Vì sao lãnh đạo Vedan thoát tội hình sự?

Hà Hiển

image

Đoàn kiểm tra đang lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Vedan. Ảnh: VietNamNet

Trong bài viết “Nhà nước quên đòi Vedan bồi thường” đăng  trên VietNamNet ngày 2/8/2010, tác giả Kiều Phong đã dẫn chiếu rất  chính xác Điều 74 Hiến pháp năm 1992, các quy định của Bộ Luật Tố tụng  Dân sự và Luật Bảo vệ Môi trường để đi đến kết luận rất đúng đắn rằng  Nhà nước, mà đại diện hợp pháp của nó là chính quyền 3 địa phương là  Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP HCM lẽ ra phải đứng ra đòi Vedan bồi  thường những thiệt hại về môi trường.
Nhưng theo ý kiến của nhiều người  thì điều này vẫn chưa đủ. Tổng Giám đốc Vedan và các cá nhân có trách nhiệm trong bộ máy lãnh đạo của Vedan vào thời điểm Vedan gây thiệt hại lẽ ra  phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì những căn cứ pháp lý sau đây:

1) Những hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường của những cá nhân trên thuộc về
những hành vi tội phạm như quy định tại Khoản 1, Điều 8, Bộ  Luật Hình sự, là
“hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ  luật hình sự, do người cónăng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một  cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính  mạng, sức khỏe..., lợi ích hợp pháp khác của công dân…” (*)

2) Hành vi gây ô nhiễm môi trường ở mức độ rất nghiêm trọng mà những  người có trách nhiệm của Vedan gây ra là hành vi nguy hiểm cho xã hội  được quy định rất rõ tại Điều 183 Bộ Luật Hình sự 1999 là ” Tội gây ô  nhiễm nguồn nước”, theo đó “1. người nào thải vào  nguồn nước dầu mỡ,  hóa chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho  phép, các chất thải,  xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký  sinh trùng độc hại  và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị  xử phạt hành  chính (**) mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo  quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì  bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm;  2. Phạm tội  gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến  mười năm;  4.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng  đến năm mươi  triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm  công việc nhất  định từ một năm đến năm năm”.

Những người lãnh đạo Vedan không thể không biết hành vi của họ đã cấu  thành tội phạm theo quy định của Bộ Luật Hình sự Việt Nam và hẳn là họ  đã nghĩ việc bị truy tố trách nhiệm hình sự là không thể tránh khỏi.  Chính vì thế mà ngay sau khi vụ xả chất thải ra môi trường bị phát  hiện,  vì lo sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên cả ba cá nhân mang  hộ chiếu Đài Loan có trách nhiệm cao nhất của Vedan vào giai đoạn đó là Tổng Giám đốc, trợ lý Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc đã cao chạy xa bay khỏi Việt Nam trước khi Cục cảnh sát môi trường (C36) đề nghị Cục quản lý xuất nhập cảnh (A18), Bộ Công an ngăn chặn xuất cảnh đối với họ  (Theo Người lao động - 25/9/2008).

Thế mà không hiểu căn cứ vào đâu  mà trong báo cáo trình Thủ tướng,  Bộ Tài
nguyên và Môi trường (TNMT) lại cho rằng: “Theo quy định của pháp  luật về bảo vệ môi trường hiện hành, các hành vi vi phạm của Công ty  Vedan chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án hình sự về môi  trường” (Theo Dân trí ngày 7/10/2008).

Thiết nghĩ, ngoài giải trình chung chung lên Thủ tướng,  Bộ TNMT nên  có giải
thích thật rõ ràng và chi tiết trước công luận rằng theo “quy định của pháp
luật bảo vệ môi trường hiện hành” thì còn thiếu “yếu tố  cấu thành tội phạm” nào để không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người lãnh đạo Vedan và nếu việc “còn thiếu” ấy là yếu tố chủ  quan thì Bộ TNMT hay các cơ quan chức năng nào khác có trách nhiệm gì  trong việc “còn thiếu” ấy không (***)
HH
(*)  Nội dung đầy đủ của Khoản 1, Điều 8, BLHS : “Tội phạm là  hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do  người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý,  xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm  phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an  ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm  phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền,  lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của  trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.”

(**) Theo Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục cảnh sát Môi trường (Bộ CA) thì Vedan đã bị xử lý hành chính vào năm 2006.

(***)  Đại tá Nguyễn Xuân Lý, khi trả lời phỏng vấn báo chí vào  thời điểm tháng 9/2008 đã dẫn chiếu Bộ Luật Hình sự 1999 để khẳng định  đã có đủ căn cứ để khởi tố hình sự  (lãnh đạo) Vedan về những vi phạm  “có hệ thống và đặc biệt nghiêm trọng” nhưng lý do chưa khởi tố, theo  lời ông Lý, là còn chờ kết luận của Bộ TNMT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn