Tác động của cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên đối với tương lai an ninh châu Á

TTXVN (Xitsni 17/7)

Viện Chính sách Quốc tế Lowy có trụ sở tại Xitsni mới đây công bố một nghiên cứu về tương lai an ninh của châu Á, trong đó dự báo về một “cú sốc” chiến lược khủng hoảng Bắc Triều Tiên, một sự biến có thể khiến tương lai của khu vực chuyển đổi từ hướng này sang hướng khác như sau:

Một cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo Triều Tiên trong vòng vài thập niên tới, hoặc thậm chí vài năm tới, rất có khả năng xảy ra. Đây sẽ là một trắc nghiệm chủ yếu cho những dàn xếp an ninh của khu vực, một thách thức cho sự ổn định khu vực, và có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi sâu sắc trong trật tự an ninh khu vực. Xét cho cùng, Bắc Triều Tiên là một địa điểm truyền thống cho sự cạnh tranh và xung đột giữa các cường quốc, đồng thời chính bản thân nước này cũng là một quốc gia không thể coi thường được. Bắc Triều Tiên đã trải qua một vài cuộc chiến tranh cường quốc lớn vào cuối thế kỷ XIX. Là một quốc gia bị chia cắt một cách cay đắng, Bắc Triều Tiên chứa đựng những động lực bên trong cho khủng hoảng hoặc xung đột mà có thể lôi kéo khu vực rộng lớn hơn tham gia. Sự thay đổi đó có thể đi theo bất kỳ phương hướng có thể xảy ra nào. Tùy thuộc vào việc khủng hoảng tiến triển như thế nào và sự đáp lại của các cường quốc lớn ra sao, một cú sốc chiến lược Bắc Triều Tiên có thể góp phần biến một trong bốn kịch bản cho tương lai an ninh của châu Á – địa vị bá chủ của Mỹ, một châu Á cân bằng về quyền lực, một châu Á phối hợp giữa các cường quốc và sự bá chủ của Trung Quốc – trở thành hiện thực. Bắc Triều Tiên và những gì diễn ra ở đó có thể là điểm then chốt chiến lược của châu Á trong thế kỷ XXI.


Một cuộc khủng hoảng có thể nổi lên như thế nào? Những lợi ích của các cường quốc lớn sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Và các cường quốc này sẽ phản ứng như thế nào?

Cuộc khủng hoảng an ninh có thể xảy ra nhất trên bán đảo Triều Tiên không phải là một dạng nào đó lặp lại Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, được khởi xướng thông qua một cuộc tấn công bất ngờ của Bình Nhưỡng. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn xảy ra những cuộc đụng độ nhỏ, và miền Bắc thiên về đàm phán chiến tranh một cách không dứt khoát, nhưng chế độ Bình Nhưỡng dường như có những tính toán lý trí dựa trên mục tiêu hàng đầu là duy trì việc nắm giữ quyền lực và kiểm soát công chúng. Trong quan điểm của Bình Nhưỡng, chương trình vũ khí hạt nhân đóng vai trò như là phép phân tích cuối cùng nhằm thúc đẩy an ninh của chế độ. Điều có thể xảy ra nhất là một sự suy yếu không thể đảo ngược được và sự sụp đổ sau cùng hoặc đột ngột của chế độ, điều sẽ gây ra những hậu quả có tiềm năng làm mất ổn định trong ngắn hạn, ngay cả khi nếu điều đó cũng mở đường cho một nước Triều Tiên hòa bình và thống nhất do miền Nam chi phối. Điều này không thể xảy ra trong khi Kim Châng In còn sống, nhưng có thể nổi lên nếu Ban lãnh đạo để mất sự ủng hộ hoàn toàn của quân đội, hoặc nếu một bộ phận có vai trò quyết định trong dân chúng thấy có đủ khả năng thay đổi để dám thách thức chế độ một cách có tổ chức – một khả năng sẽ dần dần trở nên ít xa vời hơn khi sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài tăng lên.

Sự sụp đổ của chế độ Bắc Triều Tiên sẽ để lại một khoảng trống an ninh nội bộ, và có thể dẫn đến xung đột nội bộ giữa các phe phái quân đội, hoặc chỉ là sự hỗn loạn nói chung. Một số lượng lớn người tị nạn sẽ tìm cách trốn sang miền Nam hoặc tới Trung Quốc. Sẽ có những sức ép lớn với mục đích can thiệp từ bên ngoài, cả cho một chiến dịch nhân đạo khổng lồ và để mang lại trật tự và an ninh cơ bản. Trung Quốc có thể bị lôi cuốn chiếm đóng nhiều phần của Bắc Triều Tiên để bảo vệ những lợi ích rộng lớn của họ ở đó. Các cường quốc láng giềng sẽ không thể bảo vệ đầy đủ những lợi ích của họ khi chỉ đơn giản cố gắng đóng cửa biên giới. Số phận của các thiết bị hạt nhân ở miền Bắc và những vũ khí hủy diệt hàng loạt khác sẽ là một lo ngại then chốt. Hơn nữa, không có nhà hoạch định quốc phòng nào của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản có thể loại trừ khả năng những phần tử của chế độ đang tàn lụi ở Bắc Triều Tiên có thể dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và tên lửa đạn đạo tấn công Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Ngoài ra, mỗi cường quốc có liên quan – Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Nga – sẽ theo dõi hành động của nhau. Sẽ không một cường quốc nào muốn đơn phương đảm nhận trách nhiệm đối với Bắc Triều Tiên, nhưng cũng không ai muốn bị loại khỏi cơ hội định hình trật tự mới trên bán đảo Triều Tiên. Tóm lại, sân khấu sẽ được định hình cho một mức độ xung đột cường quốc lớn hoặc hợp tác chưa từng thấy ở Đông Bắc Á kể từ những năm 1950, với những tác động có ảnh hưởng sâu rộng.

Tiếp theo sự sụp đổ chế độ, rất có khả năng xảy ra một sự can thiệp quân sự và nhân đạo hỗn hợp lớn của Hàn Quốc và Mỹ ở Bắc Triều Tiên. Các tin tức báo chí trong những năm gần đây cho thấy rằng Oasinhtơn và Xơun đang phát triển những kế hoạch chi tiết cho một sự biến bất ngờ như vậy. Câu hỏi đặt ra là những nước nào khác có thể đóng góp cho chiến dịch đó. Khó có thể có được sự thông qua của Liên hợp quốc: Trung Quốc hoặc Nga có thể phủ quyết một sứ mạng mà họ thấy không phù hợp với những lợi ích của họ. Nhật Bản sẽ muốn có một tiếng nói trong sự đáp lại của quốc tế, nhưng sẽ không thể cung cấp (hoặc được đề nghị cung cấp) một lực lượng trên bộ lớn ở Bắc Triều Tiên (kể cả vì những lý do lịch sử hiển nhiên). Tuy nhiên, Oasinhtơn sẽ mong đợi sự hỗ trợ về mặt tài chính trên quy mô lớn của Nhật Bản, với những sự lặp lại vai trò của Nhật Bản trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Về binh sĩ và nhân viên cứu trợ, Mỹ chí ít sẽ mong đợi một số đồng minh và đối tác (bao gồm các nước NATO, Ôxtrâylia và có khả năng là những đồng minh hoặc đối tác châu Á khác) đóng góp một cách [thiết] thực nhất.

Một sứ mạng cứu hộ Bắc Triều Tiên sẽ đặt ra những rủi ro chiến lược to lớn bất kể thành công hay không. Một câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có quyết định về cơ bản làm việc với một liên minh như vậy hay không, hoặc là chống lại liên minh đó. Điều này phần nào tùy thuộc vào tình trạng của mối quan hệ Mỹ-Trung lúc đó, kể cả việc liệu có bất kỳ tiến bộ nào hướng tới những hiểu biết về việc lên kế hoạch cho sự biến bất ngờ hay không cũng như sự tôn trọng những lợi ích của nhau trong một tình huống có thể xảy ra như vậy.

Nói cách khác, một cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên sẽ không tự động mang lại một sự phối hợp giữa các cường quốc, thậm chí nếu điều đó gây ra thách thức chung là vũ khí hạt nhân bị thả lỏng và những làn sóng người tị nạn. Càng có nhiều tiến bộ sẵn có tiến tới sự phối hợp của các cường quốc, nhất là trong đối thoại và sự minh bạch ở các nước Mỹ, Trung Quốc và Nhật bản, thì càng có nhiều cơ hội cho một sự tan vỡ ở Bắc Triều Tiên đóng vai trò như là chất xúc tác cuối cùng tiến tới một dàn xếp như vậy. Nhưng ngay cả khi đó, kết quả này sẽ không được đảm bảo, đặc biệt là nếu một cường quốc lớn (Trung Quốc hay Nhật Bản) quyết định rằng một nước Triều Tiên thống nhất là không thể chấp nhận được đối với những lợi ích an ninh cốt lõi của họ. Sự phối hợp theo lôgic của các cường quốc nổi lên từ một cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên sẽ là năm “bên tham gia” (không có Bắc Triều Tiên) trong tiến trình Đàm phán Sáu bên về việc giải quyết những tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Xét cho cùng, Đàm phán Sáu bên là điều gần nhất được phát triển cho đến nay ở châu Á với một hệ thống phối hợp để quản lý một vấn đề an ninh: một dàn xếp đa phương của các cường quốc thực chất, bao gồm những “cổ đông” chính trong an ninh Bắc Triều Tiên. Một sự biến bất ngờ sẽ liên quan đến cả những lợi ích chung lẫn những mâu thuẫn tiềm tàng về lợi ích của những “bên tham gia” này, kể cả một kết quả tồi tệ nhất là đối đầu vũ trang trực tiếp giữa các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc. Do đó, sẽ có cả sự khích lệ lẫn tiền lệ cho một cách tiếp cận giống như là phối hợp nhằm quản lý khủng hoảng mà (nếu thành công) có thể dẫn đến một dàn xếp lâu dài. Những mục tiêu của một dàn xếp như vậy sẽ là bao gồm cả việc hội nhập một nước Triều Tiên thống nhất vào khu vực và giúp các cường quốc lớn hơn quản lý những thời kỳ chuyển tiếp trong các nhận thức và ưu tiên chiến lược của họ.

Tuy nhiên, hoàn toàn không thể chắc chắn rằng một cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên sẽ có một kết quả hài hòa mà có thể bằng cách nào đó bồi hoàn cho những gian khổ ngắn hạn. Một sự gia tăng nguy hiểm của tình trạng đối địch cường quốc lớn cũng có thể là một khả năng thực sự. Một cuộc khủng hoảng sụp đổ – thống nhất Triều Tiên có thể giúp hồi phục và kéo dài sự thống trị của Mỹ trong khu vực, cho dù điều đó đặt ra những đòi hỏi mới đối với Oasinhtơn như là một “bên tham gia” có ưu thế nhất. Sự biến mất của chế độ Bắc Triều Tiên và sự loại bỏ các vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ dỡ bỏ một mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ cũng như đối với trật tự quốc tế mà Mỹ đã tìm cách duy trì. Một nước Triều Tiên thống nhất cho phép Oasinhtơn đóng vai trò bên ngoài quan trọng trong việc thống nhất, ổn định hóa và tiến trình tái thiết (giả sử Mỹ sẵn sàng đảm nhận hầu hết gánh nặng này) có thể là một đối tác thực chất đối với Mỹ và mắc nợ Oasinhtơn. Lựa chọn về một sự hiện diện quân sự lâu dài ở Bắc Triều Tiên, thậm chí có lẽ ở phía Bắc của khu phi quân sự hiện nay, sẽ giúp Mỹ tiếp tục bao vây cường quốc Trung Quốc. Và nếu có một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc nhằm đảm bảo ở một thời điểm nào đó trong cuộc khủng hoảng, và nếu Oasinhtơn thành công trong việc khuất phục Bắc Kinh, thì sự thống trị và sự tín nhiệm của Mỹ với tư cách là một đồng minh sẽ được củng cố nhờ điều đó.

Tất nhiên, ngay cả khi Mỹ được hoan nghênh tham gia trên quy mô lớn vào sự thống nhất thì điều đó cũng có thể mang lại những phức tạp nghiêm trọng. Một nước Triều Tiên thống nhất sớm hay muộn cũng sẽ tự mình trở thành một “bên tham gia” lớn trong khu vực, với những lợi ích quốc gia, sự kiêu hãnh và tính không thể dự đoán trước được của chính họ. Nước Triều Tiên thống nhất có thể giữ lại các vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hoặc chí ít những khả năng chế tạo bom tiềm tàng của Bình Nhưỡng. Một tác động trở lại của điều này là Nhật Bản có thể cần sự bảo đảm lớn hơn trước ảnh hưởng của một nước Triều Tiên thống nhất, quốc gia sẽ thừa kế những bất đồng hiện nay của Xơun với Tôkyô, trong đó có cả vấn đề lãnh thổ. Một nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân rõ ràng sẽ thúc ép Tôkyô cân nhắc những lựa chọn hạt nhân của chính Nhật Bản. Nói chung, cách hành xử và định hướng chính sách đối ngoại của một nước Triều Tiên mới về cơ bản sẽ nằm ngoài sự kiểm soát của Oasinhtơn. Trong bất cứ trường hợp nào, sẽ có những dấu chấm hỏi quan trọng về khả năng của Oasinhtơn trong việc cung cấp một phần lớn tài chính cho những nỗ lực tái thiết ở Bắc Triều Tiên. Nếu sự sụp đổ của chế độ Bắc Triều Tiên xảy ra đúng vào thời điểm suy thoái kinh tế sâu rộng và/hoặc thời điểm thiếu tự tin chiến lược ở Mỹ, thì cơ hội để biến một cuộc khủng hoảng như vậy thành lợi thế có thể sẽ mất đi. Mặc dù sẽ có sức ép đòi Tôkyô phải đảm nhận phần lớn chi phí của sự tái thiết Bắc Triều Tiên, nhưng Nhật Bản có thể không muốn làm như vậy – và người Triều Tiên có thể không thoải mái dựa vào sự hỗ trợ của Nhật Bản. Thay vì điều đó, Xơun thậm chí có thể nhìn sang Bắc Kinh.

Tùy thuộc vào việc diễn ra như thế nào, một cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên có thể đẩy nhanh các xu hướng tiến tới sự bá chủ của Trung Quốc trong khu vực. Ví dụ, nếu một sự đối đầu quân sự Trung-Mỹ phát triển, mà trong đó Oasinhtơn chùn bước trước những đe dọa leo thang của Trung Quốc, danh tiếng của Mỹ như là một đồng minh tin cậy trong khu vực sẽ đột nhiên thu nhỏ lại. Nếu Trung Quốc bất ngờ trở nên can dự sâu sắc và nhanh chóng vào những nỗ lực ổn định hóa và tái thiết nửa phía Bắc của một nước Triều Tiên thống nhất thì ảnh hưởng và uy tín của Bắc Kinh sẽ tăng lên nhờ đó, và người Triều Tiên có thể tự đặt câu hỏi về nhu cầu cho một sự hiện diện tiếp tục của Mỹ. Và tất nhiên luôn luôn có khả năng rằng sự sụp đổ chế độ ở Bắc Triều Tiên có thể ngừng lại giữa chừng – nếu hóa ra Bắc Kinh từ lâu đã chuẩn bị cho một sự lãnh đạo thay thế chỉ cho một thời khắc như vậy. Căn cứ vào điều mà Trung Quốc nhìn nhận là sự cứng đầu của “người em trai vô ơn”, hoàn toàn có thể hiểu được là Bắc Kinh đang nuôi dưỡng một chế độ thay thế dễ sai khiến hơn trước những mệnh lệnh và lợi ích của Trung Quốc./.

Nguồn: http://anhbasam.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn