Đục mủ rừng Tây Yên Tử

Văn Nguyên - Phong Vũ

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử - Bắc Giang hiện nay mỗi ngày không biết có bao nhiêu người vào phá rừng. Hành trang của mỗi người chỉ là một con dao mỏng, một cái xô nhựa. Họ “đục rừng” lấy mủ trám. “Nghề” này đã có từ lâu, nhưng gần đây mới đáng báo động vì những hệ lụy kèm theo
“Đục” trám mưu sinh

"Đục mủ Trám" - Nghề mang lại thu nhập cao cho người dân An Lạc

Thôn Nà Ó xã An Lạc, một trong những nơi nổi tiếng nhất về số lượng và chất lượng nhựa trám. Ông Nguyễn văn Tư, trưởng thôn Nà Ó cho biết: “Nghề này đã có ở thôn hơn 10 năm nay rồi. Trước đây tôi cũng làm nhưng giờ nhà neo người quá nên cho anh em trong họ mượn làm”.


Thôn có 56 hộ, thì quá nửa số hộ đều có một đường Trám riêng trong rừng. Do vị trí của thôn nằm ngay chân khu bảo tồn Khe Rỗ, thuộc khu bảo tồn Tây Yên Tử nên thôn có nhiều thuận lợi hơn các thôn khác trong nghề này. Nhựa Trám ở đây nhiều và chất lượng tốt hơn, do nhựa trắng hơn, sạch dăm nên thường bán được với giá cao hơn.

Nghề này đã đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây, trung bình mỗi ngày mỗi người cũng được từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Như các hộ Na Văn Toòng, Na Văn Cường, Na Văn Cao… mỗi phiên chợ (5 ngày/ phiên) cũng được trên 10kg. Mỗi kg bán với giá từ 27-30 ngàn đồng. Mỗi tháng cũng có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/ hộ.

Nhiều hộ đã tậu được xe, xây được nhà… thậm chí là nuôi con học đại học cũng từ nghề lấy nhựa trám. Do đây là nghề tốn ít nhân công, đầu từ ít vốn lại cho thu nhập cao nên không chỉ riêng thôn Nà Ó mà tất cả các thôn trong xã An Lạc đều có người đi đục nhựa Trám. Nhựa lấy về đến đâu đều có lái buôn đến tận nhà thu mua đến đó.

“Đục” cả rừng phòng hộ lẫn rừng cấm

An Lạc là một trong những xã nằm trong BQL khu bảo tồn Tây Yên Tử. Xã có 9.364,08 ha diện tích đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng nằm trong BQL rừng phòng hộ của huyện quản lý, bảo vệ là 1.630,28 ha. Diện tích rừng nguyên sinh do BQL bảo tồn Tây Yên Tử quản lý, bảo vệ là 6.907ha.

Vì lợi nhuận nhiều hộ vào cả rừng phòng hộ, rừng cấm khai thác nhựa Trám

Hàng ngày có rất nhiều cây trám trong khu bảo tồn bị “đục nhựa”. Mỗi ngày cũng có hàng chục, thậm chí là hàng trăm kg nhựa trám được khai thác, vận chuyển và tiêu thụ trên địa bàn.

Ban đầu người dân địa phương cũng chỉ khai thác ở vùng đệm, khu rừng sản xuất đã giao cho từng hộ dân quản lý bảo vệ… Nhưng sau vì lợi nhuận, nhiều hộ vào cả rừng phòng hộ, rừng cấm nằm sâu trong khu bảo tồn để khai thác nhựa trám. Ở nhiều thôn như: Coò Nọc, Nà Trắng, Thác, Nà Ó, Đội Mới, Đồng Khao… nhiều người dân còn dựng trại ngủ luôn trong rừng để tiện cho việc khai thác.

Cấm cách đây… 10 năm

Theo phản ánh của người dân nơi đây thì, ban đầu khi người dân mới đục trám thì bị cấm “ghê” lắm. Bị bắt sẽ bị tịch thu cả tang vật lẫn phương tiện vận chuyển. Lệnh cấm khai thác nhựa Trám cũng đã được ban bố nhiều lần. Nhiều kỳ họp Hội đồng nhân dân xã An Lạc cũng đưa ra thông báo. Thế nhưng…

Một cây Trám to với hang chục vết “đục” quanh gốc.

Đó là chuyện của gần 10 năm trước. Giờ đây, người dân thì cứ tự do vào khu bảo tồn để khai thác nhựa Trám. Không biết tự bao giờ lực lượng kiển lâm ở đây không còn xử lý việc này nữa. Có lẽ vì vậy mà những cánh rừng Trám ở đây đang kiệt quệ sức sống. Nhiều cây Trám đã lụi dần và chết do bị đục Trám quá mức.

Ông Trần Dìn, chủ tịch UBND xã An Lạc khẳng định: “Nhựa Trám chỉ được phép khai thác vận chuyển tại các khu rừng thuộc dự án 661và rừng 02 (đã giao cho từng hộ dân quản lý, bảo vệ), khi khai thác cũng phải dựa trên cơ sở xác định đủ điều kiện khai thác. Khi đó xã sẽ làm thủ tục cho người dân vận chuyển, tiêu thụ. Còn lại thì không được phép khai thác”.

Với cách khai thác “vô tổ chức” như hiện nay, sợ rằng những cánh rừng Trám nơi đây sẽ sớm bị xóa sổ. Đã đến lúc cần phải xem xét lại cách bảo vệ rừng khi “máu rừng” hàng ngày vẫn chảy.

Nguồn: http://www.laodong.com.vn/NewsGrabber/News.aspx?newsid=2

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn