạm Quang Vinh, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc Lưu Chấn Dân. AFP

 

Vòng thảo luận cấp cao về tình hình Biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi tên là Biển Đông, diễn ra tại Bali, Indonesia sáng nay với sự hiện diện của viên chức đại biểu ASEAN và Trung Quốc.

Theo bản tin của AFP, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, và Trung Quốc đều tỏ ý tin tưởng cuộc họp đạt nhiều tiến bộ đáng kể thì giới ngoại giao tỏ ra dè dặt  khi bình luận về điều này.

Sự hợp tác hiếm thấy của Trung Quốc

Đại diện Việt Nam tại cuộc họp,  ông Phạm Quang Vinh, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, điều hợp viên cuộc họp cùng đại diện nước chủ nhà Indonesia. Đại diện phía Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân.

Theo lời ông Phạm Quang Vinh, cuộc họp mang lại kết quả tốt trong tinh thần xây dựng và đối thoại hữu nghị.

Điểm đáng nói tại cuộc họp ở Bali là sau gần một thập niên với những cuộc thảo luận kéo dài, lần này ASEAN và Trung Quốc loan báo đồng ý về một văn bản hướng dẫn thực hiện những hoạt động và dự án hỗn hợp trên vùng biển và những vùng đảo mà các bên tranh chấp chủ quyền lâu nay.

Mặc dù đạt thoả thuận sơ bộ về văn bản hướng mà Trung Quốc gọi là sự hợp tác hiếm thấy, ASEAN và Trung Quốc vẫn  chưa nhất trí đạt tới một sự đồng thuận rõ ràng về việc quốc gia nào nắm chủ quyền trên khu vực biển được gọi là lãnh hải của mình.

Một mặt văn bản đồng thuận được công bố trong tinh thần lạc quan, mặt khác thì các nhà ngoại giao, với sự thận trọng cố hữu, cho rằng vẫn còn nhiều điểm dị biệt liên quan đến Biển Đông chưa được giải quyết rốt ráo, điển hình như quan điểm của Trung Quốc nhất mực cho rằng Bắc Kinh có toàn quyền trên vùng biển này.

clip_image002

Các vùng biển theo luật biển quốc tế. RFA file

Mặc dù đạt thoả thuận sơ bộ về văn bản hướng dẫn mà Trung Quốc gọi là sự hợp tác hiếm thấy, ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa nhất trí đạt tới một sự đồng thuận rõ ràng về việc quốc gia nào nắm chủ quyền trên khu vực biển được gọi là lãnh hải của mình.

Ngoại trưởng Philippines, ông Albert Del Rosario, tuyên bố Philippines sẽ nhờ Liên Hiệp Quốc can thiệp để phân định cụ thể và dứt khoát chủ quyền từng quốc gia trên vùng Biển Đông.
Ông nhấn mạnh Philippines bắt buộc phải chọn lựa cách phân xử dựa căn bản trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS vì điều này không cần phải có sự chấp thuận của phía tranh chấp.

Được biết vào ngày mai dự thảo văn bản hướng dẫn qui tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ được trình và phê duyệt lần chót giữa các quan chức ngoại giao các quốc gia ASEAN cũng như Trung Quốc.

Philippines bắt buộc phải chọn lựa cách phân xử dựa căn bản trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS vì điều này không cần phải có sự chấp thuận của phía tranh chấp.

Ông Albert Del Rosario

Các nước Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Đài Loan đều khẳng định vùng chủ quyền của mình trên Biển Đông, trong lúc Trung Quốc vẫn lên tiếng giành phần chủ quyền rộng lớn nhất trên khu vực biển với các thềm lục địa chồng lấn lên nhau. 

Lên tiếng bên lề hội nghị cấp cao ở Bali, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân, dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, nói rằng văn bản hướng dẫn qui tắc ứng xử trên Biển Đông, gọi tắt là DOC, đạt được tại cuộc họp là một tài liệu quan trọng chứng tỏ tinh thần hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN.

Tình hình phức tạp trên Biển Đông thời gian gần đây, phát xuất  từ những hành động lấn lướt ngang nhiên của Trung Quốc, vẫn là trung tâm điểm mối quan ngại của ASEAN và thế giới. Đây cũng là trung tâm điểm của cuộc họp Biển Đông ở Bali.

Nguồn: rfa.org

–––––––––––––––––––––––––––

ASEAN đoàn kết đối diện Bắc Kinh

Việt-Long- RFA

Sự kiện quốc tế được công luận thế giới, nhất là người Việt Nam, chú ý nhất trong tuần này phải là diễn tiến và kết quả vừa đạt được nhân Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao khối ASEAN nhóm họp từ hôm thứ ba.

clip_image003

Các viên chức dự Hội nghị ASEAN+3 tại Bali. AFP photo

Một thành tựu biểu kiến

Trước hết là diễn tiến của Hội nghị của ASEAN khai mạc tại Bali, Indonesia, ngày hôm qua, nghị trình bao hàm vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và tình hình an ninh nơi đó. Nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay là Indonesia chủ tọa hội nghị. Tổng thống Susilo Bambang Yudhodyono trong diễn văn khai mạc đã phê bình ASEAN quá chậm chạp trong việc hình thành một văn bản hướng dẫn thi hành bản tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông, liên quan đến khối ASEAN và Trung Quốc. Tình trạng trì trệ này đã được nói đến từ khá lâu, vì bản Tuyên bố về ứng xử đã được khối ASEAN cùng  Trung Quốc ký kết từ năm 2002, tức là gần 10 năm trước, mà đến nay vẫn chưa có được bản hướng dẫn thi hành. Sang ngày hôm nay thì các viên chức ngoại giao của khối ASEAN và Trung Quốc, đã công bố đạt được kết quả khả quan hướng tới việc giải quyết mối tranh chấp, một kết quả mà  nhiều người không thấy có gì đáng gọi là khả quan.

Tổng thư ký khối ASEAN Surin Pitsuwản gọi đó là một bước đột phá, trong khi Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Quang Vinh cũng nói hai phía đã thảo luận và đối thoại với tính cách xây dựng và có hiệu quả mới đạt được thành tựu đó. Trung Quốc cao giọng hoan nghênh và ca  ngợi ASEAN.

Nhưng coi đó là thành tựu thì cũng khó gọi là có ý nghĩa. Khối ASEAN nóng lòng nhắm tới một bản Quy tắc về ứng xử trên Biển Đông, là một bước tiến cụ thể so với bản tuyên bố về ứng xử đã được các bên ký kết.

Bản quy tắc gọi là Code of Conduct, tức COC, có tính cách ràng buộc về pháp lý, trong khi bản tuyên bố, hay Declaration of Conduct, tức là DOC, chỉ là lời kêu gọi hành động ôn hòa thôi, không có sự ràng buộc nào hết. Và hôm nay ASEAN và  Trung Quốc chỉ đồng thuận về một văn bản gọi là Dự thảo các biện pháp hướng dẫn hành động hợp tác trên biển Đông, tức là Văn bản hướng dẫn thi hành bản Tuyên bố về ứng xử. Như vậy là chưa vượt qua khỏi bản Tuyên bố đó, nói gì tới Bản Quy tắc về ứng xử.

Quả thật thế. Trong chỗ riêng tư, theo như các hãng thông tấn quốc tế tường trình, thì các quan chức ngoại giao của một số nước ASEAN, không muốn nêu tên, cho biết họ đã phải sửa chữa cả cái bản hướng dẫn này cho nhẹ bớt đối với  Trung Quốc, để có thể đạt đồng thuận như vậy. Cho nên Trung Quốc tất nhiên phải hoan nghênh sự trì trệ tiếp tục đó, vì có lợi cho Trung Quốc. Trưởng đoàn của  Trung Quốc, là phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân, nói kết quả này là một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.

clip_image004

Bản đồ quần đảo Trường Sa - Wikipedia photo

Một sự kiện nữa có thể nói lên sự vô nghĩa của cái gọi là thành tựu đó, là việc Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario tuyên bố thẳng thừng rằng “Văn bản hướng dẫn thực hiện bản tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông” cũng chỉ là “vật không có răng”, chẳng được việc gì. Ông nói: ASEAN muốn tiến tới bản Quy tắc về ứng xử có sự ràng buộc pháp lý, nhưng Trung Quốc thì chỉ đòi sở hữu toàn bộ Biển Đông mà thôi.  Và cùng ngày, các nhà lập pháp Philippines vẫn bay đi thăm đảo Pagasa, là tên Philippines đặt cho nơi mà Việt Nam vẫn gọi là bãi Thị Tứ từ xưa đến nay. Philippines tỏ ra thách thức lời phản đối của Trung Quốc, khi Bắc Kinh coi đó là sự xâm phạm chủ quyền của họ ở Trường Sa.

Bốn dân biểu Philippines được các thủy thủ tàu ngầm, tàu chiến của Philippines và lực lượng đồn trú vài chục người trên đảo tiếp đón trong cuộc thăm viếng một ngày. Thị Tứ hay Thitu Aba là nơi quân đội Philippines phòng thủ kiên cố nhất, có đường bay kéo dài ra bãi biển.

Vị Ngoại trưởng Philippines cho biết thêm là sau khi Bắc Kinh từ chối cùng Philippines ra Tòa quốc tế về Luật biển, Manila phải nhờ Liên Hiệp Quốc phân xử giữa hai nước vấn đề nước nào có chủ quyền ở phần nào trên Biển Đông.

Nhưng vẫn là xoay chiều

Có dư luận trên trường quốc tế cho đó là một bước lùi trong lập trường giải quyết đa phương của Philippines. Tuy nhiên xét kỹ thì Philippines không lùi bước. Vì không thể đạt được kết quả trong đề nghị cùng ra Tòa quốc tế nên Manila liền đưa ra biện pháp thay thế như vậy. Đó là biện pháp thứ nhì nằm trong quy định của Luật biển Liên Hiệp Quốc UNCLOS. Giới quan sát có thể nói Philippines đã chuyển từ giải pháp đa phương sang giải pháp song phương theo ý Trung Quốc, nhưng thật ra biện pháp thay thế này cũng có sự liên can của Liên Hiệp Quốc, hẳn nhiên là Tòa Luật biển phải can dự, thì cũng gần như việc cùng nhau ra tòa UNCLOS mà thôi. Xét như vậy, người ta thấy Philippines có lập trường cứng rắn và  rõ ràng hơn, lại năng động hơn Việt Nam là nước bị áp lực và lấn áp nhiều hơn.

Thêm nữa, nói tới song phương với đa phương, có lẽ người ta phải nhìn thấy là Hội nghị Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, gọi tắt là ARF, sắp tới tại Indonesia, sẽ là một sự xác định rằng khối ASEAN quay lưng với giải pháp song phương giữa từng nước với Trung Quốc như Bắc Kinh đòi hỏi và áp lực, và rõ ràng ASEAN đã trở thành một khối đối ứng với Trung Quốc ở bên kia cán cân.

Trên chiều hướng đó, diễn đàn ARF kỳ thứ 18 này sẽ mang chủ đề Biển Đông, không phải như kỳ thứ 17 tại Việt Nam là lúc chỉ có một mình Philippines nói ra. Việt Nam là nước chủ nhà và Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm ngoái đã không nói thẳng tới vấn đề Biển Đông, trong khi Hoa Kỳ thì lại mạnh mẽ xác định quyền lợi của họ trong việc tự do hàng hải ở Biển Đông. Năm nay thì ngay từ những phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN ta cũng thấy khối này đã hành xử như một khối, một pháp nhân, đối trọng với Trung Quốc.

Và nếu nhìn trên khía cạnh kết hợp cho vững chắc để đối phó với Bắc Kinh hay chia rẽ để  Trung Quốc bẻ đũa từng chiếc, thì việc đạt đến thỏa thuận mới đây về dự thảo “văn bản hướng dẫn thi hành bản tuyên bố ứng xử trên Biển Đông” đã là một thành tựu về sự đoàn kết của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, dù rằng về mặt đối sách với  Trung Quốc thì thành tựu đó chưa có bao nhiêu ý nghĩa. Tuy nhiên có đạt được bước đầu khiêm tốn thì mới có hy vọng về sau.

V. - L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn