Nhân vật năm 2010: Tướng Nguyên và những trăn trở thời cuộc

Thu Hà

clip_image001

Tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Thu Hà

“Ngoài chuyện nhà đầu tư chặt rừng đầu nguồn gây lũ lụt, tôi còn băn khoăn ở chỗ nhiều địa điểm cho thuê có vị trí chiến lược và địa chính trị trọng yếu. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải có thể làm lại được, còn mất đất là mất hẳn.” Tướng Đồng Sĩ Nguyên cảnh báo.

Năm ngoái, một bài viết sâu sắc mang tựa đề "Nghĩ về sức mạnh cộng hưởng của dân tộc" đăng trên VietNamNet đã gây xúc động cho nhiều người. Đọc toàn bài người ta cảm nhận được nỗi trăn trở của người viết quanh dự án khai thác tài nguyên tại Tây Nguyên- địa chính trị, địa kinh tế nhạy cảm của Việt Nam.

Tác giả của bài viết này là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, vừa bước sang tuổi 88, từng là tư lệnh binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967-1975). Sau khi đất nước thống nhất, ông được giao trọng trách thứ trưởng Quốc phòng, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giao thông vận tải, bộ trưởng xây dựng và là uỷ viên bộ chính trị trước khi nghỉ hưu năm 1988.

Trong bài viết nói trên, câu từ của ông thật giản dị nhưng vô cùng thấm thía: Việt Nam phải "mất nhiều xương máu" mới giành lại được Tây Nguyên, nơi có con đường mòn chiến lược "huyền thoại" chạy qua. "Trong thời chiến và cả sau này cũng vậy, địa chiến lược, địa quân sự Tây Nguyên cũng luôn là yếu huyệt, vì thế làm gì ở Tây Nguyên cũng phải rất cẩn trọng".

Đầu năm nay, dư luận thêm một lần xúc động khi ông công bố bức thư cảnh báo Chính phủ về việc 10 tỉnh dọc biên giới cho doanh nghiệp nước ngoài thuê gần 300.000 ha rừng, kể cả rừng phòng hộ đầu nguồn và những địa chính trị xung yếu đối với quốc phòng và an ninh quốc gia.

Những quan ngại của ông được công luận cho là có cơ sở ở chỗ, thực tiễn cuộc sống trong một thế giới hội nhập cho thấy có nhiều lý do buộc các quốc gia đang phát triển phải rất thận trọng khi cho người nước ngoài thuê và khai thác đất rừng đầu nguồn dài hạn. Hơn nữa, hồi đương chức Phó thủ tướng, chịu trách nhiệm thực hiện Chương trình 327 của chính phủ là Chương trình Quốc gia Phủ xanh đồi trọc và Bảo vệ rừng, ông có cơ hội đặt chân lên những vùng xa xôi hẻo lánh, lặn lội khắp mọi nẻo rừng, ven biển, các đảo; từng leo nhiều ngọn núi cao hàng 1000m, qua ống nhòm tận mắt thấy cảnh tàn phá rừng làm nương rẫy, chặt phá gỗ quý sử dụng và xuất khẩu.

Từ những trải nghiệm thực tế đó, nhìn vào các dự án cho thuê rừng đầu nguồn mà một số địa phương vừa triển khai, Trung tướng, cựu Thứ trưởng Quốc phòng không khỏi ưu tư: "Ngoài chuyện nhà đầu tư chặt rừng đầu nguồn gây lũ lụt, tôi còn băn khoăn ở chỗ nhiều địa điểm cho thuê có vị trí chiến lược và địa chính trị trọng yếu. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải có thể làm lại được, còn mất đất là mất hẳn." Tướng Đồng Sĩ Nguyên cảnh báo.

Nhờ sự cảnh báo kịp thời của ông, Chính phủ đã vào cuộc một cách quyết liệt, rà soát lại thực trạng và quy trình cấp phép cho thuê rừng tại các tỉnh. Quốc hội cũng cử các đoàn đi thực địa, kiểm tra, giám sát và đưa ra những số liệu gây giật mình: thuê một ha rừng một năm, nhà đầu tư chỉ mất 18 nghìn đồng, chưa bằng một bát phở ở Hà Nội với thời giá bây giờ.

Cũng may, sự vụ đã được ngăn chặn kịp thời trước khi quá muộn. Nếu không có sự cảnh báo của tướng Nguyên, thì rất có thể giờ nhiều cánh rừng có vị trí chiến lược đó đã rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài.

Người ta tự hỏi làm thế nào mà ông, đã rời chốn quan trường gần hai chục năm vẫn có thể nắm rõ, nắm sát đời sống thực tế đến thế. Những người gần gũi với ông thì không lấy làm lạ. Bởi từ ngày nghỉ hưu, ông vẫn dành khá nhiều thời gian cho những chuyến thực tế tại các địa phương. Không tới những đô thị phồn hoa để nghỉ dưỡng mà ông thường tìm đến các vùng quê nghèo, các nông trường đóng ở vùng sâu, vùng xa. Hoặc nghe phong thanh đâu đó có chuyện này chuyện nọ là ông thân chinh tới tận nơi tìm hiểu. Từ những chuyến đi như vậy, tận mắt chứng kiến những bức tranh thực của đời sống xã hội thường nhật, vui cũng có mà buồn cũng nhiều, có vô vàn câu chuyện khiến ông trăn trở.

Ví dụ, nghe xôn xao đây đó có chuyện cho nước ngoài thuê đất khiến dân bất bình, ông đã trực tiếp đến Đồ Sơn (Hải Phòng) xem thực hư. Chứng kiến nhà đầu tư cho đóng những cây cột to như cột mốc biên giới và không cho người Việt lui tới, ông đã đề nghị cận vệ của mình vào xem nhưng bị từ chối, chỉ đến khi ông trực tiếp xuống xe, làm căng lắm mới vào được bên trong.

Tại một địa phương khác, ông chứng kiến cảnh người ta rào công phu một khoảnh đất rộng lên tới 4ha, để xây một nhà máy cỏn con chừng 4000m2. "Sao phải lấy đất nhiều như thế? Không hiểu họ làm nhà máy kiểu gì, hồi tôi làm bộ trưởng, làm một nhà máy cỡ đó chỉ khoảng 3-4 tháng là xong. Thời nay, khi công nghệ phát triển mạnh như vũ bão, nhà thép tiền chế có sẵn vậy mà họ làm mãi không xong là sao". Thấy lạ, ông bỏ công tìm hiểu và được biết không có nhà máy nhà xưởng gì đâu, họ chiếm đất để bán lại, hưởng chênh lệch kiếm lời. Hiện tượng này từng được báo chí ghi nhận là phổ biến, có thể bắt gặp ở nhiều tỉnh, thành phố.

Ông day dứt mãi: "Trong khi những người tự trọng kiếm tiền bằng công sức chính đáng thì cạnh đó xã hội không thiếu những người giàu lên không bằng năng lực, cũng chẳng nhờ thời cơ, mà nhờ vào các mối quan hệ lợi ích. Bởi vậy xã hội mới có hiện tượng một số người chỉ qua một đêm đã trở thành tỉ tỉ phú. Họ kiếm tiền dễ dàng quá!".

Sinh ra trong lòng nhân dân, sống chết với dân, ông thấu tỏ, phần đông nông dân, công nhân, trí thức vẫn còn rất nghèo, vẫn phải vất vả mưu sinh. Mới đây ông đã ghé thăm một gia đình nông dân gồm bố mẹ già và vợ chồng đứa con trai.

Gia đình này có 2 sào ruộng, mỗi vụ làm chỉ 3-4 ngày là xong. Thời gian nông nhàn người con trai phải ra thành phố kiếm việc làm. Cô con dâu cũng vậy. Ở nhà chỉ còn hai ông bà già. Người già nhu cầu thường không cao, gạo lấy từ 2 sào ruộng tạm đủ sống, nhưng không có tiền chi tiêu cho các nhu yếu phẩm. Đó cũng là lý do vợ chồng người con thường xuyên phải ra thành phố kiếm việc để có thêm chút thu nhập trang trải cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình.

"Kể ra chuyện đó để thấy dân ta còn vất vả. Không phủ nhận đất nước có những tiến bộ đổi thay, nhưng người giàu có chỉ tập trung vào một thiểu số doanh nghiệp, một số người làm ăn buôn bán, đời sống của phần đông cán bộ công nhân viên cũng được cải thiện, nhưng với việc khủng hoảng kinh tế thế giới mấy năm gần đây khiến cuộc sống của họ vẫn chật vật, nhất là những người nông dân. Vậy mà người ta cứ ca tụng, bảo thu nhập đầu người tăng cao hàng năm. Có chăng, nhóm thu nhập tăng cao hàng năm chỉ là mấy ông đầu cơ đất đai, mấy ông cơ hội, mấy ông tham nhũng."

Bởi vậy, "vì  trách  nhiệm  nên tôi phải lên tiếng để chúng ta cảnh giác. Một đất nước ai cũng thi đua làm giàu là mừng, nhưng việc thi đua này chỉ dành cho một số người có cơ hội và không ai quan tâm giúp người nông dân, công nhân nghèo (những người có ít cơ hội hơn) thì phải buồn chứ làm sao vui được. Một đất nước mà cuộc sống được cải thiện là đáng mừng, nhưng nếu được cải thiện nhờ tham ô, tham nhũng thì cũng buồn chứ chưa thể mừng được".

Dạo này ông yếu đi nhiều, bệnh tim khiến ông thường xuyên phải vào viện. Không có cơ hội đi xa thì ông đi gần, hăng hái tìm hiểu đời sống dân sinh qua một hàng cắt tóc ven đường hoặc ghé ăn một bát phở ngoài phố xem làm ăn ra làm sao.

Ông chia sẻ, "những năm còn khó khăn, người cắt tóc ngoài đường vẫn tỏ ra văn minh, lịch sự gấp 10 lần bây giờ. Có vẻ như người ta đang sống chụp giật. Thợ cắt tóc ngày xưa làm gì có phòng ốc, máy lạnh, chỉ có một cái ghế gỗ, cùng hòm dụng cụ, nhưng thái độ nhã nhặn, làm cẩn thận. Mới đây, tôi tìm tới một hàng cắt tóc vỉa hè, rất buồn thấy thợ cắt tóc bây giờ khác trước quá nhiều, chụp giật... thi đua kiếm tiền bằng mọi cách".

"Thỉnh thoảng tôi cũng đi xe ôm. Cách nay 3 năm thấy khá hơn, bây giờ sợ lắm. Lúc đến nơi họ nói bao nhiêu tiền là phải trả bấy nhiêu. Biết giá đó là đắt quá nhưng vẫn phải móc túi để trả. Có phải đó là hệ quả của một xã hội thiếu vắng những tấm gương mẫu mực?

Có lẽ, với những người từng trải qua chiến tranh gian khổ như ông, bên cạnh bao nhiêu điều lớn nhỏ khác, họ thấm thía hơn ai hết bài học về lòng dân, bài học về niềm tin giữa người với người.

Nhìn về quá khứ, tướng Nguyên quả quyết: Chiến thắng Điện Biên Phủ và 30 tháng Tư năm 1975 là do đảng được lòng dân. "Dân tin vào đảng và nhìn vào tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh," ông khẳng định "đó là một thời trong sáng nhất, oanh liệt nhất, mẫu mực nhất của dân tộc."

Hướng tới tương lai, dường như trong tận đáy lòng của vị Tướng can trường vẫn nhiều băn khoăn. Vượt qua tâm lý thường tình của người nghỉ hưu là ẩn dật, là kiệm lời, ông vẫn giữ nguyên phong thái cương trực, nói thẳng, nói thật, nói không né tránh: "Trong thời bình, xã hội dễ phân tâm. Nhưng càng như vậy, lãnh đạo càng phải rất gương mẫu, nói phải đi đôi với làm; Cần bắt tay làm bạn với thế giới để làm ăn, nhưng phát triển đất nước phải có chiến lược bình tĩnh, khôn ngoan và có quy hoạch, chứ không phải mạnh ai nấy làm. Đầu tư gì, đầu tư ở đâu, đầu tư như thế nào thì Chính phủ phải lựa chọn trên tiêu chí: lợi ích quốc gia là trên hết".

Không thể phủ nhận, những thông điệp của ông được chuyển tải qua các bài viết, bài trả lời báo giới luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Dù đã nghỉ hưu, ông vẫn không ngừng suy nghĩ với những góc nhìn trực diện, mạnh mẽ. Chính điều này làm tăng thêm uy tín của tướng Đồng Sĩ Nguyên, khiến nhiều người phải lắng nghe mỗi khi ông lên tiếng. Và, đây cũng chính là lý do Tuần Việt Nam chọn ông là một Nhân vật của năm 2010.

T. H.

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn