Lạm phát bào mòn sự lạc quan của người dân

Minh Sơn

clip_image001

 

Mặt bằng giá mới đã hình thành sau nhiều lần điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu.

 

(VEF.VN) - Một số mặt hàng có dấu hiệu ổn định sau chuỗi ngày tăng giá, cộng với tác động tích cực từ các biện pháp chống lạm phát và ổn định vĩ mô nên nhiều dự báo cho thấy, chỉ số giá sẽ giảm dần. Thực tế, diễn biến gần đây cho thấy vẫn có sự biến động tăng giá bất lợi. Đây đang là nỗi ám ảnh đối với người dân.

Không giảm, chỉ có tăng

Mới đây nhất, Bộ Tài chính chính thức thông báo sẽ không giảm giá xăng dầu. Thay vào đó, sẽ tăng thuế nhập khẩu. Như vậy, kỳ vọng giảm giá một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất của nền kinh tế khi giá xăng dầu đã giảm khá sâu không thành hiện thực.

Theo một số chuyên gia, với động thái này, nhà nước đang thực hiện điều chỉnh thuế, lợi nhuận của DN nhằm tiến tới thực hiện cơ chế giá thị trường một cách hoàn chỉnh hơn. Điều đó có nghĩa, cơ hội giảm giá sẽ ít hơn khi giá xăng dầu ngày một đắt đỏ. Và chuẩn bị cho điều đó, việc giảm giá không được tính đến mà sẽ tăng các khoản thu và duy trì mặt bằng giá.

Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng giảm, song, được nhận định là sẽ không dài hạn do các yếu tố trên thế giới đều bất lợi cho giá xăng dầu như nhu cầu tiêu thụ tăng, tình hình bất ổn tại nhiều khu vực xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới. Vì thế, xăng dầu thế giới vẫn khó có thể giảm sâu và nó sẽ biến động liên tục. Trong thời gian tới, giá mặt hàng này vẫn còn chứa nhiều yếu tố bị đẩy lên cao. Như một lẽ tất yếu, giá dầu thế giới tăng buộc giá trong nước sẽ tăng mạnh hơn.

Còn, mới bắt tay vào thực hiện cơ chế giá theo thị trường thì gần như ngay lập tức, EVN đã đòi tăng giá để huy động vốn cho phát triển các nguồn điện. Trước đó, dù cho biết chưa tăng giá điện nhưng Bộ Công Thương đã nhiều lần nhắc đến các yếu tố đầu vào biến động đang gây sức ép lên giá điện. Điều này khiến cho lo ngại về khả năng giá điện sẽ tăng cao vì từ 1/6 sẽ được "thả" theo thị trường.

Giá điện mới tăng chưa được bao lâu, tuy nhiên, khả năng điều chỉnh tăng theo cơ chế mới trước những kêu ca của EVN khó có thể tránh khỏi.

Như vậy, giá điện và xăng dầu đã được điều chỉnh tăng lên từ đầu năm đến nay. Sự điều chỉnh đó tác động mạnh đến mặt bằng giá cả trong nước. Xăng dầu và điện là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, nếu tiếp tục được điều chỉnh sẽ gây ra cú sốc nữa về giá; tạo sức ép mới lên DN và đời sống người dân.

Trong khi đó, báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, mặt hàng phân bón cũng được dự báo sẽ tăng từ tháng 6. Nguyên nhân, do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc giảm thuế xuất khẩu và giá phân urê thế giới gần đây liên tục tăng. Đáng nói hơn, khi phân bón tăng, cùng với giá xăng dầu và điện tăng, sẽ kéo theo sự leo thang của giá lương thực, thực phẩm. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư và chỉ số lạm phát.

Nhưng, có vẻ như không chờ đến khi có tác động từ phân bón hay đầu vào điện than, giá thực phẩm sau thời gian ngắn tạm yên đã có dấu hiệu tăng trở lại. Chẳng hạn, dù đang là mùa tiêu thụ thấp điểm nhưng giá thịt lợn đã lên mức 130.000 đồng/kg và thịt gà công nghiệp là 40.500 đồng/kg, thuộc loại cao nhất trong lịch sự ngành chăn nuôi.

Bên cạnh đó, thuốc chữa bệnh cũng có sự điều chỉnh tăng. Cục Quản lý giá Bộ Tài chính nhận định thời gian tới giá một số ít thuốc ngoại và nội có thể tăng với biên độ hẹp khi các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh giá một số loại do tác động của các yếu tố đầu vào theo lộ trình.

Mặt bằng giá thuốc mới đã được hình thành sau đợt điều chỉnh tăng giá (xăng, điện, tỷ giá).

Với những nhân tố trên, nếu có ổn định giá cũng sẽ giữ ở mức cao như hiện nay. Song, việc giữ giá này khó có thể kéo dài nếu các yếu tố đầu vào tiếp tục tăng. Lạm phát được dự báo giảm tốc độ nhưng thực tế giá cả vẫn tăng mạnh là điều khó tránh. Đặc biệt, việc tăng giá ở những mặt hàng thiết yếu sẽ tác động tiêu cực lên đời sống nhân dân.

Chất lượng sống suy giảm

Đã nhiều năm liền sống chung với lạm phát cao, mà đi đầu trong mỗi đợt tăng giá là điện, xăng và các mặt hàng thiết yếu, khiến tăng giá trở thành nỗi ám ảnh người tiêu dùng Việt Nam.

Một điều tra mới đây của Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đi xuống khi thế giới, và đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương - đang cải thiện đáng kể. Trong quý I, chỉ số này trên toàn cầu tăng 2 điểm lên 92, nhờ sự lạc quan của người tiêu dùng khu vực Trung Đông, Bắc Phi và châu Á - Thái Bình Dương.  Riêng tại châu Á, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng 10 điểm lên mức cao nhất từ trước tới nay là 107 điểm, nhờ kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau suy thoái.

clip_image002

Chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn của người nghèo giảm đáng kể (ảnh minh họa)

Trái ngược với diễn biến tích cực trong khu vực, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam lại giảm 5 điểm xuống 98 điểm. Sự lạc quan của người Việt hao mòn do lo ngại về tình hình kinh tế hiện nay. Mối quan ngại hàng đầu của họ là giá lương thực thực phẩm, kế đó là xăng dầu, điện và chất đốt. Nhìn về 12 tháng tiếp theo, sự lạc quan của người tiêu dùng Việt giảm nhiều so với cuối năm ngoái.

Khảo sát cho thấy, ở TP.HCM, giá gạo đã tăng 20-30%, thịt lợn tăng 10-20%, giá một số thực phẩm khác tăng 10-20%; thậm chí, có mặt hàng tăng tới 50-60%... Điều tra nhóm hộ nghèo cho biết họ chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở việc tăng giá các mặt hàng thịt, cá, gạo, điện. Nhiều hộ nghèo có người ốm đau tỏ ra lo ngại khi giá thuốc chữa bệnh tăng cao...

Kết quả từ khảo sát cũng chỉ ra rằng, giá cả tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến dinh dưỡng và sức khỏe của người dân. Họ phải chống đỡ với giá cả tăng bằng cách giảm chất lượng bữa ăn và giảm chi phí dịch vụ y tế. Người dân giảm lượng đồ ăn, mua đồ rẻ tiền hơn, hạn chế đi khám bệnh, giảm liều và lượng thuốc.

Lo ngại trước điều này, các chuyên gia khuyến cáo, nếu người nghèo tiếp tục áp dụng các biện pháp trên trong khoảng thời gian dài có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên gia đình và dinh dưỡng của trẻ em.

Bên cạnh đó, giá cả tăng ảnh hưởng bất lợi đến tiếp cận dịch vụ cơ bản của hộ nghèo như về y tế. Khi người dân giảm mua thuốc, giảm đi khám bệnh, chịu đau để tiết kiệm chi tiêu thì nguy cơ bệnh tật về dài hạn.

Nhìn chung, giá cả tăng từ đầu năm 2011 đã làm giảm sức mua, giảm chất lượng cuộc sống, làm trầm trọng thêm các khó khăn cố hữu của người nghèo, người có mức thu nhập thấp. Người nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội và công nhân nhập cư là ba nhóm xã hội ở khu vực đô thị bị ảnh hưởng bất lợi nhất của giá cả tăng.

Khốn khó thế, nhưng nguy cơ người nghèo tiếp tục bị dồn vào bước đường cùng vẫn hiện hữu nếu giá cả tăng. Rõ ràng, tăng giá gây khó khăn cho toàn xã hội nhưng các nhóm dễ bị tổn thương nhất vẫn là người nghèo, người làm công ăn lương và họ rất cần được hỗ trợ, nâng đỡ bằng một hệ thống an sinh xã hội tổng thể. Quan trọng hơn, khi một mô hình tăng trưởng mà đa số người dân – mà nhất là dân nghèo – lại không được thụ hưởng thành quả kinh tế để cải thiện chất lượng cuộc sống thì  cần phải được điểu chỉnh.

M. S.

Nguồn: vef.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn