Tướng Bigeard muốn rải tro ở Điện Biên & Tro của tướng Pháp Bigeard sẽ được rải ở Điện Biên Phủ

Đặng Tiến – Đức Tâm

Là một sĩ quan chủ chốt tại mặt trận Điện Biên Phủ, ông bị bắt làm tù binh năm 1954 nhưng đến năm 1988 đã dặn dò vợ con "Hãy rải tro hỏa táng tôi xuống lòng chảo Điện Biên Phủ".

Lời dặn dò này được truyền tụng, vì là một nghịch lý lạ đời.

Nhưng gán cho câu nói ý nghĩa gì đi nữa, thì chúng ta cũng nên ghi nhận điều tối thiểu, là nó xóa bỏ hận thù của người chiến sĩ thua trận và bị giam cầm trong những điều kiện khắt khe. Nó buộc ngoại nhân phải suy nghĩ.

Đặng Tiến

clip_image001Ông Marciel Bigeard tham gia trận Điện Biên Phủ với hàm Trung tá

Tướng Bigeard muốn rải tro ở Điện Biên

Đặng Tiến

Viết cho BBC từ Orleans, Pháp

Tin Tướng Marcel Bigeard vừa qua đời đã được các cơ quan truyền thông Pháp loan tin dồi dào, vì binh nghiệp và cá tính đặc biệt.

Là một sĩ quan chủ chốt tại mặt trận Điện Biên Phủ, ông bị bắt làm tù binh năm 1954 nhưng đến năm 1988 đã dặn dò vợ con "Hãy rải tro hỏa táng tôi xuống lòng chảo Điện Biên Phủ".

Lời dặn dò này được truyền tụng, vì là một nghịch lý lạ đời.

Sinh quán tại Toul, Pháp năm 1916, ông qua đời hôm 18 tháng 6 vừa qua, thọ 94 tuổi.

Xuất thân từ lính trơn (1936), không bằng cấp, không qua một học viện quân sự nào, ông đã leo đến chức Đại tướng bốn sao, có lúc làm Thứ trưởng Quốc phòng (1975) thời Tổng thống Giscard d’Estaing.

Vị cựu Quốc trưởng này, khi được báo giới hỏi ý kiến về di chúc "rải tro" đã trả lời là không đồng ý, vì Bigeard là người Pháp yêu Tổ quốc, thì phải chôn cất tại quê hương, là vùng Alsace.

Ý kiến bình thường thôi, nhưng có phần lẩn thẩn: đã như thế thì còn chuyện gì để nói?

Thật ra, khi Bigeard muốn rải tro trên đất Điện Biên, thì không phải vì yêu quý Việt Nam, nhưng vì những gắn bó với đồng đội đã bỏ mình nơi đây, vì kỷ niệm những năm chiến đấu tại chiến trường Đông Dương mà ông xem "thời tốt đẹp nhất của đời mình" – khoảng tám năm trai tráng (1945-1954).

Ngoài ra còn do phong cách tếu: khi dặn vợ rải tro, ông giải thích "như vậy là vui vẻ; sẽ độc đáo, và thọc léc các Chính phủ để cười chơi".

Nhưng gán cho câu nói ý nghĩa gì đi nữa, thì chúng ta cũng nên ghi nhận điều tối thiểu, là nó xóa bỏ hận thù của người chiến sĩ thua trận và bị giam cầm trong những điều kiện khắt khe. Nó buộc ngoại nhân phải suy nghĩ.

Can trường

Xuất thân từ dân giã, là kẻ võ biền, thất học, tướng Bigeard tự xưng mình là "thằng ngu vinh hiển" (un con glorieux) nhưng thật sự là bậc trí thức, tác giả hơn 15 đầu sách, chủ yếu là Một mảnh vinh quang [1] viết về hai cuộc chiến tranh thuộc địa tại Việt Nam và Algeria; sách bán chạy vì viết hay, hào hứng, chân thực.

Về cuộc chiến Việt-Pháp 1946-1954, chủ yếu tại Bắc Bộ từ đồng bằng lên mạn ngược, những sự kiện quân sự ông kể lại không xê xích bao nhiêu so với tư liệu phía Việt Nam, như các cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp [2], hay về phía Pháp.

Là sĩ quan nổi tiếng can trường, trong hồi ký ông luôn luôn lịch sự và tôn trọng đối phương; khi thất trận ông không đổ lỗi, lên án thượng cấp, lúc ấy là các tướng De Castries, Cogny và Navarre thường bị đời sau chê trách.

Bigeard đến Việt Nam ba lần. Với cấp bực Đại úy ông đến Sài Gòn 1945 và tham dự trận Chợ Đệm 1946; sau đó theo đoàn quân Leclerc, đổ bộ xuống Hải Phòng, lên Thuận Châu thành lập bốn đội biệt kích Thái.

Rời Việt Nam 1947, tình nguyện trở lại Đông Dương 1948, trở lại Sơn La rồi xuống Hải Phòng 1952 với chức Thiếu tá chỉ huy Tiểu đoàn dù 6 BPC và bắt đầu nổi tiếng từ trận Tú Lệ, 1952, trung du Bắc Bộ.

Tiểu đoàn 6 của ông được thả dù xuống Tú Lệ để giải tỏa cho căn cứ Nghĩa Lộ bị tràn ngập. Bigeard bắt đầu lừng danh vì đã chỉ huy cuộc lui quân từ Tú Lệ về hướng Sông Đà, Sơn La và Na Sầm bằng đường bộ, 120 km theo đường núi.

Cuộc triệt thoái tơi tả này, đã được báo chí Pháp ca ngợi như một chiến tích.

Điện Biên

clip_image002Tướng Bigeard là tác giả của hơn 15 đầu sách

Từ đó Bigeard nổi tiếng là sĩ quan gan dạ, nên đã được thả dù xuống mặt trận Điện Biên Phủ ngày 16-3-1954, để tăng cường và khích lệ lực lượng phòng thủ đã suy yếu, gần như tuyệt vọng; sự tham chiến của đơn vị Bigeard, theo tướng Giáp, đã "mang lại một chút phấn chấn cho quân đồn trú" (VNG, 2000, tr.242).

Tại mặt trận, Bigeard thăng cấp Trung tá, đã chỉ huy lực lượng phản kích gồm năm Tiểu đoàn với sự yểm trợ của không quân và pháo binh.

Tướng Giáp ghi nhận "Trận phản kích của Bigeard được quân viễn chinh coi là thắng lợi, một chiến thắng hầu như duy nhất tại Điện Biên Phủ trong suốt thời gian này" (VNG, 2000 tr. 253).

Ông Bigeard cũng từ tốn thừa nhận chiến công này chỉ là "ngọn lửa rơm" (Bigeard, 1975, tr. 167).

Điện Biên thất thủ, Bigeard bị bắt làm tù binh trong bốn tháng. Ông không than vãn gì về giai đoạn này trong hồi ký.

Sau đó ông về Pháp, rồi tham dự chiến trường Algeria. Ông cũng nhận nhiều nhiệm vụ cao cấp, trong và ngoài nước Pháp, lên đến Đại tướng, có lúc tham gia Chính phủ và làm đại biểu Quốc hội.

Ông có trở lại Việt Nam, một đôi lần, thăm chiến trường xưa, cùng với Hội Ái hữu cựu chiến binh, được Đại tướng Võ nguyên Giáp tiếp năm 1994.

Có lần đi chơi trong bốn ngày liền với Trung tá Đặng Văn Việt, "người hùng đường số 4", trên con đường lịch sử này, và phát biểu:

"Quân đội Pháp trên đường số 4 thua là phải. Sau thất bại ở đường số 4 (1950) quân Pháp đã có thể rút khỏi Việt Nam, không cần đến Điện Biên Phủ 1954" [3].

Không ai có thể làm lại được lịch sử. Bình thường, là những người chấp nhận lịch sử. Sáng suốt là kẻ hòa giải với lịch sử. Hiền triết là hòa đồng với lịch sử.

Đó là bài học qua câu chuyện tro bụi này.

clip_image003

Chú thích:

[1] Marcel Bigeard, Pour une parcelle de gloire, 1975, tái bản 1997. Đọc thêm : Ma guerre d’Indochine (Chiến tranh Đông Dương của tôi), 1994. Hai tập Lettres d’Indochine (Thư Đông Dương), 1998 và 1999.

[2] Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, 1999, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, 2000.

[3] Đặng văn Việt, Người lính già, Đ.V Việt chiến sĩ đường số 4 anh hùng, tr.309, Nxb. Trẻ, 2003

Nguồn: BBC

Tro của tướng Pháp Bigeard sẽ được rải ở Điện Biên Phủ

Đức Tâm

clip_image004Tướng Marcel Bigeard, tại nhà riêng ở Toul, tháng hai 2008. AFP

Tướng Pháp Marcel Bigeard qua đời ngày hôm qua, 18/06, thọ 94 tuổi. Tên tuổi của vị tướng này gắn liền với trận Điện Biên Phủ năm 1954. Trước khi qua đời, ông có nguyện vọng là tro của mình sẽ được rải ở vùng Điện Biên.

Đã từng tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, Chiến tranh Algérie, tướng Bigeard cùng với Sư đoàn lính dù đã được điều động tới Điện Biên Phủ và ông đã chiến đấu tại đây cho đến lúc thất thủ, quân Pháp phải ra hàng, ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954. Ông đã bị bắt làm tù binh.

Tướng Bigeard là một trong những sĩ quan cao cấp nổi tiếng nhất tại Pháp. Lễ an táng sẽ được tổ chức tại Toul, miền Đông nước Pháp.

Tướng Bigeard đã từng mong muốn là khi ông qua đời, tro của ông được rắc ở vùng Điện Biên Phủ để ông được gặp lại các đồng đội đã bỏ mình trên chiến trường.

Hôm nay, nguồn tin thân cận với gia đình cho AFP biết là sẽ thực hiện nguyện vọng cuối cùng này của tướng Bigeard.

Phía Việt Nam chưa có phản ứng gì về thông tin này.

ĐT

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn