Nói không thật, làm không thật, đất nước đi về đâu?

LS Hà Huy Sơn

Là Luật sư tham gia bào chữa cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong vụ án “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tôi đã không khỏi phải suy nghĩ về bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam hiện nay không chỉ dưới góc nhìn của pháp luật mà cả góc nhìn của văn hóa.

Nói không thật,

Không ai có thể chối bỏ được rằng: con người, xã hội là sản phẩm của văn hóa. Vậy xã hội chúng ta đang sống là sản phẩm của văn hóa nào? Phải chăng là cái văn hóa “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa long nhau”. Luật pháp là một sản phẩm của văn hóa cao. Vì lịch sử loài người chỉ khi phát triển đến một trình độ nhất định mới làm ra được luật pháp và chỉ có một xã hội có luật pháp tiến bộ mới được coi là xã hội có văn hóa tiến bộ. Do vậy, muốn hiện đại hóa đất nước thì cần phải hiện đại hóa văn hóa và tất nhiên phải hiện đại hóa luật pháp. Không thể xây dựng con người, xây dựng đất nước bằng cách cứ “uốn lưỡi” muốn nói gì thì nói cốt để vừa lòng “người trên”, để lừa “kẻ dưới” như lâu nay. Thực tế buộc chúng ta trước hết phải nói thật cái suy nghĩ của mình, nếu điều nói ra mà không đúng với quy luật khách quan thì chúng ta phải sửa lại cái suy nghĩ đó hay nói cách khác là phải thay đổi tư duy của mình. Và ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp, học hỏi, đối thoại của con người với con người chứ tuyệt nhiên không phải là công cụ để nói dối, để lừa mị.

Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay đã nói thật chưa? Nếu căn cứ vào nội dung một số điều cơ bản của nó mà tôi một lần nữa dẫn ra sau đây (vì điều này nhiều người, nhiều lần đã dẫn ra) thì bản Hiến pháp này đã nói không thật.

1- Điều 2 của Hiến pháp: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Điều này đã khẳng định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Nhưng nó đã bị ngay Điều 4 của Hiến pháp: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” phủ định hoàn toàn và ngay trong Điều 4 cũng chứa đựng mẫu thuẫn, trái logic.

2 – Điều 4 nêu trên đã trái ngược ngay với Điều 83 của Hiến pháp, trích: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trong một vấn đề mà có 02 sự thật là một vấn đề không có thật.

Hiến pháp Việt Nam hiện nay có nhiều nội dung lạc hậu về tư tưởng như Lời nói đầu: “Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin …”. Để phát triển con người, đất nước Việt Nam chúng ta phải dựa trên tư tưởng hay trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam, trí tuệ của cả nhân loại. Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, không phải là hệ tư tưởng của dân tộc Việt Nam và chỉ là một hệ tư tưởng trong số các tư tưởng của nhân loại. Nó không phải là một phạm trù vĩnh cửu, càng không phải là một phạm trù tuyệt đối. Lịch sử phát triển của các nước Đông Âu đã chứng tỏ nó là một tư tưởng lỗi thời. Một tư tưởng lỗi thời về logic không thể chứa đựng được sự thật của một xã hội hiện đại.

Làm không thật,

Một số điều của Hiến pháp đã qui định về quyền của công dân như sau:

“Điều 52

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.

“Điều 53

Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.

“Điều 69

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Văn hóa “cá gỗ” không thể thay cho văn hóa “cá thật”. Sao lại ban hành các văn bản dưới Hiến pháp để ngăn cấm, để trói, để bịt, để treo mãi những quyền của công dân đã được ghi trong Hiến pháp như đã nêu trên. Rồi dựa vào đó, sử dụng công cụ “chuyên chính” triệt để, “mạnh tay” quyết để cho tự do của nhân dân, tự do của dân tộc mãi chỉ là con “cá gỗ”.

Bài học nhãn tiền về phong trào cách mạng đòi tự do của nhân dân các nước Bắc Phi, Trung Đông còn đang sôi sục kia. Câu trả lời không gì khác là không thể “chuyên chính giai cấp” mãi, không thể “toàn trị” mãi vì nó là cội nguồn gây nên biết bao đau thương, đổ vỡ về lòng người và hòa giải dân tộc.

Đất nước đi về đâu?

Vật giá leo thang, tiền đồng mất giá, Chính phủ cấm mua bán vàng, ngoại tệ, nhân viên công lực thì lại đánh chết người, “con cá lớn” Vinashin đã vọt lưới chống tham nhũng nhân dân… Chính mỗi người dân Việt Nam ngày hôm qua và ngày hôm nay đã tự trả lời cho chính mình đất nước đang đi về đâu!

Thăng Long - Hà Nội, ngày 27/3/2011

HHS

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Phụ lục:

Việt Nam chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA

Tại phiên họp thứ chín là kỳ họp cuối của Quốc hội Việt Nam khóa 12, trong báo cáo của Chánh phủ trình bày trước diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, hầu bảo đảm quyền dân chủ của người dân, tăng cường pháp chế, kỷ luật.

clip_image001

Ông Nguyễn Phú Trọng (T) và ông Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Đại hội 11 ở Hà Nội hôm 11-1-2011. AFP photo

Đỗ Hiếu ghi nhận ý kiến từ nhiều công dân Việt Nam thuộc các khuynh hướng chính trị, vị trí xã hội, vùng đất sống khác nhau, cùng trình bày quan điểm về việc “sửa đổi hiến pháp”.

Không đơn giản

clip_image002

Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. RFA file

Từ Hà Nội, ông Dương Trung Quốc, thành viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại biểu đơn vị Đồng Nai lên tiếng ủng hộ kiến nghị của Chánh phủ, muốn sửa đổi Hiến pháp để thích ứng với sự tiến triển của đất nước theo xu hướng chung của thế giới, tuy nhiên theo ông, thực tế sẽ không đơn giản:

“Câu nói của Thủ tướng chính phủ, tôi nghĩ là ông nói ra một nguyên lý rất cơ bản, chắc là sẽ tìm được sự đồng thuận của tất cả mọi người, kể cả tôi, nhưng cái khó nhất là ở Việt Nam, chúng ta phải tìm mô hình hơi đặc thù; nếu như chúng ta biết đến lịch sử nhân loại phát triển thì chúng ta thấy nó có những bước đi, có những yếu tố riêng của mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ, nhưng nó cũng có những nét chung.

Thí dụ như vấn đề Tam Quyền Phân Lập là gần như trở thành một vấn đề chung của nhân loại rồi, nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn cố gắng tìm cái mô hình, không hoàn toàn như vậy, cho nên nguyên lý mà ông Thủ tướng đưa ra hoàn toàn đúng, nhưng đạt được cái nguyên lý ấy, là một bài toán hết sức khó, khó là vì làm sao Việt Nam trong quá trình hội nhập tiếp cận được với tất cả giá trị phổ quát của nhân loại, nhưng vẫn giữ được cái đặc thù của Việt Nam.

Tôi hoan nghênh nguyên lý ấy; thế còn cái việc mà cụ thể hóa như thế nào trong bản hiến pháp được sửa đổi, chắc sẽ là một cuộc trao đổi lâu dài, tôi không dám lạm bàn ngay vào thời điểm này.

Ông Dương Trung Quốc

Việc mỗi quốc gia tìm cái đặc thù riêng của mình về mặt lịch sử, tôn giáo, văn hóa là điều hết sức xác đáng [BVN xin phép bình thêm: Đặc thù này có lẽ là do tôn giáo thôi, tôn giáo CS] nhưng với Việt Nam đó là bài toán chưa được giải mã hết. Tôi hoan nghênh nguyên lý ấy; thế còn cái việc mà cụ thể hóa như thế nào trong bản Hiến pháp được sửa đổi, chắc sẽ là một cuộc trao đổi lâu dài, tôi không dám lạm bàn ngay vào thời điểm này”.

Với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Dương Trung Quốc bày tỏ niềm hy vọng là:

“Chắc chắn đứng về lâu dài, một ngày nào đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng phải hội nhập với thế giới, về các giá trị phổ quát, vì đây là bước tiến của nhân loại”.

Nói chứ không làm

VIETNAM-TRANSPORT-SHIPPING-COMPANY-VINASHIN

Trụ sở Tập đoàn Vinashin tại Hà Nội. AFP PHOTO.

Vừa rồi là ý kiến của một đại biểu Quốc hội, từng phục vụ hai nhiệm kỳ và sẽ ứng cử vào cơ quan lập pháp thêm một nhiệm kỳ nữa tại đơn vị Đồng Nai. Một người dân từng làm việc cho nhiều chế độ cầm quyền, trước khi đất nước chia đôi, sau Hiệp định Geneve 1954, nay đã về hưu, ông Hợp nói lên cảm nghĩ của mình khi đón nhận thông tin qua báo đài, về việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp:

“Đừng nghe người ta nói hãy xem người ta làm; nói thì nghe hay lắm nhưng có làm thế đâu, chả có nhà nước pháp quyền nào mà lại là pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đấy là một cách nói thôi; thế còn sửa gì, mà có sửa người ta cũng không theo cái người ta nói đâu.

Đừng nghe người ta nói hãy xem người ta làm; nói thì nghe hay lắm nhưng có làm thế đâu.

Ông Hợp

Đấy là kinh nghiệm của những người ở Việt Nam thì thấy rất rõ, chẳng hạn như vừa rồi cái vụ Vinashin mà bảo không ai mắc khuyết điểm, không kỷ luật ai cả. Quốc hội có những người nói rằng, ăn trộm một con vịt thôi mà còn bị kỷ luật, bị tù huống hồ là bao nhiêu nghìn tỷ như thế mà không ai mắc khuyết điểm thì thật là người dân không chịu, người ta không nghe được.

Cũng có những đại biểu phát biểu như thế đấy, nhưng mà thôi, người ta làm thì cứ làm, bởi vì chế độ này là toàn trị, người dân Việt Nam chán rồi, chả muốn nói gì cả. Bây giờ có cái tâm lý là mọi người lao đi mà kiếm sống, họ không để ý đến chuyện gì cả, đấy là cái nguy hiểm nhất đối với một dân tộc”.

Đĩa hát cũ

clip_image004

Nhà văn Vũ Thư Hiên. Photo courtesy of www.ledinh.ca.

Một công dân Việt Nam sinh trưởng tại Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nay định cư ở Pháp, nhà văn Vũ Thư Hiên cho rằng đề nghị sửa đổi Hiến pháp là một câu chuyện từng được lặp đi lặp lại bao nhiêu lần rồi:

“Bình thường tôi ít để ý tới những tuyên bố vì giống như đĩa hát cũ, dùng nhiều quá thì nó rè, không nghe ra gì cả, thành ra là, theo tôi tốt nhất thì người ta hãy làm cái động tác rất bình thường, thí dụ như trưng cầu dân ý, xem rằng có nên có một nước mà chỉ có một đảng cai trị không, hoặc là tất cả các đại biểu nhân dân được bầu bán tử tế, đàng hoàng, cùng bàn bạc trong một Quốc hội có đầy đủ các thành phần để bàn việc nước.

Tôi nghĩ rằng câu đó (sửa đổi Hiến pháp) không những tôi mà bất cứ ai ở Việt Nam cũng trả lời giống tôi, cái đĩa hát ấy cũ quá rồi”.

Ông cũng trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề “độc đảng hay đa đảng”:

“Cái xu thế của thời đại ngày nay không có gì cưỡng nổi, tất cả các nước đều phải theo chế độ dân chủ, mà dân chủ là phải có đủ mọi thành phần, chứ tôi không muốn dùng chữ đa đảng vì thật sự ra, các đảng họ có mặt hay không có mặt, ra đời, vào lúc nào, có uy tín trong dân thế nào, để ở trong Quốc hội bàn bạc việc nước, là chuyện khác với có nhiều đảng hay không.

Tất cả các đảng họ sẽ xuất hiện trên xu hướng, phương pháp, mục tiêu đấu tranh thế nào, đoàn kết lại một số người, thì phải là những đảng đàng hoàng, đứng đắn, chứ còn nếu đa đảng để chỉ gọi là đa đảng thôi, điều đó không có nghĩa là sẽ có nền dân chủ”.

Tôi nghĩ rằng câu đó (sửa đổi Hiến pháp) không những tôi mà bất cứ ai ở Việt Nam cũng trả lời giống tôi, cái đĩa hát ấy cũ quá rồi.

Nhà văn Vũ Thư Hiên

Có nhiều ý kiến đăng tải trên báo chí nhận định rằng, Quốc hội Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản lên cầm quyền năm 1945 tới giờ chưa thật sự là Quốc hội của nhân dân mà chỉ là Quốc hội của đảng, tức là các đại biểu do đảng cử, dân bầu.

Theo báo chí thì sửa đổi Hiến pháp là một cơ hội tốt để nâng cao dân trí, thúc đẩy dân chủ hóa công việc quản lý đất nước, vì thế giới trí thức, chuyên gia cần tích cực tham gia nghiên cứu, thảo luận, hầu hoàn chỉnh Hiến pháp.

Tuy nhiên, bao lâu mà các quyền tự do căn bản của người dân chưa được thực thi trọn vẹn như quyền tự do ứng cử, bầu cử mà còn bị lắm hạn chế thì nhân dân Việt Nam sẽ không thể có một Quốc hội đại diện cho mình và vì thế người ta chưa hy vọng sẽ có một Hiến pháp dân chủ mà người dân hằng trông đợi.

Được biết, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nhiệm vụ nghiên cứu những đổi mới về thảo luận, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp Việt Nam được tài trợ ngân khoản 700 ngàn đô la, trong năm nay, phần lớn do viện trợ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc.

Dự án này kéo dài 18 tháng với mục tiêu tạo sự đổi mới của Quốc hội trong hoàn cảnh hội nhập hiện nay mà hoạt động đáng chú ý nhất là tìm hiểu, khảo sát, tổ chức, thu thập ý kiến để sửa đổi Hiến pháp.

Đ.H

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn