Nước đến chân mới nhảy?

Nguyễn Quang A

image Xét về tổng tài sản, nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước thì hơn 20 tập đoàn và tổng công ty vừa được chuyển đổi mấy ngày qua chiếm tỷ lệ áp đảo. Hiểu theo nghĩa đó có thể nói là nước đến chân mới nhảy cũng được, nhưng đó chỉ là bề ngoài.

Còn một lý do rất xác đáng (mà người ta không muốn nói ra) để lý giải cho sự cập rập, “nước đến chân mới nhảy” này: dưới Luật doanh nghiệp nhà nước (2003) hay dưới sự giao thời, tranh tối tranh sáng thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ “thuận lợi” hơn. Và họ cố gắng tranh thủ sự “thuận lợi” đó cho đến những ngày cuối cùng và đến hạn chót buộc phải làm thì họ mới làm, nước đến chân thì họ mới nhảy.

Trước khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực (1-7-2006) người ta ồ ạt thành lập các tập đoàn mà cho đến tận ngày nay vẫn còn bàn cãi về khung pháp lý cho chúng. Theo luật hiện hành không có thực thể pháp lý nào là tập đoàn cả, vì thế việc thành lập chúng là việc tù mù (nếu không nói là bất hợp pháp, một từ mà tôi đã dùng từ giữa 2006 khi bình luận về vài tập đoàn đầu tiên), tạo ra sự mơ hồ rất “thuận tiện” cho các nhóm lợi ích.

Nguyễn Quang A

Vào những ngày cuối tháng 6-2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký hàng loạt quyết định chuyển các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Số các doanh nghiệp này không quá nhiều (trên 20), nhưng xét về tỷ trọng tài sản có lẽ chúng phải chiếm 70-80% tổng tài sản của tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Đã có 4 năm để làm công việc này nhưng tại sao lại chuyển đổi dồn dập đến vậy? Bởi vì thời hạn phải chuyển đổi xong là 24h ngày 30-6-2010; và ngay sau đó từ 0h ngày 1-7-2010 tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2005, có hiệu lực từ 1-7-2006.

Điều 166 của Luật doanh nghiệp quy định việc chuyển đổi công ty nhà nước như sau: “Thực hiện theo lộ trình chuyển đổi hàng năm, nhưng chậm nhất trong thời hạn bốn năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật này”.

Điều 169 của Luật Doanh nghiệp cũng quy định: “Doanh nghiệp do Nhà nước thành lập kể từ ngày Luật này có hiệu lực phải được đăng ký, tổ chức quản lý và hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan”.

Nói cách khác tất cả các doanh nghiệp nhà nước được thành lập sau 1-7-2006 đều phải tuân thủ Luật doanh nghiệp và các doanh nghiệp được thành lập trước ngày đó có thời hạn 4 năm để chuyển đổi và thời hạn đó chấm dứt vào ngày 30-6-2010.

Đã có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi thành công ty cổ phần hay được thành lập dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong các năm qua, nhưng xét về tổng tài sản, nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước thì hơn 20 tập đoàn và tổng công ty vừa được chuyển đổi mấy ngày qua chiếm tỷ lệ áp đảo. Hiểu theo nghĩa đó có thể nói là nước đến chân mới nhảy cũng được, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Sẽ có người lý giải việc này là do sự chuyển đổi phức tạp, phải chuẩn bị kỹ lưỡng nên đến hạn chót mới hoàn thành. Rất có thể như vậy. Nhưng còn một lý do rất xác đáng (mà người ta không muốn nói ra) để lý giải cho sự cập rập, “nước đến chân mới nhảy” này: dưới Luật doanh nghiệp nhà nước (2003) hay dưới sự giao thời, tranh tối tranh sáng thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ “thuận lợi” hơn. Và họ cố gắng tranh thủ sự “thuận lợi” đó cho đến những ngày cuối cùng và đến hạn chót buộc phải làm thì họ mới làm, nước đến chân thì họ mới nhảy.

Theo tôi đấy là tính toán hợp lý của các doanh nghiệp, nhưng quyết không thể là tính toán hợp lý của các chính trị gia. Và bản thân việc này có thể là dấu hiệu về ảnh hưởng sâu đến thế nào của các nhóm lợi ích.

Minh chứng cho những tính toán “hợp lý” như vậy của các doanh nghiệp là chúng ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách để có chính sách lợi nhất cho mình mà người ta thường gọi là vận động hành lang. Chính sách hay luật áp dụng càng mơ hồ càng dễ bề xoay xở. Và việc thành lập các tập đoàn là một việc tạo ra cái khung khổ như vậy.

Trước khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực (1-7-2006) người ta ồ ạt thành lập các tập đoàn mà cho đến tận ngày nay vẫn còn bàn cãi về khung pháp lý cho chúng. Theo luật hiện hành không có thực thể pháp lý nào là tập đoàn cả, vì thế việc thành lập chúng là việc tù mù (nếu không nói là bất hợp pháp, một từ mà tôi đã dùng từ giữa 2006 khi bình luận về vài tập đoàn đầu tiên), tạo ra sự mơ hồ rất “thuận tiện” cho các nhóm lợi ích.

Hay việc chuyển đổi của các tập đoàn được thành lập sau 1-7-2006 cũng vậy. Theo Điều 169 của Luật Doanh nghiệp, chúng phải hoạt động theo luật này ngay từ ngày đầu tiên và như thế không cần chuyển đổi gì cả. Nhưng người ta vẫn thành lập và vẫn chuyển đổi trong những ngày vừa qua.

Chỉ liệt kê ngày thành lập của vài tập đoàn được thành lập sau 1-7-2006 và vừa được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mấy ngày vừa qua để thấy sự “trái khoáy” rất “hợp lý” như vậy: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được thành lập ngày 29-8-2006; Tập đoàn công nghiệp cao su Việt nam, 30-10-2006; Tập đoàn Viettel được thành lập (cũng có thể gọi là chuyển đổi thành hay “được lên” tập đoàn) ngày 12-1-2010; Tập đoàn Sông Đà được thành lập (hay nâng cấp) ngày 12-1-2010; Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị ngày 12-1-2010.

Nếu không vì lý do tận dụng sự tù mù và mơ hồ của khung pháp lý lúc giao thời thì thật khó để hiểu tại sao từ 1-7-2006 các tổng công ty này lẽ ra phải được chuyển đổi theo luật doanh nghiệp thì chúng đều “được lên” tập đoàn và vừa trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vài ngày vừa qua.

Với việc Chính phủ phải ra tay cứu Vinashin và chuyển nó thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, có thể nói mô hình tập đoàn đã sụp đổ như cảnh báo của rất nhiều chuyên gia suốt bốn năm qua. Cần nghiêm túc nhìn nhận và cải tổ tận gốc rễ các doanh nghiệp nhà nước, trước tiên bằng sự đoạn tuyệt với mô hình tập đoàn.

NQA

Bài viết đã đăng trên Tiền phong 05/7/2010. Đây là bản gốc chưa tu chỉnh do tác giả trực tiếp gửi cho BVN.

Phụ lục: Bản gốc bài viết từ năm 2006 của TS Nguyễn Quang A (đã được báo Lao động đăng sau khi chỉnh lý một vài chỗ)

Thành lập các tập đoàn có vi phạm luật không?

Nguyễn Quang A

Dư luận đang sôi nổi bàn về việc thành lập các tập đoàn. Nào là Tập đoàn Than và khoáng sản, Tập đoàn Bảo hiểm, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, v.v. Và tập đoàn sau vừa nhận quyết định thành lập. Theo tôi việc thành lập các tập đoàn là việc làm vi phạm luật. Thứ nhất, không có pháp nhân nào theo luật Việt Nam hiện hành được gọi là tập đoàn cả. Tuy Luật doanh nghiệp sẽ có hiệu lực vào 1-7-2006 (dưới đây gọi là Luật doanh nghiệp mới) có một điều duy nhất nói rất sơ lược và mơ hồ về tập đoàn kinh tế trong điều 149: “Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Chưa nói đến sự mơ hồ của điều luật, nhưng có thể thấy nhóm công ty không phải là một pháp nhân và như thế liệu có thể thành lập nó hay không? Giả như nó là một pháp nhân, thì Chính phủ đã có quy định liên quan như điều luật đòi hỏi chưa? Giả như là vậy thì việc thành lập cũng chỉ được diễn ra sau khi đã có quy định của Chính phủ, và sau 1-7-2006. Theo tôi biết, chưa có quy định nào cả, và làm sao mà quy định nổi. Thứ hai, nếu biến các tổng công ty nhà nước thành công ty mẹ đầu tư vốn vào các công ty con (mà ta thường gọi là công ty mẹ-công ty con) thì sẽ phù hợp với Luật Doanh nghiệp (mới) sẽ có hiệu lực từ 1-7-2006. Như thế, trong mọi trường hợp việc thành lập các tập đoàn kinh tế vừa qua là hành vi trái luật. Tập đoàn là một khái niệm bao gồm một nhóm công ty có quan hệ mật thiết về mặt sở hữu, chiến lược, thị trường hay sản phẩm, v.v. và chỉ có thế thôi. Theo tôi hiểu, thế giới người ta hiểu như vậy chứ không có cái pháp nhân gọi là tập đoàn. Và sự phát triển của một tập đoàn theo nghĩa như thế là một sự phát triển tự nhiên, tự thân, chứ không do ai áp đặt, ban phát cho nó cả.

Về mặt pháp lý không có cái gọi là tập đoàn, tức là không có pháp nhân tập đoàn. Vậy tại sao người ta thích, hay “sính” tập đoàn đến vậy? Thường người ta coi một nhóm công ty có quy mô lớn, có sức mạnh, có thế lực, có uy tín, v.v. là một tập đoàn, và tất cả các tính chất đó chúng phải tự thân tạo ra. Và các nhóm công ty lớn trên thế giới, đôi khi cũng được nhắc đến như tập đoàn, thực sự là như vậy. Có lẽ lí “vĩ cuồng” khiến người ta thích được gọi là tập đoàn. Có lẽ nó nghe “oai” hơn, có lẽ nó giúp củng cố địa vị hơn (đôi khi có thể củng cố sự độc quyền), làm cho các đối thủ cạnh tranh yếu bóng vía khiếp sợ hơn. Tôi nghĩ bằng quyết định biến một tổng công ty thành tập đoàn chẳng phải là phép màu để biến nó thành “quả đấm thép”. Cả chục năm trước người ta cũng nghĩ thành lập các tổng công ti 90, 91 sẽ tạo ra các “quả đấm thép”, đáng tiếc năng lực cạnh tranh của chúng không cao, các “quả đấm thép” biến thành các “quả đấm giẻ”. Liệu điều đó có xảy ra với các tập đoàn?

Hãy thử xem Petro Việt Nam (chắc sẽ thành tập đoàn) và Petronas của Malaysia đều khoảng 30 tuổi. Bây giờ Petronas hoạt động ở trên 30 nước còn Petro Việt Nam với quy mô nhỏ hơn nhiều và đầy các vụ bê bối thì sao? Đó là chưa nói đến các tổng công ti khác. Nếu xem tài sản, doanh thu hoạt động, lợi nhuận của Ngân hàng Đầu tư và một số công ty xây dựng lớn của ta (mà nghe đâu cũng muốn cùng nhau xin thành tập đoàn) so với các nhóm công ty được coi là tập đoàn trên thế giới thì không biết phải cười hay nên khóc. Có lẽ nên dẹp bớt bệnh hình thức, thói khoa trương với chính mình. Có lẽ các nhà làm luật nên coi chừng sự “lobby” của các doanh nghiệp “đại gia”. Theo tôi nên chú trọng đến các vấn đề thực chất như cai quản công ty (corporate governance), nâng cao trách nhiệm giải trình, nâng cao tính minh bạch, loại trừ sự mâu thuẫn lợi ích, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến sản phẩm, đổi mới công nghệ v.v. của các công ty, tạo điều kiện cho các công ty cạnh tranh lành mạnh, hơn là việc đổ rượu cũ vào chiếc bình mới một cách rất mơ hồ về pháp luật (thực ra là một sự phân biệt đối xử không công bằng). Ai sẽ chịu trách nhiệm về những rắc rối pháp lý sẽ xảy ra? Tuy nhiên, nếu hiểu tập đoàn theo nghĩa khái niệm nhóm công ty, chứ không phải một pháp nhân, theo đúng Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1-7-2006, tức là thành lập các công ty mẹ-công ty con, thì việc này sẽ mang lại nhiều tiến bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc cai quản tốt hơn, quản trị và điều hành tốt hơn theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, tạo điều kiện cho cổ phần hóa. Nhưng nếu thế thì nên bỏ cái từ “tập đoàn” đi cho khỏi rắc rối, chỉ gây phân biệt đối xử và loại bỏ cơ hội lạm dụng. Nếu hiểu khác đi các tập đoàn có thể gây ra những rắc rối pháp lý, những bất lợi như nêu ở trên. Hãy để cho bất cứ doanh nghiệp nào trở thành “tập đoàn” nếu nó tự phát triển một cách tự nhiên trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, còn nếu lại phân loại về mặt pháp lý các nhóm công ty thành loại thường và loại đặc biệt thì có tạo ra sự bất bình đẳng không? Tôi không hiểu Quốc hội nghĩ ra sao về các tập đoàn? Tôi nghĩ, tinh thần thượng phong pháp luật của cơ quan hành pháp cao nhất mà như thế, thì chuyện “trên bảo dưới không nghe” cũng là khó tránh, vì dưới họ nhìn vào tấm gương ở trên mà.

NQA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn