Không dám đưa tin... bắt tàu Trung Quốc

Mai Thanh Hải

clip_image001

 

Kiểm tra vũ khí, thiết bị trước khi tuần tra biển

 

Mới bảnh mắt buổi sáng, cậu phóng viên của một tờ báo Đảng rất lớn, nằm thường trú tại khu vực miền Trung đã gọi điện cho mình rầu rĩ kể chuyện "Bộ đội Biên phòng cung cấp tin bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển Việt Nam. Mấy anh em thường trú vội vã tìm hiểu, làm tin, viết bài phản ánh, nhưng gần một tuần nay, tin tức bặt tăm, không báo nào dám đăng", và thắc mắc "Bộ đội Biên phòng gọi thẳng đó là tàu Trung Quốc chứ không phải tàu quen, tàu lạ như trước. Bộ đội mình thì mạnh mẽ, cương quyết thế. Sao báo chí mình lại cứ sợ, cứ hèn anh hè?"...

Câu chuyện của người đồng nghiệp trẻ khiến mình nhớ lại kỷ niệm hồi làm ở báo Đại đoàn kết: Trong chuyến công tác Yên Bái, mình gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" (được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng cùng tên) trò chuyện, tìm hiểu và viết một bài ghi chép rất tâm đắc về hoàn cảnh ra đời của bài thơ trong những tháng đầu, năm đầu chống quân Trung Quốc xâm lược. Biết chắc nếu viết đúng như sự thật, theo suy nghĩ của thằng làm báo, chắc chắn bài sẽ được liệt vào dạng "nhạy cảm", nên mình đã phải cắn răng sửa lại cho đúng "định hướng", ví như: quân Trung Quốc xâm lược thì phải viết trong bài là "đối phương" (Hèn thế chứ! Nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải cắn răng nhẫn nhục... Hu! Hu!).

 

Bài viết được nộp cho lãnh đạo và... hết ngày này đến ngày khác không có hồi âm. Mình đợi gần một tuần, trong buổi giao ban sáng hôm đó, hỏi thẳng: "Lý do không đăng bài là sao?". Tổng Biên tập báo quay đầu ngó lơ ra cửa sổ, làm như không nghe thấy câu hỏi. Rút cục, Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn (nay đã là Phó Tổng biên tập, phụ trách phần nội dung của báo) đành gượng gạo, run run giọng trả lời: "Bài viết rất hay, rất xúc động. Chắc chắn Ban biên tập sẽ duyệt đăng, nhưng không phải... thời điểm này".

clip_image002

Bài thơ về Trường Sa của TBT báo ĐắkLắk được minh họa hình Trung Quốc

 

Mình chưa thấy cấp nào, người nào cấm đoán các báo đưa tin bài phản ánh về Trung Quốc. Ngược lại, toàn thấy những quy định này phát ra từ mồm ông Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Thư ký Tòa soạn đi họp về, truyền đạt lại kiểu như: "Anh X có ý kiến; Thủ trưởng Y chỉ đạo"... và chính những kiểu "chỉ đạo truyền khẩu" này đã dần dần, hình thành trong đầu những người làm báo Việt Nam, ở thời điểm này, tâm lý e ngại (thậm chí là sợ) viết, phản ánh về mọi vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Nhà báo Nguyễn Chính đã đúc kết: "Cái sợ, cái hèn của người cầm bút (nhất là làm báo), nguy hiểm lắm. Rất vô thức nhưng nó sẽ làm lây nhiễm cái sợ, cái hèn nhát cho đồng bào mình". Liệu sự "ngại thông tin" những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, nhất là một số vấn đề liên quan đến chủ quyền - biển đảo của báo chí thời gian vừa qua, có là nguyên nhân tạo lên "nỗi sợ hãi mang tên Trung Quốc" trong đầu nhiều người có chức vụ, cương vị) và tác động đến đối sách ngoại giao với ông bạn láng giềng thâm nho, nham hiểm này? Đến bao giờ, những barie tự được dựng theo kiểu "ngăn sông cấm chợ" trong đầu những cái đầu lãnh đạo luôn miệng hô hào "đao to búa lớn", nhưng bên trong chỉ run run, ươn hèn "xin ý kiến chỉ đạo"... được tháo gỡ, để mỗi người dân khỏi bị tiêm nhiễm nỗi sợ, nỗi hèn nhát, được thể hiện từng ngày, từng giờ trong từng trang báo, bản tin?...

M.T.H

---------------------------

Tin phản ánh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bắt tàu Trung Quốc nhưng... không được đăng tải:  

Ngày 29-4, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình cho biết, thời gian qua, có nhiều tàu thuyền nước ngoài vi phạm đánh bắt cá trên vùng biển nước ta. Gần đây nhất, ngày 27-4-2011, Hải đội 2, BĐBP Quảng Bình nhận được nguồn tin của ngư dân đi biển phản ánh, có một số tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc vi phạm đánh bắt cá trái phép trong vùng biển nước ta thuộc địa phận vùng biển Quảng Bình.

Ngay lập tức Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình điều tàu BP 071202 cùng cán bộ, chiến sĩ hải đội 2 xuất kích làm nhiệm vụ. Đến toạ độ 17 độ 36 phút kinh Đông thuyền câu mang ký hiệu Trung Quốc cùng 18 ngư dân đang đánh bắt cá trái phép. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm tàu và ngư dân Trung Quốc.

Xét thấy mức độ sự việc, Tổ công tác đã tiến hành phóng thích người và phương tiện ra khỏi lãnh hải nước ta.

Trước đó, Hải đội 2 BĐBP Quảng Bình cũng đã lập biên bản phóng thích 2 tàu khác và xua đuổi khỏi lãnh hải nước ta 3 tàu mang ký hiệu Trung Quốc.

Nguồn: Maithanhhaiddk.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn