Nghĩ từ đề án “20.000 Tiến sĩ”

Ban biên tập hoangsa.org

clip_image002Sau “phi vụ” dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt làm người dân lo đứng lo ngồi, đến nay, dường như muốn tiếp tục thử thần kinh người dân, và cũng để thử khả năng phản biện của xã hội, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình khủng: Đề án đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020, theo đó phấn đấu đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 Tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Cụ thể, trong 10 năm, từ năm 2010-2020, khoảng 10.000 Tiến sĩ sẽ được đào tạo tại các trường đại học có uy tín trên thế giới (Từ năm 2010 đến 2013 mỗi năm tuyển chọn từ 800 -1.200 nghiên cứu sinh; từ năm 2014 trở đi, bình quân mỗi năm tuyển chọn từ 1.300-1.500 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài; khoảng 3.000 Tiến sĩ sẽ được đào tạo theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài (Từ năm 2010 đến năm 2013 mỗi năm tuyển chọn 300-350 người; từ năm 2014 trở đi bình quân mỗi năm tuyển chọn 450 người); khoảng 10.000 Tiến sĩ được đào tạo ở trong nước (Từ 2010 đến 2015 mỗi năm tuyển chọn 1.200-1.500 nghiên cứu sinh; từ năm 2016 bình quân mỗi năm tuyển chọn 1.500 nghiên cứu sinh).

Đối tượng tuyển chọn đào tạo Tiến sĩ là giảng viên các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc; nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu khoa học; sinh viên mới tốt nghiệp đại học hoặc Thạc sĩ đạt từ loại khá trở lên; những người có năng lực và trình độ chuyên môn giỏi đang làm việc tại các đơn vị ngoài nhà trường, có nguyện vọng và cam kết trở thành giảng viên đại học, cao đẳng sau khi được đào tạo, có độ tuổi không quá 45 tuổi. Đặc biệt, ưu tiên đào tạo trình độ Tiến sĩ đối với giảng viên các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học trọng điểm, các trường đại học xuất sắc.

Ngành đào tạo, ưu tiên các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, nông nghiệp và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn, đáp ứng nhu cầu đào tạo giảng viên của các trường và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 14.000 tỷ đồng, trong đó đào tạo toàn phần ở nước ngoài chiếm khoảng 64%, đào tạo phối hợp chiếm khoảng 14%; đào tạo trong nước chiếm khoảng 20%; đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng khác ở trong nước chiếm khoảng 2%.

Sở dĩ chúng tôi gọi đây là một vụ tàu cao tốc của ngành giáo dục bởi vì nó không chỉ ngốn một khoản kinh phí khổng lồ mà còn vì tính thiếu thực tiễn của nó. Đồng ý rằng giáo dục đại học là đỉnh cao của nền giáo dục một quốc gia, là bộ mặt giáo dục quốc gia, nhưng một bộ mặt chỉ có thể được trang điểm phấn son lộng lẫy khi người ta có trang phục tương xứng với nó, kể từ đôi giày đôi vớ dưới chân.
Nhìn tổng thể nền giáo dục Việt Nam hiện nay thì thấy rằng Đề án 20.000 Tiến sĩ này cũng lố bịch và kệch cỡm như Thị Nở dùng phấn trang điểm vậy, vì một số lý do sau:

1. Không ai đi xây nhà từ nóc

Ông bà ta nói câu này đố sai. Đầu tư cho giáo dục đại học, cho 20.000 Tiến sĩ là một cách xây nhà từ nóc, trong khi nền móng của nó là giáo dục mầm non, tiểu học và trung học lại chứa đầy bất cập mà không ai quan tâm khắc phục. Với 14.000 tỷ đồng (mới là con số trên tính toán, nếu theo thực tế thì phải nhân lên ít nhất 1.5 lần), chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng những đề án thiết thực hơn để chuẩn hóa giáo dục các bậc dưới đại học. Đó mới là chiến lược phát triển hợp lý.

clip_image003

clip_image005

Một phần nền tảng giáo dục Việt Nam hiện nay

2. Có thực mới vực được đạo

Một trong những bất cập gây nhức nhối trong ngành giáo dục là lương và các chế độ cho giáo viên quá thấp. Trước khi tính đến các mục tiêu cao xa thì hãy nghĩ đến việc cải thiện thu nhập cho giáo viên đã. Tôi tin chắc có tỷ lệ giáo viên ủng hộ Đề án tăng lương sẽ cao gấp hàng trăm lần tỷ lệ giáo viên ủng hộ Đề án 20.000 Tiến sĩ này. Bởi một điều đơn giản, có thực mới vực được đạo, bây giờ không phải là thời buổi có thể rêu rao “thầy cô cứ cống hiến, xã hội sẽ biết ơn”. Nếu những người ăn quả chỉ nhớ ơn người trồng cây bằng mấy lời sáo rỗng đó thì chắc chẳng ai muốn trồng cây nữa, hoặc nếu trồng thì họ sẽ bán quả chứ chẳng dại gì cho không. Thực trạng dạy thêm là một minh chứng cho điều đó.

3. Bỏ hình bắt bóng

Gần đây xem thời sự thấy những cảnh học sinh phải đu dây qua sông để đến trường, để kiếm chữ, thấy xót xa quá. Hàng chục ngàn tỷ đồng kia (trong đó có không ít để phục vụ việc đi lại bằng máy bay cho các nghiên cứu sinh) trích ra để xây cầu, xây trường, trang bị cơ sở vật chất phục vụ việc học cho các em, trả lương cao hơn cho các giáo viên vùng sâu vùng xa sẽ thiết thực hơn nhiều. Mỗi trẻ em ở các vùng này được lên một lớp có ý nghĩa động viên tinh thần học tập của nhân dân, có giá trị cổ vũ cho việc chấn hưng dân trí hơn việc đào tạo Tiến sĩ rất nhiều. Làm những việc cụ thể và được lợi cho dân như thế mà không chịu làm, cớ sao bỏ hình bắt bóng bằng mục tiêu 20.000 Tiến sĩ mà nghĩ hoài cũng chẳng biết dân lợi chỗ nào?

clip_image007

Cháu Trần Thị Ánh Tuyết, học sinh lớp 2B trường Tiểu học Đắk Nông, một mình đu dây qua sông để đến trường

4. Con gà ghét nhau tiếng gáy

Hiện nay có xu hướng so sánh sự phát triển giáo dục của một quốc gia bằng cách thống kê và so sánh chất lượng các trường đại học. Trong một thống kê gần đây nhất, Việt Nam không có một trường đại học nào trong danh sách 200 trường đại học chất lượng nhất thế giới. Phải chăng vì con gà ghét nhau tiếng gáy mà Chính phủ quyết tâm đầu tư vào giáo dục đại học bằng cách như vậy? Nếu là thế thì chúng ta phải nghĩ lại, vì thành ngữ con gà ghét nhau tiếng gáy là cái cách ông bà ta phê bình thói thành tích, thói ganh đua không thực chất. Có ai nuôi gà chỉ vì nó gáy to? Nếu là gà mái - người ta cần nó đẻ trứng, nếu là gà trống (gà thường) - người ta cần nó đạp mái cho tốt, nếu là gà đá - người ta cần nó khỏe, lì lợm, nếu là gà lấy thịt - người ta cần nó nhiều thịt ít lông. Chắc chẳng mấy ai cần con gà to mồm bao giờ, vì ông bà lại có câu rất “độc”: thùng rỗng kêu to. E rằng với kiểu tư duy chạy theo tiếng gáy như vậy, khi thế giới thay đổi cách so sánh giáo dục - chẳng hạn so sánh mức độ phát triển của nền giáo dục bằng chất lượng giáo dục mầm non, thì chúng ta lại đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để đào tạo 50.000 Tiến sĩ cho giáo dục mầm non!

Mới nghĩ chừng đó thôi cũng có thể thấy là Đề án 20.000 Tiến sĩ có quá nhiều vấn đề phải xem lại. Lại thêm một chương trình khủng nữa khiến chúng ta đau đầu. Sự khác biệt giữa Đề án 20.000 Tiến sĩ với vụ tàu cao tốc là một cái không được Quốc hội thông qua, một cái đã được Chính phủ duyệt. Nhưng giống nhau là nó đều cho thấy tư duy người Việt chúng ta còn quá viễn vông.

Bài do ông Nguyễn Triều Hải trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn