Nexus Technologies đã “làm ăn” với những nơi nào và như thế nào tại Việt Nam? Phần 1

Ngọc Trân, Thông tín viên RFA

Trước đây, chúng tôi đã trình bày về vụ một số thành viên của công ty Nexus Technologies ở Hoa Kỳ bị truy tố vì hối lộ tại Việt Nam và cũng đã lược thuật cáo trạng ngày 4 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Mới đây, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra một cáo trạng khác, thay thế cáo trạng năm 2008, theo đó, có nhiều dữ liệu và tình tiết mới. Thông tín viên Ngọc Trân trình bày thêm…

CHINA-ECONOMY-FOREX

Tiền đôla Mỹ (ảnh minh họa). AFP photo

Vì sao từ 5 tội thành 28 tội?

Cáo trạng mới của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về vụ án Nexus Technologies, ghi ngày 29 tháng 10 năm 2009, thay thế cáo trạng năm 2008.
Vào thời điểm này, do một trong bốn người liên quan tới vụ án Nexus là ông Joseph Lukas đã nhận tội, nên chỉ còn ba bị cáo là ba anh em Nguyễn Quốc Nam, Nguyễn Kim Anh và Nguyễn Quốc An.


Theo cáo trạng mới, cả ba bị cáo buộc vi phạm 28 tội, tăng 23 so với cáo trạng cũ. Trong đó có 1 tội do âm mưu vi phạm các đạo luật, 9 tội do vi phạm “Đạo luật Chống Tham nhũng nước ngoài” (FCPA), 9 tội do vi phạm “Đạo luật Đi lại” (Travel Act) và 9 tội liên quan đến rửa tiền.

Theo cáo trạng mới, cả ba bị cáo buộc vi phạm 28 tội, tăng 23 so với cáo trạng cũ. Trong đó có 1 tội do âm mưu vi phạm các đạo luật, 9 tội do vi phạm “Đạo luật Chống Tham nhũng nước ngoài” (FCPA), 9 tội do vi phạm “Đạo luật Đi lại” (Travel Act) và 9 tội liên quan đến rửa tiền.

Khác với luật hình sự Việt Nam (mỗi hành vi chỉ bị truy tố một tội), tại Hoa Kỳ, một hành vi có thể bị cáo buộc vi phạm nhiều tội. Chẳng hạn như, dù chỉ chuyển khoảng 22.000 đô la cho một quan chức Việt Nam vào ngày 23 tháng 5 năm 2005, hai bị cáo Nguyễn Quốc Nam và Nguyễn Kim Anh bị buộc ba tội: tội vi phạm “Đạo luật Chống Tham nhũng nước ngoài”, tội vi phạm “Đạo luật Đi lại” và tội rửa tiền.

Theo cáo trạng mới, dù chỉ chuyển tiền cho các quan chức nước ngoài 9 lần nhưng các bị cáo bị buộc 27 tội, do vi phạm các điều khoản khác nhau của Bộ luật Hoa Kỳ (USC).
Để thính giả dễ hiểu, có lẽ phải nhắc qua về “Đạo luật Đi lại”. Đây là đạo luật cấm đi lại trong nước hoặc nước ngoài, hoặc sử dụng email, điện thoại hay các phương tiện khác nhằm thực hiện hoạt động bất hợp pháp. Dù có tên là “Đạo luật Đi lại” nhưng các bị cáo không nhất thiết phải “đi lại”, vẫn có thể bị cáo buộc vi phạm đạo luật này khi sử dụng các phương tiện viễn liên như: điện thoại, fax, email để thực hiện các hoạt động phi pháp.
Do vậy, dù hai bị cáo Nguyễn Quốc Nam và Nguyễn Kim Anh chỉ ngồi tại công ty để thực hiện hành vi chuyển tiền vẫn bị cáo buộc vi phạm “Đạo luật Đi lại”.

clip_image002

Website bằng tiếng Việt của Nexus Technologies. RFA photo

“Nexus” làm ăn với ai?

Ngoài các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Bộ Công an đã được nêu tên trong cáo trạng cũ, trong cáo trạng mới, có thêm Công ty Bay Dịch vụ Miền Nam, thuộc Tổng Công ty Bay Dịch vụ Việt Nam.

Theo cáo trạng mới, Công ty Bay Dịch vụ Miền Nam (SSFC: Southern Services Flight Company) là một doanh nghiệp quân đội hoạt động trong lĩnh vực hàng không, địa bàn hoạt động chính là Sân bay Vũng Tàu. Cũng vì vậy, nó liên quan cả đến Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.

Ngoài các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Bộ Công an đã được nêu tên trong cáo trạng cũ, trong cáo trạng mới, có thêm Công ty Bay Dịch vụ Miền Nam, thuộc Tổng Công ty Bay Dịch vụ Việt Nam.

Cáo trạng mới còn có sự thay đổi về tên của một doanh nghiệp. Cáo trạng cũ đề cập đến sự dính líu của Công ty Du lịch và Thương Mại T&T (tên tiếng Anh là Tourism and Trading Company), trong cáo trạng mới, T&T là Công ty TNHH T&T (Tên tiếng Anh: T&T Co. Ltd.), gọi tắt là T&T. Theo cáo trạng mới, T&T là doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động liên quan đến an ninh biên giới và mua sắm vũ khí của Bộ Công an Việt Nam.
Cáo trạng mới cũng đề cập cả đến việc Quân đội Nhân dân Việt Nam mua sắm vũ khí từ Nexus.
Một số cá nhân và công ty khác cũng đã xuất hiện trong cáo trạng mới. Chẳng hạn như một quan chức Việt Nam làm việc tại công ty T&T, được gọi là “Quan chức A”.
Hoặc một công ty tọa lạc tại Hồng Kông, do một người Việt làm chủ, được Đại bồi thẩm đoàn đặt tên là "HKC 1". Người Việt đó đã được Đại bồi thẩm đoàn nhận diện và gọi là “VN 1”.

Cáo trạng mới cũng đề cập cả đến việc Quân đội Nhân dân Việt Nam mua sắm vũ khí từ Nexus.

“VN 1” được xác định là cư dân TP. HCM và công ty “HKC 1” do “VN 1” làm chủ đã được Nexus sử dụng như một “vỏ bọc”, giúp thanh toán tiền hối lộ cho các quan chức Việt Nam.
Một công ty khác được Đại bồi thẩm đoàn đặt tên là “HKC 2”. “HKC 2” cũng toạ lạc tại Hồng Kông, cũng do một người Việt Nam làm chủ và người này được đại bồi thẩm đoàn đặt tên là “VN 2”. “VN 2” cũng là cư dân TP. HCM và “HKC 2” là một “vỏ bọc” khác trong chuyện thanh toán tiền hối lộ để giành hợp đồng.

Nexus “làm ăn” thế nào?

Theo cáo trạng mới, sở dĩ ông Nguyễn Quốc Nam giành được các hợp đồng béo bở cho Nexus từ các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là vì ông ta đồng ý trả tiền hối lộ, thường được mô tả là "hoa hồng", cho những cá nhân làm việc ở các cơ quan và những công ty đó.
Cả bốn người trong công ty Nexus liên quan đến vụ án này đều đã thiết lập nhiều mối quan hệ với các quan chức chính phủ Việt Nam, được cáo trạng mô tả là “những người ủng hộ”.

Theo cáo trạng mới, sở dĩ ông Nguyễn Quốc Nam giành được các hợp đồng béo bở cho Nexus từ các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là vì ông ta đồng ý trả tiền hối lộ, thường được mô tả là "hoa hồng", cho những cá nhân làm việc ở các cơ quan và những công ty đó.

“Những người ủng hộ” giúp Nexus có được các hợp đồng bằng cách cung cấp thông tin thuộc loại bị cấm tiết lộ, lừa đảo trong đấu thầu và các hình thức hỗ trợ khác.
Đổi lại, Nexus trả “hoa hồng” cho họ bằng cách chuyển tiền cho công ty HKC 1 ở Hồng Kông, để HKC 1 tiếp tục chuyển số tiền ấy cho “những người ủng hộ”.
Cũng theo cáo trạng, đôi khi công ty HKC 2 chuyển tiền cho HKC 1, để HKC 1 chuyển vào tài khoản của các quan chức Việt Nam.
Để tránh bị giới hữu trách Hoa Kỳ phát hiện, bốn bị cáo đã gian lận sổ sách nhằm che giấu việc chuyển tiền giữa Nexus, công ty HKC 1, HKC 2 vào các tài khoản của các quan chức ở Việt Nam.
Đó là những điểm chính trong cáo trạng mới về vụ Nexus. Lần tới chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về quan hệ của Nexus với một số doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam.

Phần 2

Trong phần 1, Ngọc Trân đã tóm tắt về vụ công ty Nexus Technologies đưa hối lộ cho các viên chức Việt Nam. Tiếp theo là quan hệ giữa Nexus Technologies với một số doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.

clip_image003

Công ty Bay Dịch vụ Miền Nam là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Bay Dịch vụ Việt Nam, là công ty đứng đầu về cung cấp dịch vụ trực thăng tại Việt Nam hiện nay. Photo courtesy of southernsfc.com.vn

Những ai ở Công ty Bay Dịch vụ miền Nam đã nhận 96.000 đô la?

Công ty Bay Dịch vụ miền Nam chỉ mới xuất hiện trong vụ Nexus sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ lập cáo trạng mới.

Đây là một doanh nghiệp quân đội hoạt động trong lĩnh vực hàng không, địa bàn hoạt động chính là Sân bay Vũng Tàu. Cũng vì vậy nó liên quan cả đến Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam.

Trước đây, cáo trạng mà Bộ Tư pháp Hoa Kỳ lập năm 2008 chỉ đề cập đến giao dịch giữa Nexus với Sân bay Vũng Tàu, song cáo trạng mới có một số giao dịch đã xác định lại đối tượng của Nexus là Công ty Bay Dịch vụ miền Nam.

Theo cáo trạng, mùa hè năm 2005, ông Nguyễn Quốc Nam gửi cho cô Nguyễn Kim Anh một email, đề cập đến một hợp đồng với Công ty Bay Dịch vụ miền Nam. Trong đó, ông Nam yêu cầu cô Kim Anh chuyển khoản tiền trị giá 10% của hợp đồng này đến công ty HKC 1, để HKC 1 trả tiền hối lộ cho các quan chức liên quan đến hợp đồng đó, với số tiền khoảng $19.000 đô la.

Chúng ta cần HKC 1 lập các các hoá đơn liên quan đến tất cả những lần chuyển tiền để chúng ta ghi đúng các giao dịch này trong sổ sách. Đừng lo về ngày tháng và mô tả chi tiết bởi vì tôi bịa ra chúng.

Trích email của ông Nam

Ngày 26 tháng 4 năm 2006, ông Nam gửi một email khác thông báo cho cô Kim Anh rằng, một quan chức ở Công ty Bay Dịch vụ Miền Nam muốn Nexus thanh toán khoản tiền hối lộ liên quan đến  hợp đồng mua bán hệ thống kiểm soát không lưu.

Sau đó, ông Nam có một email khác, ra lệnh cho cô Kim Anh chuyển tiền vào HKC 1 và ngày 23 tháng 5 năm 2006, cô Kim Anh đã chuyển khoảng $63.000 đô la vào tài khoản HKC 1 ở Hồng Kông. Đến ngày 5 tháng 6, HKC 1 đã chuyển số tiền này vào một tài khoản được cáo trạng chuyển sang tình trạng ẩn danh là “VN 1” tại Việt Nam, để thanh toán cho quan chức đó.

Hồi giữa tháng 11 năm 2006, ông Nam gửi email cho cô Kim Anh. Email viết: "Chúng ta cần HKC 1 lập các các hoá đơn liên quan đến tất cả những lần chuyển tiền để chúng ta ghi đúng các giao dịch này trong sổ sách. Đừng lo về ngày tháng và mô tả chi tiết bởi vì tôi bịa ra chúng".

Trong số các hoá đơn Nexus yêu cầu HKC 1 lập, có một hóa đơn với số tiền khoảng 63.000 đô la.

Hoặc cuối tháng 12 năm 2006, ông Nam gửi email ra lệnh cho cô Kim Anh chuyển 14.200 đô la cho HKC 1 để thanh toán khoản hối lộ lần 2 cho một quan chức ở Công ty Bay Dịch vụ miền Nam  vì đã “hỗ trợ” Nexus trong hợp đồng mua bán hệ thống kiểm soát không lưu. Số tiền này đã được cô Kim Anh chuyển trong cùng ngày từ tài khoản của Nexus vào tài khoản của HKC 1 ở Hồng Kông và HKC 1 đã chuyển để thanh toán cho quan chức mà người ta đang chờ xác định là ai.

Theo cáo trạng mới, Nexus đã có 3 lần chuyển tiền cho quan chức của Công ty Bay Dịch vụ Miền Nam với tổng số tiền khoảng 96.000 đô la.

Một số giao dịch còn lại đối với Trung tâm Quản lý Bay miền Nam và Sân bay Vũng Tàu trong cáo trạng này vẫn không thay đổi.

Những ai ở Công ty T&T đã nhận 76.000 đô la?

Một đối tác khác đã nhận hối lộ để “hỗ trợ” Nexus là Công ty TNHH T&T (T&T Co. Ltd.).

Theo cáo trạng, T&T là một doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, chuyên tham gia vào các hoạt động liên quan đến an ninh biên giới và mua sắm vũ khí cho bộ này.

Vào ngày 10 tháng 5 năm 2005, ông Nam gửi cho cô Kim Anh một email giới thiệu T&T là công ty thuộc chính phủ Việt Nam chuyên mua vũ khí và các thiết bị an toàn.

Ngày 23 tháng 5 năm 2005, Nexus đã chuyển số tiền khoảng 22.325 đô la vào tài khoản của HKC 1 ở Hồng Kông.

Một tuần sau, ông Nam gửi email cho nhân vật - mà cáo trạng của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chuyển vào tình trạng ẩn danh, rồi đặt tên là  “Quan chức A” thuộc Công ty T&T - thông báo rằng, Nexus đã chuyển số tiền đó cho HKC 1 và HKC 1 sẽ chuyển chúng vào tài khoản của quan chức này. Sau khi trừ các chi phí dịch vụ, “Quan chức A” sẽ nhận được $21.872 đô la.

Cùng ngày, HKC 1 đã chuyển đúng khoản tiền ấy vào tài khoản của “Quan chức A”, được mở tại Ngân hàng Thương mại Á châu ở Việt Nam. Trên hướng dẫn chuyển khoản, phần mô tả được ghi là “quà cáp”.

Vào ngày 9 tháng 6 năm 2005, một giao dịch tương tự đã được thực hiện: Nexus chuyển $29.987 đô la từ tài khoản của Nexus vào tài khoản của HKC 1 tại Hồng Kông. Hai tuần sau, HKC 1 chuyển khoản tiền này vào tài khoản của “Quan chức A”, được mở tại Ngân hàng Thương mại Á châu ở Việt Nam. Khoản tiền đó cũng được ghi là “quà cáp” trên hướng dẫn chuyển khoản.

Cùng ngày, HKC 1 đã chuyển đúng khoản tiền ấy vào tài khoản của “Quan chức A”, được mở tại Ngân hàng Thương mại Á châu ở Việt Nam. Trên hướng dẫn chuyển khoản, phần mô tả được ghi là “quà cáp”.

Đầu tháng 8 năm 2005, Nexus chuyển  tiếp 15.653 đô la vào tài khoản của công ty HKC 1 tại Hồng Kông. Giữa tháng 8 năm 2005, HKC 1 chuyển khoản này sang tài khoản của “Quan chức A”.

Giữa tháng 11 năm 2006, ông Nam gửi một email cho cô Kim Anh, cho biết, ông cần các hoá đơn từ HKC 1, trong emaik ông trấn an: "Đừng lo lắng về ngày tháng và mô tả bởi vì tôi đã bịa ra chúng". Trong các hoá đơn ông Nam yêu cầu, có hóa đơn chuyển số tiền gần 8.000 đô la cho công ty T&T. 

Ngày 25 tháng 11 năm 2006, HKC 1 gửi email cho ông Nam, yêu cầu xác nhận lại khoản tiền cần chuyển cho “Quan chức A”, trong cùng ngày, ông Nam trả lời email này, xác nhận rằng, số tiền 7.790 đô la phải được chuyển cho Công ty T&T.  Trong cùng ngày, Nexus đã chuyển đúng số tiền vừa kể từ tài khoản của mình vào tài khoản của HKC 1 ở Hồng Kông để thanh toán cho “Quan chức A”.

Ít nhất, Nexus đã chuyển cho “Quan chức A” của công ty T&T khoảng 76.000 đô la qua bốn lần chuyển tiền.

Ngoài Công ty Bay Dịch vụ miền Nam và Công ty T&T, Nexus còn có những đối tác nào tại Việt Nam? Đó sẽ là nội dung bài kỳ tới, mời quý vị đón xem.

Phần 3

Như đã trình bày vụ công ty Nexus Technologies đưa hối lộ tại Việt Nam, Ngọc Trân tiếp tục tường thuật về những mối quan hệ của công ty Nexus với một số doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.

clip_image004

Các dàn khoan dầu của Vietsovpetro ngoài khơi vùng biển Việt Nam. Photo courtesy of vietsov.com.vn

Vietsovpetro đã dàn dựng gì?

Vietsovpetro là một liên doanh giữa Việt Nam và Liên bang Nga để thăm dò, khai thác dầu khí tại biển Đông.

Theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, ngày 11 tháng 12 năm 2000, ông Joseph Lukas gửi email cho ông Nguyễn Quốc Nam, yêu cầu cho biết chính xác khoản hối lộ cần trả cho Vietsovpetro để ông Lukas làm sổ sách.

Hai ngày sau, ông Nam gửi cho ông Lukas một email. Email viết: “Hôm nay, tôi đã cố gắng để kiếm hợp đồng từ vài người thuộc bộ phận kỹ thuật của Vietsovpetro. Với khoản tiền hoa hồng 15%, chúng ta đã được hứa sẽ là nhà cung cấp”.

Tôi đã cố gắng để kiếm hợp đồng từ vài người thuộc bộ phận kỹ thuật của Vietsovpetro. Với khoản tiền hoa hồng 15%, chúng ta đã được hứa sẽ là nhà cung cấp.

Trích e-mail của ông Nam

Trong một email khác mà ông Nam gửi ông Lukas hồi giữa tháng 4 năm 2002, ông Nam viết: “Chúng ta cần phải lo các khoản hoa hồng cho… ở Vietsovpetro. Tôi muốn chắc chắn là tất cả mọi người ở đây hài lòng. Điều đó sẽ tốt cho tình hình tài chính của chúng ta”.

Khoảng đầu tháng tháng 5 năm 2003, Vietsovpetro ký hợp đồng với ông Lukas, mua hệ thống máy nâng thủy lực, trị giá khoảng 500.000 đô la.

Ngày 27 tháng 2 năm 2004, ông Nam gửi email cho một nhân viên Nexus, trao đổi về thỏa thuận liên quan đến “Tường lửa GenPac”. Email này cho biết, Nexus vẫn còn nợ một quan chức Vietsovpetro khoản hối lộ là 43.340 đô la. Do đó, ông Nam yêu cầu nhân viên đó chuyển khoản tiền tương đương từ tài khoản HKC 2 vào tài khoản HKC 1. Trong cùng ngày, ông Nam gửi email cho HKC 1, cho biết tiền sẽ đến và hướng dẫn cần chuyển tiền cho ai.

Ngày 04 tháng 3 năm 2004, khoản tiền 43.306 đô la đã được HKC 2 chuyển vào tài khoản của HKC 1.

Ngày 10 tháng 3 năm 2004, ông Nam gửi email cho nhân vật điều hành HKC 1 - đối tượng đã được cáo trạng của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chuyển vào tình trạng ẩn danh với tên “VN 1”, yêu cầu “VN 1” phải làm xong hóa đơn.

“VN 1” gửi email hỏi ông Nam cần ghi gì vào hóa đơn đó. Sau đó, HKC 1 xuất ra một hóa đơn cho Nexus, thời hạn xuất hoá đơn được kéo lùi lại một tháng.

Đến giữa tháng 3 năm 2004, HKC 1 chuyển 42.440 đô la vào tài khoản của quan chức Vietsovpetro, mở tại Ngân hàng Thương mại Á Châu ở Việt Nam.

Vietsovpetro bảo rằng, chúng ta đã được thanh toán cho hợp đồng này rồi. Làm ơn xác nhận để có thể chi trả tiền hoa hồng.

Trích e-mail của ông Nam

Khoảng giữa tháng 1 năm 2006, ông Nam gửi email cho nhiều nhân viên của Nexus, thông báo về việc chuẩn bị ký một hợp đồng cung cấp cho Vietsovpetro máy phun làm sạch bề mặt thiết bị. Theo email này, người của Vietsovpetro từ chối thảo luận về khoản tiền hối lộ qua email và yêu cầu trao đổi qua điện thoại internet.

Giữa tháng 3 năm 2006, ông Nam gửi email cho cô Kim Anh, thông báo rằng ông ta đã thực hiện thành công hành vi gian lận trong đấu thầu để thắng hợp đồng mua bán máy vừa kể: Vietsovpetro đã trợ giúp ông Nam bằng cách sắp xếp cho hai công ty khác chào giá cao hơn, nên Nexus được chọn.

Ngày 26 tháng 10 năm 2006, ông Nam gửi một email khác cho cô Kim Anh, thông báo về một hợp đồng khác với Vietsovpetro. Email viết: “Vietsovpetro bảo rằng, chúng ta đã được thanh toán cho hợp đồng này rồi. Làm ơn xác nhận để có thể chi trả tiền hoa hồng”.

Vào ngày 17 tháng 9 năm 2007, ông Nam gửi email cho một nhân viên của Nexus ở Việt Nam, thảo luận về số tiền hối lộ đang nợ các quan chức thuộc nhiều công ty khác nhau, trong đó có Vietsovpetro.

clip_image005

Nhà máy xử lý khí Dinh Cố của Công ty Petro Gas Việt Nam. Photo courtesy of PVGas

Petro Gas Việt Nam cũng không kém

Trong cáo trạng mới, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ còn đề cập đến hoạt động đưa - nhận hối lộ giữa Nexus và Công ty Petro Gas Việt Nam.

Ngày 17 tháng 10 năm 2000, ông Joseph Lukas gửi email cho ông Nam để bàn về “hoa hồng” cho “người ủng hộ” ở Petro Gas Việt Nam, kèm tuyên bố: “Tốt! Làm đi! Có thư tín dụng xác nhận chúng ta không thể mất”.

Một năm sau, qua một email khác, ông Lukas thông báo với ông Nam rằng, khoản tiền mà Petro Gas Việt Nam thanh toán thấp hơn dự kiến. Sở dĩ có sự sai biệt đó là vì phải trả tiền hối lộ cho quan chức của Petro Gas Vietnam.

Cáo trạng mới của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không cho biết, hai email này liên quan tới hợp đồng nào giữa Nexus và Petro Gas Việt Nam.

Khoảng đầu tháng 8 năm 2004, một nhân viên của Nexus gửi email cho ông Nam, yêu cầu xem lại cách anh ta tính tiền trả cho Petro Gas Việt Nam trong một hợp đồng mua bán phụ tùng. Ông Nam đã chuyển email này cho cô Nguyễn Kim Anh, yêu cầu cô xem lại để chuyển số tiền khoảng 10.000 đô la.

Ngày 13 tháng 8, cô Kim Anh gửi email hỏi ông Nam xem số tiền phải trả cho Petro Gas Việt Nam có cần phải chuyển qua công ty HKC 1 hay không. Ông Nam hồi đáp với chú thích “khẩn cấp”, chỉ đạo cho cô chuyển tiền ngay, để đổi lấy sự hỗ trợ của một quan chức có liên quan đến một hợp đồng sẽ ký hôm đó. Ba ngày sau, khoản tiền này được chuyển về Việt Nam.

Nhà máy xử lý khí Dinh Cố của Công ty Petro Gas Việt Nam. Photo courtesy of PVGas

Vào ngày 20 tháng 10 năm 2006, Nexus còn chuyển 21.597 đô la cho HKC 1 để thanh toán tiền hối lộ cho một quan chức của Petro Gas Việt Nam trong một hợp đồng khác. Liên quan đến hợp đồng này, giữa tháng 11 năm 2006, ông Nam gửi email cho cô Nguyễn Kim Anh báo rằng, ông cần các hóa đơn từ HKC 1. Ông tiếp tục viết: "Đừng lo lắng về ngày tháng và mô tả chi tiết bởi vì tôi bịa ra chúng". Trong số các hoá đơn mà ông yêu cầu, có một hóa đơn với số tiền 21.597 đô la.

Ngày 11 tháng 5 năm 2007, cô Kim Anh yêu cầu  ông Nam xác nhận việc “giải quyết” số tiền 21.841 đô la, liên quan tới hợp đồng “Carrier” với Petro Gas Việt Nam.

Vào ngày 28 tháng 5 năm 2007, ông Nam nhận được email từ Việt Nam, cho biết Nexus nợ 22.403 đô la do liên quan tới việc bán  máy lạnh cho Petro Gas Việt Nam. Ngày 13 tháng 6 năm 2007, cô Kim Anh chuyển 22.403 đô la vào tài khoản HKC 1 tại Hong Kong, để chuyển về Việt Nam thanh toán cho quan chức của Petro Gas Việt Nam.

Ngày 5 tháng 7 năm 2007, HKC 1 chuyển số tiền khoảng $22,000 vào tài khoản của nhân vật đứng đầu HKC 2 đã được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chuyển qua tình trạng ẩn danh là “VN 2”, sống tại TP. HCM. Hai hôm sau, “VN 2” gửi email cho ông Nam, thông báo đã nhận được tiền nhưng thiếu 441 đô la. Ông Nam trả lời “VN 2” rằng, khoản thiếu hụt là chi phí chuyển tiền. 

Vụ Nexus chắc chắn chưa ngừng ở đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và tường trình khi có thông tin mới.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nexus-technologies-case-nt-05032010132908.html

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nexus-technologies-case-Ntran-05032010152849.html

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/How-did-nexus-technologies-make-business-in-vietnam-Part-3-Ngtran%20-05032010200017.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn