Văn hóa truyền thống và hiện đại: một vài trải nghiệm nhỏ.

Mạc Văn Trang

Văn hóa truyền thống và hiện đại, một vấn đề quá rộng lớn, nhưng lại có thể biểu hiện ở những điều nhỏ nhặt diễn ra hằng ngày, khắp nơi quanh chúng ta. Tôi chỉ xin nêu một vài chuyện cụ thể qua trải nghiệm bản thân.

Sang Ba Lan thăm con cháu, tôi thường muốn các cháu cùng xem VTV4VietnamNet để chúng hiểu biết về đất nước, con người Việt Nam, kẻo sợ vong bản! Thằng cháu lớn 18 tuổi, thằng nhỏ 14 tuổi, cái tuổi muốn khẳng định mình bằng quan điểm độc lập, nên chúng cứ “ý kiến” thẳng tuột. Nhờ đó cũng hiểu được lớp trẻ gốc Việt trong xã hội châu Âu cảm nhận văn hóa Việt thế nào.

Về văn hóa hiện đại Việt Nam, sau một hồi được ông “dẫn dắt, tiếp cận”, hai thằng cháu cùng nhún vai, lắc đầu, rút ra kết luận: “Việt Nam không biết đá bóng, không biết đóng phim, không biết hát, nhảy múa!” Nghe thấy nhói trong tim mà ông đành im lặng. Nhưng một lần xem dàn nhạc của Nhạc viện Hà Nội biểu diễn cùng Đặng Thái Sơn thì chúng rất chăm chú, tự hào. Lần khác xem nhóm thanh niên biểu diễn hip-hop và hát ráp chúng rất khoái và tò mò hỏi: Việt Nam cũng có cái này à?

clip_image001 clip_image002 clip_image003

Đặng Thái Sơn và dàn nhạc - nhảy Hiphop - hát Ráp (Ảnh lấy từ Google)

Điều chúng ngạc nhiên hơn là lễ Halloween (31/11) và ngày lễ Tình nhân (Valentine 14/2) được tổ chức tưng bừng, ầm ĩ trong học sinh, sinh viên Việt Nam. Chúng vẫn tin rằng Việt Nam đa số dân theo Đạo Phật và văn hóa phương Đông, không ngờ hai ngày lễ trên xuất phát từ Thiên Chúa giáo, gắn liền với văn hóa phương Tây mấy trăm năm lại du nhập vào Việt Nam thành trào lưu văn hóa hiện đại rầm rộ đến thế?  

 clip_image006clip_image004clip_image007clip_image008

SV báo chí với Halloween và HS, SV trong ngày Valentine (Ảnh từ Google)

Trong khi đó dân Ba Lan 95% theo đạo Thiên Chúa mà hai ngày đó rất yên ắng. Đặc biệt trên các trang báo viết hay TV không hề đưa tin bài hay hình ảnh gì để “tuyên truyền” cho hai ngày lễ đó như các báo đài Việt Nam! Ngày Tình nhân là việc riêng tư của những người đang yêu nhau, họ tặng thơ và hoa cho nhau một cách tế nhị. Có gì mà báo đài làm ầm ĩ, xã hội nháo nhào lên! Còn lễ Halloween thì người Ba Lan quan niệm: đêm 31/10 các hồn người chết hiện về dương gian… Do đó ngày 1/11 là ngày người sống đi thăm mộ người chết. Ở Ba Lan ngày này là ngày lễ trọng, toàn dân được nghỉ làm việc để đi tảo mộ.

clip_image010

Một góc nghĩa trang Warszawa trong ngày Tảo mộ 1/11/2009 (Ảnh MVT)

Về văn hóa truyền thống Việt Nam, các cháu cũng có phản ứng khác nhau với mấy chuyện nho nhỏ. Xem các phiên chợ vùng cao thấy người các dân tộc mặc trang phục nhiều màu sắc, kiểu dáng, hai cu cậu rất tò mò hỏi về các dân tộc ở Việt Nam. Được biết trên dải đất hình chữ S có diện tích nhỉnh hơn Ba Lan một tí mà có tới 54 dân tộc với phong tục, ngôn ngữ, trang phục khác nhau mà sống hòa thuận bên nhau thì chúng lạ lắm (Trong khi Ba Lan hơn 38 triệu người dường như cùng một dân tộc Ba Lan. Một số nhóm nhập cư đang xin là dân tộc thiểu số). Chúng rất muốn tìm hiểu trang phục các dân tộc. Còn trình diễn áo dài Việt cùng nón bài thơ luôn là tiết mục đinh trong những chương trình văn nghệ của cộng đồng người Việt tại đây, được bè bạn trầm trồ…

Xem biểu diễn nhạc cụ các dân tộc, nhất là đàn đá, đàn T’rưng, đàn bầu … các cháu thực sự ngạc nhiên, thích thú. Thằng em cứ hỏi: “Thực sự là đàn bầu chỉ có một dây?”. Xem hát ca trù hay quan họ thì phải giải thích một hồi các cháu mới cảm nhận hay hay, nhưng khi biết nó tồn tại như thế hàng mấy trăm năm thì “a hà” và gật gù có vẻ thán phục.

clip_image011 clip_image012 clip_image013 clip_image014

(Ảnh lấy từ Google)

Xem các lễ hội trên VTV4 không mấy ngày không có. Các cháu thắc mắc, sao người Việt Nam có thể nhiều lễ hội đến thế? Mà lễ hội nào cũng gần giống nhau. Khi thấy người ta đội xôi, gà, sỏ lợn rồi cả bia lon, chai Cocacola…, chen chúc nhau dâng lễ vật lên đền, chùa thì bọn nó cười hic hic… rồi pha trò: “Ông già rồi, không chen được người ta đâu!”… Đặc biệt lễ hội Đâm trâu ở Tây nguyên và lễ hội Chém đầu lợn ở Bắc Ninh làm chúng rất ghê sợ. Văn hóa châu Âu coi việc hành hạ thú vật là không thể chấp nhận, bị lên án, thậm chí phạm tội, phải ra tòa. Nơi chuyên mổ thịt các gia súc phải kín đáo, không được để các con vật khác nhìn thấy; không được để người khác xem, nhất là trẻ em. Cho nên khi thấy người mình reo hò, nhảy múa trong lễ Đâm trâu và Chém đầu lợn thì họ khiếp thật.

clip_image015 clip_image017 clip_image018 clip_image019

(Ảnh lấy từ Google)

Ngay lễ hội Chọi trâu ở Đồ Sơn Hải Phòng, tưởng các cháu sẽ khoái lắm nhưng chúng nó cũng nhún vai, lắc đầu! Tôi liền bảo: “Thế môn Boxing hai anh đấm nhau mặt mũi be bét máu thì sao?”. Thằng anh bảo: “Đấy là hai người hiểu biết, tự họ thích đấm nhau. Còn con vật bị người bắt nó đánh nhau. Như vậy người không tốt…”. Tôi lại lý sự: “ Thế Tây Ban Nha đấu bò tót có dã man không?”. Thằng em bảo: “Cũng không tốt”. Thằng anh phân tích: “Người ta lên án cách cắm kiếm lên lưng bò rồi đấu. Giờ không làm thế nữa. Còn người đấu với bò chỉ như làm xiếc thôi!”… Khi xem cảnh con trâu vô địch bị chặt đầu đem tế thần, chúng sợ khiếp đảm.

clip_image020 clip_image021 clip_image023

(Ảnh lấy từ Google)

Văn hóa ẩm thực Việt Nam quả là phong phú. Có một bà người Pháp sang Việt Nam nhiều lần, ăn nhiều món, vẫn hỏi: “Có phải cỗ Việt Nam đúng nghĩa gồm những mười món: 6 đĩa và 4 bát thật à? Tôi ước được một lần ăn cỗ như thế!”… Mỗi khi trên VTV4 giới thiệu các món ăn Việt, chúng có vẻ thích thú, nhất là thằng anh, hay khoe đã từng được ăn nhiều món. Khó nhất với chúng là sử dụng các gia vị. Món nào sử dụng gia vị gì, vào lúc nào… còn khó hơn các môn học ở trường! Có hai món chúng mê nhất là Phở và Nem rán. Thỉnh thoảng Chủ nhật, thằng em lại được bố cho đến chợ Sân vận động hoặc vào Trung tâm thương mại Việt Nam ăn Phở, như là được thưởng. Mỗi bận như thế nó làm hai bát phở lại thêm mấy cái quẩy. Còn thằng anh, lần nào đãi các bạn Ba Lan cũng chủ yếu là món nem rán. Hôm liên hoan cuối học kỳ một, lớp 12, mỗi học sinh đem đến một món, cậu ta xin mẹ làm cho 100 cái nem rán. Tôi bảo, món này ngon là phải ăn nóng và khéo pha nước chấm. Cháu bảo: “Không cần đâu ông ạ. Chúng nó cầm ăn luôn, phải chia mỗi đứa 3 cái. Lần nào chúng nó cũng hỏi còn nữa không?...”. Tôi trộm nghĩ, hai món đặc sản dân tộc này xứng đáng là hai sản phẩm văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam đóng góp cho văn hóa ẩm thực thế giới, chẳng khác gì quan họ với ca trù!

Một lần đang trò chuyện vui vẻ, thằng em hỏi: “Ông có ăn thịt chó không?”. Tôi bảo: “Ở Việt Nam nhiều người coi rượu - thịt chó là món đặc sản khoái khẩu. Thỉnh thoảng vui bạn bè, ông cũng đánh chén món này”. Nghe vậy, thằng em lè lưỡi, trợn mắt, còn thằng anh nhăn mũi cười khó hiểu… Tôi vẫn biết người châu Âu không ăn thịt chó; còn châu Á, nhiều người vẫn coi đây là món thú vị. Sau hỏi ra mới biết chuyện thịt chó đã gây ra cú sốc cho cả xã hội Ba Lan và cộng đồng người Việt tại đây. Vào năm 2001, để chuẩn bị khao đội bóng “quê mình” thắng đội “quê nó” cũng trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan, một nhóm người Việt trong đêm khuya đã giết mấy con chó. Tiếng chó kêu, tiếng người í ới đã khiến những người dân bên cạnh gọi công an đến. Sáng hôm sau cảnh tượng mấy con chó bị cắt cổ, mổ bụng… và mấy đồ tể được chiếu trên TV, đăng trên các báo… Hàng ngàn quán ăn Việt Nam trên khắp Ba Lan bị tẩy chay phải đóng cửa một cách oan uổng, thiệt hai kinh tế quá lớn. Nhưng cú sốc về tâm lý, về văn hóa mới đáng sợ và dai dẳng. Người Ba Lan vốn giàu lòng bao dung và cảm thông với Việt Nam cũng nhìn người Việt với con mắt khác. Đặc biệt trẻ em, chúng bị các bạn chế nhạo, xúc phạm, làm tổn thương sâu sắc. Đã hàng chục năm trôi qua, nhớ lại vụ “chó má” đó, nỗi ám ảnh tủi hổ vẫn chưa nguôi! Văn hóa là thế. Dẫu là cái truyền thống “đặc sản”, “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc anh, nhưng các dân tộc khác không ưa, anh cũng không thể đem phô ra và sẽ không thành giá trị chung của nhân loại được.

clip_image024 clip_image025 clip_image026

Thịt chó và thịt thú rừng bán tràn lan khắp nơi tại Việt Nam (Ảnh từ Google)

Lại nữa, một hôm xem trên VTV4 thấy một vị lãnh đạo tiếp khách quốc tế, giữa phòng khách hai chiếc ngà voi giương ra hoành tráng, hai thằng cháu trố mắt nhìn: “Cái gì thế?”. Cũng dễ hiểu thôi, vì trẻ em ngày nay được giáo dục bảo vệ môi trường, bảo vệ muông thú, nên coi việc giết thú vật lấy da, xương… làm đồ trang sức là những người… Các cháu gọi bằng từ “lóng” tôi không hiểu, nhưng cũng cười và không bắt bẻ chúng.

clip_image027 clip_image028 clip_image029 clip_image031

(Ảnh lấy từ Google)

Ta vẫn nói: phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Nhưng cần xem “cái văn hóa” nào đáng để lớp trẻ lĩnh hội làm hành trang tiến vào nền văn minh nhân loại! Và có lẽ hãy bắt đầu ngay từ những chuyện nhỏ nhặt thường ngày!

4/ 2010

MVT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn