Thư giãn Chủ nhật: 'Làm hầm chống mưa ngập là ý tưởng táo bạo'

Đoàn Loan

clip_image001

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Ảnh: Hoàng Hà.

Có cảm tưởng như vị đại diện cho dân này nói theo cảm tính của mấy bác nông dân!

Phương án được lựa chọn phải thông qua tính toán kinh tế kỹ thuật chứ.

Thông thường, nếu tiêu tự chảy không được thì người ta phải tiêu động lực: Làm kênh tiêu dẫn về nơi trũng, rồi bơm ra sông. Ngoài ra, lợi dụng các hồ ao nhân tạo để giữ bớt nước mưa.

Còn biện pháp làm hầm chôn nước, sơ bộ thấy là không có hiệu quả.

Người đề xuất giải pháp này có lẽ không có chuyên môn cấp thoát nước, nên chỉ nói để mà chơi thôi! Khéo mà Thủ đô đưa ra dự án ấy rồi lại giống như việc lát đá Hồ Gươm hay làm năm cổng chào, sẽ bị tầng lớp trí thức chuyên gia của Thủ đô và cả nước lên tiếng chỉ trích bưng tai không kịp, còn nếu quyết tâm thực hiện thì rồi một khoản tiền bạc không nhỏ sẽ khăn gói chuồn khỏi Hà Nội mà bay lên mây như... con rồng “thăng long” cách đây 1.000 năm.

GS TS Nguyễn Thế Hùng

"Có ý kiến Hà Nội nên làm hầm ngầm, mỗi khi mưa thì trút nước xuống đó rồi bơm ra sông Hồng. Ý tưởng rất táo bạo vì chúng ta nằm trên địa bàn rất trũng", Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bày tỏ quan điểm.

Tại phiên bế mạc HĐND Hà Nội sáng nay, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo đã phát biểu làm rõ những vấn đề nổi cộm của thành phố, như: tiêu thoát nước, ùn tắc giao thông...

Theo ông Thảo, hiện nay với trận mưa 50 mm trong 2 giờ thì thành phố đảm bảo tiêu thoát. Nếu lượng mưa từ 50 đến 100 mm trong 2 giờ thì sẽ có 25 điểm úng ngập 20-50 cm. Nếu mưa trên 100 mm như ngày 13/7 thì sẽ có rất nhiều điểm úng ngập.

Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố đã đưa ra các phương án ứng trực, tiêu thoát nước cục bộ và chống ùn tắc giao thông. Khi úng ngập thì lực lượng đó sẽ ra quân. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ bức xúc: "Ở Hà Nội, khi có mưa một chút là trở thành loạn, mọi người không ai nghe ai, ai cũng tranh đi trước, tự chúng ta tạo hỗn loạn".

Theo lãnh đạo thành phố, quy hoạch do Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA) thiết kế, khả năng tiêu thoát trong dự án thoát nước giai đoạn một là 172 mm/2 ngày đêm, giai đoạn 2 hoàn thành năm 2013 sẽ đạt 310 mm/2 ngày đêm. Tổng vốn đầu tư cho cả 2 giai đoạn tới 1,2 tỷ USD, nguồn vốn khá lớn đòi hỏi thành phố phải tìm các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để huy động.

"Có ý kiến đưa ra là Hà Nội làm hầm ngầm ở bên dưới, mỗi khi mưa xuống thì trút nước xuống đó rồi bơm ra sông Hồng. Ý tưởng rất táo bạo vì chúng ta nằm trên địa bàn rất trũng. Khu phố cổ do Pháp thiết kế không úng ngập là do cốt thiết kế cao. Còn tất cả quận Đống Đa, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì cốt nền rất thấp", ông Thảo nói.

Trước những băn khoăn mưa ngập vào dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Chủ tịch thành phố nói: "Thành phố có phương án chống úng ngập, tổ chức lực lượng ứng trực. Chúng ta không thể bắn mây như Bắc Kinh, Matxcơva, vì mỗi lần bắn mây để ngăn mưa trong 3 ngày tiêu hết hơn một tỷ USD. Mưa do trời, không thể ngăn lại".

Theo lãnh đạo thành phố, thời gian qua Hà Nội đã giải quyết được 66 trên tổng số 124 điểm ùn tắc giao thông. Trước nhiều ý kiến về bịt ngã tư rồi lại giỡ bỏ, Chủ tịch Hà Nội khẳng định thành phố rất lắng nghe, tính toán lưu lượng ra vào nút giao thông, từ đó mới quyết định tháo hay không.

Chủ tịch cũng thừa nhận khi ngăn ngã tư, một bộ phận người đi bộ gặp khó khăn vì gần nhà xa ngõ, gây bức xúc trong dư luận, nhưng vẫn khẳng định hiệu quả của giải pháp này: "Cho dù cách làm chưa thể đạt kết quả như mong muốn, song qua điều tra, thời gian phương tiện qua nút giao thông được rút ngắn so với trước khoảng 20%. Vì thế khi tháo ra, lại có bộ phận kiến nghị rào lại".

Ông Thảo nhận định, với năng lực hiện nay thì các phương án cũng chỉ là loay hoay tình thế. Trong thời gian tới, thành phố cần tập trung các giải pháp lâu dài, đồng bộ như hệ thống giao thông công cộng, đường sắt trên cao và ngầm. Cụ thể trong năm nay, thành phố có thể khởi công tuyến ngầm số 1 và tuyến Cát Linh - Hà Đông; đẩy mạnh tiến độ các dự án giao thông công cộng nhanh hơn nữa để giải quyết ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, vấn đề giảm dân số trong nội thành cũng được lãnh đạo thành phố đề cập nhằm giảm dân số từ 1,2 triệu xuống còn 800.000 người.

"Không dễ để di chuyển các cơ quan trung ương, thậm chí cả UBND thành phố, trường đại học, các nhà máy xí nghiệp. Chúng tôi đang suy nghĩ đề xuất này để giảm bớt mật độ bên trong. Vừa qua thành phố đã hạn chế xây nhà cao tầng để giảm bớt mật độ", ông Thảo bày tỏ.

Sáng 17/7, HĐND thành phố đã ra Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với ông Đào Văn Bình. Ông Bình mới được bầu là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Hà Nội.

ĐL

Nguồn: Vnexpress

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn